Bà nội tôi tình cờ biết được bốn người ông trẻ cũng không phải trở ra tay không, họ đã mang vài thứ từ Thánh Địa Vùi Thây lên mặt đất. Đa số đã được đổi thành tiền mặt, tuy nhiên vẫn có một thứ được bốn người giữ lại làm của riêng.
Đấy là một thứ rất thần kỳ, bản thân tự sinh năng lượng, ở nơi nào nơi đó liền thành bố cục phong thuỷ cực vượng, trợ gia chủ hưng thịnh.
Bốn người thống nhất thay phiên nhau giữ thứ đó. Cứ ba năm một người, mười hai năm đủ một vòng, ông trẻ xếp cuối trong chu kỳ.
Chỉ có ba năm để làm giàu, ông cảm thấy như thế không đủ.
“Nói ra thì thật xấu hổ, nhưng bà đã luôn nghĩ, nếu chú út có thể sống sót rời khỏi nơi ăn thịt người như Thánh Địa Vùi Thây, thì âu cũng là kẻ không từ thủ đoạn.”
Ông trẻ tôi muốn độc chiếm thứ kia, bèn bày kế kéo từng người trong hội đi tìm những Thánh Địa Vùi Thây khác cùng mình, ở nơi này thì dù có chết cũng không ai truy cứu.
Người cuối cùng bị ông trẻ sắp xếp hãm hại hình như đã có dự liệu. Ông ta để lại manh mối cho con cháu trước khi xuống mồ. Đáng tiếc bởi vì con cháu không ai theo nghiệp của ông, nên cũng không ai hiểu manh mối là gì. Chỉ mãi gần đây nhà đấy mới sản sinh ra một truyền nhân, người đọc hiểu di thư từ nửa thế kỷ trước.
“Thế nên họ quyết tâm đến đòi nợ. Nhưng chú út đã chết từ lâu rồi, lấy ai trả đây?”
"Cứ trả lại họ thứ họ đòi thôi."
"Sự tình không đơn giản như vậy."
Nhà nọ không biết khua chiêng gõ trống kiểu gì lại khiến cho một nhà khác cũng có vị tiền bối đã bị ông trẻ hại chết phát hiện ra.
Thế là hai nhà cùng kéo nhau đến đòi, từ đồng tâm hiệp lực đến tranh nhau sứt đầu mẻ trán. Bà nội tôi bỗng trở thành trọng tài.
"Đắc tội bên nào cũng sẽ chết. Mà nhà ta lúc đấy đang gặp phải khó khăn, bà không thể lập tức trả đồ."
Bà nội tôi bèn cùng hai nhà lập một hợp đồng. Bên trên quy định nhà tôi sẽ tạm giữ thứ đồ vật kia trong lúc hai nhà tranh chấp nhau. Để bù lại cứ nửa năm một chúng tôi trích 40% lợi nhuận ròng từ hoạt động kinh doanh cho mỗi bên. Hợp đồng duy trì đến khi hoặc hai nhà đạt được thống nhất, hoặc nhà tôi mất khả năng quản lý.
"Đến giờ đã mười ba năm, hai nhà vẫn luôn kèn cựa nhau chưa ra kết quả."
Họ hàng nhà nội tôi đã không cần dựa dẫm vào thứ kia nữa, nhưng có hợp đồng ở đó muốn trả lại không thể.
Hai nhà trên cũng bắt đầu mất kiên nhẫn, họ muốn kết thúc hợp đồng, lại không muốn nhường nhịn.
“Thế nên họ định thi nhau giết bà, giết cả nhà ta.”
Bà nội tôi run lên, gương mặt hoảng loạn thấy rõ.
Ý bà cụ thể như này: Gia đình tôi giống như người giữ
chìa khóa kho báu, đời này do bà tôi giữ, bà tôi chết thì bác tôi giữ, bác tôi chết thì con bác giữ, chúng tôi đều chết kho báu tự mở.
"Từ bỏ không được sao?" Tôi hỏi.
"Trừ phi tìm được một nhà thay chúng ta." Bà đáp.
Tôi suy nghĩ, lắc đầu “Vậy thì không có khả năng rồi.”
Nếu một nhà chịu giữ thứ đó thay chúng tôi, nghĩa là họ đã từ bỏ quyền tranh chấp của mình, điều này là không có khả năng.
Tuy nhiên câu hỏi lớn hơn cả là liệu bản hợp đồng này có giá trị không? Cơ quan hành pháp nào sẽ đảm bảo những điều ghi trên đó được tuân thủ chứ?
“Trong nghề này có một vài gia tộc rất uy tín, được mọi người tin tưởng giao cho trọng trách ‘cầm cân nảy mực’.”
Bà nội tôi không giải thích nhiều nhưng qua câu nói của bà tôi có thể mường tượng có cả một hệ thống ngầm được thiết lập xoay quanh Thánh Địa Vùi Thây. Và bản hợp đồng sẽ bằng cách này cách kia được bảo vệ tuyệt đối.
Càng nghe đầu óc tôi càng mơ hồ. Thực lòng tôi không tin nổi những chuyện hoang đường bà kể, nhưng đồng thời tôi cũng thấy nó hết sức logic khi liên kết với hành vi bí ẩn của bố tôi. Đáng tiếc mẹ chưa từng tiết lộ cho tôi thông tin gì về bố, kể cả tính cách của ông. Giờ nghĩ lại, chỉ trách tôi quá dễ lừa, khi mỗi lần định gặng hỏi đều bị mẹ xoay vòng quanh.
Nhưng dù câu chuyện có thực hợp lý thì dưới sự bảo hộ của một xã hội văn minh vừa bước sang thế kỷ 21, tôi cảm thấy rất khó để suy nghĩ ‘sẽ bị giết cả nhà’ của bà tôi thành hiện thực.
“Từ lệnh cấm năm 40, Thánh Địa Vùi Thây đã trở thành vùng rìa của thế giới. Không quốc gia nào dám quản lý vấn đề này.”
Bà tôi rầu rĩ đáp. “Tất nhiên để tránh gây chú ý, họ sẽ không công khai giết người giữa ban ngày nhưng họ luôn có cách để chúng ta chết không đối chứng.”
Tôi đứng dậy vỗ vỗ đầu, biết là bất hiếu nhưng tôi bắt đầu không muốn ở đây thêm phút nào nữa. Tôi nhìn đồng hồ, còn hơn hai tiếng mới đến bốn giờ chiều, có lẽ tôi nên ra ngoài đi dạo.
Tôi đắp chăn cho bà nội, cố lờ đi ánh mắt buồn thảm bà nhìn tôi, nói cho bà tôi không muốn làm phiền bà ngủ trưa nên sẽ ra ngoài đi chơi loanh quanh.
“Con không hỏi ‘thứ đó’ là gì sao?” Bà nằm trên giường, quay lưng về phía tôi.
“Vâng, là cái gì vậy?”
Tôi thuận miệng hỏi.
Nhưng bà không trả lời.