Tháng Ngày Giành Ảnh Đế Với Thái Tử

48: Chương 47


trước sau


Tình cờ.
Bữa tiệc hai người kết thúc bằng việc Lý Tùng Nhất say rượu buông lời cay nghiệt: "Trần Đại Xuyên! Tôi nói cho anh biết, liên minh giữa chúng ta kết thúc rồi! Từ giờ trở đi, chúng ta là đối thủ của nhau.

Tôi nói cho anh hay, anh cầm bao nhiêu cúp ảnh đế thì tôi đây phải cầm bấy nhiêu! À không, phải nhiều hơn anh một cái tôi mới hả dạ!"
Sáng hôm sau tỉnh giấc, Lý Tùng Nhất nhớ lại lời hùng hồn của mình rồi bắt đầu sượng cứng.
Trần Đại Xuyên đã ra ngoài, Lý Tùng Nhất quanh quẩn trong biệt thự trống trải hồi lâu bèn quyết định khám phá căn phòng làm việc.
Quả nhiên, ở một vị trí dễ thấy trong phòng đặt chiếc tủ cao ngang người mà Trần Đại Xuyên đã nói.

Lý Tùng Nhất nhìn hàng loạt chiến tích chói lọi với nhiều hình thù khác nhau mà rơi vào trầm tư, tự hỏi nếu mình giấu nhẹm vài cúp thì có hy vọng thắng Trần Đại Xuyên không.
Sau hôm qua, Lý Tùng Nhất hiếm khi gặp lại anh.
Trần Đại Xuyên bận tối mày tối mặt ở công ty, đa số đều sống ở Thiên Thần Plaza trên đường vành đai 2; cuối tuần nhàn nhã hơn một chút, anh mới có thể trích hai giờ đồng hồ lái xe về biệt thự.

Dẫu sao mỗi lần trở về, trò tiêu khiển mà họ thường làm là xem phim điện ảnh có thời lượng chừng hai giờ trong phòng chiếu phim.

Nhân lúc cảm xúc dâng trào, hai người sẽ thảo luận về cốt truyện, diễn xuất, âm nhạc, cảnh quay hay thậm chí là tin đồn của diễn viên thủ vai.

Mỗi thứ một ít, thích gì nói đó, chẳng có thứ tự nào cả.
Đôi khi hai người còn diễn ngẫu hứng một đoạn kinh điển trong cốt truyện, có lúc thực hiện từng bước cách nghiêm túc, dù là gì thì cả hai vẫn dư sức hold; có lúc chẳng biết ai lên cơn trước, phát huy tự do rồi đá hẳn cốt truyện ra chuồng gà.
Mỗi lần Trần Đại Xuyên chuẩn bị trở về, Lý Tùng Nhất lại bắt đầu băn khoăn chẳng biết lần này nên xem phim gì.
Tào Xuân Lan uyên bác, thường giới thiệu cho Lý Tùng Nhất vài tác phẩm hay nhưng không phổ biến.

Cậu bèn tìm thử trong kệ DVD của Trần Đại Xuyên, thế mà có thể tìm thấy tất tần tật —— Nhiệm vụ bây giờ chỉ cần trải chúng ra bàn, chờ đến lượt "thị tẩm" thôi.
Bỗng một ngày nọ, Lý Tùng Nhất phát hiện Trần Đại Xuyên mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế nhẹ, và còn gian xảo nữa chứ.
Đĩa phim nhất định phải sắp xếp theo quốc tịch và thể loại.

Tỷ dụ như cột đầu tiên theo chiều ngang chất đầy phim tâm lý tội phạm ứng với hàng dọc đầu tiên của nước Anh; các phim cùng loại thường có thứ tự cố định, lấy ở đâu thì đặt lại ở đó.
Thời gian đầu Lý Tùng Nhất chưa quen nên thường quên, cứ nhét bừa đĩa phim vào chỗ trống bất kỳ mỗi khi xem xong.
Trần Đại Xuyên thấy rõ, song cố ý không lên tiếng.

