Lan Nhi chính là nhũ danh của Từ Hi thái hậu sau này, một người đàn bà đã làm rạng danh giới phụ nữ trong chế độ quân chủ và cũng là một bà hậu đã đưa nhà Mãn Thanh đến giai đoạn kết cục.
Từ một cô gái nhà nghèo, nghèo đến mức không đủ bát ăn, Lan Nhi đã nhảy vọt lên tới địa vị của một bà phi, rồi địa vị của một bà thái hậu nắm trong tay vận mệnh của cả đất nước, cả dân tộc Trung Hoa một thời.
Đạt tới địa vị cao cả và vinh diệu như vậy, Lan Nhi hẳn phải có sắc có tài lắm.
Tài sắc của Lan Nhi như thế nào?
Nguyên Lan Nhi là một cô gái dòng họ Na Lạp vốn người Mãn Châu thuộc đội Chánh Hoàng kỳ.
Tổ tiên của nàng thuộc bộ lạc Diệp Hách.
Hiếu trang hoàng hậu của vua Thái Tông trước đây cũng họ Na Lạp.
Gia đình môn hộ của Lan Nhi phải kể là khá giả có tiếng tăm.
Lan Nhi chính là tên tục của nàng, do cha mẹ đặt cho từ hồi nhỏ, cha nàng tên gọi Huệ Trưng.
Dòng họ Na Lạp truyền tới Huệ Trưng thì đã quá suy vì nghèo khố.
May được ông nội trước có công lớn với triều đình, do đó, Huệ Trưng mới được nhờ ơn thế tập và mỗi năm có chút lương bổng lãnh về nuôi gia đình.
Ông Trưng xuất thân nghề viết thiếp, sáu năm trong nghề, ông trở thành một tư viên.
Vợ ông thuộc dòng họ Đông Giai, do đó, ông nhờ thế lực bên vợ nhẩy một phát từ cái chức nhỏ tư viên lên cái chức hải quan đạo tỉnh An Huy miền Vu Hồ.
Triều nhà Thanh, trong chức vụ đạo ban, phải nói quan đạo là lớn nhất, triển vọng to tát nhất.
Ông Trưng may vớ được cái chỗ khuyết này, thật là một chuyện hiếm có, tha hổ rộng bước đường quan từ đấy.
Lòng ông sung sướng như mở cờ, ông liền mang gia đình lên đường nhậm chức.
Gia quyến của ông Trưng tuy không đông lắm, nhưng cũng đủ trai đủ gái.
Ngoài bà vợ họ Đông Giai và cô gái Lan Nhi ra, còn cậu trai tên gọi Quế Tường và cô gái út Dung Nhi.
Như thế gia đình gồm có năm người.
Trong hai cô gái, thì Lan Nhi là chị, lúc đó đã mười hai tuổi.
Theo lời bà thái thái Đông Giai thì khi sinh ra cô bé Lan Nhi, bà có một cái mộng quái lạ.
Bà mộng thấy vầng mặt trăng sáng long lanh từ trên trời rớt xuống ngay bụng.
Bà giật mình tỉnh dậy, cảm thấy đau.
Hôm sau bà sinh ra một bé gái, đó là Lan Nhi.
Người Mãn Châu thường coi trọng con gái hơn con trai.
Con gái khôn lớn còn có hy vọng làm hoàng hậu.
Vì trọng gái, cho nên các gia đình người Mãn thường cho con gái ngồi ghế đầu.
Bà Đông Giai đã có cái quan niệm đó do tập quán, nay lại còn có cái mộng kỳ lạ nọ gây niềm hy vọng, nên càng quý Lan Nhi coi như vàng như ngọc.
Thêm một điều nữa là Lan Nhi mặt mũi lại xinh đẹp hơn Dung Nhi nhiều, thân hình duyên dáng khôn tả, tính tình ôn nhu thuận theo rất mực.
Đã thế, Lan Nhi còn thông minh hơn người chẳng mấy kẻ dám bì kịp.
Trong số bạn gái chơi thân với Lan Nhi, có lẽ chỉ có một mình nàng là nhà nghèo, khổ sở nhất, bạn thì mặc nào tơ nào lụa, nào gấm vóc, trái lại nàng chỉ có vài manh áo vải, vài chiếc quần thô.
Tuy vậy, với cái sắc đẹp tuyệt trần, dù chỉ khoác cái áo dài vải bố màu xanh lá cây, nàng cũng nổi bật hẳn, không ai dám chối cái giá trị nghiêng nước nghiêng thành của nàng.
Cô gái này giàu ư? Đừng khoe giàu với nàng vì có dát vàng điểm ngọc vào người, cô cũng chẳng sánh được cặp mắt hồ thu lóng lánh đa tình của Lan Nhi.
Cô gái kia sang ư? Sang cũng chẳng làm cách nào cho cô vẻ quý phái hơn được cái bộ mặt trái xoan như ngọc như ngà điểm sáng cặp môi son tươi nở đoá hoa như Lan Nhi.
Lan Nhi có hai cái tật tệ hại hết sức mà mãi tới già nàng cũng không thể bỏ được.
Cái tật thứ nhất, đó là cử chỉ của nàng quá khinh bạc, kiêu hãnh.
Nàng chỉ cần che miệng cười duyên hoặc vuốt mớ tóc mây lờa xoà bên má một cái, cũng đủ cho hàng ngàn người mê say như điếu đổ.
Cái tật thứ hai là thích ca những bài ca ngăn ngắn.
Hồi nhỏ, nàng được ông Huệ Trưng cho đi học.
Tuy thông minh hơn người, nhưng sách vở có hạn, nàng cũng chỉ học đến một độ nào đó thôi.
Nhưng giọng ca tiếng hát của nàng thì hình như đã có từ kiếp trước.
Vừa mê say lại vừa thông minh sáng trí, Lan Nhi thông thạo đủ nào là Kinh điệu, nào Côn khúc, nào Nam Bắc tiểu điệu.
Nàng chỉ cần nghe qua một lần là ca lại đúng in như cũ, chính không trật một chữ, không sai một âm.
Nàng còn được trời cho cái giọng uyển chuyển, lên bồng xuống trầm tuỳ nghi khiến những bản nàng hát có một sức quyến rũ mê hồn.
Lúc đầu, nàng chỉ ca một mình, cho mình nghe cho khuây khoả nỗi lòng, nhưng về sau, nàng còn ca cho các chị em bạn gái nghe, đệm thêm sênh, phách, đàn địch nữa.
Khi nghe nàng ca, quả không ai là không ngừng hết mọi việc để lắng nghe, nghe rồi họ mê, họ say, không muốn rời nàng ra nữa.
Bà mẹ Đông Giai thấy con ca hát, có nếp sống như phóng đãng tự do quá, cho rằng chẳng đẹp tốt, đã nhiều phen ngăn cấm.
Bà thì thế, nhưng ông, thì lại khác.
Ông Huệ Trưng cưng con gái, lại còn thích nghe con gái ông hát.
Thế là học được bài kinh điệu nào từ trước, ông đem ra dạy con hết!
Hai cha con Huệ Trưng từ đó say mê với điệu hát, câu ca.
Nhà chưa có gạo, chưa có củi ư? Mặc kệ nó! Hát đã, ca đã.
Hai cha con ông cả ngày, cả đêm, sáng cũng ca, tối cũng ca, no cũng ca, thậm chí đói cũng ca.
Khi thì hai cha con ca bản "Tam Nương giáo tử", Lan Nhi thì làm Tam Nương, còn ông thì làm lão Tiết Bảo.
Có khi ca bản "Phần Hà Loan", cũng có khi ca bản "Nhị tiến cung".
Hai cha con dùng phòng khách làm sân khấu, kéo cho kỳ được bà Đông Giai làm khán giả.
Bà này lúc trước còn khuyên can nhưng về sau thấy không thể can nổi, bèn để mặc.
Tất cả cảnh đời này của Lan Nhi là đều nằm trong thời gian mà ông Huệ Trưng chưa đi nhận chức hải quan đạo miền Vu Hồ.
Rồi Lan Nhi theo cha lên đường nhậm chức.
Vu Hồ vốn là một thị trấn đông đảo náo nhiệt.
Phía trước cửa Tây thành là bờ sông lớn.
Dọc bờ sông các quán rượu tiệm trà mở cửa san sát.
Trong các quán tiệm, khách ăn uống tới lui tấp nập.
Các rạp hát cũng nhờ đó đông đảo, sầm uất.
Lan Nhi lúc đó vốn còn tính trẻ con, thích xem hát lại thêm cha có tiền nên thường đem theo một con a đầu, một thằng bé, ngày ngày tới rạp.
Anh chàng chưởng quỹ rạp hát biết nàng là con gái ông quan đạo nên đặc biệt chú ý và xu phụng hết chỗ nói.
Nàng Lan Nhi đi xem hát, có cái tính rất cổ quái là không thích ngồi trong ghế đàng hoàng, mà lại chỉ thích ngồi ở những ghế sát Sàn sân khấu.
Nàng đi xem hát lâu ngày, biết tên hết các tài tử trong gánh hát.
Toàn ban gánh hát, ai cũng đều biết nàng, và thường gọi nàng là Lan tiểu thư.
Lan tiểu thư hằng ngày tới rạp hát xem hát, người ta không ai biết được nàng đã đi đến bao lần.
Mỗi khi có những ngày sinh nhật của cha mẹ hoặc của anh, của chị em, nàng đều cho gọi gánh hát về nhà hát mua vui.
Lan Nhi ngoài tính thích xem hát, lại còn khoái vào quán.
Cha nàng làm quan tại đất Vu Hồ này vốn có thân binh, cho nên ông thường cho hai tên đi bảo vệ nàng khi ra ngoài du ngoạn và vào quán ăn uống.
Dân chúng miền Vu Hồ không ai không biết nàng là tiểu thư con ông quan đạo và họ thường cũng gọi là Lan tiểu thư.
Nói đến ông quan đạo này, phải nói đây là một trường hợp đặc biệt.
Ông ở lâu tại kinh thành làm một kẻ bị sai phái, hết sức nghèo nàn khổ sở, bới thế khi kiếm được một chỗ béo bở, ông bèn mở túi tham ra, tha hồ ăn hối lộ tham tàn, đòi đút lót thậm thọt, không một cái gì bậy bạ mà không làm, để vét cho nhiều tiền tiêu xài cho bõ những lúc cơm hẩm canh đậu hũ.
Ông ăn hối lộ, tham nhũng đến nỗi chưa đầy một năm mà đã có đơn tố cáo.
Nhưng những đơn này đều nhờ thế lực trong triều tìm mọi cách bưng bít đi nên chưa xảy ra việc gì.
Qua năm thứ hai, ông bố vợ trên kinh chẳng may chết mất, thế lực từ đó không còn.
Ấy cũng chẳng qua cái vận đen đã tới với ông quan đạo Huệ Trưng.
Ông quan đạo Huệ Trưng không dè tóm ngay phải một chiếc thuyền của Giang ngự sử, bảo vị này chở hàng lậu.
Đã thế lại còn đòi hối lộ tịch thu luôn cả một bè tre trị giá ba ngàn lạng bạc.
Vị ngự sử họ Giang vốn có uy thế trong kinh, lại quen rất nhiều các vị vong gia.
Khi về tới kinh, ông hậm hực, bực tức dâng ngay lên một bản tấu chương đàn hặc Huệ Trưng.
Lúc này, ông bố vợ Huệ Trưng đã chết, chẳng còn ai là người ở kinh giúp ông để chạy chọt, tâu bày.
Thế là một đạo chỉ dụ hạ xuống, cắt chức, điệu ông về quê.
Được lời xét xử này, ông tự cho là may lắm, bèn xếp trống cuốn cờ, so vai rụt cổ, đem gia quyến về An Khánh tỉnh An Huy trú ngụ.
Giang ngự sử còn muốn dâng lên thêm một tờ sớ bắt Huệ Trưng phải thanh toán hết mọi khoản tiền thu được khi tại nhiệm trước nha môn quan án sát.
Nhưng may được tuần phủ An Huy, vốn có chút tình thân thích họ hàng với Huệ Trưng, hơn nữa Trưng còn bỏ ra đúng một vạn lạng bạc để chạy chọt lo gỡ, nên cơn sóng gió ngặt nghèo qua đi được.
Huệ Trưng làm quan một thời gian, đã quen mùi phú quý, nay ăn không ngồi rồi tại vùng An Khánh thì quả thật là buồn.
Thấy thế bà Đông Giai mới khuyên ông năng lui tới nha môn quan tuần phủ, để cầu mong một chức vụ dưới quyền.
Quan tuần phủ An Huy Hạc Sơn thấy Huệ Trưng tính tình cần mẫn lại thông minh, ăn nói cũng khá, nên thường sai đi đây đó, lo liệu giải quyết nhiều việc giúp mình.
Huệ Trưng nhờ đó mà được nể trọng.
Hồi đó, miền bắc tỉnh An Huy xảy ra ngập lụt.
Bà Đông Giai liền khuyên chồng nhân cơ hội đó, xuất ra một vạn lạng bạc để phát chấn cứu giúp dân chúng.
Rồi đến hôm sinh nhật quan tuần phủ, lại còn lén đưa tới biếu đến hai vạn lạng bạc.
Tất cả ba keo như vậy, tiền của trong nhà coi như đã cạn, ngay cả đến đồ nữ trang của bà Đông Giai cũng phải bỏ cả vào đấy nữa mới đủ.
Quan tuần phủ Hạc Sơn đã được tiền của người tất nhiên phải giúp người gỡ nạn trừ tai.
Ông bèn giúp Huệ Trưng, dâng một tờ sớ vào triều khen Trưng là người vừa thông thạo vừa mẫn cán, hăng hái làm điều thiện, đồng thời bảo cử Trưng đảm nhiệm chức vụ sai sứ trong công cuộc chẩn tế.
Không ngờ số mạng Huệ Trưng đúng là rủi ro.
Tập tấu sớ nọ mới đi được ba ngày, thì tuần phủ Hạc Sơn nhuốm bệnh rồi lăn ra chết.
Nội vụ giao lại cho án sát sứ Thự Lý xét.
Nhưng ông án sát này lại chính là một tay đối thủ với Huệ Trưng.
Một đao thượng dụ hạ xuống, bố chánh tỉnh Sơn Đông là Nhan Hy