Thanh Triều Ngoại Sử 3

Di phục xuất tuần


trước sau

Nửa năm sau Khang Hi nhận được thư gởi về từ chiến trường Ô Lan Bố Thông.  Trận chiến giữa Trung Mông lần này Cát Nhĩ Đan thất bại nặng nề, phải chạy về khu căn cứ Y Lợi nhưng Y Lợi đã bị Sách Vọng A Na Bố Đan làm phản chiếm giữ.  Cát Nhĩ Đan định chạy sang Tây Tạng nhưng đường đi bị quân của Tiêu Phong và Tô Khất ngăn trở.  Nhiều thủ hạ đầu hàng quân Thanh, Cát Nhĩ Đan bèn tự vẫn mà chết.

Khang Hi đọc xong thư rất đỗi vui mừng, bèn sai Ung công công đi gọi Mã Tề, cha con họ Sách, Ngạch Nhĩ Thái, Long Khoa Đa, Mộc Khả Hỷ vào cung Càn Thanh bàn chuyện xuất cung để xem tình hình dân chúng vùng tây bắc, sẵn tiện thăm thú đó đây.

Sáng hôm sau nhóm người Khang Hi rời khỏi kinh thành, vì đường đến tây bắc trời còn lạnh nên theo ý của Ngạch Nhĩ Thái phía ngoài xe nên phủ một lớp màn bằng lụa nỉ, vừa ấm, và đàng hoàng lại hợp với thân thế nhà vua nhưng Khang Hi không muốn thế vì như vậy nó choáng lộn quá, mà chỉ cho che bằng một áo cánh gà vải bông.  Long Khoa Đa, Mộc Khả Hỷ biết tính Khang Hi giản dị, can cũng không được, đành phải theo ý mà làm. Ngoài ra chuyến đi lần này Khang Hi cũng không cho đoàn hộ giá, tùy tùng, rầm rầm rộ rộ đi theo. 

Cỗ xe ngựa chậm rãi tiến về phía ngoại ô, trong xe có Khang Hi, nữ thần y, Ung công công và Tuệ Dung.  Phía ngoài là Sách Ni cải trang thành một quản gia, Long Khoa Đa làm phu xe.  Sách Ngạch Đồ, Ngạch Nhĩ Thái, Mộc Khả Hỷ và Mã Tề là nô bộc, mỗi người một ngựa.  Ung công công ngồi trong xe vén rèm cho Khang Hi ngắm phong cảnh ngoại ô.  Khang Hi nhìn cảnh sắc bên ngoài, giang sơn cẩm tú của mình, những ngọn núi xanh, những cánh đồng dài trải rộng ra trước mắt, tiếng gió hòa tiếng vó ngựa vang khắp núi rừng, cảnh vật sống động làm tâm trạng nhà vua rất vui vẻ.

Đi tới Thái Nguyên, Sách Ni thấy mặt trời đang từ từ lặn trên đỉnh núi bèn cho ngựa chạy lại gần cửa sổ nói:

- Bẩm hoàng thượng, mặt trời đã gần xuống núi, coi bộ đêm nay chúng ta phải nghỉ ở đây, nhưng sáng mai đi ba mươi dặm là đến đường cái quan, ở đó sẽ có nhà trọ đàng hoàng… 

Khang Hi xua tay nói: 

- Không sao, trẫm là người thích tĩnh, hơn nữa dựng lều ngủ ngoài trời cũng rất vui, không có sao.

Long Khoa Đa đang đánh xe, nghe vậy quay đầu lại cười nói:

- May là hoàng thượng của chúng ta thích tĩnh, bằng không thì nửa tháng với đồi núi sông nước chắc ngài sẽ chán ngán lắm? 

Đoạn Long Khoa Đa cho ngựa dừng lại.  Ung công công dìu Khang Hi xuống xe.  Khang Hi ngồi trên xe đã lâu, cảm thấy người bã ra vì xe lắc, vừa xuống đất đã vươn vai đi tới đi lui cho giãn gân cốt. 

- Đến đâu rồi? 

Khang Hi nhìn Mộc Khả Hỷ, Mộc Khả Hỷ đáp: 

- Bẩm hoàng thượng, chỗ này trước là bến đò Hoa Đào, lớn nhất Thái Nguyên, bây giờ bị lấp bằng rồi. 

- Bến đò Hoa Đào? - Khang Hi gật gù - Cái tên khá hay. 

Sau đó Khang Hi cúi xuống bới lấy một ít cát ở dưới chân, thấy phía dưới là đất xốp đen, nói:

- Nơi đây trước kia là ruộng tốt. 

Mộc Khả Hỷ gật đầu, bất giác Khang Hi buông đống cát xuống thở một hơi dài: 

- Những vương tôn công tử con nhà quan, sống ở trong thế giới phồn hoa, những a ca sống trong đống lụa là, nếu không đến đây thì làm sao biết được cảnh khổ trong chốn nhân gian.  

Chiều hôm đó Khang Hi đích thân phụ các quan đắp bếp nấu ăn, và dựng lều lên để ngủ đêm ở nơi bãi đất hoang vu này.  Tuệ Dung được lệnh chỉ hầu nữ thần y, không cần phải phụ.  Hai người ngồi trong xe nhìn mặt trời đã sắp lặn hẳn.  Vòm trời bao la, tầng tầng lớp lớp ráng chiều như những cánh hoa sen hồng, ánh qua những làn khói bếp uốn lượn, trời đã dần dần tối lại.  Khi lều được dựng xong, Tuệ Dung dìu nữ thần y vào lều.  Bên ngoài Sách Ngạch Đồ đốt lửa trại lên, rồi cùng Khang Hi, Ung công công, Long Khoa Đa, Ngạch Nhĩ Thái, Sách Ni, Mã Tề và Mộc Khả Hỷ ngồi quanh đống lửa cháy bừng bừng hắt lên một quầng sáng, mùi thơm sườn lợn nấu trong nồi lan toả nức mũi.

Trong khi mọi người ăn uống ngoài trời thì nữ thần y ngồi trong lều đờ đẫn nhìn nóc lều, Tuệ Dung đem thịt nướng vào cho nữ thần y, nhận được cái lắc đầu.  Tuệ Dung đành đặt dĩa đồ ăn xuống thảm, thầm nghĩ người chết thì đã chết rồi, người sống thì vẫn phải sống, nữ thần y cứ ủ rũ như vậy làm nàng buồn chết được.

Hai người ngồi bên nhau, im lặng hồi lâu.  Một lúc sau nữa cũng không ai lên tiếng, tĩnh mịch đến nỗi Tuệ Dung có thể nghe được tiếng củi lép bép trong đống lửa trại bên ngoài, lại nhìn khuôn mặt trầm tư của nữ thần y, không hề động đậy, trông như một bức tượng đúc bằng sắt.  Đột nhiên, nữ thần y đang ngồi cả người choáng váng, sắc mặt tái nhợt.  Tuệ Dung thấy nữ thần y ngồi không vững nữa vội đưa tay ra đỡ.

- Chắc nương nương đi đường đã mệt, hay là nương nương đừng nên thức khuya, nằm xuống ngủ thôi. 

Nữ thần y lắc đầu. Tuệ Dung im lặng, mãi sau mới nói:

- Vậy để nô tì đi nấu chén canh an thần cho người.

Dứt lời bèn đứng dậy rời khỏi lều.

Một khắc sau Tuệ Dung nấu canh xong, rót ra chén định mang cho nữ thần y thì gặp Sách Ngạch Đồ đứng trước căn lều của chàng ngẩng đầu nhìn bầu trời đen sẫm và các chùm sao lấp lánh.  Tuệ Dung bước lại cười nói: 

- Ngài cũng không ngủ được ư?

Sách Ngạch Đồ gật đầu:

- Ta muốn tận hưởng cái cảm giác đêm ngoại ô, còn nàng, khuya rồi sao không đi ngủ đi?

Tuệ Dung nói:

- Nô tì nấu chén canh sâm để quý phi an thần, không sao, nô tì thức khuya ngày mai trên xe sẽ ngủ được thôi.

Sách Ngạch Đồ lại gật đầu, Tuệ Dung hỏi:

- Không biết lần này hoàng thượng xuất cung định đi đâu?

Sách Ngạch Đồ nói:

- Hoàng thượng đi Thanh Hải.

Tuệ Dung nhìn sững Sách Ngạch Đồ, trong lòng nghi ngờ sự rộng lượng của Khang Hi.

Sách Ngạch Đồ hiểu tâm trạng của nàng, nhanh chóng nói thêm:

- Hôm trước có thư của quan huyện tỉnh Thanh Hải gởi cho hoàng thượng, trong thư nói nước lũ đã làm phá vỡ đê bao bọc hai tỉnh Thanh Hải và Cam Túc, làm chết hai nghìn người nên hoàng thượng muốn tới đó xem. 

Tuệ Dung vẫn còn nhìn sững Sách Ngạch Đồ, không chút che giấu vẻ hoài nghi trên mặt nàng.  Mộc Khả Hỷ ở đâu bước lại nói:

- Hồi trước ta ở Dân Hòa, đúng là hằng năm vào mùa này khắp nơi đều chìm trong nước lũ trắng xóa.  Nhà nhà lâm cảnh màn trời chiếu đất, cuộc sống đầy bi kịch.  Nhớ năm ta tám tuổi trong nhà lương thực bị thiếu hụt trầm trọng, dẫn đến cảnh cha mẹ chết đói, chị gái của ta cũng chết vì bệnh dịch, riêng ta số may nên được một người bà con cưu mang.

Mộc Khả Hỷ vừa dứt lời, nước mắt đã chan hòa.  Tuệ Dung an ủi Mộc Khả Hỷ và nói chuyện với Sách Ngạch Đồ thêm chút nữa rồi bưng chén canh vào lều cho nữ thần y.  Tuệ Dung đặt chén canh xuống thảm.  Nữ thần y vẫn ngồi bất động trong bóng đêm.  Tuệ Dung bèn đi thắp đèn lên, ánh đèn mờ nhạt làm cho nàng vẫn không nhìn thấy nữ thần y rõ lắm.

- Từ khi nương nương nhập cung - Tuệ Dung nói - Sức khỏe yếu kém liên miên, cho nên trong mấy ngày tới đây nương nương hãy chú ý chăm sóc bản thân thật tốt, không nên để khi hai người gặp lại nhau rồi Trịnh thân vương thấy nương nương ủ rũ, sẽ ảnh hưởng đến tâm tình của ngài.

Nữ thần y ngồi nhìn chiếc bóng của mình in lên vách lều, Tuệ Dung thấy nữ thần y không có phản ứng gì sau khi nghe nàng nhắc đến Tiêu Phong, chau mày nói:

- Nương nương có nghe nô tì đang nói gì không?  Sách đại nhân nói lần này hoàng thượng xuất tuần là đến Thanh Hải, ngoài việc giúp người dân ở đó chống lũ, sẵn tiện cũng thăm quân đoàn của Trịnh thân vương. 

Nói đoạn cầm chén canh lên, Tuệ Dung tiếp:

- Nương nương hãy ăn chén canh này, hãy nghĩ đến vương gia đang mòn mỏi chờ ngày được gặp nương nương.

Nữ thần y vẫn hóa đá.  Tuệ Dung bèn nén tiếng thở dài múc một muỗng canh, thổi qua một lượt rồi đưa tới miệng nữ thần y.

- Hoàng hậu thật sự rất tốt với nương nương - Tuệ Dung vừa đút canh cho nữ thần y vừa nói - Trước khi nương nương xuất cung, đã cho người đưa nô tì một hộp sâm ngọc linh, bảo nô tì hằng ngày dùng sâm này tẩm bổ cho nương nương.  

Nữ thần y đương nhấp một ngụm canh, nghe vậy nước canh như nghẹn lại nơi cổ họng bèn nuốt mạnh xuống một cái, rồi lại tiếp tục uống canh.  Tuệ Dung biết nữ thần y vẫn còn buồn chuyện Hách Xá và tiểu a ca, thầm nghĩ: “Ta có nên nói ra sự thật chăng?  Hoàng hậu không phải người như thế, hoàng hậu thật sự bảo quản hậu cung rất chu đáo, lại khiêm tốn thông minh, lòng dạ sâu sắc, có lòng nhân đức, độ lượng, hiểu biết lễ nghĩa…”  Nhưng cuối cùng Tuệ Dung làm theo lời Sách Ngạch Đồ không nói ra.

Sáng ngày hôm sau.

Trong khi cỗ xe của Khang Hi trên đường đến Cam Túc thì Tô Khất và Phi Nhi cũng đi Cam Túc phát gạo cho bá tánh vùng lũ.  Tô Khất, Phi Nhi cùng binh sĩ đi trên con đường đất đỏ từ Thanh Hải dẫn tới Cam Túc, thấy hai bên đường hầu như không có bóng người, nhìn bao la toàn là bãi cát, khắp nơi đều là đầm lầy, mà nước lụt còn để lại sau khi rút.  Cỏ xanh tháng Hai vừa nẩy mầm, trên các bãi cát vàng và trong những bụi cỏ gianh khô cằn rối tung mọc từ mùa thu năm ngoái, chúng ngả ngớn, rung rinh trước cơn gió lành lạnh. Chân ngựa lún xuống cát, đi rất khó. Tô Khất và Phi Nhi cưỡi trên mình ngựa bao quát trên dưới, các quân sĩ hộ lương phải luôn đặt những tấm ván lót vào những vũng bùn để xe đi được dễ dàng. 

Mất nửa ngày trời Tô Khất và Phi Nhi mới đến được Cam Túc, cảnh tượng vô cùng xơ xác, tiêu điều.  Các thanh niên khỏe mạnh ở đó đều đã sớm xa chạy, cao bay, chỉ còn trơ lại một số cụ già, phụ nữ yếu ớt và trẻ nhỏ.  Họ đều đói, mặt xanh như tàu lá. Tô Khất ra lệnh phát chẩn ngay tại chỗ.  Đoàn xe vừa đi vừa phân phát thóc, gạo, nên đã bận lại càng thêm bận, khi vào trong địa giới thì đã phân phát được khoảng hơn hai nghìn thạch lương. 

Tô Khất phát gạo xong bảo các quân sĩ trở về Thanh Hải, còn bản thân chàng thì đi một chuyến đến Thiểm Tây, đã lâu rồi chàng không về thăm mộ cha mẹ mình ở Thiểm Tây.  Phi Nhi không an tâm khi thấy Tô Khất đi một mình, bèn theo chàng đến Thiểm Tây.  Từ nơi phát gạo đến Thiểm Tây khá gần, Tô Khất dẫn Phi Nhi đến một tiểu trấn bé nhỏ cũ kỹ, thấy một đám người bu quanh một ngôi lầu. Nhiều người khác cũng đang chạy tới, rầm rầm rộ rộ, vui vẻ gọi nhau ơi ới:

- Mau lên, mau lên! Trễ rồi! Coi chừng không có chỗ tốt đâu.

Phi Nhi nhanh tay túm lấy một người hỏi:

- Xin hỏi có chuyện gì xảy ra mà ồn ào dữ vậy?

Người này đứng lại, vừa thở vừa nhìn nàng nói:

- Mấy người đây nhất định là ở xa mới tới phải không? Hèn gì không biết hôm nay tiểu thơ nhà họ Lý là đệ nhất mỹ nhân ở vùng này tổ chức gieo cầu kén chồng, cho nên cả thị trấn mới ồn ào lên.

Nói đoạn người đó giục:

- Mau lên, mau mau lên! Các người cũng phải tới coi cho biết.

Phi Nhi quay sang Tô Khất lặp lại lời vừa rồi của người đàn ông nọ, chàng thấy nàng rất cao hứng bèn hỏi:

- Chuyện gì, “ngươi” chưa bao giờ được coi người đẹp gieo cầu chọn chồng à?

Phi Nhi nói:

- Chưa, nô tài chưa được coi cái trò này, hay là ngài dẫn nô tài đi coi cho biết đi?

Tô Khất gật đầu, cùng Phi Nhi buộc hai con ngựa vào một trụ cột gần đó rồi đi theo đám người địa phương.  Hai người tới trước ngôi lầu của nhà họ Lý. Tới nơi thì đã có mấy trăm người chen chúc.  Cảnh tượng vô cùng náo nhiệt.

Tô Khất cố gắng mở đường cho Phi Nhi len vào đám đông. Nhưng vì đến hơi trễ, người lại bu đông quá, họ không thể kiếm được chỗ tốt nhất để có thể nhìn cho thật rõ.  Họ nghe những người đứng xung quanh bàn tán:

- Lý tiểu thư đúng là trang giai nhân tuyệt sắc.

- Hôm nay ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thuở này. 

- Đúng rồi, phải chú ý chờ lúc tiểu thư tung trái cầu thêu xuống thì lập tức nhảy lên bắt ngay.

- Coi kìa! Coi kìa! Giai nhân đã ra rồi!

Cha Lý tiểu thư đưa nàng bước ra bao lơn, nói:

- Quý vị hương thân, quý vị láng giềng, đồng hương, quý vị thân hữu. Hôm nay con gái tôi sẽ gieo cầu để chọn hôn phu. Thanh niên nào chưa kết hôn, bất luận là ai, nếu bắt được trái cầu này thì sẽ thành hôn. Nếu người bắt được trái cầu mà đã có vợ rồi, thì con gái tôi sẽ gieo lại lần nữa. Xin các thanh niên đã có gia thất, đừng chen lấn để cướp trái cầu. Bây
giờ bắt đầu.

Đám đông nhất loạt vỗ tay reo hò, chỉ chỉ trỏ trỏ. Những thanh niên chưa vợ cứ thi nhau nhảy lên la lớn:

- Xin liệng cho tôi!

- Liệng cho tôi đi!

- Liệng bên này này!

- Tiểu thư ơi! Đừng có liệng bên đó! Liệng bên này này!

- Không biết bữa nay ai có phước giựt được trái cầu?

- Nhà họ Lý đã cho bài trí lễ đường, chỉ chờ người bắt được là làm lễ thành hôn ngay!

Phi Nhi nghe nói vừa ngạc nhiên vừa thắc mắc, buột miệng nói:

- Chọn chồng như vậy không phải là quá mạo hiểm hay sao? Nhỡ có người bắt được quả cầu mà từ chối thì sao?

Một người đứng cạnh nàng làm ra vẻ hiểu biết:

- Ai ngu mà từ chối quả cầu?  Nhà họ Lý giàu sụ thế kia, tiểu thư lại xinh như hoa như ngọc.

Trong lúc đám đông bàn tán ồn ào thì Lý tiểu thư đã ra tới bao lơn trên cao, có hai a hoàn đi theo hai bên. Đám đông ngửa cổ lên coi, tiếp tục reo hò, chỉ trỏ, bàn tán ồn ào.  Lý tiểu thư mặc bộ hỷ phục rất đẹp, nàng giơ cao trái cầu lên khỏi đầu.

Đám đông chợt im lặng, ai cũng chăm chú nhìn theo tay nàng.  Im lặng nhìn ngắm một hồi, đám đông lại ồn ào lên. Đám thanh niên đua nhau la lớn:

- Tiểu thư!

- Gieo trái cầu qua bên này!

- Không, gieo sang bên này này!

Tô Khất thấy tình hình phức tạp bèn dẹp đường để Phi Nhi an toàn lui ra ngoài đám đông.  Trong khi Tô Khất đi lấy ngựa, Phi Nhi vẫn còn nhìn Lý tiểu thư chuẩn bị gieo tú cầu kén chồng.  Tô Khất mang cặp ngựa lại, hai người lên ngựa chuẩn bị đi viếng mộ.

Lý tiểu thư vẫn còn lia mắt nhìn một lượt, đang do dự đột nhiên nàng bắt gặp một nam nhân tướng mạo đường bệ cưỡi con ngựa trắng, chờ nam nhân đó đánh ngựa gần tới ngôi lầu, nàng bèn tung trái cầu về hướng chàng.

Những thanh niên không ai bảo ai tận lực chen lấn để đến gần hơn. Đám đông càng náo động.  Trái cầu rời khỏi tay Lý tiểu thư, nương theo gió lao đi. Một đám thanh niên xô tới thi nhau nhảy lên.  Song vì Tô Khất ngồi trên lưng ngựa nên tầm với cao hơn mọi người, các thanh niên khác không sao giành được, vả lại Tô Khất cũng ngỡ ngàng, theo bản năng đưa tay đón bắt trái cầu.

Đám đông đổ xô lại chen lấn nhau để coi mặt kẻ may mắn.  Còn Tô Khất thì sau khi bắt được trái cầu mặt mày chàng bàng hoàng.  Lý tiểu thư vốn có thiện cảm với chàng ngay từ đầu nên thấy vậy vội chạy ngay xuống lầu.

Quang cảnh cực kỳ sôi động.  Lý viên ngoại từ trong nhà dẫn một đám gia nhân chạy ra la lên:

- Xin các vị hương thân đừng chen lấn, trái cầu đã vào tay…

Nói đoạn tiến lại gần Tô Khất hỏi:

- Anh tên là gì?

Tô Khất ngây người trên ngựa một chút nói:

- Lần gieo này không tính.

Đoạn chàng thảy trả trái cầu cho viên ngoại, rồi nhìn Lý tiểu thư nói thêm:

- Cô nương kia, xin hãy gieo lại lần nữa.

Mọi người càng nghe càng ngơ ngác như từ cung trăng rơi xuống đất.  

- Như vậy làm sao được! - Viên ngoại la thật lớn - Nếu như anh không muốn thành hôn với con gái lão sao lại bắt trái cầu?  Cho nên vị huynh đài, huynh chính là tân lang của gia đình ta!

Rồi quay nhìn những người xung quanh, viên ngoại ôm quyền nói:

- Kính thưa quý vị hương thân, phụ lão.  Gia đình chúng tôi đã chọn được hiền tế, chính là người này, sẽ cử hành lễ cưới ngay lập tức, mời các vị vào chung vui với chúng tôi!

Đám đông vỗ tay hoan hô.  Tô Khất nói:

- Ta đã bảo lần này không tính là không tính!  Các người làm ơn tránh đường!

Lý viên ngoại nói:

- Sao lại không tính? Không phải khi nãy mọi người ở đây đã nghe rằng bất luận là ai, miễn chưa có vợ và trong hạn tuổi mà bắt trúng trái cầu là được chọn hay sao? Nếu anh đây không muốn cưới con gái ta sao lúc nãy lại bắt trái cầu?

Tô Khất định mở miệng nói gì đó, viên ngoại tiếp:

- Vậy chứ lão hỏi anh, anh có vợ ở nhà rồi phải không?

Tô Khất không trả lời, chàng nắm chặt dây cương nhìn quanh nói:

- Tránh đường! Tránh đường! Làm ơn tránh đường! 

Đám gia đinh của Lý gia bắt gặp cái vẫy tay của viên ngoại, vội chạy đến vây Tô Khất lại không cho đi, viên ngoại nói:

- Xin mọi người nói một lời công bằng, trên đời này sao lại có chuyện gieo cầu mà không tính thế này? Trai chưa có vợ, gái chưa có chồng, lại trong hạn tuổi, hoàn toàn phù hợp với các điều kiện đặt ra.

Mọi người hô phải, viên ngoại nói:

- Anh đã thấy rồi chưa, anh mà đi, mọi người ở đây sẽ cản anh, ta cũng sẽ cho gia đinh đuổi theo giữ anh lại, nói tóm lại hôm nay anh phải cưới con gái ta!

Lý tiểu thư thấy tình thế căng quá, kéo tay áo cha nàng, nhưng viên ngoại vẫn nhìn Tô Khất hỏi: 

- Vậy chứ lão đây hỏi anh, anh có vợ ở nhà rồi phải không?

Tô Khất khẽ đánh mắt sang Phi Nhi nói:

- Ta chưa có vợ, nhưng thật lòng xin lỗi tiểu thư, hiện trong tim ta đã có hình bóng người khác rồi!  Ta đã đem lòng yêu người khác rồi!

Một người trong đám đông la lên:

- Ôi Trời, Lý tiểu thư vừa giàu vừa đẹp thế kia, trên đời này còn ai tốt hơn nàng ấy nữa?

Tô Khất  nói:

- Ít ra với ta người trong lòng ta phải tốt hơn!

Dứt lời chàng quất một roi vào mông ngựa, làm con ngựa bị đau giơ hai vó lên.  Tô Khất thừa dịp đám đông nghe tiếng ngựa hí tản ra, chàng cùng Phi Nhi cho ngựa bỏ chạy.

Hai người đi rồi, nửa canh giờ sau cỗ xe của Khang Hi mới tới nơi nhà họ Lý gieo tú cầu.  Đương nhiên đám đông đã giải tán cả, Long Khoa Đa đánh cỗ xe đi thêm chút nữa để rẽ vào khu chợ đông, dừng lại trước một tửu lâu.

Tối hôm đó Tuệ Dung ngồi trong phòng trọ bắt đầu nhẩm tính thời gian. Nơi này cách Đa Nhĩ Bố Nhĩ Tân cùng lắm là ba trăm dặm, thúc ngựa phi nhanh thì mất chừng bảy canh giờ.  Sách Ngạch Đồ nói Tiêu Phong đang đóng quân nơi đó.  Nếu tối nay mà đi ngay lập tức, khi trời sáng đã có thể đến rồi. Cứ tính dư dả một chút, muộn nhất cũng chỉ trưa mai.  Ấy vậy mà qua ngày hôm sau Khang Hi nói trong người không khỏe, sang ngày hôm sau nữa lại nói muốn tham quan phong cảnh vùng trung thượng du Hoàng Hà.

Mỗi ngày ở Thiểm Tây nữ thần y vẫn như hồi còn trong cung đứng bên cửa sổ phòng trọ nhìn mặt trời dần lên cao, lên đến đỉnh, rồi ngả về tây.  Tuệ Dung nhìn nữ thần y hai má gầy ốm làm cho mắt hốc hác khác thường, làn da cũng tái nhợt khiến đôi mắt đã tối càng thêm tối.  Tuệ Dung thầm nghĩ dầu nữ thần y có bôi son trát phấn chắc cũng không khá hơn là bao.  Tuệ Dung nghĩ vậy, trong lòng thấy buồn vô cùng, nàng lấy áo choàng đem đến khoác cho nữ thần y.  Đến lúc tia nắng cuối cùng cũng chẳng vấn vương được nữa, Tuệ Dung thấy nữ thần y vẫn còn đứng đó, như chìm hẳn vào trong bóng đêm.

Sáng ngày hôm sao mặt trời lên khỏi ngọn Côn Lôn sơn.  Lại thêm một ngày dài đằng đẵng trông chờ nữa, từng phút từng giây trôi đi thật chậm, mà Tuệ Dung cứ muốn thời gian trôi cho thật nhanh.

Ngày hôm sau, rồi ngày hôm sau nữa.  Tuệ Dung thấy Khang Hi mang tới cho nữ thần y hi vọng, song tia sáng đó vừa mới nhen nhóm thắp lên đã theo ánh chiều tà tàn mất.  Tuệ Dung thở một hơi nặng nề, sâu trong lòng khắc khoải chờ mong.  Nàng vừa thấy xót thương vừa oán giận giùm cho nữ thần y, vì sao Khang Hi lại không để hai người gặp nhau?

Sang ngày thứ sáu, nỗi nghi ngờ cào xé trong lòng.  Lúc mặt trời ngả dạng về tây, Tuệ Dung mang gương mặt ảm đạm đi tìm Sách Ngạch Đồ.  Chàng đang cho ngựa ăn cỏ, nàng bước lại cười cay đắng nói:

- Nô tì biết ngay mà, còn một đoạn đường không xa nữa là tới tây vực nhưng hoàng thượng vốn không muốn cho hai người họ gặp nhau!

Sách Ngạch Đồ đưa ngón tay lên môi suỵt khẽ, nhưng Tuệ Dung vẫn nói:

- Vậy chớ tại sao hoàng thượng không chịu lên đường?  Ngài đừng nói với nô tì chuyến đi Thanh Hải bị trì hoãn là do ngựa đi cả tháng trời cần nghỉ mệt đó!

Sách Ngạch Đồ biết trong lòng cô gái này ngổn ngang tâm sự, mỉm cười nói:

- Xem nàng sốt ruột thế này người không biết chuyện còn tưởng nàng mới chính là người muốn gặp Trịnh thân vương!   

Tuệ Dung lườm nguýt Sách Ngạch Đồ, chàng thu nụ cười lại nói:

- Thôi, nàng hãy về phòng thu gom đồ đạc rồi đi ngủ đi, mai dậy sớm còn lên đường.

Tuệ Dung trề môi:

- Ngày mai hoàng thượng sẽ lên đường sao?

- Chính tai ta nghe hoàng thượng bảo vậy.

Lời Sách Ngạch Đồ khiến Tuệ Dung như người đi đêm bắt được một tia sáng le lói, nàng gật đầu rồi trở về phòng.

Nữ thần y vẫn đứng bất động nhìn chằm chằm mấy cây đào bên ngoài khung cửa sổ, Tuệ Dung tiến lại đứng cạnh nữ thần y, cũng làm theo nữ thần y nhìn ra sân.  Khang Hi xuất tuần năm đó đúng vào tiết xuân, khắp nơi hoa đào nở rộ, sáng rực dưới ánh hoàng hôn.  Từng khóm hoa trắng hồng khoe nhị vàng thi nhau đua sắc, trong sương chiều bảng lảng tựa như đang được phủ một tầng lụa mỏng, ý xuân dạt dào.

Tuệ Dung đứng bên nữ thần y ngắm hoa một lát sau nằn nì:

- Gần đây sức khỏe nương nương kém trước rất nhiều, không đứng lâu hứng gió được đâu, để nô tì dìu người vào trong rồi dọn cơm chiều lên.

Nữ thần y không nói năng gì.  Tuệ Dung không biết làm sao, chỉ đành lặng lẽ đứng bên nữ thần y thêm một hồi.  Một khắc sau, Tuệ Dung lặp lại lời vừa rồi, vẫn không thấy nữ thần y trả lời.  Tuệ Dung thở một hơi dài, mím mím môi rồi rời khỏi phòng đi dọn cơm chiều.  Khi quay trở lại nàng vẫn thấy nữ thần y đứng bên ô cửa, bèn đặt mâm thức ăn lên bàn.

Chiều tối hôm đó nữ thần y vẫn cứ thế, ngắm nhìn sương khói mịt mờ ngoài ô cửa sổ.  Yêu, xa, nhớ, biệt ly, nàng tự hỏi cuộc đời còn gì đớn đau hơn cách trở?  Xuân lộng gió, tuy mát mẻ nhưng lại lạnh tê buốt cả con tim này, nàng biết tìm đâu ra một bờ vai để tựa? Biết quơ tay vào đâu để được nắm lấy một bàn tay thật ấm? Ngày quá dài đêm cũng thinh không, một mình nàng cô đơn giữa dòng đời tấp nập, biết tìm đâu một làn môi hôn ủ ấp lúc sang mùa?  Những khóm hoa đào tưởng chừng như đã nhạt nhòa theo màn sương mờ, nhưng từng chi tiết một lại hiển hiện rõ ràng trong đầu nàng, thậm chí nàng còn mường tượng được khung cảnh Tây hồ với sóng xô ghềnh đá, liễu rủ ven bờ, và cầu Tây Lâm...

(còn tiếp)

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện