Thầy thì phán thằng bé có số đại tướng nhưng Miên Hà Linh đâu có tin, bèn gặng hỏi.
Thầy tướng xem đi xem lại đôi ba lần rồi cả quyết nói:
- Ghê thật! Làm đẹp mặt cho gia đình sau này chính là nó! Nhưng làm tan cửa nát nhà lại cũng là nó! Nó cần phải đọc nhiều sách thì may ra mới thoát khỏi hoạ này!
Nghe thầy tướng nhắc đến chuyện đọc sách, ông Linh chạnh lòng, thở dài nói:
- Thằng bé này hư hỏng quá rồi.
Nó lại kỵ nhất là việc đó.
Thầy tướng nói:
- Thưa lão ông, nếu lão ông tin mà uỷ thác, vãn sinh sẽ xin cố giúp cho cháu trở thành người văn võ toàn tài.
Miêu Hà Linh bèn mời thầy tướng về nhà nghỉ lại.
Đêm đó thầy tướng bèn đem lai lịch của mình cũng như cách thức giáo dưỡng thằng bé kể cho ông Linh nghe.
Ông phục hết chỗ nói, muốn thầy tướng nhận ngay Nghiêu làm học trò.
Thầy bảo:
- Hãy khoan! Xin lão ông xuất ra cho hai vạn lạng bạc giao cho vãn sinh lo liệu mọi thứ đã.
Ông Linh không do dự chút nào, tức tốc làm theo, còn cho quyền thầy tuỳ nghi sử dụng.
Từ đó về sau, toàn gia họ Miên đều gọi thầy tướng là tiên sinh.
Tiên sinh nọ lấy tiền xong, chẳng thèm nói tới chuyện dạy dỗ gì Nghiêu hết.
Ông đem số tiền mua một miếng đất trống ở đằng sau Miên gia trang, mướn rất nhiều thợ gấp rút xây cất một toà hoa viên tráng lệ với nhiều cây cối xum xuê hoa lá ở trung tâm, ông lại cho xây một thư viện chứa đầy sách.
Cuối đông năm đó, toà hoa viên mới được xây cất xong.
Chung quanh, ông lại cho xây hai lần tường vây kín, chỉ để một cái cửa nhỏ ở về hướng tây nam thông ra ngoài mà thôi.
Thế rồi tiên sinh nọ chọn đúng ngày mười sáu tháng giêng năm sau, là ngày lành tháng tốt, khai tâm cho tên học trò duy nhất Miên Canh Nghiêu của ông.
Hôm đó, Miên Hà Linh cho mời thân bằng cố hữu tới dự bữa tiệc đãi tiên sinh.
Rượu xong, chính Miên Hà Linh đưa Miên Canh Nghiêu tới để làm lễ nhập môn.
Ông Miên chắp tay lạy tiên sinh nọ ba lạy rồi gởi lời ký thác, xong cáo từ quay về.
Tiên sinh nọ tiễn Miên Hà Linh ra khỏi hoa viên bằng cái cửa nhỏ duy nhất nọ, rồi sai thợ hồ xây bít luôn lại, chỉ trừ có một cái lỗ nhỏ đủ để đưa cơm nước vào trong mà thôi.
Toà hoa viên xây cất tráng lệ cho nên Miên Canh Nghiêu bị nhốt bên trong mà cũng không lấy làm buồn chán lắm.
Nghiêu tung tăng chạy nhảy, rong chơi suốt ngày, tha hồ muốn làm gì thì làm, chẳng ai thèm nói tới.
Vị tiên sinh khả kính nọ thì suốt ngày ngồi trong thư viện, tay không rời sách, cũng chẳng thèm để ý tới Nghiêu, cũng chẳng bao giờ bắt Nghiêu mó đến bút giấy.
Nghiêu được hoàn toàn tự do, khoái lắm, thế là cứ việc chạy nhảy suốt ngày trong hoa viên, không có chỗ nào là không đạp chân tới.
Nhưng có điều lạ là Nghiêu chẳng bao giờ bén mảng tới thư phòng, chẳng bao giờ chuyện trò lấy nửa lời với tiên sinh nọ.
Thư phòng đối với Nghiêu dường như là một cấm địa mà chính Nghiêu tự nhủ phải chừa ra.
Càng được tự do, Nghiêu càng thấy khoái.
Nghiêu cởi hết quần áo, ở truồng nồng nỗng, nhảy đại xuống ao bơi lội, bắt cá.
Lại có lúc Nghiêu leo lên cây hái trái ăn, phá tổ chim chơi.
Mùa xuân, Nghiêu lấy sáo ra thổi vang lên.
Mùa hè Nghiêu vác cần ra ao câu cá.
Mùa thu, Nghiêu đuổi ve, bắt dế suốt ngày.
Mùa đông Nghiêu nghịch tuyết rỡn cười.
Một năm có bốn mùa thì không mùa nào là Nghiêu không có cái thú để tiêu khiển.
Chơi những trò đó chán rồi, Nghiêu lại có lúc cuốc đất, đào hố, trồng cây…, thôi thì đủ trò của một thằng nhỏ mười hai, mười ba, nghịch ngợm khôn ranh.
Nghiêu tự do tự tại như vậy được một năm, thì tường đổ, vách xiêu, hoa tàn, nước cạn, thậm chí những trụ đá xây hết sức vững chắc cũng bị Nghiêu đập gục xuống hết.
Không chỗ nào là còn lành lặn dưới sự tàn phá của Nghiêu.
Riêng toà thư viện đã trở thành cấm địa đối với Nghiêu thì quả thực Nghiêu không bao giờ đụng tới.
Tiên sinh nọ thấy Nghiêu phá phách đến quỷ khốc thần sầu như vậy mà vẫn mặc, chẳng thèm "hừ" lên một tiếng nhỏ nào.
Ít lâu sau nữa, Miên Canh Nghiêu chơi nghịch đã chán hết mọi chỗ mọi trò rồi, bèn liều lĩnh mò vào thư phòng tính chuyện quấy phá.
Để "lấy đà", cu cậu mặt hầm hầm, mắt trợn ngược lên, làm oai quát bảo:
- Mau mở cửa ra cho ta! Ta muốn ra khỏi nơi đây.
Tiên sinh nọ mặt lạnh như tiền, đáp:
- Khu vườn này không có cửa.
Mi muốn ra cứ việc nhảy qua tường mà ra.
Nghiêu thấy tiên sinh nọ không chịu, liền xắn tay áo giơ cao quả đấm, thoi mạnh một cú vào mặt ông.
Chỉ thấy ông quắc mắt lên giơ bàn tay ra chộp ngay lấy cánh tay Nghiêu, văn mạnh.
Nghiêu la lên oai oái và giẫy đành đạch.
Tiên sinh quát lớn:
- Quỳ xuống!
Nghiêu sợ đau, lúc này chẳng quỳ cũng chẳng được.
Tiên sinh thả tay, Nghiêu vội lủi đi, mất hút.
Luôn một lèo, hơn mười ngày, Nghiêu trốn biệt, chẳng dám bén mảng đến thư phòng.
Mùa thu đã lại về, phong cảnh có điều tiêu sơ Nghiêu không còn thấy cảnh đẹp nữa, liền lẻn tới thư phòng, thấy tiên sinh nọ đang cúi đầu xem sách.
Nghiêu rón rén lại bên bàn, đứng một lúc rồi bỗng mở miệng nói:
- Này lão kia, một toà hoa viên rộng lớn thế mà ta chơi cũng đã chán rồi.
Cuốn sách nho nhỏ kia, sáng xem đến tối, tối xem đến sáng.
Có gì hay trong đó mà lão xem mãi thế?
Tiên sinh nghe Nghiêu nói xong, cười lên khà khà, bảo:
- Thằng nhỏ, mày biết gì! Cuốn sách này còn có những cảnh trí rộng lớn bằng vạn lần khu vườn kia, suốt đời cũng khó xem hết được, mày không biết, thật đáng tiếc!
Miên Canh Nghiêu nghe xong bảo:
- Lão thử nói ta nghe có gì vui trong đó?
Tiên sinh lắc đầu:
- Thầy mày chẳng lạy mà lại dám bảo nói cho mày nghe hở? Đâu có dễ thế chú bé.
Nghiêu nghe đoạn dựng ngược đôi mày, giơ thẳng cánh tay đập cái rầm xuống mặt bàn, quát.
- Lạy! Lạy cái con khỉ ấy à! Đừng hòng!
Quát xong, Nghiêu khoát tay làm bộ, huênh hoang bước ra khỏi phòng.
Tiên sinh mặc kệ, chẳng thèm gọi lại.
Lại hơn mười ngày sau, Nghiêu quả đã chịu hết nổi, bèn chạy vào thư phòng, quỳ xuống đất lạy thầy và nói:
- Xin thầy dạy cho con với.
Tiên sinh nâng Nghiêu dậy, bảo ngồi xuống.
Bộ sách đầu tiên mà ông dạy cho Nghiêu là bộ Thuỷ Hử.
Ông đem những chuyện trong Thuỷ Hử ra kể.
Nghiêu nghe khoái bằng chết, thôi thì khoa chân múa tay, lắm lúc như điên như dại.
Tiên sinh giảng tiếp Tam Quốc Chí, rồi Tống Nhạc Phi, rồi những chuyện anh hùng, hiệp khách ly kỳ khác.
Sau nữa, ông giảng tới binh thư, sử ký kinh điển, rồi các loại sách về khoa học.
Những lúc rỗi rảnh, ông lại dạy cách dương cung bắn tên hạ cờ, dần dần về sau dạy đủ mười tám ban võ nghệ, không một ban nào là không đến độ tinh vi.
Ông còn dạy cả cách ra quân bày trận, phép chạy trên tường, bay trên mái nhà.
Thế rồi, sau tám năm công phu đằng đẵng, ông dạy Nghiêu thành một người văn võ toàn tài.
Đến lúc đó ông mới bảo Nghiêu phá tường mà ra.
Miên Canh Nghiêu trở về nhà, bái kiến phụ thân.
Ông Miên Hà Linh sau tám năm không gặp, nay thấy con trở về với toàn tài văn võ, bản lãnh phi thường thì làm sao chẳng mừng.
Ông vội tới lạy tà tiên sinh nọ.
Tiên sinh chỉ chào rồi cáo từ ra đi mặc cho cha con họ Miên khẩn khoản lưu lại.
Tiên sinh nọ chỉ dặn đi dặn lại Nghiêu có một câu "cấp lưu dũng thoái" (nghĩa là đi thì cho nhanh mà về thì cũng cho lẹ).
Đến lúc này, đại tướng quân Miên Canh Nghiêu phú quý đã tột bực.
Mỗi lúc nhớ tới vị thầy xưa, Nghiêu lại thấy kính trọng vô bờ.
Cũng bởi lẽ đó nên Nghiêu hết sức kính trọng Vương tiên sinh hiện dạy học cho con mình.
Ông Vương Hàm Xuân tuy không phải là một ông thầy văn võ toàn tài như tiên sinh thuở nọ nhưng ở trong nhà họ Miên, ông luôn tỏ ra ngay thẳng trung hậu, nên được Nghiêu tin cậy ký thác mọi việc cho.
Ngoài việc dạy cho cậu út học, ông còn trông coi cả việc nhà cho Nghiêu.
Những lúc nhàn rỗi, Miên thường tới gặp ông để trò chuyện.
Vương tiên sinh vốn nhân hậu nên khi thấy Miêu đại tướng quân giết chóc quá nhiều thì lòng ông không yên.
Phải cái Miên tính nóng như lửa, việc khuyên can nhiều khi cũng chẳng dễ dàng gì.
Trong nhà đã có hai đầu bếp, một hầu gái mất mạng vì ông khiến ông suốt đời không thể nào quên được.
Cứ mỗi khi nằm, ông lại giở cuốn kinh Kim Cương ra tụng niệm, mong siêu sinh tịnh độ cho những oan hồn đã chết vì mình.
Ông nguyện rằng công quả này sê không bao giờ sao nhãng, cho mãi tới khi ông chết.
Gia nhân thứ nhất họ Hồ, làm cho Miên đã bốn năm.
Một hôm, Miên mời khách dự tiệc.
Trong bữa có món đặc biệt tên gọi "Nguyên quần", do Miên bảo làm.
Ông thầy Hàm Xuân bữa đó ngồi ghế nhất.
Khi gia nhân dâng bát Nguyên quần, ông