Phúc Thành bước đi, Lan Nhi nhìn theo người khách hảo tâm với vẻ lưu luyến rồi mới vào nhà.
Nàng thấy mẹ nằm trên giường.
Bà hỏi tại sao đi quá lâu, nàng giấu biệt chuyện chọc ghẹo của tên Ngưu mà chỉ nói bên ngoài có người đưa lễ vật tới viếng với bốn lượng, nàng đã nhận và để cho họ đi rồi.
Bà Đông Giai đang lo rầu vì nhà hết tiền, nay thấy có người đưa lễ tới, bỗng nhẹ người, nên chẳng tra khảo gì thêm nữa.
Bốn mẹ con Lan Nhi sống vất vưởng lo âu như thế mấy hôm nữa, bỗng một sáng, cửa ngoài có tiếng đập rầm rầm.
Quế Tường vội chạy ra xem, thấy một người có vẻ gia nhân của một gia đình khá giả, tay xách một gói hỏi:
- Đây có phải là nhà của Huệ Trưng mới mất không?
Quế Tường gật đầu bảo hải, người gia nhân nọ liền trao cái gói vào bảo:
- Đây là vật mọn của lão gia tôi đưa tới hiếu kính gia đình.
Quế Tường giơ hai tay ra tiếp cái gói, cảm thấy có gì nằng nặng bên trong.
Tường vội quay vào nhà, mở ra thì thấy bên trong vừa đúng hai trăm lạng bạc.
Bà Đông Giai trông thấy, mặt ngây ra, vội hỏi người gia nhân kia, mới biết tiền đó của Đạo đài nha môn đưa tới.
Lan Nhi vụt hiểu ra, bảo mẹ:
- Có lẽ vị Đạo đài này trước kia là bạn thân với cha con.
Đối với hoàn cảnh hiện tại, kể ra ta cũng chẳng nên khách khí làm gì.
Mẹ cứ nhận đi rồi ta sẽ viết một tấm thiếp tạ ơn, gói mười lạng bạc để kính sự, rồi cho người gia nhân ra về, sau đó sẽ tính.
Chuyện khổ sở nhất lúc này là chuyện Quế Tường phải viết tấm thiếp.
Tường tuy có theo học mấy năm, nhưng nào được bao lăm chữ nghĩa trong bụng! Bởi thế, viết một tấm thiếp tạ ơn quả thật thiên nan vạn nan.
Tường loay hoay mãi một lúc lâu mà vẫn chưa viết xong, đó là chưa kể phần nội dung câu chẳng ra câu, lời chẳng thành lờ.
Lan Nhi vốn là một cô gái thông minh, hằng ngày vẫn nhìn thấy việc này, nên nàng lại phải thế Tường làm việc đó.
Người gia nhân của Đạo đài nha môn ra về, bà Đông Giai thấy tiền, bệnh bỗng khỏi ngay.
Bà liền bàn tính với Lan Nhi việc đưa linh cữu về kinh.
Lan Nhi vâng lời mẹ chạy tới nhà Châu lão bá, nhờ lão đi mướn cho một chiếc thuyền.
Thấy gia đình Lan Nhi toàn vợ goá con côi, Châu lão bá hết lòng giúp đỡ, vội đi mướn một chiếc thuyền lớn, mua rất nhiều vật dụng dành lúc đi đường, lại mướn cả mười hai người đô tuỳ, khiêng linh cữu xuống thuyền.
Tổng cộng tiền thuê mướn đã lên tới sáu, bảy chục lạng.
Qua ngày thứ ba, hành lý thu xếp đã xong xuôi.
Giữa lúc sắp khởi hành, gia đình Lan Nhi bỗng thấy người gia nhân hôm nọ bước vào nhà, mặt hầm hầm, hất hàm đòi lại số tiền hai trăm lạng bạc bữa trước và bảo tiền đó là tiền đưa tặng gia đình họ Chung ở phía tây thành chứ không phải tặng gia đình Huệ Trưng.
Y còn bắt buộc phải mau mau trả lại, nếu không y lập tức đưa tới cửa công.
Bà Đông Giai nghe nói vậy, chẳng hiểu ra sao cả, lòng vừa bẽ bàng vừa sợ hãi.
Châu lão bá lúc này cũng có mặt, nghè câu chuyện, biết thế nào cũng có điều kỳ quặc bên trong, bèn bàn với bà Đông Giai cho Quế Tường theo người gia nhân nọ tới nha môn…
Quế Tường tới gặp vị Đạo đài, đem hoàn cảnh bi đát của nhà mình ra kể cho ông ta nghe.
Tường còn thêm là số tiền đã chi dùng mất hơn phân nửa, nếu bắt buộc phải trả lại, e không biết tìm đâu ra để bù vào.
Sau hết, Châu lão bá cũng nói thêm:
- Đại nhân hãy tỏ lòng thương xót cho cả một gia đình cô nhi quả phụ bốn miệng ăn chỉ biết nhờ vào số tiền đại nhân để hồi hương.
Chi bằng đại nhân coi như đã làm một việc từ thiện nhân đức để cho con cháu về sau.
Hơn nữa đại nhân nghĩ tình đồng Kỳ mà coi như thưởng tặng cho họ, có lẽ là hay nhất.
Vị Đạo đài nghe hết mọi sự thể, lại là người khẳng khái, bởi thế ông vui vẻ gật đầu chấp thuận.
Quế Tường nghe vị Đạo đài nói vậy, mừng như mở cờ, tạ ân rối rít.
Châu lão bá cũng vì Tường và gia đình bà Đông Giai mà nói thêm vài lời để cảm tạ và tâng bốc vị Đạo đài rồi mới xin ra về.
Mặt khác, vị đạo đài cho gọi người quản lý lại chi ra hai trăm lượng bạc khác để đưa tới cấp cho nhà họ Chung phía tây thành.
Ông cũng không quên gọi cậu đại công tử lên quát hỏi:
- Tại sao mày dám dối cha mày, cho người đưa tới nhà Huệ Trưng? Có phải mày nhân tình nhân ngãi với con gái Huệ Trưng không?
Cậu cả nghe cha hỏi, lắc đầu chối dài.
Thực ra thì từ ngày gặp Lan Nhi, trở về nhà, có hôm nào là hôm cậu không nhớ tới nàng? Hình bóng nàng đã như in vào tâm khảm chàng có lúc nào chàng quên được khuôn mặt xinh đẹp duyên dáng ấy.
Càng nhớ bao nhiêu, chàng lại càng thương xót bấy nhiêu.
Vốn là người có lòng từ thiện, chàng chỉ giận mình không có tiền.
Nhưng đã hứa giúp, chàng không thể nuốt lời được, trái lại thấy cần phải thực hiện cho thật nhanh.
Giữa lúc băn khoăn, khó tìm được biện pháp, thì may thay dịp tốt đã tới với chàng: ở vùng An Khánh có một vị thân sĩ họ Chung.
Cha chàng trước đây có nhờ vả Chung ông chút việc gì đó.
Cách đây mấy hôm Chung ông vừa mất.
Cha chàng biết nhà Chung ông nghèo khó nên bảo rằng sẽ gửi lê vật đến phúng viếng để đáp ân ngày trước.
Quả nhiên qua ngày thứ hai, Phúc Thành thấy người quản gia gói hai trăm lượng bạc giao cho gia nhân đem đi.
Chờ tên gia nhân mang gói bạc bước ra khỏi nhà, chàng liền lẻn bước theo sau, gọi lại, bảo cha mình dặn khỏi đưa tới nhà Chung ông mà đưa qua cho gia đình Huệ Trưng.
Tên gia nhân thấy đại công tử bảo đó là lệnh đại nhân, đâu có biết chân giả, bèn đem gói bạc tới nhà Lan Nhi, nhận hồi thiếp rồi quay về nha môn, cậu cả đón lấy tấm thiếp đem giấu kỹ.
Khi quản gia hỏi, tên gia nhân chỉ nói tấm hồi thiếp tạ ân đã đưa cho đại công tử đem vào cho đại nhân xem rồi.
Được báo cáo như vậy, viên quản gia cũng không nghi ngại gì nữa.
Qua ngày thứ ba viên quản gia lên gặp vị Đạo đài, nhân tiện hỏi tấm hồi thiếp thì nghe bảo rằng chưa thấy.
Viên quản gia lấy làm lạ, vội chạy vào hỏi tên gia nhân thì tên này xác nhận là cậu cả đã lấy.
Lúc đó cậu cả thấy khó che giấu nổi bèn lấy tấm thiếp đưa ra.
Vị Đạo đài cầm lấy xem thấy phía trên tấm thiếp đề một dòng chữ: "Bất hiếu cô tử Na Lạp Quế Tường" (đứa con mồ côi bất hiếu là Na Lạp Quế Tường) bất giác lấy làm lạ vội truy vấn.
Tên gia nhân lúc đó cứ thực tường khai, bảo đại công tử dặn khỏi đưa cho gia đình Chung ông mà đem sang cho gia đình ông cố hậu bổ đạo Huệ Trưng.
Vị Đạo đài nghe rõ sự thể, một mặt sai tên gia nhân tức khắc đi tới nhà Lan Nhi đòi lại gói đồ lễ, một mặt cho gọi cậu cả lên cật vấn.
Cậu cả thấy cha nóng giận, biết không thể che giấu được, bèn đem hết câu chuyện xảy ra ngày nọ, nào khi Lan Nhi bi tên ma cô trêu chọc trong tiệm trà, nào lúc nghe kể hoàn cảnh gia đình bi đát của nàng.
Vị Đạo đài không tin vẫn bắt con phải nói sự thực.
Giữa lúc đó thì tên gia nhân đưa Quế Tường và Châu lão bá tới.
Kịp đến khi nghe Châu Lão bá kể lể thảm cảnh gia đình Lan Nhi thì vị Đạo đài lòng như se lại, liên tưởng tới cái cảnh thỏ chết cáo đau lòng, nên vui lòng coi hai trăm lượng bạc nọ như một số tiền từ thiện mà cho Quế Tường ra về.
Tuy nhiên, ông vẫn thắc mắc nghi rằng cậu cả nhà mình có tư tình với Lan Nhi.
Ông cật vấn, ông doạ nạt… Cậu cả thấy cha không tin đành phải chỉ trời thề độc và cam đoan với cha là không bao giờ dám làm điều vô si như vậy.
Bà Đạo đài và viên quản gia lúc đó có mặt bên cạnh cũng lên tiếng khuyên giải và nói cậu cả vốn là người nhân đức từ thiện nên có hành động thương người đó thôi, chứ đối với việc tình ái yêu đương xưa nay chưa từng phạm, ắt không thể có điều vô sỉ nào đâu.
Vị Đạo đài nghe rõ chuyện thấy có lý, lúc đó mới an lòng, ngược lại còn ca tụng đức tính cậu cả vài ba câu.
Tuy vậy ông vẫn cảnh cáo:
- Lần sau, mày không được độc đoán, độc hành như thế.
Làm việc gì cũng vậy, phải bẩm rõ cho cha biết mới được, nghe chưa?
Đại công tử dạ dạ luôn mồm từ từ rút lui.
Song ngay hôm