Thái Tông hoàng đế giận nhà Minh không thuận những điều kiện hoà ước, bèn ngự giá thân chinh đánh vào quan nội.
Lúc xuất hành, ngài giao phó triều chính cho Duệ Thân vương rồi đích thân chỉ huy tả, hữu dực tám vạn người ngựa ra đi.
Quân tả dực theo đường Giới Sơn đánh tới.
Còn quân hữu dực theo lối Nhạn Môn quan và Hoàng Nhai khẩu đánh sang.
Hai lộ quân sẽ họp làm một ở Kế Châu rồi tiến thẳng vào địa phận Sung Châu.
Dọc đường, quân Mãn đánh tan ba toà phủ thành, mười tám toà châu thành, sáu mươi bảy toà huyện thành, bắt được Lỗ Vương của Minh triều đem chém đầu trước hàng quân, cướp được bách tính nam nữ của Minh triều tới ba mươi sáu vạn người cùng trâu bò dê lợn tới năm mươi lăm vạn con.
Tiên phong A Ba Thái theo Nam lộ tiến đánh, đại binh đồn trú tại Sơn Đông, Lữ Châu.
Ròng rã hơn một tháng mà chẳng thấy một tên quân của nhà Minh, Thái bèn cho cột chiến lợi phẩm như vải vóc tơ lụa, vàng bạc ngọc ngà lên xe lừa, xe lạc đà rồi kéo vào Thiên Tân, Đồn Lộc.
Quân đi dài tới hơn ba chục dặm đường, tiếng xe lăn rầm rầm rộ rộ không lúc nào dứt, vượt Lư Câu Kiều đến hơn mười ngày mà vẫn chưa qua hết…
Vua Minh là Sùng Trinh hoàng đế hạ chiếu mộ quân ở các tỉnh.
Quân mộ được vừa tới địa phận Thông Châu, được tin quân Thanh vô cùng kiêu dũng, kẻ nào cũng kinh hồn bạt vía, chẳng dám chặn đánh, chỉ lo trốn tránh.
Thái Tông hoàng đế thấy chẳng tốn một tên quân nào mà thu được không biết bao nhiêu vàng bạc châu ngọc, lấy làm sung sướng vô cùng, bèn hạ lệnh lui binh, bày tiệc khao thưởng ba quân và chọn ngày ban sư.
Giữa lúc Thái Tông vui vẻ như vậy, không ngờ trong cung điện của ngài xảy ra một cơn giông tố hãi hùng.
Tính mạng ngài rồi đây cũng vì đó mà tiêu vong.
Số là Duệ thân vương được Thái Tông phó thác quốc sự, bèn nằm bẹp trong cung cấm với Văn hậu như vợ chồng, chẳng cần kiêng cữ chút nào.
Mọi người trong cung, từ trên xuống dưới đều là người tâm phúc của vương, chẳng kẻ nào dám tiết lộ tăm hơi.
Tuy nhiên trong số cũng có hai người tuy không nói ra nhưng căm hận họ đến xương tuỷ: một người là Hào Cách con trai Thái Tông, còn một người là Tiểu Ngọc Nhi, vợ của Duệ thân vương.
Hào Cách tuy được lệnh lo việc cưới hỏi cho Cố Luân công chúa, nhưng đâu có được tự do, bất cứ việc gì cũng đều phải hỏi chú là Duệ thân vương.
Thế mà lúc đó ông chú Duệ lại đang mê mệt bà hậu, suốt ngày đêm nằm trong cung cấm.
Cách đốc thúc thợ thuyền xây cất phủ phò mã đã xong, nên cần hỏi chú mình xem bày biện trang hoàng bên trong ra sao vội lóc tóc chạy vào cung xin gặp.
Ngày thường, Duệ thân vương Đa Nhĩ Cổn hay ở thư phòng mé tây cung Vĩnh Phúc nghỉ ngơi.
Bởi vậy Cách chạy thẳng tới đây.
Nhưng Cách chẳng thấy chú, mà chỉ thấy có ba, bốn tên thái giám giữ cửa đang đứng xớ rớ ở đó.
Cách hỏi thì bọn này đều nói không biết.
Cách quay ra khỏi cung, chạy tới phủ Duệ thân vương để hỏi tin, được biết vương đã không về phủ đến bốn, năm ngày rồi.
Còn Tiểu Ngọc Nhi thấy chồng đi luôn bốn, năm ngày không về bèn nổi ghen, nhiều đêm không ngủ được.
Bà ta thấy Cách tới bèn gọi vào.
Cách hỏi thím mình xem chú hiện ở đâu Tiểu Ngọc Nhi nghe hỏi máu ghen bỗng nổi lên như men giấm trong huyết quản, nhất thời không kìm hãm nổi, bèn cười nhạt nói:
- Chú ngươi ấy à? Y không trong cung thì ở đâu.
Bọn họ lúc này tha hồ mà sướng.
Y làm gì mà nghĩ tới chuyện về?
Chuyện ngoại tình của Cổn và Văn hậu, Cách đã biết từ lâu nhưng chưa có dịp cho nổ bung ra đó thôi.
Không ngờ hôm nay bà thím lại nói toạc ra khiến Cách không khỏi đôi má ửng hồng, cố dằn lòng thong thả hỏi thím:
- Chú đã không về nhà, sao thím không vào cung mà tìm?
Bà phi Tiểu Ngọc bảo Cách:
- Thím có vào tìm đôi ba lần.
Nhưng bọn cung nhân vốn là tay chân của chú nên đều bảo không có.
Thím tính xông bừa vào nhưng bị chúng cản lại và nói: "Đấng vạn tuế đã truyền chỉ: nếu không có lệnh của hoàng hậu, cấm không ai được tự đo vào cung".
Mấy hôm nay, thím loanh quanh mãi chẳng biết tìm cách gì! Này cháu của thím! Đã tới đây cháu thử tìm cách cho chúng một mẻ sợ, nếu không thím cháu mình còn mặt mũi nào mà chường ra với thiên hạ nữa?
Lời nói của phi tử Tiểu Ngọc Nhi quả đã khêu được lòng tức giận của Túc quận vương.
Cách liền đập tay vào ngực, hậm hực nói:
- Thím hãy yên tâm.
Chuyến này phụ hoàng trở về, cháu sẽ diện tấu cho phụ hoàng nghe, để ngài hạ chỉ cấm chú vào cung.
Thím nên nhẫn nại ít hôm, chớ có nói ra, sợ chú biết thì thím cháu ta nguy cả đấy.
Nói đoạn, Túc quận vương Hào Cách cáo biệt ra về.
Ngày lành tháng tốt cho việc nghinh hôn đã tới.
Bỗng một đội người ngựa chạy như bay về cung báo hoàng đế hồi loan, văn võ triều thần được tin này vội mũ áo chỉnh tề đi tiếp giá.
Đi đầu bọn triều thần, tất nhiên là Duệ thân vương Đa Nhĩ Cổn trên lưng con tuấn mã lông hồng.
Đoàn người ra khỏi thành chín dặm thì gặp đại quân của Thái Tông hoàng đế.
Văn võ bá quan vội bò rạp xuống đất, tung hô vạn tuế.
Nhà vua thấy Cổn cũng nằm rạp bên đường, vội nhảy xuống ngựa, giơ tay nâng dậy.
Hai anh em đồng lên ngựa, song song sát cánh tiến vào thành, tới Sùng Chính điện.
Thái Tông hoàng đế lên điện an vị ngai vàng.
Trăm quan y thứ triều hạ.
Nhà vua truyền chỉ, thiết yến ngay tại Tây Thiên điện.
Thế rồi vua tôi chén tạc chén thù, mãi tới chiều tối ai nấy mới tan tiệc ra về.
Đêm đó, quá khuya, nhà vua không về cung nên nghi ngơi ngay tại Đông Thiên điện, có bọn cung nga hầu hạ.
Qua ngày hôm sau, ngày hôn lễ của Cố Luân công chúa, kinh thành nhộn nhịp, xe ngựa dập dìu.
Đường con phố lớn, chỗ nào cũng treo đèn kết hoa, trăm họ ai cũng đều vui vẻ hân hoan.
Phò mã Sách Nhĩ Cáp, mũ áo chỉnh tề, tiến vào cung để đón dâu.
Cố Luân công chúa vào lạy nhà Thái miếu, xong rồi từ biệt phụ hoàng và mẫu hậu, theo chân chồng ra khỏi cung về phủ phò mã.
Các thân vương, quân vương, bối lặc, bối tử, phụng quốc tướng quân, Hoà thạc thân vương, phúc tấn, cách cách, tất cả bọn quốc thích hoàng thân lũ lượt kéo nhau thành từng tốp vào cung chúc mừng.
Theo ý của Hào Cách thì tính, tâu ngay việc ngoại tình của Đa Nhĩ Cổn cho Thái Tông hoàng đế nghe, nhưng bà phúc tấn vợ y cố khuyên can.
Bà bảo