Loạn ngoài vừa yên thì loạn trong lại nhóm.
Loạn ngoài là cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên quốc.
Loạn trong là xung đột giữa hai bà hoàng thái hậu nhà Thanh.
Đã từ lâu, Từ Hi thái hậu vẫn tưởng Từ An thái hậu là người nhu nhược, nay bỗng thấy bà này thẳng tay giết Hà Quế Thanh; tống Bảo Thắng vào lao, phong tước hầu tước bá cho bọn Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương… trong lòng cũng lấy làm hoảng.
Bà vội về cung triệu An Đắc Hải tới bàn tính kế hoạch.
An Đắc Hải là ai vậy? Là một tên thái giám được Từ Hi thái hậu sủng ái và tin dùng nhất.
Đừng nói đối với cung nội nữa mà cả đến khắp trong triều đình Hải cũng có những quyền hành rất lớn.
Hải thường cậy thế lực của Từ Hi áp bách cả bọn Vương công đại thần.
Hồi này quyền hành của Cung thân vương cũng chẳng nhỏ.
Vương vốn là một đại thần thân tín của Tử An, thấy Hải lăng loàn kiểu đó, sớm đã có nỗi lòng căm giận.
Cho nên khi Đông hậu triệu kiến, vương liền tâu Hải tham tàn bất pháp như thế nào, vượt phận chuyên quyền ra sao, trong khi đó Hải cứ nghênh ngang và càng lộng hành hơn trước.
Ở bên ngoài Hải cung cậy thế Tây thái hậu kéo bè lập đảng khắp nơi.
Khá nhiều đại thần đã chạy theo phe của Tây hậu, do đó bè cánh của Tây hậu ngày một đông thêm và cũng do đó quyền hành của Hải ngày một lớn thêm.
Một hôm Tây hậu truyền cho Hải vào cung bàn tính.
Bà nói:
- Từ An thái hậu càng ngày càng chuyên quyền, động một tí là giết đại thần, giam tướng lãnh.
Người phải cẩn thận đề phòng lắm mới được.
Ở bên ngoài, người có đánh trống gõ mõ om sòm, làm ăn xoay sở quá đáng e xúc phạm tới Đông hậu thì nguy đấy, chẳng phải chuyện chơi đâu.
An Đắc Hải nghe xong, đã chẳng chút sợ hãi lại còn hậm hực nói:
- Sợ bà ta cải quái gì? Hoàng thượng vốn là hoàng thượng của Thái hậu bọn tôi mà uy quyền của bà ta dù có lớn tới đâu chăng nữa cũng chẳng thể qua mặt được thái hậu bọn tôi.
Nguyên do chỉ tại thái hậu nể nang, việc gì cũng nhường bước bà ta mà ra.
Theo ý nô tài thì từ nay Hoàng thái hậu đừng chịu vậy nữa.
Cứ nhường một bước là y như Đông hậu tiến một bước.
Kiểu này thì đừng nói bọn nô tài tôi một ngày kia không còn có cơm ăn mà ngay cả hoàng thái hậu cũng mất luôn cả chỗ đứng nữa là khác.
Mấy câu này của Hải đã đánh trúng tâm lý Tây hậu.
Bà gật đầu, miệng khẽ buông tiếng lo ngại:
- Đúng! Đúng thế!
Thế rồi từ đó Hải thường xun xoe trước mặt Tây thái hậu để hiến kế dâng mưu, nào là chuyên quyền phải làm sao, kết bè kéo cánh phải như thế nào.
Hải còn thường xuất cung tới nhà Vinh Lộc để bàn tính công việc.
Cung thân vương cho người luôn luôn theo dõi, dò xét Hải nên mọi hành động của Hải và đồng bọn đều bị ông khám phá hết.
Vương vào cung tâu bày với Đông hậu, xin cho hạ bằng được An Đắc Hải.
Đông hậu tuy vậy chứ vẫn nể mặt Tây hậu, chẳng tiện thẳng tay.
Một hôm vì quân vụ miền Giang Nam, vương phải vào cung xin gặp Đông hậu.
Bà bảo vương tới thỉnh ý ở Tây hậu.
Khi đi tới cửa Tây cung, vương thấy An Đắc Hải cũng vừa dợm bước vào.
Rõ ràng Hải nhìn thấy Cung thân vương mà chẳng chịu tới chào hỏi, đã thế còn làm bộ lật đật chạy vội qua cửa như có việc gì cần kíp lắm.
Vương còn giận hơn nữa khi vào tới cung lại bị bọn thái giám chặn lại, nói thái hậu có việc bận chưa được phép vào.
Vương đành tức tối mà ngồi chờ ngoài cửa cung.
Không ngờ đợi tới chiều tối mà vẫn chẳng được truyền vào vương tức giận giậm chân xuống đất bình bịch, mặt hầm hầm đi ra khỏi cung.
Tới giữa đường gặp Thuần thân vương, Cung vương kể cho nghe thái độ vô lễ của Hải và thề quyết phải giết hắn.
Tại sao lại có chuyện bỏ mặc Cung thân vương? Nguyên do chỉ tại hôm đó Từ Hi thái hậu bận bàn chuyện đi Sơn Đông lấy "long y" (áo rồng) với An Đắc Hải, không ngờ được rằng có Cung thân vương xin vào yết kiến.
Còn Hải quả có thấy vương nhưng cố ý bảo bọn thái giám không thông bảo chỉ là để đùa dai vương một phen.
An Đắc Hải được mật chỉ của Tây hậu lẻn ra khỏi cung tìm đường đi Sơn Đông chuẩn bị xuống Giang Nam thay Tây hậu cho cắt may áo long y bằng gấm vàng.
Theo luật lệ của triều nhà Thanh thì đã là thái giám, cấm không được phép rời kinh thành một bước.
Phạm tội đó, thì lập tức đem chính pháp (chém đầu).
An Đắc Hải xuất kinh chuyến này, đã không biết che giấu lại còn phách lác om sòm suốt dọc đường.
Thực tế, Hải mượn uy của Tây hậu tự xưng khâm sai đại thần mặc sức quấy nhiễu địa phương, bức bách quan lại.
An Đắc Hải ngồi trên một cặp thuyền nổi, hiệu là Thái Bình thuyền, phía trên cắm Tam Túc Ô kỳ, hình mặt trời, còn hai bên cắm không biết bao nhiêu là cờ long phụng.
Hắn còn mang theo rất nhiều đồng nam đồng nữ, thảy đều xinh đẹp.
Chưa hết, dọn đường, hắn còn truyền gọi bọn ca kỹ của nhà quan lên trên thuyền để sai bảo hầu hạ, so tơ nắn phím.
Thái Bình thuyền của Hải lướt giữa dòng sông, người xem đứng đông nghẹt trên bờ, chẳng khác gì nghênh đón xa giá vậy.
Thuyền chạy qua Đức Châu vào giữa hôm hai mươi mốt tháng bảy.
Đó là hôm sinh nhật của Hải.
Hắn ăn mừng ngay tại thuyền.
Trong khoang giữa, Hải cho bày long y, rồi cho rất nhiều trai gái lên thuyền mừng thọ.
Tin này truyền ngay tới tai tri phủ Đức Châu là Triệu Tân.
Tân vốn hiểu luật, biết rằng thái giám tự ý xuất kinh là phạm pháp bèn thân tự, mang theo nha dịch đuổi theo tra xét.
Nhưng thuyền của Hải đi đã xa đuổi không kịp nữa, tri phủ Triệu Tân không dám chậm trễ vội chạy tới bẩm cáo với Sơn Đông tuần phủ Đinh Bảo Trinh.
Sau lời bẩm cáo này, tuần phủ Trinh cũng còn nhận được văn thư của nhiều phủ huyện khác gởi về, đều tố cáo An thái giám quấy nhiễu địa phương, bức bách quan lại.
Đọc xong ông nổi cơn thịnh nộ một mặt gởi công văn cho các phủ huyện Đông Xương, Tế Ninh truy bắt, một mặt viết một bản mật tấu gởi về kinh.
Cung thân vương tiếp được bản mật tấu, nổi giận đùng đùng, đi vội vào cung tâu với Từ An thái hậu.
Bệ kiến xong, Cung thân vương đem theo tờ chỉ dụ giết An Đắc Hải và cả bản tấu chương của Đinh Bảo Trinh nhất tề trình lên.
Đông hậu đọc xong, hoảng sợ nói:
- Tên khốn kiếp, đến ngay cả Tổ huấn của nhà ta mà hắn cũng giẫm đạp lên.
Không thể nào nể mặt Tây hậu được nữa, quốc pháp, gia pháp là điều tối khẩn phải duy trì.
Nói đoạn, Đông hậu lập tức ấn ký ngay vào tờ chỉ dụ.
Cung thân vương đỡ lấy, tức tốc quay ra.
Tiếp được mật chỉ của nội đình, tuần phủ Đinh Bảo Trinh mở ra xem thì thấy như sau:
"Căn cứ theo tập sớ của Đinh Bảo Trinh tâu về việc một tên thái giám ra ngoài phách lác bịp bợm do Triều Tân tri phủ Đức Châu tâu trình, rằng: "Vào khoảng tháng bảy có tên thái giám họ An ngồi bên trong hai chiếc Thái Bình thuyền, thanh thế rất là hống hách, tự xưng vâng chỉ sai đi may cắt long y, trên cắm một lá cờ Tam túc kỳ hình mặt trời, hai bên treo cờ long phụng, trong khoang chứa rất nhiều trai gái, cũng có cả nữ nhạc nắn phím so tơ, khiến hai bên bờ người đi xem đông nghẹt, lại đến ngày hai mươi mốt tháng ấy, mượn cớ ngày sinh nhật, tên thái giám giữa bày long y cho trai gái vào lễ lạt vì thế Châu này vội đi lùng bắt thì thuyền đã giương buồm xuôi trẩy về Nam, sau đó, tuần phủ Trinh liền thông sức cho các châu phủ Đông Xương, Tế Ninh đuổi theo bắt lại.
Ta xem xong quả lấy làm quái lạ, sợ hãi vô cùng.
Tên thái giám này đã tự ý đi xa, lại còn có nhiều hành vi bất pháp.
Nếu không nghiêm trị thì còn biệt lấy gì răn đe nơi cung cấm.
Bởi thế ta giao cho Mã Dân Di, Trương Chỉ Vạn, Đinh Nhật Xương, Đinh Bảo Trình phải cấp tốc cho bắt ngay tên thái giám họ An cùng bọn tuỳ tùng, phải nói rõ chứng cớ xác thực, rồi khỏi cần thẩm vấn, tức khắc đem ra chính pháp, không cho hắn lẻo mép biện luận che đậy.
Nếu như tên thái giám họ An nghe được tin đã hoảng sợ quay về thì việc bắt hắn sè giao cho Tăng Quốc Phiên thi hành mau chóng và đem hắn chính pháp tức khắc.
Việc quan trọng này ví thử sơ sót không chu đáo thì đó là lỗi của các đao phủ sẽ bị tra hỏi sau này, còn bọn tuỳ tùng xét ra nếu thuộc loại thổ phỉ, thì bắt ngay rồi phân biệt ra từng loại mà nghiêm phạt, khỏi cần phải tâu xin ý chỉ nữa.
Hãy chiếu theo tờ mật vụ sáu trăm dặm này mà thi hành.
Khâm thử".
Mười ngày sau khi chém tên thái giám An Đắc Hải, Từ An thái hậu lại sai Cung thân vương soạn thảo đạo chỉ dụ thứ nhì, nội dung như sau:
"Ngày mồng ba tháng này, Đinh Bảo Trinh căn cứ vào tờ bẩm của tri phủ Đức Châu là Triều Tân tâu rằng có tên thái giám họ An đi trên chiếc thuyền lớn tự xưng là khâm sai, đi lo may long y, cạnh thuyền có treo cờ long phụng lại đem theo rất nhiều trai gái, suốt dọc đường phách lác bịp bợm khiến nhân dân hết sức kinh hãi".
Do đó ta đã hạ dụ sai các đốc phủ các tinh Trực Lệ, Sơn Đông, Giang Tô lùng bắt và đem chính pháp tức khắc.
Nay theo tờ sớ của Đinh Bảo Trinh tâu lên thì tên thái giám phạm pháp là An Đắc Hải đã bị bắt và bị chém tại huyện Thái Ân.
Còn bọn tuỳ tùng thì cũng ngày hôm nay ta đã truyền dụ cho Đinh Bảo Trinh phân biệt tội trạng để nghiêm trị.
Gia pháp của triều ta rất là nghiêm ngặt đối với bọn hoạn thư đời này tới đời kia, nếu phạm ắt bị trừng trị.
Bởi thế, mỗi khi có kẻ ra ngoài phách lác, bịp bợm, sinh sự, không kẻ nào là không bị trị tội tức khắc.
Ấy thế mà tên thái giám An Đắc Hải dám lớn mật làm càn, gây ra không biết bao chuyện bất pháp, tội chết thực là đáng! Kể từ nay về sau bọn thái giám phải mở mắt nhìn rõ sự nghiêm phạt để dốc lòng kính sợ cố tránh.
Viên đại thần tổng quản nội vụ phủ phải nghiêm sức cho bọn tông quản thái giám.
Từ nay về sau phải kiểm soát gắt gao bọn thái giám trực thuộc để chúng hết sức cẩn thận khi thừa hành phận sự.
Nếu có kẻ không chịu an phận mình ra ngoài gây chuyện thì chẳng những kẻ chính phạm đã phải chiếu luật trị tội mà đến cả tên thái giám tổng quản cũng bị trừng phạt nữa.
Ngoài ra, cũng cần thông dụ thẳng cho các đốc, phủ các tỉnh cần nghiêm sức cho các địa phương dưới quyền hễ gặp bất cứ tên thái giám nào mạo xưng vâng lệnh thừa hành công vụ thì lập tức bắt ngay xích lại rồi tâu rõ để trừng trị, không được khoan hồng thả ra, bất luận tên can phạm đó chưa hoặc đã phạm pháp".
Tây thái hậu được xem hai đạo chỉ dụ đó xong mới biết An Đắc Hải đã bị chính pháp.
Bà bất giác vừa thương tâm vừa căm hận, vừa mắc cỡ.
Bất chấp cả thể diện của một thái hậu, bà hầm hầm chạy tới Đông cung.
Từ An thái hậu lúc đó đang ngủ trưa, nghe Tây hậu tới chẳng hiểu có chuyện gì vội ngồi dậy đón vào.
Từ Hi bước vào phía sau còn có một bọn cung nữ và thái giám khá đông thanh thế, vẻ hùng hổ dữ dằn lắm.
Thấy Đông hậu ra đón nhưng Tây hậu chẳng thèm hành lễ, giận dỗi ngồi phịch xuống ghế, không nói tiếng nào cặp má biến dần từ đỏ đến tái.
Đông hậu thấy vậy muốn làm lành bèn cười hì hì lên tiếng hỏi:
- Chuyện gì mà giận dỗi quá vậy?
Tây hậu chẳng đáp, bỗng oà lên khóc rối vò đầu, giậm chân, y như một con điên.
Mấy cung nữ vội chạy tới vỗ về, khuyên nhủ.
Đông hậu ngơ ngác đứng ngây người ra nhìn.
Tây hậu khóc chưa đã, bèn lăn nhào tới trước mặt Đông hậu, đầu gối quỳ trên sàn gạch còn cái đầu thì gục vào lòng Đông hậu, quay