Anh chọn ngay thời điểm Lý Tùng Nhất vừa rút tay về để gõ một phát, bởi đấy là phút giây duy nhất cậu đang lơ đãng.
Tay cậu tê rần, suýt thì bật khóc.
Ấy vậy Trần Đại Xuyên hãy còn cười: "Nhớ kỹ chưa?"
Lý Tùng Nhất bị đánh hoài, đành rưng rưng nước mắt khắc ghi trong lòng.
*
Sau một thời gian dài, Lý Tùng Nhất gần như quên bẵng cuộc sống trong giới giải trí.
Thoáng cái mà đã giải nghệ nửa năm.

Chỉ khi trò chuyện với những người bạn cũ, cậu mới nhớ về cảm giác phấn khích dưới ánh đèn flash ngày nào.
"Sơn Hải Kinh: Nam Sơn" đã quay khoảng hai tháng.

Mỗi khi Triệu Thi Ảnh và Lý Tùng Nhất tán gẫu, hầu hết hai người đều nói về việc quay phim và những chủ đề xoay quanh lòng cảm kích.

Bởi Triệu Thi Ảnh chẳng phải là người duy nhất muốn cảm ơn Lý Tùng Nhất ba lần một ngày, mà còn có cậu chàng Hà Gia.
Hà Gia biết Triệu Thi Ảnh và Lý Tùng Nhất thân nhau.

Sau khi thấy hai người vẫn còn liên lạc, cậu ta đã nhờ cô gửi lời cảm ơn cho Lý Tùng Nhất.

Hà Gia hiểu, giả sử Lý Tùng Nhất tránh mặt mình khi giảng giải cho Triệu Thi Ảnh trong buổi thử vai thì ngay cả khi Lý Tùng Nhất tạm thời giải nghệ, nhân vật Phỉ Kỷ cũng không thuộc về cậu.
Lý Tùng Nhất cười nhẹ.

Nếu bạn cùng phòng là một người khác, cậu cũng làm vậy thôi.

Mục đích chính của cậu là muốn hất đổ xô nước của Tưởng Nghiêu, muốn cho hắn nếm mùi "dã tràng xe cát".
Cảnh bữa nay siêu khó, mọi người đều NG.

Tôi cũng NG mấy lần, Hà Gia là thê thảm nhất.

Đạo diễn mắng xối xả cả dàn diễn viên chính, thực ra tụi tôi cũng quen rồi.

Nhưng tôi thấy Hà Gia ngồi khóc một mình trong góc, nhìn thấy thương lắm.


Dầu gì nhóc đó còn là sinh viên, chưa có kinh nghiệm nhiều.

Tôi tới an ủi mà Hà Gia cứ bảo cảm thấy có lỗi với anh, phụ lòng anh này nọ.

Cậu nhóc này, thật là...
Lý Tùng Nhất đọc tin nhắn WeChat của Triệu Thi Ảnh, chợt nghĩ đến cảnh khi Trần Đại Xuyên dạy cậu đóng phim thần tượng vào một năm trước.
Lý Tùng Nhất bèn trả lời: Gửi WeChat của tôi cho Hà Gia đi.
Lý Tùng Nhất quyết trở thành một đàn anh có tài có đức trong làng giải trí như Trần Đại Xuyên.

Nếu muốn vượt qua Thái tử, trước tiên phải bắt đầu bằng cách vượt qua nhân phẩm siêu việt của anh.

Huống hồ, cậu cảm tưởng mình tựa như "không trâu bắt chó đi cày".

Mặc dù cậu đã khai sáng về "Trí tuệ" cho Hà Gia, song cậu ta không giống Triệu Thi Ảnh có kinh nghiệm diễn xuất phong phú và biết cách kết hợp giữa cảm hứng với kỹ năng.
Cảm hứng mà Lý Tùng Nhất chỉ dạy chẳng thể duy trì Hà Gia xuyên suốt bộ phim.

Nếu cứ tiếp tục như vậy, Hà Gia rất có khả năng gặp phải nhiều áp lực lớn.

Dẫu thế nào chăng nữa thì Lý Tùng Nhất cũng không thể tỏ thái độ bàng quan trước việc này.
Hà Gia vui lắm.

Lúc cả hai gặp nhau trong buổi thử vai cho "Sơn Hải Kinh", tuy ở cùng phòng với Lý Tùng Nhất nhưng người nọ không nói gì về việc trao đổi thông tin liên lạc, thành ra cậu chẳng dám mặt dày mà xin xỏ.
Bởi vậy cậu ta luôn hối hận, vì không thể trực tiếp nói lời cảm ơn với Lý Tùng Nhất.
Khi vừa hay tin Lý Tùng Nhất sẵn lòng đưa danh thiếp WeChat cho mình, tay của Hà Gia đã run lên cầm cập.

Sau khi gửi yêu cầu kết bạn, cậu ta bắt đầu kiếp sống đếm giây.
Ba giây không thấy phản hồi, cậu ta bắt đầu lo được lo mất.

Hà Gia tự hỏi, chẳng lẽ Triệu Thi Ảnh đang muốn an ủi mình?
Đến khi WeChat vang lên tiếng tin tin, trái tim Hà Gia như thể được sống lại.
Nhìn thấy cái tên mới xuất hiện trong danh sách bạn bè WeChat, Hà Gia bèn thận trọng gửi đi một dòng tin nhắn: Em chào anh Tùng Nhất ạ.
Lý Tùng Nhất: Tôi nghe Thi Ảnh nói, cậu đang gặp khó khăn trong lúc đóng phim?
Hà Gia thấy thẹn trong lòng: Do em vô dụng nên làm đạo diễn thất vọng.

Nếu anh Tùng Nhất đóng, nhất định diễn hay hơn nhiều.
Lý Tùng Nhất gật gù: Ừ, đương nhiên.
Hà Gia: "..."
Mức độ tự luyến của Lý Tùng Nhất, có người không theo kịp âu cũng là chuyện bình thường.
Lý Tùng Nhất: Hồi trước tôi có nghiên cứu về vai Phỉ Kỷ, có một ít ý tưởng hay ho.

Dầu gì cũng nghỉ rồi, để không thì lãng phí.

Cậu có muốn nghe không?
Hà Gia: Muốn ạ! Muốn ạ!
Lý Tùng Nhất: Vậy cậu gửi cho tôi một phần kịch bản trước.

Sau đó tìm thời gian rảnh rỗi gặp nhau, tôi nói chi tiết cho cậu.
Hà Gia vui đến mức rơm rớm nước mắt.
Lịch trình quay phim của Hà Gia tương đối kín.

Lý Tùng Nhất hoàn toàn dựa theo thời gian biểu của cậu ta, sau cùng ấn định vào chiều thứ Năm tuần này.
Về địa điểm, cậu nhức đầu nhất là khoản này.

Muốn giảng giải diễn xuất thì không thể tìm nơi đông người; mà phải yên tĩnh, cách âm, có không gian rộng rãi và không giới hạn thời gian.
Biệu thự của Trần Đại Xuyên là một lựa chọn tốt, song Lý Tùng Nhất tuyệt nhiên không tuỳ tiện đưa người ngoài tới đây.

Chợt, cậu nhớ đến hội sở cao cấp mà Thịnh Thiên Nhu từng tổ chức "mai mối".

Ngoại trừ bầu không khí man rợ kia, nơi này đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của cậu.
Vậy, chọn nó đi.

Lý Tùng Nhất đặt phòng riêng, không yêu cầu phục vụ mà chỉ gọi đồ uống và mấy đĩa trái cây đắt tiền.
Nhân viên phục vụ có vẻ khinh thường kẻ keo kiệt như cậu, trên mặt vẫn nở nụ cười lịch sự nhưng vẻ khinh khỉnh trong mắt không giấu vào đâu được.
Lý Tùng Nhất đổ quạu, tế bào phản nghịch bắt đầu tác oai tác quái trong lòng.

Cậu gõ ngón tay xuống bàn, gọi một bình Tequila đơn giá mười vạn tệ.
Bấy giờ, nhân viên phục vụ mới tặng cho cậu một nụ cười thật lòng.
Lý Tùng Nhất hối hận liền, tự mắng mình học hư Trần Đại Xuyên.

Học cái gì không học, đi học thói xa hoa dâm dật của anh!
Thế nên khi Hà Gia đến điểm hẹn, vừa vào phòng đã trông thấy Lý Tùng Nhất ôm chai rượu trong ngực, nép vào góc sô pha với vẻ mặt buồn rượi; hoàn toàn phù hợp với hình tượng ngôi sao bị thế lực tiền tài ép buộc giải nghệ trong tưởng tượng của Hà Gia.
Đôi mắt Hà Gia đỏ hoe, giọng run run: "Anh Tùng Nhất ơi."
Lý Tùng Nhất tức khắc thoát khỏi nỗi đau của việc tiêu xài bốc đồng bằng tiếng gọi hết sức xúc động này.
Lý Tùng Nhất thấy Hà Gia chực khóc, tưởng cậu ta tủi thân do nghe đạo diễn mắng suốt ngày nên không nói gì mà đi thẳng vào chủ đề: "Rồi, nói cho tôi nghe.

Lúc diễn, cậu thấy mình thiếu thốn chỗ nào?"
Hà Gia sững sờ, biết bao lời cảm ơn, thương tiếc và khích lệ đều mắc kẹt trong họng.

Cậu ta vội vàng đứng thẳng người, mở đầu bằng mấy câu khách sáo.
Hà Gia ngồi bên cạnh Lý Tùng Nhất, thưa rằng: "Em cũng không biết mình thiếu ở đâu ạ.

Đạo diễn nói ánh mắt em chưa đủ kính sợ, nhưng em đã cố hết sức làm theo lời đạo di..."
Lý Tùng Nhất ngắt lời Hà Gia: "Cậu có biết đạo diễn kêu cậu kính sợ cái gì không?"
Hà Gia đáp: "Chắc là kính sợ tự nhiên ạ, bởi Phỉ Kỷ là người hiểu rõ thế giới "Sơn Hải Kinh" nhất.

Ảnh đi theo các dũng sĩ khai khẩn đất hoang, chu du khắp mọi miền; ghi lại những gì mắt thấy tai nghe bằng văn tự và ký hiệu.

Ảnh đi càng xa, càng ý thức con người vô cùng nhỏ bé trước thiên nhiên rộng lớn."
Lý Tùng Nhất lắc đầu: "Cậu cần kính sợ chính mình."
"Dạ?" Hà Gia ngớ ra.
Lý Tùng Nhất giải thích: "Cậu đã quên keyword mà tôi đã nói trong buổi casting à? Trí tuệ.

Thực ra tôi thấy nhân vật Phỉ Kỷ đã vượt qua trí tuệ siêu việt và có cảm giác thần thánh.

Nhưng ảnh hom hem như bộ xương gà di động, rất yếu so với các dũng sĩ trong tộc.

Thậm chí có đôi khi, ảnh bị xem là một vật cản của các dũng sĩ.

Có một cảnh trệ thú* đuổi theo Phỉ Kỷ, mấy tên dũng sĩ to con thấy ảnh ốm yếu nên cứ thế bỏ mặc."
"Thế nên ảnh càng kính sợ bản thân hơn." Lý Tùng Nhất nói.

"Cậu có thấy bóng dáng của một truyền thuyết hay thần thoại nào đó trên Phỉ Kỷ và mấy tên kia không?"
Hà Gia gật đầu: "Thánh Tổ Thương Hiệt*, đúng không ạ? Đạo diễn có nói với em."
"Trong Hoài Nam Tử* có viết: khi Thương Hiệt tạo chữ, trời mưa thóc, quỷ khóc đêm*." Lý Tùng Nhất nói.

"Có một người trong thời nhà Đường giải thích câu đó như sau: Tạo hoá không thể giấu bí mật này, nên trời đổ mưa thóc; yêu quái không thể giấu nổi hình hài, nên quỷ thầm khóc đêm.

Đây là sức mạnh của văn tự.

Có văn tự, con người có thể chầm chậm ghi lại sự sáng tạo của thiên địa; tấm màn ngu dốt được vén lên, quỷ quái hoảng sợ nên thầm gào khóc suốt đêm.

Vì chúng không còn nơi nào ẩn náu, và không còn cách nào hù doạ những con người sở hữu trí tuệ."
[1] Trệ thú: "trệ" là con heo nái, ở đây ý nói là con quái thú giống con heo nái nhưng dữ tợn và hung hãn hơn nhiều.
[2] Thương Hiệt (仓颉): một nhân vật thần thoại Trung Hoa, được suy tôn là thánh tổ của chữ Hán.

Giai thoại Thương Hiệt tạo chữ vốn đã lưu

truyền từ thời Chiến Quốc, được sách Lã thị xuân thu chép lại.
[3] Hoài Nam Tử (淮南子): là những bộ sách quan trọng của Đạo giáo Trung Quốc do Hoài Nam Vương Lưu An đã tập hợp các học giả lại để biên soạn.

Hoài Nam Tử có nhiều điểm tương đồng với các quan niệm về triết học tự nhiên của các triết gia Hy Lạp cùng thời, cùng với Đạo Đức Kinh và Nam Hoa Kinh tạo nên hệ thống quan điểm của Đạo giáo.

[4] "Khi Thương Hiệt tạo chữ, trời mưa thóc, quỷ khóc đêm" (仓颉作书,而天雨粟、鬼夜哭): Từ việc nhân loại được truyền văn tự dẫn đến cảnh tượng trời mưa thóc, quỷ khóc đêm, đủ thấy sức mạnh của văn tự không thể xem thường, có nội hàm thần kỳ đủ kinh thiên động địa.
"Tất nhiên," Lý Tùng Nhất mở chai rượu Tequila mười vạn tệ, đoạn nhấp một hớp; dẫu sao đã chi tiền, không thể lãng phí mà.

"Những điều đó đều mang đậm sắc thái thần thoại.

Văn tự không thể tạo ra trong một sớm một chiều, càng không thể do một người tạo.

Hình thành cả một hệ thống chữ viết tốn rất nhiều thời gian và khó khăn, Phỉ Kỷ và các dũng sĩ chỉ là một mắt xích nhỏ.

Ảnh kế thừa từ người đi trước, và truyền đạt cho thế hệ mai sau.

Văn tự không đến từ ảnh, cũng không phải do mình ảnh tạo ra.

Nhưng, ảnh có phần tham gia.

Và chính sự tham gia tưởng chừng nhỏ bé ấy lại góp phần cho một hệ thống văn tự hoàn chỉnh."
Hà Gia tuồng như nghiệm ra chân trời mới, bèn gật đầu lia lịa.
"Cậu phải nhớ kỹ câu "trời mưa thóc quỷ khóc đêm".

Khi diễn, cậu hãy tưởng tượng hình ảnh cực kỳ chấn động này.

Tưởng tượng bầu trời đang đổ cơn mưa thóc, quỷ quái ẩn mình trong bóng tối khóc lóc sợ hãi; mà con người thì đang hân hoan đón chào kỷ nguyên mới.

Phỉ Kỷ là một trong những người thông minh nhất của thời đại đó.

Ảnh nhất định nhìn xa trông rộng, biết trước văn tự có sức mạnh như thế nào.

Đó là một sức mạnh còn vĩ đại hơn thân thể cường tháng.

Dù con người phải đối mặt với sông núi hiểm trở, chỉ cần dòng chảy của văn tự mãi mãi không dứt thì nhân loại luôn có thể vững bước tiến về phía trước.

Vậy nên ảnh kính sợ văn tự, và cũng chuồi mình vào văn tự."
Hà Gia nhạy bén, nhanh chóng nghe một hiểu mười: "Bên phương Tây có huyền thoại về Tháp Babel*.

Việc con người cố tình xây dựng Tháp Babel cốt lên thiên đường đã khiến các vị thần tức giận và đánh sập toà tháp.

Trong cơn thịnh nộ, Chúa đã phân tán nhân loại khắp nơi trên thế giới.

Chúa làm cho họ bất đồng ngôn ngữ, như vậy nhân loại không thể đồng tâm hiệp lực nữa.

Ngay cả Chúa cũng sợ hãi trước sức mạnh của văn tự."
[5] Tháp Babel: là một huyền thoại Sách Sáng Thế 11:1–9, nhằm giải thích về sự bất đồng ngôn ngữ của các dân tộc trên thế giới.

Theo huyền thoại, các thế hệ loài người sau trận đại hồng thủy, nói cùng một thứ ngôn ngữ và di cư về phía tây, đến vùng đất Shinar.

Ở đó, họ cùng nhau dựng lên một thành phố và một tòa tháp đủ cao để chạm tới thiên đường.

Chúa đã tạo ra rào cản trong tiếng nói của họ khiến họ không còn hiểu được lẫn nhau, và làm họ rải rác đi khắp thế giới.
"Đúng rồi, nó đó." Lý Tùng Nhất vỗ vai Hà Gia, đưa một ly đầy Tequila cho cậu.
Hà Gia vội lắc đầu: "Bữa nay em có cảnh đêm, không uống được ạ."
Lý Tùng Nhất không kì kèo, nhanh chóng ngẩng đầu uống cạn.

Động tác của cậu nhanh đến mức khiến người ta thắc mắc rằng —— Liệu có phải ban nãy người nọ mời lơi không?
"Rồi.

Bây giờ cậu giữ nguyên suy nghĩ hiện tại, diễn một cảnh trong kịch bản cậu gửi tôi xem."
Hà Gia vâng lời, chẳng hề nghĩ rằng Lý Tùng Nhất đang lên mặt dạy đời.

Bây giờ cậu ta sùng bái Lý Tùng Nhất đến mức có thể làm bất cứ điều gì theo yêu cầu của người nọ.
Hà Gia chỉ diễn với không khí, song lại cảm thấy tốt hơn nhiều so với trên trường quay.
Sau đó Lý Tùng Nhất diễn thị phạm một lần, và chỉnh lại một số khuyết điểm của Hà Gia, mang lại nhiều bài học bổ ích cho cậu sinh viên bé nhỏ.
Nhưng trong lòng Hà Gia có chút mất mát, luôn cảm thấy nhân vật Phỉ Kỷ như được sáng tạo riêng cho Lý Tùng Nhất; còn mình thì đang nhặt vỏ của người khác mà thôi.
Lý Tùng Nhất thấy Hà Gia mới nhập tâm mà nay bỗng thất thần, bèn hỏi: "Sao vậy?"
Hà Gia xoắn xít.

Sau khi Lý Tùng Nhất trách một câu, cậu ta đành thành thật giải thích.
Lý Tùng Nhất nở nụ cười trìu mến: "Cậu còn trẻ, vài năm nữa mới phát hiện một vai Phỉ Kỷ chẳng đáng là bao.

Nhân vật thích hợp với tôi bao la như biển.


Chẳng qua không phải nhân vật được sáng tạo riêng cho tôi, mà dù nhân vật đó là gì thì tôi vẫn dư sức thể hiện trọn vẹn."
Hà Gia nhìn khuôn mặt rạng rỡ của Lý Tùng Nhất mà tin tưởng tuyệt đối vào câu phát ngôn kia.

Cậu ta không nghĩ Lý Tùng Nhất nói điêu, quả tình anh Tùng Nhất siêu đến nỗi dư sức gánh bất kỳ vai diễn nào!
Lý Tùng Nhất chỉ dạy Hà Gia suốt buổi chiều, thời gian có hạn nên kỹ năng cụ thể mà cậu có thể dạy cũng ít ỏi.

Lý Tùng Nhất còn rất nhiều thứ về phương pháp lý giải trừu tượng muốn dạy cho Hà Gia.

Nhưng chỉ bấy nhiêu thôi đã làm cho Hà Gia vui mừng khôn tả, tựa như có người kéo mình ra khỏi trong thời kỳ thắt cổ chai*, khai sáng cả một vùng trời cho cậu.
[6] Nút thắt cổ chai (bottleneck): xuất phát từ câu chuyện dốc các viên bi ra khỏi một cái chai có cổ hẹp.

Một quá trình lý tưởng được vẽ ra: vì đường kính của mỗi viên bi nhỏ hơn chiều rộng của cổ chai nên luôn dễ dàng lọt ra ngoài, miễn là phần cổ chai được hướng xuống dưới.

Tuy nhiên thực tế lại không đơn giản như vậy.

Một số viên bi sẽ cùng xuất hiện tại cổ chai đó mà không tuân theo nguyên tắc lần lượt.

Ta gọi nó là sự tắc nghẽn.
Chiều nay, Hà Gia đã nắm được cảm xúc và hào hứng tập luyện liên tục.

Lý Tùng Nhất còn phối diễn với Hà Gia, giúp cậu ta ghi dấu cảm giác ấy trong tiềm thức qua việc diễn tập không ngừng.
Hà Gia biết thời gian quý giá, nên chưa bao giờ lên tiếng đòi nghỉ.
Trước khi rời đi, Hà Gia mệt đến độ mặt đầy mồ hôi.

Cậu ta lấy khăn giấy lau qua loa, trong mắt ánh lên vẻ phấn khích đến lạ.
Thang máy hội sở từ từ đi xuống, Hà Gia vẫn chưa đã thèm: "Anh Tùng Nhất ơi, bây giờ anh đang làm gì ạ? Mai mốt hai anh em mình còn gặp lại nhau không? Á, không phải ý đó.

Em không phải muốn làm phiền anh chỉ em tiếp.

Em cực kỳ biết ơn anh, muốn mời anh ăn cơm.

Từ bữa tới nay, em chưa cảm ơn anh đàng hoàng nữa."
"Tôi đang diễn kịch nói." Lý Tùng Nhất cười.

"Vụ mời ăn cơm, chờ cậu quay xong "Sơn Hải Kinh" rồi tính.

Bây giờ nhiệm vụ của cậu là tập trung quay phim."
"Dạ!" Hà Gia gật mạnh đầu, trong lòng tràn đầy mong đợi.
"Đinh." Thang máy đến tầng trệt.
Lý Tùng Nhất toan bước ra ngoài thì trông thấy nhóm người đang chờ thang máy trước cửa.

Trong đám ông chú bụng bự, Trần Đại Xuyên với thân hình cao ráo là đặc biệt bắt mắt.
Lý Tùng Nhất thoáng ngạc nhiên, đoạn chào hỏi hớn hở: "Ông chủ Trần, trùng hợp vậy.

Ở đây cũng gặp mặt anh."
Phải mất mấy giây sau, Trần Đại Xuyên mới lên tiếng: "Tôi cũng không ngờ ở đây cũng gặp cậu." Anh liếc nhìn Hà Gia đang đứng bên cạnh Lý Tùng Nhất, dáng vẻ thiên về thanh tú nhã nhặn, thoạt trông khá quen mắt; chắc hẳn người nọ là thần tượng không mấy nổi tiếng.
Cậu thần tượng kia đang lau mồ hôi trên trán, đôi gò má ửng hồng vì phấn khích chưa tan; nổi bật nhất là ánh mắt long lanh vẫn chưa rời khỏi khuôn mặt Lý Tùng Nhất.
Trong hội sở giải trí cao cấp, những dấu hiệu kể trên đều hướng về hoạt động đáng ngờ nào đó.
Hà Gia vừa nhìn thấy Trần Đại Xuyên đã chưng hửng: "Chủ tịch!"
Người thường trông thấy ảnh đế kiêm ông trùm đứng sau công ty điện ảnh hàng đầu đều có thái độ quýnh quýu như gà nhảy ổ.

Chỉ có Lý Tùng Nhất nhẹ nhàng khoan khoái, giọng điệu chào hỏi không hề vội vàng hấp tấp, khiến Hà Gia càng kính nể hơn nữa.
Trần Đại Xuyên gật đầu.

Khi đi ngang qua Lý Tùng Nhất, anh ngửi thấy mùi rượu Tequila sực nức trên người cậu.
Trần Đại Xuyên khẽ cau mày, theo như anh biết thì Lý Tùng Nhất không thích rượu ngoại.

Mỗi lần hai người ăn cùng nhau đều hiếm khi uống rượu.

Nếu phải uống, tất cả những gì Lý Tùng Nhất lấy ra từ tủ lạnh đều là rượu Mao Đài*.

Cậu hoàn toàn làm ngơ trước bộ sưu tập rượu ngoại cao cấp của anh.
[7] Rượu Mao Đài: là rượu chưng cất từ cao lương lên men.

Rượu này có đặc trưng là trong vắt, không màu, có mùi thơm đặc trưng và có độ cồn cao.
Nhìn chung, có hai tình huống khiến một người đàn ông nảy sinh hành vi tiêu dùng bất thường.
Một là, phải bỏ tiền trên bàn nhậu trong những buổi làm ăn.
Hai là, lấy le trước người mình thích như chim công xoè đuôi.
Hết chương 47.


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện