Rung động.
Trước đó đã thống nhất với nhau rằng sau khi quay xong “Tiên Phong”, Lý Tùng Nhất sẽ chuyển về nơi mình ở.
Thế mà Trần Đại Xuyên lại nói: “Không nhất thiết phải dọn ra ngoài đâu em. Phim còn đang trong quá trình hậu kỳ, có khi Ấn Tây gửi bản raw với xin ý kiến mình. Em vừa comeback, lịch trình bảo đảm kín kẽ. Dù sao em ít về nhà, thôi thì cứ xem nơi tôi là trạm dừng chân. Hôm nào mình xem bản raw với nhau, nhỡ khuya quá em ở lại đây luôn. Tiện cho em, đỡ phải chạy tới chạy lui.”
Lý Tùng Nhất ậm ừ, vẻ mặt lưỡng lự; nhưng trong lòng lại cười khoái chí, xem ra Thái tử điện hạ đang tìm lý do giữ mình ở lại.
Lý Tùng Nhất vờ như cân nhắc hồi lâu. Đến khi trông thấy Trần Đại Xuyên chuyển từ tư thế khoanh tay trước ngực sang cầm tách trà, cậu mới bảo rằng: “Anh nói có lý.”
Và thế, Lý Tùng Nhất có đầy đủ lý do ở lại.
Song như Trần Đại Xuyên đã nói, Lý Tùng Nhất trở về làng giải trí sau ba năm vắng bóng ắt trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi nhất. Hiện tại cậu đang là một “tin nóng” di động, từ hành vi đến lời nói đều được giới truyền thông săn đón.
Khang Kiều mừng đến độ thiếu điều đặt Phong Hỏa Luân dưới chân, để trong nháy mắt có thể đưa Lý Tùng Nhất chạy khắp mọi miền nam bắc. Nhưng Lý Tùng Nhất thì sao? Cậu vẫn lười biếng như ngày nào. Hắn phải đốc thúc dữ lắm, Lý Tùng Nhất mới chịu nhận vài ba hợp đồng quảng cáo.
Thôi, dù ít cũng không thành vấn đề. Khang Kiều đã hoạch định con đường của Lý Tùng Nhất theo phong cách high-end, trọng chất chứ không trọng lượng, miễn cho mất giá.
Từ bỏ sóng truyền hình cũng không sao. Lý Tùng Nhất đã đoạt giải Chiếc Lá Vàng cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất và đóng vai phụ trong tác phẩm của Trần Đại Xuyên, rất có khả năng “Tiên Phong” ẵm giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất vào năm nay. Trong tương lai, Lý Tùng Nhất nhất định là một ngôi sao điện ảnh toả sáng.
Chỉ là nếu, ngay cả màn ảnh rộng cũng không chường mặt…
Mặc dù theo lời của Lý Tùng Nhất rằng các kịch bản đó quá kém cỏi, nếu đóng thì ảnh hưởng đến danh tiếng. Nhưng… Khang Kiều khóc sụt sịt, nhưng hắn sàng lọc kỹ lưỡng mới đưa cho cậu mà! Thú thật, bất kỳ kịch bản nào trong đây cũng là hàng hiếm đối với người khác.
Đây quả là một bài học đắt giá: Thời trẻ đóng nhiều phim hay, giờ nhìn đâu cũng thấy phim dở.
Khang Kiều đành phải kích thích cậu bằng Thai Hành: “Nhìn người anh em tốt của cậu kìa. Thai Hành đứng đầu bảng xếp hạng đề tài trên Weibo đã mấy tuần. Cậu ấy cũng xuất hiện trong năm trang bìa tạp chí đứng đầu Trung Quốc, hơn nữa còn cháy hàng. Chưa hết, Thai Hành nhận hợp đồng quảng cáo cho mấy thương hiệu luxury nữa!”
Phản ứng của Lý Tùng Nhất là: “Ai dô, tương lai xán lạn thế à? Tôi phải kêu ảnh khao một bữa mới được.”
Khang Kiều gào thét: “Cậu hiếu thắng hơn chút, không được hả? Thai Hành một mình một ngựa còn làm tới đó, tôi là người đại diện của cậu biết chôn mặt mũi đâu đây?”
Lý Tùng Nhất lắc đầu, “Mục tiêu của tôi là vượt qua Trần Đại Xuyên cơ. Vả lại Thai Hành đâu có một mình một ngựa. Ảnh mở phòng làm việc rồi, nên anh đừng coi thường bản thân nữa nghen.”
Thai Hành đã nói với Lý Tùng Nhất về kế hoạch thành lập phòng làm việc từ trước. Hắn đã thuê một số người quản lý và trợ lý cá nhân có kinh nghiệm cốt giúp mình sàng lọc kịch bản và bàn bạc hợp đồng quảng cáo. Tuy rằng Thai Hành vẫn phải đích thân làm nhiều việc, song ưu điểm lớn nhất là chẳng ai có thể bắt buộc hắn làm những việc mình ghét.
Vất vả đôi chút, bù lại được tự do.
Suy cho cùng, mọi thứ trên đời có được tất có mất.
Ngoại trừ Lý Tùng Nhất.
Thực ra Lý Tùng Nhất chẳng lười biếng như vẻ ngoài, chỉ là không muốn biến mình thành thần tượng chỉ biết mài mặt kiếm cơm. Cậu cũng tin rằng, đó chẳng phải là những gì Trần Đại Xuyên mong muốn. Cậu thích chậm mà chắc, làm từng việc một để có kết quả tốt nhất. Nhưng kịch bản hay hiếm có khó tìm, đội ngũ sản xuất làm việc có tâm lại như lá mùa thu. Lý Tùng Nhất thà chừa nhiều khoảng trống cốt chờ thời cơ tốt nhất, còn hơn là vơ bừa những kịch bản vô nghĩa thậm tệ. Lỡ như bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một, chắc cậu phải khóc lụt nhà mất.
Nhiều diễn viên cũng có ý tưởng hệt như Lý Tùng Nhất, chỉ là khả năng họ có hạn.
Khang Kiều chẳng biết nói gì hơn, bởi tầng quản lý không yêu cầu Lý Tùng Nhất phải nhanh chóng kiếm tiền, mọi thứ cứ tùy theo tâm trạng cậu.
Thành ra Thai Hành ghen tỵ ra mặt: “Ước gì có đại gia vừa đẹp vừa giàu, phù hợp với thẩm mỹ của quần chúng nhân dân, vừa nuông chiều vừa bao nuôi tôi nhợ.” Thiếu điều chỉ mặt gọi tên Trần Đại Xuyên luôn.
Lý Tùng Nhất ra điều chính nghĩa: “Trần Đại Xuyên là ai chứ? Anh ấy là “ngàn vàng dễ được, tri kỷ khó tìm”. Kiếp trước hai đứa tôi phải ngoảnh đầu nhìn nhau vạn lần, mới đổi lấy kiếp này thành tri âm tri kỷ. Tôi vất vả thế nào, người ngoài sao biết.”
Thai Hành: “Ước gì có đại gia vừa đẹp vừa giàu, phù hợp với thẩm mỹ của quần chúng nhân dân, vừa nuông chiều vừa là bạn thân của tôi nhợ.”
Lý Tùng Nhất: “…” Kỳ thực cậu từng có một thoáng nghĩ thầm, quả thật đằng ấy… cũng đẹp.
Những phương tiện truyền thông đại chúng cũng đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ giữa Lý Tùng Nhất và Trần Đại Xuyên cùng với tình hình của tác phẩm mới. Tất cả đều biết rằng sau lễ trao giải Chiếc Lá Vàng, Lý Tùng Nhất đang tham gia đoàn phim của Trần Đại Xuyên. Các bức ảnh lên tin đầu đề ngày đó cũng có sự xuất hiện của cậu(*). Phóng viên không cách nào moi tin từ Trần Đại Xuyên và Ấn Tây, bước đột phá duy nhất có lẽ nằm ở Lý Tùng Nhất.
(*) Giải thích thêm: Tin đầu đề ở đây là nói về tin tức Trần Đại Xuyên và Ấn Tây gặp lại sau nhiều năm, ảnh chụp là hai người ôm nhau ở ngoài nhà hàng (Chương 58).Do vậy, khi Lý Tùng Nhất nhận lời tham gia talk-show, một loạt câu hỏi về Trần Đại Xuyên đang chờ cậu.
“Anh và Trần Đại Xuyên làm bạn với nhau như thế nào ạ? Làm cách nào anh có được vai diễn trong phim mới của ảnh?”
Lý Tùng Nhất nở nụ cười ba phần từ thiện, bảy phần hách dịch. Thú thật nụ cười này khiến người ta chỉ muốn sút vào mặt.
“Tôi giải nghệ ba năm. Năm rưỡi đầu tiên tôi trau dồi kỹ năng diễn xuất của mình trong kịch nói, một năm tiếp theo tôi quay “Đại lộ” với Thai Hành, nửa năm còn lại tôi dự định về quê nghỉ dưỡng. Nhưng ông chủ Trần ấy à, nhất quyết mời tôi đóng chung với ảnh. Ảnh còn nói gì nhỉ? À, vai này nhất định phải do tôi đóng. Chỉ có phối diễn với tôi, ảnh mới tìm được cảm hứng thôi. Ban đầu tôi từ chối, nhưng ảnh ngỏ lời với tôi tận ba lần. Nói chung thấy ảnh nhiệt tình quá, tôi đành miễn cưỡng đồng ý vậy.”
Phóng viên: “…” Chém gió nghe mát tai vãi, anh ạ.
Fans của Trần Đại Xuyên đứng ngồi không yên. Thần tượng của họ bận rộn gây dựng sự nghiệp nên bỏ qua tin tức trong giới giải trí, nhưng không đồng nghĩa mấy người khác có quyền ké fame lung tung bậy bạ.
Có lẽ hóng hớt là bản tính con người. Trong một sự kiện tổ chức kinh doanh nào đó, phóng viên tài chính đã thốt rằng: “Xin hỏi những gì Lý Tùng Nhất nói trong talk-show có thật không ạ?”
Trần Đại Xuyên hỏi: “Em ấy nói gì?”
Phóng viên tài chính bèn thuật lại nguyên vẹn đoạn phỏng vấn của Lý Tùng Nhất.
Trần Đại Xuyên im lặng thoáng chốc, đoạn bảo: “Đúng vậy, những gì em ấy nói là thật.”
Toàn bộ làng giải trí ồ lên.
Fans của Trần Đại Xuyên bị chính thần tượng nhà mình vả mặt, đau bỏ mẹ ra.
*
“Tiên phong” lần lượt tung ra vài bức ảnh tạo hình. Chỉ từ những bức ảnh tĩnh, mọi người đã trông thấy mạch truyện sâu sắc và giàu tính nhân văn. Mặc dù không ai biết “Tiên phong” kể về câu chuyện gì, nhưng tương tác giữa Trần Đại Xuyên và Lý Tùng Nhất trong ảnh vẫn khiến người ta cảm thấy choáng ngợp. Cát vàng lượn lờ đầy trời, mặt mày tóc tai nhem nhuốc, chỉ có đôi mắt vẫn sâu thẳm và sáng trong. Họ hỗ trợ nhau, thể như trong một khoảnh khắc nào đó đã kéo khán giả vào một thời đại rộng lớn mà bi thương.
Cách thức lý giải nhân vật của cả hai rất khác nhau, song khí chất lại vô cùng tương thích. Họ như thể truyền cảm hứng cho nhau, dẫn dắt đối phương tiến vào trạng thái tốt nhất. Đặc biệt có một bức ảnh với góc chụp trung cảnh, có thể trông thấy Trần Đại Xuyên đã tát Lý Tùng Nhất.
Cộng đồng fans của Trần Đại Xuyên rơm rớm nước mắt, hóa ra anh nhà họ vả mặt người ta nữa cơ, chút ké fame kia có bõ bèn gì đâu.
Trần Đại Xuyên dặn Lý Tùng Nhất nhớ về nhà, xem thử hiệu ứng hậu kỳ của “Tiên phong”.
Đứng trên góc nhìn Thượng Đế, cảm giác hoàn toàn khác với trải nghiệm đích thân hòa vào nhân vật.
Lý Tùng Nhất ngỡ ngàng ngay từ phân cảnh mở màn.
Phải công nhận Ấn Tây quả tình có tài, y đã tận dụng tối đa ngôn ngữ của ống kính một cách điêu luyện. Từ màu sắc, biên tập cho đến nhạc phim, mỗi phân đoạn đều đạt đến mức không thể bắt bẻ. Có lẽ liên quan đến trải nghiệm trầm cảm của Ấn Tây, tác phẩm mang đến cho người xem cảm giác khắc kỷ dù rằng mạch cảm xúc toàn phim thiên về bùng nổ. Từng khung hình lần lượt lướt qua, và câu chuyện được kể lại một cách cô đọng. Tựa như hình ảnh cồn cát xuất hiện nhiều nhất trong phim, dày đặc mà sâu thẳm. Trải qua bao năm tháng gió thổi, chúng di chuyển chậm chạp và gần như chẳng thể phát hiện; chỉ là đến một lúc nào đó, chúng sẽ bàng hoàng tỉnh lại. Và
khi ta trông thấy chúng lần nữa, mới nhận ra mọi thứ đã bị đảo lộn.
Đây là cú sốc cực lớn đập thẳng vào tim trong tích tắc.
Đây cũng là cảm nhận của Lý Tùng Nhất sau khi xem phim.
Trên thực tế, “Tiên phong” đã biên tập thành hai bản.
Phiên bản đầu tiên nom như mạch nước ngầm sâu không thấy đáy, khán giả lặng người theo dõi và rồi cảm xúc bất ngờ ập đến. Ngược lại, phiên bản thứ hai có nhiều thay đổi về kỹ thuật chuyển cảnh trong dựng phim. Đặc biệt là khi đội tiên phong gặp nguy hiểm, tiết tấu dồn dập như tiếng trống gióng giả khiến người xem bất giác nín thở, tâm trạng phập phồng theo bước chân diễn viên.
Phiên bản thứ hai hẳn là có giá trị thương mại hơn, bởi nó tác động vào cảm xúc khán giả rất trực tiếp.
Đây chính là điểm hấp dẫn nhất trong biên tập phim. Dẫu là khi cùng một câu chuyện, song việc kết hợp các cảnh quay và thêm thắt hiệu ứng chuyển cảnh sẽ mang lại cho người xem cảm thụ khác biệt. Quá trình biên tập phim đôi khi có thể cứu vớt một bàn thua trông thấy, nhưng đôi khi cũng có thể phá hư một tác phẩm hay.
Sau khi xem hai phiên bản trong rạp chiếu tư nhân, Trần Đại Xuyên hỏi Lý Tùng Nhất: “Em thấy cái nào hay hơn?”
Lý Tùng Nhất trầm ngâm một thoáng, đoạn nói: “Bản đầu tiên.”
“Bản đầu tiên chắc chắn không đạt doanh thu phòng vé cao như bản thứ hai.” Trần Đại Xuyên nói.
Lý Tùng Nhất nhìn anh: “Anh làm bộ phim này vì phòng vé à?”
“Tất nhiên là không. Nhưng cũng không hẳn vậy.” Trần Đại Xuyên có tham vọng rất lớn. “Vừa được giới phê bình khen ngợi vừa nổ phòng vé, đây là điều mà mọi nhà làm phim đều muốn.”
Lý Tùng Nhất chun mũi: “Nếu giới phê bình mà anh nói là đẳng cấp Oscar; nổ phòng vé mà anh nói là ba đến bốn tỷ, vậy tôi thấy với trình độ thẩm mỹ đại chúng ngày nay thì khó lắm nhé.”
Trần Đại Xuyên cũng chỉ biết cười bất lực.
Lý Tùng Nhất an ủi: “Đừng lo. Với tiếng tăm của anh và hiệu ứng liên kết của tôi, bảo đảm doanh thu phòng vé không tới nỗi nào đâu.”
“Tôi chưa từng hoài nghi sức ảnh hưởng của hai mình.” Trần Đại Xuyên cười.
“À, còn một cảnh làm Ấn Tây đau đầu.” Trần Đại Xuyên nói. “Em còn nhớ cảnh này không? Em dắt tay cậu bé chăn cừu bỏ trốn trong mùa tuyết tan, cây cỏ đâm chồi bên hồ rồi khung cảnh dần dần biến mất.”
“Trẻ em luôn là hình tượng đại diện cho tương lai và hy vọng. Phim ảnh hay thậm chí tất cả các loại hình nghệ thuật đều thích sử dụng, chưa bao giờ chán.” Lý Tùng Nhất gật đầu. “Tôi nhớ, hình như cảnh này không nằm trong cả hai bản. Sao vậy, Ấn Tây tính bỏ à?”
Trên thực tế, đạo diễn có toàn quyền thực hiện “phép trừ” —— Loại bỏ tất cả những cảnh dư thừa dù đẹp nhưng không có lợi cho phim.
“Ấn Tây không muốn bỏ, cảnh này quay
“cháy” lắm.” Trần Đại Xuyên bảo. “Nhưng chưa biết đặt nó ở đâu. Ấn Tây thử ba chỗ, thứ nhất là sau khi Thu Lai cứu đứa bé. Mà vậy thì vô nghĩa quá, chỉ đơn giản là khoe mẽ thôi.”
Lý Tùng Nhất thử tưởng tượng một phen, đoạn bật thốt: “Ấn Tây đừng
trẻ trâu vậy chứ.”
Trần Đại Xuyên bật cười: “Còn một chỗ nữa, là khi Cố Nhạn Thanh bị dân chăn nuôi chỉ đường vào ngõ cụt. Nhét cảnh này vào đó như một phép so sánh.”
“Siêu lộ liễu.” Lý Tùng Nhất bình luận. “Còn chỗ thứ ba thì sao?”
“Nằm ở cuối phim, sau khi Cố Nhạn Thanh chết. Kết thúc phim với cảnh này, ý nghĩa sâu xa nhưng tôi luôn thấy có thể phá hỏng bố cục. Tính tới tính lui chưa biết đặt ở đâu, Ấn Tây đành tạm thời bỏ qua một bên. Nhưng cậu ấy dặn tôi hỏi em, biết đâu em có ý tưởng khác.”
Lý Tùng Nhất gật đầu, ngồi trầm ngâm hồi lâu.
“Thực ra, tôi đúng là có một ý tưởng.” Bẵng đi một lúc, Lý Tùng Nhất lên tiếng.
“Em nói thử.” Trần Đại Xuyên nhìn cậu.
“Đặt nó vào trong mắt anh, biến nó thành một ảo ảnh vừa nhỏ bé vừa nhợt nhạt. Cảnh đặc tả cuối cùng trước khi Cố Nhạn Thanh chết là đôi mắt này.”
“Khá hay.” Trần Đại Xuyên thoáng ngạc nhiên. “Nhưng cụ thể phải chờ hậu kỳ edit đã.”
Hình ảnh quá đỗi ấm áp ấy trở thành một ảo tưởng thoáng qua trước khi Cố Nhạn Thanh tắt thở. Thật hay giả, không ai có thể nhìn thấu.
Thời điểm đưa ra ý tưởng, Lý Tùng Nhất vừa nhìn chăm chú vào đôi mắt Trần Đại Xuyên vừa tưởng tượng ra cảnh phim đó.
Ánh sáng vụt tắt, bóng tối ập đến một cách bất ngờ.
Hai người mải thảo luận trong rạp chiếu tư nhân, đến nỗi sau khi kết thúc phim, màn hình trở về giao diện tính năng hồi lâu mà vẫn chưa ai bật đèn.
Sau cùng, ngay cả màn hình xanh cũng biến mất.
Lý Tùng Nhất sững người, xung quanh là một màu đen như mực. Nhưng cậu biết, rằng khuôn mặt Trần Đại Xuyên đang ở rất gần —— Khi có ánh sáng thì chẳng thể cảm nhận; song khi thình lình chìm vào bóng tối, khoảng cách gần thế này lại trở nên mập mờ lạ thường.
Khiến cậu… rất muốn vươn tay chạm vào.
Như thể xác định điều gì đó, như thể tìm kiếm chút yên lòng.
Lý Tùng Nhất bỗng nhớ về cái đêm bên Nguyệt Hồ, cảm giác nóng bừng khi Trần Đại Xuyên nâng cằm cậu cứ thế trở lại.
Tiếng thở đều đều trong không gian đột ngột yên tĩnh tăm tối, tuồng như rõ ràng hơn.
Lý Tùng Nhất chớp mắt, nghe thấy nhịp tim của Trần Đại Xuyên gần trong gang tấc.
Tim anh đập nhanh thật, tựa như tiếng trống rộn rã.
Điều kỳ diệu nhất là tim cậu thoát khỏi khống chế, hòa trong nhịp đập của anh.
Đồng điệu, và không biết ẩn giấu nơi nào trong bóng tối.
Lý Tùng Nhất đột nhiên khô cổ, bèn nuốt nước bọt theo bản năng.
Ngay cả âm thanh nuốt xuống dường như cũng được khuếch đại vào lúc này.
Con tim khấp khởi, Lý Tùng Nhất khẽ nghiêng người sang một bên.
Thời gian dường như lạc đường, cứ mải vòng vèo ở lì một chỗ.
Giọng nói trầm thấp của Trần Đại Xuyên rốt cuộc vang lên: “Anh đi bật đèn.”
Sau đó, Lý Tùng Nhất nghe tiếng anh đứng dậy, nghe tiếng bước chân của anh và tiếng “cạch” của công tắc.
Ánh sáng tràn về.
Trần Đại Xuyên đứng ở cửa, nhìn Lý Tùng Nhất hãy đang ngồi trên sô pha.
Lý Tùng Nhất mất tự nhiên, trái tim lỗi nhịp lì lợm chẳng chịu trở về trạng thái vốn là. Đoạn cậu cười khan, “Anh không sợ tối à?”
Nhịp tim của Trần Đại Xuyên nhanh quá đi.
“Có một chút.”
Lý Tùng Nhất nói: “Em cũng vậy.”
Nhịp tim cậu, cũng chẳng kém cạnh anh.
Hai người bước ra khỏi rạp chiếu tư nhân.
Lý Tùng Nhất có cảm giác nghẹt thở, bèn nói: “Hệ thống thông gió hình như bị lỗi rồi.”
“Ừm.” Trần Đại Xuyên nhìn vào mắt cậu. “Bữa nào anh gọi thợ đến sửa.”
Hai người xuống lầu, về phòng, đóng cửa, và rồi hít một hơi thật sâu. Ngả người xuống giường, ngăn cách bởi hai bức tường và một phòng làm việc, hai người nhìn chòng chọc lên trần nhà, trong mắt bồi hồi biết bao cảm xúc lạ lẫm.
Thật lâu sau, họ ôm tâm tình phức tạp bước ra ban công.
Lý Tùng Nhất muốn hít thở bầu không khí mát mẻ, thế mà kiềm lòng không đặng thoáng nhìn ban công phòng Trần Đại Xuyên.
Và, anh cũng ở đó.
Trần Đại Xuyên nhìn sâu vào cậu, lần lữa mãi không cất lời.
Lý Tùng Nhất cười trừ: “Khéo quá, anh ra ngoài ngắm cảnh hả?”
Trần Đại Xuyên khẽ nói: “Không phải.”
Trái tim mới thoáng bình lặng của Lý Tùng Nhất lại lệch một nhịp, cảm giác hồi hộp chẳng biết từ đâu thình lình kéo đến.
“Vậy à.” Lý Tùng Nhất vẫn treo nụ cười bên môi, nhưng giọng điệu có phần vội vã. “Em ngắm xong rồi. Em vào đây.”
Lý Tùng Nhất vẫy tay. Đôi chân như thể bước trên sa mạc, loạng choạng như kẻ say tình.
Trở lại phòng ngủ, chặn lại một ánh mắt nóng bỏng.
Lý Tùng Nhất lao đầu vào chăn bông như đà điểu non.
Chết rồi. Toang rồi.
Lý Tùng Nhất nghĩ.
Hết chương 66