Thanh Triều Ngoại Sử 3

Trảm thủ (hạ)


trước sau

Lại nói tiếp chuyện pháp trường.  Tuệ Dung và Phi Yến đều cùng lúc xuất hiện từ trong bìa rừng.  Khinh công của Phi Yến trác tuyệt vô cùng, đạp nhẹ mấy bước trên biển người là đã bay tới ngay đài xử trảm.  Trước sự ngỡ ngàng của mọi người, Phi Yến chen vào vòng người, gào khóc:  

- Thiên Văn!  Thiên Văn!

Phi Yến nức nở luôn miệng gọi.  Tuệ Dung đến sau Phi Yến một chút.  

Mã Tề và Sách Ngạch Đồ nhìn nhau, đầu óc trống rỗng, thế này là thế nào đây?  Thân thể hai người cứng đờ, toàn thân nhất thời bỗng trở thành lạnh băng nhìn Phi Yến ôm lấy Cửu Dương mà khóc.   

Cửu Dương mỉm cười yếu ớt, nét cười nhẹ lướt như những con sóng trôi nổi trên mặt Tây hồ.  Tiếng khóc của Phi Yến ban đầu chàng nghe rõ rệt như âm điệu của những đợt sóng vỗ vào ghềnh đá.  Chàng cảm thấy như mình đang trở về lại Hàng Châu thật, khắp nơi là tiếng vi vu của hàng dương liễu.  Rồi tiếng khóc của Phi Yến khi gần khi xa, như con sóng phủ cố bám lấy bờ đá.  Chàng cảm thấy như thân mình bắt đầu nhẹ nhõm, lâng lâng, giọng chàng cũng lạc hẳn đi, mặc dầu chàng cố gắng nói nhưng nghe như tiếng thở của chàng:

- Tây Hồ… Tây Hồ...

Và chàng như chiếc diều giấy nhẹ nhàng theo gió bay lên…  Những tiếng khóc than buồn thảm chàng nghe xa dần rồi tắt hẳn, như tiếng sóng cuối cùng vỡ vào ghềnh đá và tan loãng giữa dòng nước. 

Tiêu Phong, nữ thần y và Uyển Thanh đến đúng vào lúc Phi Yến gỡ tấm mặt nạ da người trên mặt Cửu Dương xuống.  Mã Tề mím môi cắn chặt răng đứng phía bên trái Phi Yến, và Sách Ngạch Đồ thì rầu rĩ trơ khấc nhìn tấm mặt nạ da người trong tay phải Phi Yến.  Tuệ Dung đầu tóc rũ rượi quỳ gối run run nắm lấy cổ tay Cửu Dương, đầu nàng gục xuống, nhìn không rõ sắc mặt.  Lính của Mã Tề đứng quanh đó đều im lặng không nói gì, tất cả đều nhìn chằm chằm mặt đất, ngay cả một tiếng thở cũng không nghe thấy!  Tiêu Phong như gặp phải cơn ác mộng chỉ biết trừng trừng mắt nhìn. 

Trước mắt nữ thần y mờ mịt cả, nàng chỉ còn nghe thấy tiếng lá cao lương buồn bã lay động, rì rào.  

Rốt cuộc Sách Ngạch Đồ là người lên tiếng phá vỡ bầu không khí đáng sợ này, Sách Ngạch Đồ huơ huơ tay cầm lấy chiếu chỉ trong tay người lĩnh thị vệ, nói:

- Trịnh thân vương tiếp chỉ.

Tiêu Phong, nữ thần y và Uyển Thanh buông mình xuống phía sau Tuệ Dung.  Sách Ngạch Đồ nhắm mắt, như nén cơn đau buồn rồi mở mắt ra đọc:

- Phụng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết.  Luật lệ đại Thanh là do Thánh Tổ đặt ra, căn cứ theo Minh luật, người Minh không phân chia Bát kỳ, tất nhiên trong Minh luật không có dị nghị Bát kỳ.  Nhưng dân tộc Mãn Châu nhập quan lập triều lập ra Bát kỳ, dĩ nhiên tình hình không giống như Minh triều.  Cho nên trẫm quyết định, từ nay luật lệ đại Thanh sẽ được bổ sung thêm một điều: “Trì quý bát nghị pháp.” Về sau, phàm Bát kỳ vương công quý tộc hay thân thuộc, nếu như vi phạm pháp luật, phi tâm pháp, sẽ có quyền viết sớ tâu thỉnh thị xử trí, hình bộ sẽ
dùng bát nghị chi pháp phân biệt bình nghị. Bát nghị gồm: “Tân, cố, thiền, năng, công, quý, cần, chánh.” Sau khi nghi phạm được bát nghị thẩm phán, đánh giá mức độ xác thực của vụ việc, đưa ra phán quyết về vấn đề được trình bày dựa trên việc giải thích pháp luật và đánh giá chủ quan, nếu được hơn phân nửa bát nghị đồng ý thuyên giảm tội hình sẽ được giảm tội, hoặc được hoãn hình. 

Sách Ngạch Đồ ngưng một chút, tiếp tục đọc:

- Trịnh thân vương tự ý bãi binh, luận tội phải chết, nhưng năm xưa trong quân ngũ đã lập được nhiều chiến công hiển hách, nên sau khi bát nghị thẩm phán, được toàn thể bát nghị tích ưu, đồng ý thuyên giảm tử tội, giảm được hoãn hình, tránh được tội chết nhưng tội sống khó tha thứ. Cho nên hôm nay trẫm hạ lệnh, xử cung thân vương theo điều sáu mươi mốt của luật lệ đại Thanh.

Sách Ngạch Đồ lại dừng một vài giây, sau đó tiếp tục đọc:

- Điều sáu mươi mốt trong luật lệnh nói rằng phàm thuộc loại người có công, những người bách công kỹ nghệ có thể đọc thuộc và giảng giải pháp luật, nếu phạm sai lầm, hoặc có tội liên lụy nặng nhẹ đều miễn một lần, điều luật này có quy định tử tội canh giữ biên ải, trong hai mươi năm không được liên lạc thư từ với ai ngoài triều đình, bất luận bằng hữu hay thân bằng quyến thuộc.  Sau hai mươi năm, trước khi trở về sẽ tước đại tôn tịch, tước phục làm dân, khâm thử.

Sách Ngạch Đồ dứt lời Tiêu Phong vẫn bất động trên đất, dưới ánh mặt trời, mặt chàng xanh tái.  Nữ thần y thì từ khi xuất hiện không có phản ứng gì rõ rệt trong khi Uyển Thanh ôm lấy mặt mà khóc nức nở.  Trái tim Uyển Thanh như bị rứt ra từng miếng, một hồi sau nàng buông tay xuống, tuyệt vọng giương to đôi mắt nhìn trời, những giọt nước mắt mới vừa ngưng lại bắt đầu trào ra, nàng lại đưa tay lên bụm mặt.

Phi Yến vẫn còn ôm lấy Cửu Dương, vừa khóc lóc vừa kêu gào:

- Ôi, ông Trời, ông Trời ơi, tôi hận ông!  Tôi nguyền rủa ông!  Sao ông lại… Nếu thánh chỉ đến sớm một chút chàng đã không phải ra đi!  Ông Trời ơi, chàng là vũ trụ của tôi!  Tại sao kết cuộc lại ra nông nổi này?  Từ khi tỉnh lại chàng vốn đã không muốn dính líu vào bất kỳ cuộc xung đột nào, nhưng cuối cùng lại ở ngay trung tâm của nó, có muốn dứt ra cũng không được!  Tại sao?

(còn tiếp)

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện