Sau khi đi du ngoạn Tam Hải về cung, Từ Hi thái hậu phàn nàn với Lý Liên Anh là nơi này đã từ lâu không sửa chữa gì cả, để đến nỗi nhiều chỗ lở lói suy sụp cả.
Bà còn nói thêm là trước đó vài năm, bà đã cho gọi Nội Vụ phủ bảo sửa chữa lại nhưng Cung thân vương tâu không có tiền sửa chữa, Đông thái hậu lại bảo khỏi sửa, thế là chuyện dẹp.
Hiện nay, tình trạng nơi đây đã quá tệ, nếu không lo sửa sang lại, thì còn gì là hoa viên nữa!
Lý Liên Anh nghe Từ Hi thái hậu phàn nàn như vậy, vội chạy tới quân cơ xứ báo cáo cho bọn đại thần nơi đây hay.
Bọn đại thần quân cơ, anh nào chả mong được lòng thái hậu.
Bởi thế họ đi gọi nhau lại, họp hành luôn mấy ngày đêm để bàn tính việc tu bổ.
Họ cho gọi cả viên đại thần Nội vụ đến, rồi biểu quyết ngay một số tiền lớn khởi công động thồ tức khắc Khu Tam Hải đã lớn, họ còn mở rộng thêm vây luôn cả một con đường lớn chạy dọc suốt từ khu thành tây cũ đến mãi tận cửa sau, để xây cất thêm hai toà Bạch Thạch Kiều rất là cao lớn gọi Kim Ngao, Ngọc Đống.
Tam Hải sửa chữa lại xong, bọn đại thần liền tới thỉnh thái hậu đi du ngoạn.
Tây thái hậu bày giá tới Tam Hải, quả nơi đây lúc này khác hẳn khi xưa, cả một khu hoa viên đổ nát hoang tàn bỗng trở nên rộng lớn lộng lẫy, nào đền đài tráng lệ, nào hồ ao trong mát, không thiếu một cảnh đẹp nào! Tây thái hậu đi tới đâu khen tới đấy, thực là không ngớt lời khen.
Rất nhiều thân vương phúc tấn, đi hầu cạnh thái hậu du ngoạn hết nơi này đến chỗ nọ, nhởn nhơ y như tiên nga trên thượng giới.
Giữa lúc đoàn du ngoạn đi hết chỗ này sang chỗ khác, vô cùng cao hứng sướng khoái, bỗng Tây thái hậu nhớ tới vườn Viên Minh thuở nọ.
Bà cảm khái thốt ra lời nói:
- Tam Hải ngày nay đẹp nhưng sánh với vườn Viên Minh lúc trước thực chỉ bằng một phần muôn! Đáng tiếc là Tiên đế đã mất, mà vườn Viên Minh cũng đã huỷ! Cái ngày náo nhiệt phồn hoa xưa kia bên cạnh Tiên đế, ta còn làm sao mà thấy lại được nữa!
Nói đoạn, Từ Hi thái hậu bỗng lộ vẻ mặt thê thảm, đôi dòng lệ từ từ lăn trên đôi gò má.
Bọn phi tần thấy vậy, vội kiếm lời an ủi bà và hộ vệ bà trở về cung an nghỉ.
Lý Liên Anh thấy Thái hậu nhớ tới vườn Viên Minh, trong lòng bỗng phát sinh một ý định.
Bởi thế qua ngày hôm sau, Anh vội vã chạy tới chốn quân cơ, bàn tính với bọn đại thần phác hoạ một chương trình trùng tu vườn Viên Minh để làm vui lòng Thái hậu.
Trong số đại thần quân, có một vị lên tiếng:
- Muốn trùng tu vườn Viên Minh, nếu không có năm ngàn vạn lạng bạc thì đừng hòng.
Nay Hoàng đế không còn tại thế, trong vườn chỗ nào chỗ nấy đều có lưu lại những cảnh thương tâm thuở nọ.
Nếu Lão Phật gia qua đấy du ngoạn, tôi quyết Lão Phật gia không thể nào vui vẻ được.
Chi bằng bọn ta lấy số tiền trùng tu vườn Viên Minh làm một cái vườn khác cũng rộng lớn như vườn Viên Mình.
Khi Lão Phật gia xem thấy mới đẹp mà lại còn tránh được chuyện thương tâm do kỷ niệm cũ gây ra.
Nghe lời bàn tính này bọn đại thần đồng thanh khen hay.
Đôn Thân Vương Dịch Tôn nói:
- Lễ vạn thọ lục tuần của Lão Phật gia sắp tới rồi! Vậy toà hoa viên này phải xong trước cái ngày lễ trọng đại đó mới được! Đúng cái ngày lễ hôm đó, bọn ta sẽ thỉnh Lão Phật gia vào vườn du ngoạn một hôm để cho Lão Phật gia nức lòng hởi dạ…
Nói tới đây, Vương bấm đốt ngón tay, nói tiếp:
- Hiện nay là Quang Tự thứ mười lăm.
Năm thượng thọ lục tuần của Lão Phật gia là năm Quang Tự thứ hai mươi.
Trong quãng năm năm đó, công cuộc kiến thiết hoa viên đó chắc hoàn thành được.
Bọn đại thần nghe tới đây, đều đồng thanh công nhận.
Chưa hết, Vương gia còn nói thêm:
- Có điều toà hoa viên rộng lớn như vậy, xây cất ít nhất cũng phải hơn một ngàn vạn lạng bạc, thử hỏi đào đâu ra giữa lúc này? Chẳng lẽ bọn mình bắt Lão Phật gia mở hầu bao cho bọn mình xây cất.
Khó! Khó lắm!
Trong khi Dịch Tôn nói tới đây, khựng lại, thở dài, thì bọn đại thần quân cơ anh nào anh nấy dập gãy cái đầu xuống để suy nghĩ xem tiền đó đào tại nơi nào!
Thái giám Lý Liên Anh lúc này cũng có mặt nơi đây.
Giữa lúc bầu không khí nặng như đá đeo, Anh bỗng vỗ tay đôm đốp mắt sáng lên, hấp tấp nói lẹ:
- Có rồi! Có rồi!
Bọn đại thần bỗng như có điện giật, cồ đều ngóc lên, nhao nhao hỏi vội.
Tỏ vẻ đắc chí, Anh thong thả nói y như một ông thầy đồ giảng bài:
- Chẳng phải bọn ta mỗi năm phải trích ra hai trăm vạn lạng trong kinh phí của Hải quân đó sao? Nếu ta dành số tiền đó lại trong năm năm, thì đã thấy có ngàn vạn lạng rồi còn gì?
Thử nghĩ xem nước Trung Quốc ta toàn là đất liền; dùng Hải quân mà làm quỷ gì! Còn bọn ngoại quốc chúng đều là thần tử của Đại Thanh triều ta cả, hơn nữa chúng lại là những tiểu quốc, thì bố bảo chúng cũng chẳng dám sờ đến lông chân của thiên triều ta! Do đó, Hải quân thực chẳng biết dùng vào việc gì.
Bởi thế lấy kinh phí của đám quân này ai dám nói ra nói vào một nửa lời chứ? Ví thử số tiền xoay sở được đó quá ít, không đủ chi tôi đã có cách.
Xin thưa ngay cách đây: ta mượn danh nghĩa Chấn hưng hải quân mở rộng một cuộc quyên cũng để gọi là "Báo đáp Hải quân".
Giả dụ số kinh phí Báo đáp Hải quân thực ngân là bảy ngàn lạng ta sẽ tính cao lên một vạn lạng, rồi xin Lão Phật gia cho họ một cái chức tri huyện thế là xong.! Đến cách này mà chưa đủ, thì bọn ta anh em xúm lại chịu khó móc hầu bao lần chót, lẽ nào lại chẳng được như ý nguyện để đạt tới thành công?
Nghe Lý Liên Anh diễn thuyết một thôi, bọn đại thần đều đồng thanh coi như một diệu kế, nhất là khi nghe nói Lão Phật gia biệt đãi đối với mình, anh nào anh nấy đều hí hửng, và còn xác nhận thêm lời Anh nói quả chẳng sai tí nào!
Thế là nội vụ đã được quyết định.
Tất nhiên việc thực hiện phải đi theo ngay với lời nói.
Chẳng bao ngày, việc đầu tiên phải làm của bọn đại thần quân cơ này là kiểm kê hết mọi sổ sách để đem ra dùng số kinh phí của Hải quân một triệu lạng bạc bớt số, tích trữ, giấu diếm được bao lâu nay.
Việc thứ hai là xin Tây thái hậu chỉ dụ cho mở một cuộc quyên cúng "Báo đáp Hải quân".
Đến việc thứ ba là chỉ định một vùng đất trống rộng lớn bao la bát ngát tại Vạn Thọ sơn để kiến tạo hoa viên.
Hoa viên này vốn để chuẩn bị khánh chúc ngày lễ Vạn thọ của Thái hậu, bởi thế mọi người đồng thanh đặt tên là Di Hoà viên.
Di Hoà có nghĩa là di dưỡng mối Thiên hoà.
Khi đưa ra chương trình kiến tạo hoa viên Di Hoà, thì Vinh Lộc đã lại được bổ dụng chức tướng quân Tây An.
Lộc nghe được tin này, vội vàng quyên cúng ngay một số tiền lớn hai mươi lăm vạn lạng bạc để lấy tiếng người đầu sổ, và tất nhiên để làm cái lễ mọn dâng ngày vạn thọ của Thái hậu.
Từ Hi thái hậu vốn vẫn quý mến Vinh Lộc bởi thế bà cho lệnh điều động Lộc về ngay kinh đô, đồng thời nhập vào quân cơ xứ.
Thấy đã có người xung phong quyên cúng, bọn vương công lo đến thân mình, ngại đến cái quyền chức của mình, vội ùn ùn ghi danh đóng góp, kẻ thì mười vạn, người thì hai chục vạn, tiền lúc đó được khiêng tới ùn ùn nơi quân cơ.
Mặt khác, số tiền kinh phí Hải quân thu được đến bốn, năm trăm vạn lạng bạc.
Chưa hết, còn một khoản tiền đặc biệt này nữa: đó là khoản tiền gọi "Nhân khoản" do Hộ bộ thượng thư Diệm Kính Minh tâu lên sau tài khoá năm đó.
Nhân khoản là tiền gì? Chiếu lệ cuối mỗi năm Hộ bộ thượng thư phải kiểm kê lập thành bản tồn khoản (những khoản tiền còn lại) báo cáo vào cung để Lưỡng cung Thái hậu xem xét.
Bản tồn khoản này thường chỉ ghi những khoản chính.
Còn một khoản phụ kiểm kê từ các năm trước trở lại, những khoản tiền đổi giá, tất cả những khoản đó đều là nhân khoản?
Nhân khoản không ghi vào biên bản, và thường đem chia nhau từ anh quan to xuống tới anh quan nhỏ, mỗi anh cứ cuối năm, có chút tiền bổng, khả dĩ an ủi lắm!
Nhưng từ khi Diệm Kinh Minh lên làm Hộ bộ thượng thư thì nhân khoản không còn là nguồn an ủi của bọn quan lại bộ Hộ nữa.
Diệm sở dĩ cắt hết nhân khoản này, một là vì sợ chính khoản thiếu hụt, cần phải có nhân khoản để đập vào, hai là để lấy lòng Thái hậu, chủ đích mong bà khen giỏi trù tính chi tiêu.
Thế là năm đó, bản báo cáo dâng lên, Thái hậu xem qua, mừng rú lên, vì tự nhiên mà có được một nhân khoản lớn đến hơn bảy trăm vạn lạng bạc.
Bà vội bảo Lý Liên Anh tới hội bê ngay số tiền lớn đó về cho bà, để dồn vào số tiền chi phí trong công cuộc xây cất Di Hoà viên.
Tiền nong dư dả, tha hồ mà vẽ vời tô điểm cho Di Hoà viên.
Thực thế, có thể nói Di Hoà viên được kiến thiết chẳng kém phần hoa lệ, nguy nga so với bất cứ một hoa viên nào!
Hoa viên xây cất đằng đăng suốt mấy năm trời, mãi tới năm Quang Tự thứ mười chín thì hoàn thành.
Vị đại thần giám đốc kiến tạo hoa viên bèn mời các vị vương gia đại thần vào thăm vườn và xem xét lại một lần chót.
Hôm đó, Đôn thân vương chuẩn bị từ sáng sớm, đem theo một đám đông đại thần tiến vào hoa viên để xem xét.
Di Hoà viên hoa lệ ra sao, kiến trúc như thế nào, xin mô tả qua để quý vị độc giả biết thêm một công trình kiến trúc của thời quân chủ cách đây chưa bao xa, với bao nhiêu mồ hôi nước mắt của quần chúng, hầu mong cung phụng cho hạnh phúc riêng của một người, một dòng họ.
Di Hoà viên vốn xây cất trên cái nền cũ của Thanh Y viên ngày trước, tại mặt tây Bắc Kinh, cách xa đô thành chừng hai mươi dặm.
Lưng tựa vào Vạn Thọ sơn, Động Nguyên viên, vây khắp hồ Côn Minh vào giữa.
Nếu do góc cửa đông mà đi vào, người ta phải qua cửa Nhân Thọ môn.
Điện đài nơi đây đồ sộ cao lớn, nhất là điện Nhân Thọ.
Tiến vào cửa điện, người ta gặp ngay một toà lâu đài gọi là Nguyệt Đài.
Trong đài, tại tầng thứ nhất có bày bốn các tĩnh lớn.
Lên tầng thứ nhì, người ta thấy có hai cái chum đồng chạm trổ hai con rồng và hai con phượng múa lượn chung quanh.
Trong giữa điện, đặt một cái ngai quý bằng gỗ mun, cửa ngoài khoá chặt.
Quay sang hướng tây, đi chẳng mấy bước, ta sẽ thấy một tấm biển, trên khắc bốn chữ: "Thuỷ mộc từ thân".
Mặt tây ấy chính là hồ Côn Minh.
Phía bắc hồ, là toà Lạc Thọ đường.
Toà đường này về sau trở thành tẩm cung của Hoàng thái hậu.
Trước mặt đường, cũng có một nguyệt đài.
Bên cạnh đài, lại còn có một ngôi đình, xây cất theo kiểu noãn phòng (phòng