Thần Thoại Hy Lạp

Quyển 2 - Chương 42: Cái chết của Orphée


trước sau

Eurydice chết thấm thoắt đã được bốn năm rồi. Bốn năm đã trôi qua nhưng Orphée vẫn không sao quên được hình ảnh người vợ yêu dấu của mình. Nỗi thương nhớ người vợ sớm phải lìa đời cứ bám chặt lấy trái tim chàng như những cái vòi của con bạch tuộc không có gì có thể kéo dứt ra được. Chàng sống âm thầm, lặng lẽ với cây đàn vàng của mình. Chàng chẳng tham dự những cuộc hội hè vui chơi với các bạn. Bạn trai chẳng làm cho chàng vui, bạn gái cũng chẳng làm cho chàng quên đi được Eurydice. Nhiều cô gái xinh đẹp tỏ lòng thương mến chàng, muốn lấp nỗi trống trải của đời chàng nhưng chàng không biểu lộ chút tình cảm gì đáp ứng lại cho nên chàng bị mang tiếng là người căm ghét đàn bà.

Lại một năm nữa trôi qua. Mùa xuân đến với sức sống hồi sinh đem lại cho vạn vật muôn loài một niềm vui tưng bừng khí sắc. Orphée đón chào cuộc sống đổi sắc thay da với những tiếng đàn lời hát của mình. Chàng với cây đàn vàng đi khắp đó đây ca hát về sự kỳ diệu của trời đất, cỏ cây, hoa lá, về cuộc sống vĩnh hằng của chúng, về vẻ đẹp của chúng, về tình yêu chung thủy của chúng đối với loài người. Nghe tiếng đàn, tiếng hát của chàng, núi rừng xốn xang, náo nức. Cây cối xòe những chiếc lá xanh non ra múa theo tiếng nhạc, lời ca. Thú vật, chim chóc trong rừng lại rủ nhau đến ngồi bên bờ suối lắng nghe. Còn con suối thì lại thì thầm nhẩm theo lời ca của Orphée để học thuộc lòng bài ca về cuộc sống đang sinh thành. Chàng đang say sưa ca hát thì bỗng nghe thấy từ xa vẳng lại tiếng cười đùa, hò hét huyên náo, cuồng nhiệt. Đó là những thiếu nữ, phụ nữ tham dự lễ rước hội vui thờ thần Dionysos ra về. Người ta thường gọi họ là những Bacchantes hoặc Ménades. Họ vừa đi vừa vui đùa một cách buông thả phóng túng và ngày càng đến gần Orphée đang ngồi gảy đàn và ca hát. Một người phụ nữ trông thấy chàng, kêu lên:

- Chúng mày ơi, cái tên căm ghét đàn bà kia rồi!

Và cả bọn cùng reo lên:

- Đúng rồi, cái tên căm ghét chị em chúng mình đấy!

- Orphée đấy! Dần cho hắn một trận đi!

- Cho hắn biết tay chị em chúng mình đi!

- Cho hắn về thế giới của thần Hadès với nàng Eurydice của hắn đi!

Cứ thế những lời tục tĩu buông ra để giễu cợt, nhạo báng Orphée. Orphée vô cùng đau đớn khi thấy họ đem tâm tư, tình cảm của mình ra làm một trò đùa tàn ác. Chưa bao giờ trong đời, chàng bị xúc phạm thô bạo như bây giờ. Đau đớn hơn nữa họ lại xúc phạm đến cả Eurydice của chàng, nhưng chàng vẫn cứ ca hát, chàng vẫn cứ ca hát về những điều đẹp đẽ cao thượng trên thế gian này. Chàng vẫn cứ ca hát với niềm tin trên thế gian này điều xấu xa, tàn bạo, thô thiển sẽ ngày càng ít đi và những điều đẹp đẽ, cao thượng, nhân ái sẽ ngày càng nhiều hơn.

Trêu chọc khiêu khích Orphée vô hiệu, thế là đám phụ nữ xông vào chàng. Một cây gậy thyrse phóng vào Orphée, nhưng một cây trường xuân đã tung những dây của mình ra kịp thời quấn chặt lấy cây gậy cản nó lại không cho nó xâm phạm đến người Orphée. Một hòn đá bay về phía người chàng, nhưng hòn đá say mê tiếng hát của người danh ca đã không nỡ làm việc độc ác. Nó rơi ngay xuống trước mặt chàng. Tiếng hò hét của lũ đàn bà mất trí, độc ác, tàn bạo càng điên cuồng thì Orphée càng bình tĩnh. Chàng vẫn cứ ca hát. Chàng những muốn dùng lời ca tiếng hát để ca hát cảm hóa họ, nhưng lũ người điên cuồng đó đã xúm đến vây quanh lấy chàng như một lũ chó sói vây quanh lấy một con hươu hay một con nai lạc đàn. Orphée van xin họ đừng giết mình nhưng họ chẳng thèm đếm xỉa. Thế là những cây gậy thyrse quật tới tấp vào người Orphée. Orphée ngã vật xuống đất giãy giụa hồi lâu rồi tắt thở.

Nhưng lũ người bạo ngược đó vẫn chưa thôi. Họ còn hành hạ thi thể của Orphée. Họ chặt đầu chàng quăng xuống dòng sông Hébros198, phanh thây chàng vứt đó đây, họ vứt cả cây đàn vàng của chàng xuống dòng nước chảy xiết của con sông xanh xanh. Nhưng kỳ lạ sao, cây đàn bị vứt xuống lòng sông vẫn vang lên những âm thanh réo rắt, trầm bổng của mình, những âm thanh đã từng làm xúc động lòng người. Dòng sông đã thay ngón tay của người nghệ sĩ gảy tiếp những khúc nhạc tuyệt diệu của chàng. Nó khóc than thương tiếc cho cái chết đau đớn, oan uổng của người danh ca. Những bụi lau, bụi sậy bên bờ sông buồn bã nghiêng đầu tưởng niệm và cùng hòa theo tiếng than khóc đau thương của dòng sông. Tất cả rừng cây, núi non, sông suối, chim muông đều thương nhớ Orphée. Thôi thế từ đây Orphée và tiếng đàn, tiếng hát của chàng sẽ chẳng còn vang lên trong rừng núi mỗi buổi sớm mai hay lúc chiều tà nữa rồi! Thôi thế từ đây núi non, cỏ cây, sông suối, chim muông chẳng còn niềm vui được nghe tiếng đàn, tiếng hát, bởi vì Orphée, người danh ca có một không hai của tình yêu và cuộc sống, của thiên nhiên và sự bất tử đã chết rồi! Tất cả đều thương nhớ Orphée và khóc than cho cái chết của chàng. Con hổ đưa tay lên gạt nước mắt. Lũ sói gục đầu vào nhau khóc nức nở. Con voi to lớn mắt buồn rười rượi để lăn từng giọt nước mắt nặng nề, chậm rãi xót xa. Chó sói ngửa mặt lên trời nấc lên từng cơn đau đớn... Nước mắt của chúng, biết bao con vật, tuôn chảy xuống dòng sông, con suối làm dòng sông, con suối tràn đầy. Còn các tiên nữ Nymphe, những tiên nữ của rừng cây, dòng suối rũ tóc và mặc đồ đen để tang chàng. Dòng sông Hébros đưa cây đàn vàng và chiếc đầu của Orphée đi ra biển cả. Hòn đảo Lesbos199 đón lấy chiếc đầu của Orphée và cây đàn. Từ đó, tiếng đàn ca lại vang lên trên hòn đảo này. Thần Apollon xin với thần Zeus cho phép cây đàn vàng được bay lên trời cao sống giữa các chòm sao200.201 Còn những nàng Muses đi thu thập thi hài của người danh ca vĩ đại và làm lễ an táng cho chàng dưới chân núi Olympe.

Linh hồn Orphée về dưới âm phủ. Chàng gặp lại người vợ yêu dấu thân thiết của mình. Họ chẳng bao giờ xa lìa nhau nữa, và từ nay trở đi, Orphée có thể nhìn thẳng vào khuôn mặt dịu hiền và xinh đẹp của vợ mình mà không một lần nào phải hối hận. Hơn nữa, họ cũng chẳng bao giờ phải chịu cái cảnh kẻ đi trước, người theo sau! Và Orphée cũng chẳng bao giờ phải lo âu về nỗi không biết Eurydice có đi theo kịp mình không.

Có truyền thuyết kể, Orphée bị chết không phải vì tội đã “căm ghét” phụ nữ, khước từ những tình cảm của họ, mà là vì đã khước từ lời mời tham dự nghi lễ Orgies của những người Bacchantes, Ménades, một nghi lễ tôn giáo cuồng loạn, phóng túng, buông thả trong Hội Dionysos. Một nguồn khác kể Orphée bị Dionysos trừng phạt vì tội đã tận tụy thờ thần Apollon, do đó gây nên sự coi thường việc thờ cúng Dionysos. Nhìn chung, Orphée bị những Bacchantes, Ménades hay Dionysos giết đều cho ta thấy có sự “cạnh tranh” giữa sự thờ cúng hai vị thần Apollon và Dionysos.

Huyền thoại Orphée là một trong những huyền thoại được lưu truyền phổ biến nhất trong thế giới cổ đại. Ngày nay chúng ta còn lưu giữ được khá nhiều bức vẽ trên tường (fresque) những bình vại có vẽ tích chuyện Orphée. Ở những hầm mộ ta thấy vẽ Orphée ngồi gảy đàn, xung quanh là các thú vật ngồi ngoan ngoãn, hiền lành chăm chú lắng nghe. Thiên Chúa giáo sơ kỳ trong những thế kỷ đầu, coi Orphée là người sáng tạo ra thế giới, là người báo trước sự xuất hiện nhà tiên tri của Kinh Cựu Ước, Ésaie.

Ngày nay, trong văn học thế giới, Orphée là biểu trưng cho người nhạc sĩ, ca sĩ danh tiếng, xuất sắc, đồng nghĩa với người nhạc sĩ, ca sĩ danh tiếng. Người ta lấy tên Orphée để đặt cho một cuộc thi ca nhạc nào đó và đặt giải thưởng mang tên Orphée.

***

Trong gia tài thần thoại Hy Lạp có khá nhiều chuyện về âm nhạc. Chắc chắn rằng những huyền thoại về sức mạnh của âm nhạc, tài năng âm nhạc của thần thánh hoặc con người chỉ có thể ra đời vào một thời kỳ muộn hơn ít nhất cũng từ chế độ thị tộc phụ quyền. Thật ra thì chỉ vào thời kỳ chế độ thị tộc phụ quyền mới xuất hiện khá phong phú loại thần thoại anh hùng. Nhân vật anh hùng là những dũng sĩ đã giết quái vật, trừng trị bạo chúa, phò nguy cứu khốn. Nhưng nhân vật anh hùng còn là người thợ giỏi, người nghệ sĩ, phản ánh trình độ phân công trong xã hội và trình độ văn minh đã phát triển. Có ba câu chuyện về âm nhạc khiến chúng ta không thể không chú ý:

1 - Truyện Marsyas thách thức thần Apollon thi tài âm nhạc, kết quả Apollon thắng, lột da Marsyas để trừng trị về tội phạm thượng.

2 - Truyện thần Pan mời Apollon thi tài âm nhạc, kết quả Apollon thắng, kéo tai vị giám khảo “đức vua” Midas dài ra thành đôi tai lừa.

3 - Truyện Orphée, người ca sĩ danh tiếng.

Ở hai truyện đầu, trong hai cuộc thi tài âm nhạc, vua Midas đều được mời làm một thành viên trong ban giám khảo, và cả hai truyện đó, Midas đều đã không “bỏ phiếu” cho Apollon, và ở hai cuộc thi đó, Apollon đều giành giải nhất song đều nổi giận và giáng đòn trừng phạt. Lần thứ nhất, Apollon trừng phạt kẻ thua cuộc theo một cam kết trước giữa hai đối thủ: kẻ thua phải nộp mình cho người chiến thắng. Thần không hề tức giận vì giám khảo Midas mà chỉ tức giận tên Marsyas đã thách thức thần đua tài. Lần thứ hai, Apollon lại không trừng phạt thần Pan, kẻ đã thách thức mình đua tài mà trừng phạt vị giám khảo Midas. Đòn trừng phạt cũng khác. Lần đầu thật tàn ác, khủng khiếp. Lần sau thật nhẹ nhàng và chẳng có gì đau đớn... Nhưng xét kỹ ra thì “đau” vô cùng. Ta có thể phỏng đoán rằng truyện đầu ra đời vào một thời kỳ sớm hơn, vào lúc các vị thần còn tràn đầy “thói tự ái” kiêu căng, chưa quen với việc hạ mình đua tài với một đối thủ không đứng trong hàng ngũ các vị thần. Còn truyện sau hẳn rằng phải ra đời vào một thời kỳ muộn hơn. Chắc chắn rằng xã hội phải đã phát triển đến một trình độ như thế nào đó, những cuộc đua tài trong các hội hè phải phát triển phong phú đến mức độ như thế nào đó thì mới xuất hiện “vấn đề giám khảo”, mới xuất hiện nỗi bực tức, giận dữ đối với một vị giám khảo
ngu dốt. Mặc dù Apollon vẫn thắng trong cuộc thi, mặc dù quyết định của vị giám khảo Midas chẳng mảy may có một chút ảnh hưởng gì đến ngôi thứ, vị trí của Apollon trong cuộc thi, nhưng Apollon vẫn cứ tức giận, vẫn cứ nổi cơn thịnh nộ. Đã giành được giải nhất rồi thì vui mừng, phấn khởi và yên tâm ra về chứ còn bực tức mà làm gì? Mà thử hỏi bực tức vì cái nỗi gì cơ chứ? Phải chăng đây là thói quen hống hách của các vị thần? Không đâu! Đó là một sự phẫn nộ chính đáng, một sự bực tức rất đáng quý mà loài người chúng ta phải biết ơn Apollon và chúng ta có thể và cần phải biết bực tức và có nỗi bực tức như Apollon. Giành được giải nhất rồi mà Apollon vẫn bực tức. Bực tức vì nỗi không hiểu vì sao có một vị vua ngu dốt đến như thế mà lại làm giám khảo! Hoặc ngược lại, không hiểu vì sao mà lại có một vị giám khảo ngu dốt đến thế? Phải trừng trị cái sự ngu dốt của vị giám khảo này. Nhưng cách trừng trị lần này không dã man như lần trước; lần này Apollon trừng trị một cách văn minh hơn: kéo tai vị giám khảo ngu dốt - nhà vua Midas - thành đôi tai lừa. Sự ngu dốt đã bị kết án. Sự ngu dốt đã bị thích chàm vào mặt, đóng một cái dấu chích vào trán. Hiển nhiên ý thức xã hội phải phát triển đến một trình độ như thế nào đó mới có thể nảy sinh ra một câu chuyện lý thú đến như thế, sâu sắc đến như thế, và ý thức của con người cũng phải đã trưởng thành đến một trình độ như thế nào đó mới có thể có cái tâm lý như vua Midas: xấu hổ về đôi tai lừa của mình, muốn che giấu đôi tai lừa tức sự ngu dốt của mình. Nhưng người xưa không nhân nhượng với sự ngu dốt, vì thế sự che giấu của Midas hoàn toàn thất bại, hoàn toàn vô ích. Cấm gì thì cấm, che giấu gì thì che giấu, chứ cấm sao được miệng thế gian, che giấu sao được miệng thế gian. Bác thợ cạo phải nói ra bằng được cái sự thật: vua Midas có đôi tai lừa, thì mới khỏi ấm ức, bứt rứt trong lòng. Còn nhân dân thì bao giờ cũng là sức mạnh của sự thật. Nhân dân vẫn kháo chuyện “Vua Midas có đôi tai lừa! Vua Midas có đôi tai lừa! Vua Midas chỉ được mỗi cái làm vua chứ còn dốt ơi là dốt, chỉ được mỗi cái giàu chứ còn ngu ơi là ngu, ngu như lừa”. Một câu chuyện huyền thoại, vô lý nhưng mà dễ sợ thật, đáng giật mình thật. Vì lẽ đó chúng ta càng hiểu được vì sao K. Marx gọi sự ngu dốt là một “sức mạnh ma quỷ”, và ông đã chỉ ra cho chúng ta thấy một sự thật đơn giản: “Đối với lỗ tai không thích âm nhạc thì âm nhạc hay nhất cũng không có nghĩa gì cả”, “Nếu anh muốn hưởng thụ nghệ thuật thì anh phải là con người được huấn luyện về nghệ thuật”202.

Truyện vua Midas có đôi tai lừa như vậy có thể cho phép chúng ta xác định một cách có căn cứ rằng truyện là sản phẩm của thời kỳ cổ điển của chế độ chiếm hữu nô lệ. Chỉ có trong bối cảnh của sự phát triển văn hóa, khoa học nghệ thuật của thời kỳ cổ điển mới có thể xuất hiện một sự trưởng thành về ý thức xã hội như vậy như trong câu chuyện. Biết căm giận sự ngu dốt, biết chế nhạo sự ngu dốt hẳn rằng không thể là ý thức xã hội của một chế độ xã hội chưa biết đến văn hóa, khoa học, nghệ thuật, tóm lại, chưa thoát khỏi tình trạng dã man. Đến truyện thứ ba, truyện Orphée, thì lại có một sắc thái khác. Giờ đây tài năng âm nhạc chuyển vào một con người, một người trần thế đoản mệnh chứ không phải một vị thần bất tử. Âm nhạc ở đây được kể cụ thể hơn, gắn với tình yêu trong sáng, đẹp đẽ, thủy chung. Tình yêu được âm nhạc làm cho thêm ý nghĩa, thêm sức mạnh, thêm nghị lực. Vì tình yêu và bằng tài năng âm nhạc, Orphée, người ca sĩ danh tiếng của những người trần thế đã thức tỉnh được lòng nhân ái của thế giới âm phủ và vị vua của thế giới ấy để xin lại cuộc sống cho người vợ hiền thảo của mình. Tiếc thay, chàng Orphée tài năng và đáng yêu của chúng ta lại vi phạm vào điều ngăn cấm của thần Hadès! Nhưng làm thế nào được! Âm nhạc và tình yêu cuộc sống là một chuyện, còn quy luật của cuộc sống lại là một chuyện khác. Nhưng chỉ như thế thôi cũng đủ cho chúng ta thấy sức mạnh của tình yêu cuộc sống và âm nhạc như thế nào rồi. Orphée là người nghệ sĩ chân chính của âm nhạc chân chính: âm nhạc từ trái tim thiết tha yêu cuộc sống (như là sự đối lập với cái chết), từ trái tim thiết tha muốn làm cho cuộc sống thi vị, cao thượng, đẹp đẽ hơn lên. Rất có thể có một dạng chuyện khác mà chi tiết Orphée bị những Bacchantes giết chết phản ánh sự cạnh tranh giữa hai tín ngưỡng Apollon và Dionysos. Nhưng trong “cơ chế” của câu chuyện này, hành động của những Bacchantes, Ménades giết chết người ca sĩ danh tiếng mang một ý nghĩa phê phán sâu sắc, một ý nghĩa ngụ ngôn sâu sắc: sự thô bạo, sự tầm thường, sự phàm tục, tóm lại là những tình cảm thấp hèn đã giết chết âm nhạc. Chẳng ai coi những hành động của những Bacchantes, Ménades xúc phạm thô bỉ đến Orphée và giết chết Orphée một cách dã man, tàn bạo như một chiến thắng vẻ vang của tôn giáo Dionysos. Thật vậy, âm nhạc, và suy rộng ra, nghệ thuật, vốn không thể dung hòa được với thói thô bạo, tầm thường, phàm tục. Một câu chuyện chứa đựng những ý nghĩa nhân văn sâu sắc như thế hoàn toàn có thể cho phép chúng ta xác định nó là sản phẩm của thời kỳ cổ điển, hơn nữa là một thành tựu xuất sắc của thời kỳ cổ điển, và đúng là chế độ chiếm hữu nô lệ ở Hy Lạp đã trải thảm đỏ để mời thần thoại bước vào thời kỳ cổ điển của mình. Thần thoại đã được văn minh hóa để trở thành một công cụ, một vũ khí phục vụ cho nền văn minh của chế độ chiếm hữu nô lệ. Qua chuyện vua Midas có đôi tai lừa và truyện Orphée, chúng ta thấy được trình độ nhận thức thẩm mỹ của con người cổ đại đã phát triển. Truyện Midas chỉ ra sự ngu dốt có khả năng, đúng là mới chỉ có khả năng, làm hại nghệ thuật, giết chết nhân tài. Còn truyện Orphée thì đã chỉ rõ ra, sự thô bạo, thói tầm thường, phàm tục, những tình cảm thấp hèn đã giết chết tươi âm nhạc, nghệ thuật. Truyện Midas với âm điệu hài hước, châm biếm sâu cay. Truyện Orphée với âm điệu thơ mộng, lãng mạn, cảm động, xót xa.

Những truyện nói trên, hơn bất cứ chuyện nào khác, ra đời với dụng ý ngụ ngôn như là những bài học, những kinh nghiệm của người cổ đại Hy Lạp trong quá trình xây dựng nền văn hóa, văn minh. Chính một phần nhờ vào những bài học và kinh nghiệm này (phần lớn nhờ vào cơ chế tổ chức cộng hòa dân chủ của Nhà nước chiếm hữu nô lệ - polis) mà những người Hy Lạp đã sáng tạo ra được một nền nghệ thuật làm chúng ta hết sức ngạc nhiên và khâm phục, một nền nghệ thuật mà như lời F. Engels nói khi đánh giá nền văn minh cổ đại Hy Lạp: “Những hình thức huy hoàng của nó đã làm tiêu tan những bóng ma của thời Trung cổ”203. Thời Trung cổ đã chẳng tiếp thu được những di sản văn hóa, những bài học và những kinh nghiệm của nền văn minh cổ đại. Giáo Hội Thiên Chúa giáo và chính quyền phong kiến thực hiện một nền chuyên chính tàn khốc nhất và đẫm máu nhất trong lịch sử để duy trì và bảo vệ vị trí độc tôn của hệ tư tưởng Thiên Chúa giáo. Thần học là thống soái. Chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa kinh viện, chủ nghĩa ngu dân tôn giáo, chủ nghĩa sùng bái, nịnh bợ giáo hoàng và giới tăng lữ ngu dốt, đạo đức giả đã thẳng tay đàn áp mọi xu hướng tự do tư tưởng, bóp chết óc suy xét, tinh thần phê phán, sáng tạo. Số phận của nền văn minh xã hội bị giao phó vào tay những vị vua như vua Midas có đôi tai lừa, cho nên xã hội Trung cổ là một xã hội bảo thủ, ngưng đọng, trì trệ. F. Engels đã gọi một nghìn năm thống trị của chế độ phong kiến và hệ tư tưởng Thiên Chúa giáo ở Tây Âu là “giấc ngủ mùa đông lâu đài”. Trong xã hội đó chỉ tồn tại chủ yếu có nền văn minh chính thống của giáo hội truyền dạy cho con người chủ nghĩa bi quan, chủ nghĩa định mệnh tôn giáo, thói nhẫn nhục, khuất phục. Nghệ thuật Trung cổ, trong một mức độ lớn, chỉ là sự minh họa cho tư tưởng Thiên Chúa giáo. Thần thoại Thiên Chúa giáo nằm trong lĩnh vực thiêng liêng của sự thờ cúng... Đó là bài học lịch sử của nhân loại và cũng là bài học về giá trị của nền văn minh cổ đại: Chính vì lẽ đó mà chúng ta có thể hiểu được sâu sắc hơn câu nói đầy ý nghĩa sau đây của Gogol: “Hãy mang theo tất cả những cảm xúc của tâm hồn nhân loại. Đừng bỏ nó ở dọc đường rồi sau đó lại nhặt lên”.

198 Hébros là một con sông ở xứ Thessalie, ngày nay là sông Naritsa.

199 Lesbos là một hòn đảo ở ven biển Tiểu Á, ngày nay là Mytilène.

200 Chòm sao Lyre ở giữa chòm sao Véga.

201 Tác giả nhầm; Lyre là một chòm sao, Véga là một ngôi sao. Véga là ngôi sao sáng nhất nằm trong chòm sao Lyre (Chú thích của Nguyễn Tuấn Linh).

202 K. Marx, Bản thảo kinh tế-triết học năm 1884. NXB Sự thật, Hà Nội, 1962, tr. 137-183.

203 F. Engels, Biện chứng của tự nhiên. NXB Sự thật, Hà Nội, 1971, tr. 13.[youtube][/youtube]

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện