56.
Ngày xưa.
Dù thôn này có nhiều nhà trống, nhưng cũng không chứa nổi đội ngũ nhân viên hùng hậu.
Khi đạo diễn Ưng Sơn hãy đang lo lắng về việc sắp xếp nơi ở cho chủ tịch, Trần Đại Xuyên đã bảo rằng mình có cách, không cần y phải lo lắng.
Ưng Sơn khôn lanh chẳng hỏi gì, hơn nữa còn vờ như không thấy Trần Đại Xuyên kéo vali vào phòng Lý Tùng Nhất.
Y nghĩ, đúng là chả có kẻ giàu nào rảnh rỗi đến đây xem một cảnh múa lân sư rồng.
Trần Đại Xuyên không ngờ, ngày mình thể hiện tài vẽ tranh lại đến sớm thế này.
Đạo cụ biểu diễn còn là một khúc long cốt.
Đế long cốt là một tấm gỗ rộng khoảng hai gang tay, dài chừng mét rưỡi.
Thanh gỗ tròn được đóng đinh ở giữa tạo thành hình chữ "T" theo chiều thẳng đứng cốt làm giá đỡ, người múa rồng có thể nâng toàn bộ đế bằng cách vác trụ đỡ lên vai.
Phía trên chân đế là long cốt hình cầu vòm đan bằng dải tre, phủ một lớp giấy trắng trong suốt nhưng chừa bên hông một cửa giấy nhỏ nhằm tiện thắp nến.
Điểm xuyết trên hai đầu đế là một hình trụ nhỏ nhô ra và lỗ tròn khớp với hình trụ.
Đến lúc đó mỗi người khiêng một khúc, nối đầu này với đầu kia của các long cốt để tạo thành chiếc đèn rồng thật dài.
Tất cả những gì Trần Đại Xuyên cần làm là vẽ lên giấy phủ ngoài long cốt, không có bất kỳ quy tắc hay giới hạn nào cả.
Giấy thì dùng loại kém chất lượng, chỉ cần vừa chạm đã lem nhem; mực là thuốc nhuộm hàng dạt với màu sắc chói lọi rực rỡ; bút là loại lông dê bình thường, chưa kể đầu lông đã toè cả ra.
Nhưng quan trọng hơn hết, còn có một Lý Tùng Nhất ưa lải nhải bên cạnh.
Trần Đại Xuyên nhúng đầu bút vào mực đen, vừa vẽ một đường từ trái sang phải thì Lý Tùng Nhất đã í ới: "Anh định vẽ ngựa à? Ngoại trừ Nội Mông*, thôn nào còn vẽ ngựa trên đèn rồng? Không dân dã gì hết.
Đổi, đổi đê."
[1] Nội Mông: tên chính thức là Khu tự trị Nội Mông Cổ, thường được gọi tắt là Nội Mông, là một khu tự trị của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quôc).
Trần Đại Xuyên thoáng khựng lại, đoạn kéo đường ngang cong xuống dưới.
Lý Tùng Nhất lại bảo: "Định vẽ hoa lan hả? Anh dùng mực đen, xem ra tông chủ đạo là màu đen.
Nhưng đang Tết kia mà, phải có gì sáng sủa tươi tắn chứ."
Trần Đại Xuyên liếc cậu, gác bút lông lên hộp thuốc màu: "Em vẽ đi."
"Sao anh thiếu kiên nhẫn quá vậy?" Lý Tùng Nhất hậm hực vén tay áo, nhấc bút lông lên.
"Tôi vẽ cho."
Trần Đại Xuyên không biết tay nghề vẽ tranh của Lý Tùng Nhất đến đâu, thành thử anh dán mắt vào từng động tác của cậu.
Kết quả là Lý Tùng Nhất vẽ tiếp trên đường cong Trần Đại Xuyên để lại, múa may quay cuồng thế nào mà thành một cây cổ thụ trơ trụi trọc lốc với những cành lá khẳng khiu.
Đoạn cậu nhúng một đầu bút khác vào mực đỏ, chấm vài điểm be bé xinh xinh trên nhánh cây.
Đỏ đỏ xanh xanh cho em nhỏ nó mừng, thoạt nhìn đã thấy tràn ngập không khí Tết.
"Lạp mai*." Lý Tùng Nhất sợ Trần Đại Xuyên không biết nên cố tình giải thích.
[2] Lạp mai (腊梅): tên khoa học là Chimonanthus praecox, đoá mai có màu sáp mật ong và thường nở vào mua đông nên hay còn gọi là Mai mùa đông (bông người ta màu vàng, nhưng chấm mực đỏ, hơ hơ...)
Trần Đại Xuyên nói khéo: "Hình dáng tuy hơi khác, nhưng thần thái vẫn giống như đúc."
"Anh không hiểu, tôi cố ý vẽ mộc mạc đó." Lý Tùng Nhất nói giọng nghiêm chỉnh.
"Tôi đã đọc tài liệu làm đèn rồng trước đây của dân địa phương.
Hình trên đèn rồng đều do chính họ vẽ, chủ yếu là hoạ tiết mang ý nghĩa tốt lành.
Anh thử nghĩ xem, một nông dân cày cuốc cả ngày làm sao vẽ được cây mai tinh xảo.
Tức là nó chỉ có màu sắc sặc sỡ, thoạt nhìn đẹp mắt thôi."
Trần Đại Xuyên gật đầu.
Chợt, linh hồn sâu thẳm bên trong lên tiếng chất vấn: "Ra là sáng sớm than với tôi, không phải bảo tôi vẽ mà là nghe em diễn thuyết?"
"Đâu có đâu!" Lý Tùng Nhất lấy ra chiếc đèn lồng màu trắng.
"Tối nay tôi có nhiều cảnh, cảnh nào cảnh nấy còn rất nặng nữa.
Sợ mình không rảnh chơi với anh, nên tối qua đã đích thân làm một cái đèn lồng.
Bây giờ đưa cho anh vẽ giết thời gian nè."
Lồng đèn được làm bằng chất liệu tương tự long cốt.
Giá đỡ phía dưới là một khối gỗ hình vuông, xung quanh là các dải tre đóng thành khung chữ nhật; bên ngoài phủ thêm lớp giấy trắng mỏng, thế là thành một chiếc đèn lồng đơn giản.
Trần Đại Xuyên cầm lấy đèn lồng, tâm trạng phức tạp hết nói nổi: "Ừm.
Thực ra có rất nhiều cách để giết thời gian, ví dụ như chơi điện thoại.
Không nhất thiết phải vẽ tranh đâu em."
Nói thì nói thế, song Trần Đại Xuyên vẫn mải mê vẽ cả ngày mà chẳng đụng đến điện thoại.
Khuya.
Lý Tùng Nhất trở về từ trường quay đã là hai giờ sáng, phải công nhận rằng từ thân đến tâm đều mệt muốn đứt hơi.
Trần Đại Xuyên đang nằm trên giường, tuồng như đã ngủ rất say.
Lý Tùng Nhất rón rén lấy quần áo đi tắm.
Hiện tại Lý Tùng Nhất vô cùng may mắn, mặc dù quay phim ở nông thôn nhưng làng mạc đã công nghiệp hoá – hiện đại hoá và có đủ mọi thứ từ phòng tắm, máy nước nóng cho đến năng lượng mặt trời.
Lý Tùng Nhất khẽ đẩy cửa phòng ngủ, trong lòng chợt dấy lên mối nghi hoặc.
Cậu nhớ Trần Đại Xuyên để đèn cho mình, sao bây giờ lại tối thế này? Chẳng lẽ Trần Đại Xuyên tỉnh giấc tắt đèn?
Lý Tùng Nhất vừa bước vào đã trông thấy một ngọn đèn leo lắt trên tủ đầu giường.
Ánh nến vàng lợt lạt chiếu xuyên qua lớp giấy trắng mỏng manh.
Có lẽ do chỉ soi rõ một góc tủ, nên trông nó tựa như đoá bồ công anh đang lặng lẽ nở rộ.
Chiếc đèn lồng bây giờ rất khác với chiếc cậu để lại ban sáng, mỗi bên đều có một bức tranh.
Tia sáng đương múa, dòng mực tuồng như đương chảy.
Ở rìa vầng sáng, Trần Đại Xuyên ngồi xếp bằng trên giường.
Anh không nhìn rõ vẻ mặt của cậu, bèn hỏi: "Tôi vẽ thế nào?"
Lý Tùng Nhất nín thở, như thể e sợ hơi thở của mình thổi tắt ánh nến yếu ớt trong đèn lồng.
Cậu sè sẽ bước tới, chạm khẽ lên từng bức tranh.
Bức đầu tiên là một đứa trẻ chừng chín tuổi khoác áo choàng chim hạc, vừa đi giữa tuyết trắng vừa cúi nhìn dưới đất; sau cậu là những bậc thềm bằng ngọc bích hiện lên mờ ảo trên nền miếu đường.
Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa cậu và Thái tử theo đúng nghĩa.
Bức thứ hai là Lý Tùng dong dỏng cao đang cúi đầu đứng bên chiếc kiệu trong khu phố ồn ã; người đi đường chỉ có vài nét vẽ, không tài nào phân biệt rõ.
Nhưng trái tim Lý Tùng Nhất như bị ai tán mỏng, đây là cuộc gặp gỡ tình cờ với Thái tử khi cậu ra ngoài với Bát Vương gia.
Bức thứ ba là bữa tiệc sinh thần của Bát vương.
Lý Tùng nửa quỳ trong một góc đại sảnh, đầu vẫn khẽ cúi xuống.
Từ góc độ của cảnh này, người vẽ tranh hẳn là nhìn cậu từ một vị trí trên cao.
Ở vị trí đó, tất cả đều là Hoàng tử đang ngồi.
Bức thứ tư lấy núi rừng vào thu và vùng biển hoang sơ làm nền.
Lý Tùng đứng bên chiến mã, Bát Vương gia đứng cạnh cậu.
Đây là khi cuộc săn thú diễn ra.
Bốn bức tranh này đều là Lý Tùng trong mắt Tuyên Từ.
Lý Tùng Nhất cười nhẹ: "Vẽ đẹp lắm.
Nhìn một phát, tôi nhận ra mình ngay."
Tiếng nói nhẹ nhàng của Trần Đại Xuyên làm ngọn nến lay động: "Tôi nhớ rất nhiều chuyện về em, nhưng nghĩ tới nghĩ lui chỉ có bốn lần chạm mặt này là ấn tượng nhất."
Nụ cười của Lý Tùng Nhất thoạt trông phức tạp hơn: "Ừ, đúng.
Hai mình nói chuyện trực tiếp với nhau chỉ vài lần vậy thôi."
"Nhưng lần nào cũng khiến tôi nhức đầu." Trần Đại Xuyên cười khẽ, chỉ vào bức tranh thứ hai.
"Khi đó tôi còn chưa là Thái tử, gặp phải Bát đệ trên đường, ai nhường ai trước cũng là một vấn đề nan giải.
Tuy tôi lớn hơn, cũng được phụ hoàng yêu thương hơn; nhưng Bát đệ mới là con vợ cả.
Lúc đó tôi đứng ở xa, thấy em xuống ngựa chạy tới kiệu Bát đệ thì thầm gì đó.
Rồi đột nhiên Bát đệ thường hỗn hào với tôi lại đổi tính, hạ kiệu nhường tôi đi trước.
Ai ngờ hôm sau, cả con phố truyền tai nhau nói Tuyên Từ dựa hơi ăn hiếp đích hoàng tử; mà Bát Vương gia ôn tồn lễ độ, vẫn cư xử đúng mực như anh em một nhà."
Lý Tùng Nhất bật cười: "Ai biểu anh không chịu xuống ngựa sớm."
Trần Đại Xuyên lườm cậu: "Tình cảnh khi đó của tôi, em là người rõ nhất.
Tôi đang chuẩn bị đi thăm hỏi Định Viễn tướng quân.
Nếu tôi nhường đường cho Bát đệ trước, với tính tình của tướng quân, người ta chắc gì đã đứng bên tôi."
"Thế nên," Lý Tùng Nhất nhún vai.
"Anh có được sự ủng hộ của Định Viễn tướng quân, trong khi Bát Vương gia chỉ được lòng bá tánh nhất thời.
Cuối cùng, vẫn là Bát Vương gia ngã xuống."
"Nếu không có em, tôi đã lấy cả chút "nhất thời" đó."
Lý Tùng Nhất trừng mắt: "Bây giờ anh định lật lại chuyện cũ, hử?"
Trần Đại Xuyên cười, xoay đèn lồng sang bức tranh thứ tư.
"Tôi nhớ nè." Lý Tùng Nhất nói.
"Lần đó anh bắn được nhiều nhất."
"Nhưng người được phụ hoàng ban thưởng nhiều nhất, lại