Thanh Cung Mười Ba Triều

Bát Quái Giáo Phá Cung Thanh


trước sau



Một năm trước, khi Lâm Thanh mưu phản, quan Đồng trị huyện Đạm Thuỷ tỉnh Đài Loan có bắt được một giáo đồ tên gọi Cao Ma Đạt.

Đạt tự nhận là tiểu đầu mục của Bát Quái Giáo và cung khai là còn có vị đầu mục Lâm Thanh thông đồng với bọn thái giám tại kinh đô, ước định mùa thu sang năm hội binh mã đánh thẳng vào cung.

Quan Đồng Trị được tin này, vội viết văn thư đưa về kinh.

Quan đại thần tại kinh nhận được lại cho là y hoảng bảo, ném đi không thèm tâu.
Đến ngay trước lúc khởi sự một hôm, viên tuần kiểm Lư Câu Kiều được tin, vội lén tới báo cho quan phủ doãn phủ Thuận Thiên, nói Lâm Thanh ước định ngày mai mưu phản.

Quan phủ doãn được tin lại cũng cho viên tuần kiểm hoảng báo, mắng om lên, bảo việc như vậy mà dám liều lĩnh nói bậy.

Thế là vị quan này cùng chẳng thèm sửa soạn phòng chống gì.
Hôm đó, quả nhiên cuộc đại loạn xảy ra, các giáo đồ cầm giáo cầm mác kéo xuống đầy phố, xông thẳng vào cửa Đông Hoa môn và Tây Hoa môn.

Bọn thái giám Lưu Đức Tài, Dương Tiến Trung ở ben trong phục sẵn.

Còn có cả viên tổng quản thái giám là Diệm Tiến Hỉ tại trong cung tiếp ứng.

Toán bộ binh tại Đông Hoa môn thấy các giáo đồ xông vào vội đóng cửa lại, nhưng đã trễ.

Năm, bảy trăm người đã đánh thốc qua cửa Đông Hoa và tiến thẳng vào điện Hoàng Đức Lại có bọn thái giám từ bên trong cung đánh thốc ra.
Bọn cung nga mỹ nữ hoảng hồn bạt vía, kêu khóc như ri.

Trong cung nội vụt thành bãi chiến trường, cảnh hỗn loạn xảy ra khủng khiếp chưa từng thấy.

Tại Tây Hoa môn cũng có năm, bảy trăm giáo đồ tiến đánh.

Toán ngự lâm quân tại đây vội đóng chặt cửa cung, liều chết chống cự.


Hôm đó, Gia Khánh đế không có tại cung nội.

Ngài đã qua vườn Viên Minh hôm trước rồi cho nên tại đây chỉ còn lưu lại có một ít thị vệ thôi.

Chống cự được một lúc thì cửa Tây Hoa môn bị phá tung.

Giáo đồ ồ vào, đánh qua Thượng A giám, Văn Dự quán, đánh thẳng vào Long Tôn môn.

Bọn thị vệ vừa đánh vừa lùi.

Bỗng bọn thái giám cũng từ phía trong đánh ra.

Tiếng hò hét, kêu la vang trời, máu chảy lênh láng cả mặt đất.

Bọn phi tần trong các cung Dực Khôn, Vĩnh Hoà, Hàm Phúc, nghe tiếng hò hét kêu la hoảng quá, túm lại với nhau thành từng chùm.

Có vài cung nga nhát gan, nhảy xuống giếng tự vận.

Nhị hoàng tử Mân Ninh cùng các bối lặc đang xem sách tại thư phòng, nghe nói trong cung có biến, không hoảng hốt sợ hãi gì, liền gọi bọn thái giám đem súng điểu thương và yêu đao tới.

Họ tập hợp được hơn hai mươi tên thái giám rồi bảo chạy theo.

Chạy tới cửa Võng Tâm, thấy một toán giáo đồ hò reo xông tới, Nhị hoàng tử hô đóng cửa lại, cho bọn thái giám bò lên mặt tường thám sát nếu thấy giáo đồ leo lên tức thì xuất kỳ bất ý dùng côn đánh xuống.

Nhiều giáo đồ vô tình bị bọn thái giám đánh cho vỡ đầu, óc phọt ra, ngã gục dưới chân tường.
Trong đám giáo đồ, có vài đầu mục thấy thế vội khích động anh em, tay cầm cờ xông lên mặt tường.

Phía đông tường là Đại nội.

Các giáo đồ đứng trên tường kêu la hò hét, chay về phía đông.

Nhị hoàng tử đứng dưới thềm điện Dưỡng Tâm, cầm súng điểu thương nhắm thật chính xác bắn luôn một lúc chết mấy đầu mục.

Bối lặc Miêu Chí, đứng ở phía tả Nhị hoàng tử cũng bắn chết một đầu mục.

Thấy đầu mục chết, các giáo đồ đâm chùn bước, không dám vượt qua tương nữa, đành tản đi hướng khác.
Bản lĩnh của Nhị hoàng tử phải nói là cao cường.

Năm Càn Long thứ năm mươi bốn, Mân Ninh mới lên tám.

Hồi đó Càn Long hoàng đế tới hành cung Trương Gia loan.

Ngài đưa hoàng tử, hoàng tôn đi thi bắn tại xạ trường.

Mân Ninh đứng bên cạnh ngài.

Chờ khi các chư vương, bối lặc bắn xong.

Ninh bèn quỳ trước mặt Càn Long hoàng đế, xin cho mình bắn.

Hoàng đế lấy làm vui thích lắm.

Ngài bèn truyền bảo tất cả các hoàng tôn cùng tuổi đều ra xạ trường dự bắn, tám chú bé cùng chạy ra thử cung bắn tên, nhưng yếu quá không làm gì được.

Duy chỉ có Mân Ninh cầm chiếc cung nhỏ đặt tên lên, bắn liền ba phát thì hai phát trúng ngay giữa hồng tâm.

Càn Long hoàng đế thấy cháu bắn trúng, phá lên cười khà khà, cho gọi Mân Ninh lên điện, vừa vuốt tóc cháu vừa bảo:
- Bản lĩnh cháu khá lắm! Ông muốn thưởng cho cháu về tài bắn cung này, vậy cháu thích cái gì?
Ninh dập đầu nói:
- Cháu chỉ xin ông nội thưởng cho cháu chiếc áo khoác thôi!
Càn Long hoàng đế mỉm cười gật đầu, hạ lệnh mang chiếc áo tới.

Ngay lúc đó chẳng có chiếc áo nào vừa, bọn thị vệ đành phải lấy một chiếc áo dài của người lớn đem lại khoác lên vai Mân Ninh, còn một tên thái giám thi ôm lấy chân cậu bế thốc lên cho cao.

Từ đó, mọi người trong cung đều gọi Ninh là Tiểu tướng quân.

Và Ninh cũng ngày đêm theo sư phó tập luyện.

Ninh thích bắn chim, cho nên thường dùng cây súng điểu thương bắn bách phát bách trúng (xin nhớ, hồi này đã có súng của bọn Tây đưa vào Trung Quốc rồi).

Nhờ đó nên hôm đại biến này, Ninh mời giải vây được cho Đại nội.
Toán giáo đồ thấy cửa Tây Hoa có người bảo vệ, bèn sang cửa Đông Hoa, hội họp với các toán bạn.

Lúc đó các giáo phái tại đây đã phá tan cửa Đông Hoa, xông thẳng vào cung, đang định cướp cửa A Kỳ Cáp.
Bỗng họ thấy một đại hán mình trần trùng trục, đa đen thui, tay cầm một cây đòn gánh vừa to vừa nặng, quát lên một tiếng lớn:
- Chúng bay phản à?
Vừa quát, đại hán vừa múa chiếc đòn gánh đánh tạt ngang.

Các giáo đồ thấy đại hán dữ tợn, bèn hè nhau vây lấy, đánh tới tấp.

Tên đại hán múa tít chiếc đòn gánh chi đông đánh tây, chi nam đánh bắc quất vèo vèo, loang loáng như một chiếc bánh xe quay tít.

Giáo đồ bị hắn đánh tơi bời, người thì gãy tay, kẻ gãy lưng, vỡ đầu máu chảy lênh láng.

Cả toán đông tới hai, ba trăm, thế mà chỉ một lát, đã bị chết đến một nửa.
Tên đại hán đó chẳng phải là thị vệ trong cung mà là một tên gánh than mướn cho một tiệm bán than ngoài thành.

Hằng ngày hắn phải gánh than qua cửa Đông Hoa đem vào cho

Tu Thư quán.

Suốt ngày phải chui ra chui vào trong đống than đen nên người hắn đen thui đi.

Bọn thái giám thường gọi hắn là "chú than đen".
Chú than đen tính thẳng thắn, lại cậy mình sức mạnh hơn người nên hễ thấy chuyện bất bằng là cầm đòn gánh xông ngay vào đánh tới.

Chiếc đòn gánh của chú than đen nặng ít nhất cũng phải trăm cân, đánh vào người không gãy xương thì cũng nát thịt.
Hôm đó, hắn thấy các giáo đồ Bát Quái Giáo xông vào cửa Đông Hoa, liền ra sức chống đánh.

Mình hắn chống lại hai, ba trăm người.

Hai bên đánh nhau một lúc lâu mà các giáo đồ không một kẻ nào lọt vào được A Kỳ Cáp.

Cửa A Kỳ Cáp chính là cửa Hi Hoà.

Tiếng hò hét kêu la trong trận chiên tại đây làm vang động mãi vào phía trong cung.
Lúc đó có một vị Đại học sĩ tên gọi Bảo Hưng, làm giáo thụ dạy chư vương đọc sách tại thư phòng, đi từ cửa Cảnh Vân môn tới.

Trông thấy ở ngoài cửa, một tên đại hán mình đen thui như cục than đang chống đánh một toán giáo đồ.
Ông vội quay vào cung, gọi rất nhiều thái giám chạy ra đóng sập cửa A Kỳ Cáp lại, một mặt tập họp tất cả bọn học trò thực lục quán, quốc sử quán, công thần quán, giao cho mỗi người một cây côn dài, bò lên mặt tường để giữ cửa A Kỳ Cáp, một mặt điều động quân Hổ bi ở khắp nơi theo cửa ngách xông ra tiếp chiến.
Lúc đó về phía giáo đồ lại có một toán từ Tây Hoa chạy lại vây lấy tên đại hán, đánh chém tơi bời: Bọn này càng tới càng đông, ít ra cũng đến một ngàn, dù tên đại hán có mạnh tới đâu chăng nữa cũng khó bề chống đỡ.

Hắn bị một đám đông giáo đồ nhất loạt xông vào, dùng dao chém nát người.


Chú than đen, lúc gần chết miệng vẫn còn la hét, tay vẫn còn vung côn đập tới đập lui.
Các giáo đồ chém chết được tên đại hán rồi, tính vượt tường vào cung thì vừa lúc đó quân Hổ bí đã kịp xông tới.
Bọn chư vương, đại thần lưu phủ tại kinh thành cũng đã đem quân cấm vệ từ cửa Thần Võ đánh vào.

Quân binh hai mặt giáp công, đánh các giáo đồ một trận tơi bời, dồn cho chạy ra ngoài cửa điện Trung Chính.
Lúc này trời đã tối.

Đường xá trong cung nội các giáo đồ không thuộc, cho nên các giáo đồ đi dần vào đất chết.

Bọn quan binh truy sát một trận, hai bên dọc tường thây chết ngổn ngang, giáo đồ bị dồn vào một góc tường.

Giữa lúc bọn quan binh định xông vào bắt trói, thì bỗng một cơn mưa rầm rập đổ xuống.

Một tiếng sét lở đất long trời nổ vang, đánh chết luôn một lúc đến mấy chục giáo đồ.

Bọn quan binh tiến lên bắt nốt số còn lại, trói ké hết tay chân, đưa tới nha môn Cửu môn đề đốc để thấm vấn.

Bọn giáo đồ cung khai ra đầu mục Lâm Thanh hiện đang ngồi đợi tin tại Hoàng thôn.

Quan đề đốc tức khắc sai một đại đội quan binh tới ngay Hoàng thôn bắt Thanh điệu về kinh sư.
Qua ngày sau, Gia Khánh đế từ vườn Viên Minh trở về cung, thăng toạ vườn Phong Trạch, đích thân thẩm vấn Lâm Thanh.

Thanh cung khai ra rất nhiều tên thái giám, Gia Khánh đế sai quan thị vệ cho đi bắt bọn đó tới, thẩm vấn rõ ràng, rồi hạ chỉ đem tất cả xử chém ngang lưng.
Các giáo đồ bị bắt khác cùng một loạt đem ra chính pháp hết.

Hơn ba trăm cái đầu bị chặt đứt, máu chảy lênh láng trên mặt đất.

Phố xá nơi kinh thành đóng cửa kín, dân chúng hoảng hồn bạt vía, gần như không dám thở nữa.
Gia Khánh đế quay vào cung nội, thăm đám phi tần, an ủi một hồi.

Ngài lại truyền cho Nhị hoàng tử và bối lặc Miên Chí vào cung ngỏ lời khen và thưởng cho mỗi người một cái áo khoác ngoài bằng da rái cá, một chiếc nhẫn bằng ngọc bích.
Qua ngày hôm sau, một đạo dụ ban xuống, phong Nhị hoàng tử làm Trí Thân vương, tiền phong bối lặc Miên Chí làm quận vương.

Đại học sĩ Bảo Hưng tâu việc chú than đen có công bảo vệ hoàng cung.

Lúc đó, người ta mới bới tìm trong đống xác các giáo đồ, lấy ra chú than đen, đem rửa sạch đưa về tiệm than.

Hoàng đế hạ chỉ thưởng cho chú than đen tước võ công lục phẩm, chiếu theo lệ võ quan trận vong mà tế lễ.

Lại cho thêm món tiền chi phí tang ma một vạn lạng bạc.

Vợ chú than đen phong làm phu nhân.

Thực ra chú than đen chẳng có vợ con gì cả.

Lão chưởng quỹ trong tiệm thấy đây là một dịp làm ăn thuận lợi, liền nhận chằng cho cô con gái lớn của mình làm vợ chú ta, bắt cô mặc đồ tang ở giá..



trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện