Doãn Uyển nghe y gọi mình là “Sấu Thạch” thì biến sắc.
Đêm khuya gió lặng, xung quanh yên tĩnh tới nỗi có thể nghe được tiếng kim rơi, một khắc sau, Nhạc Ngư Thất đột ngột cử động, thân hình ông y hệt bóng ma, năm ngón tay khép lại thành lưỡi đao, bổ thẳng vào mặt Tạ Dung Dữ.
Tạ Dung Dữ cứ ngỡ người này sẽ không có ác ý với mình, ai dè hắn ta đột nhiên ra tay, y lập tức lùi về phía sau, không đánh trả mà nghiêng người né tránh.
Nhạc Ngư Thất nào chịu tha cho y? Xông đến gần Tạ Dung Dữ rồi đột ngột biến mất. Ngay sau đó, chợt một luồng gió mạnh ập đến từ phía sau, Tạ Dung Dữ phản ứng rất nhanh, lao vụt sang cạnh chân tường, còn nơi y đứng ban nãy cắm đầy lá – hóa ra không biết Nhạc Ngư Thất bứt được một nhúm lá cây từ đâu lúc nào, dùng lá làm ám khí tấn công.
Nhạc Ngư Thất thấy Tạ Dung Dữ lùi tới chân tường liền nhếch mép, đang định tung chiêu tiếp thì đúng lúc này, chợt một bóng người màu xanh nhảy ra từ đầu tường.
Bóng xanh tung mình trên không tựa chim bay, roi dài trong tay b4n ra, mang theo gió đánh thẳng vào Nhạc Ngư Thất. Nếu Nhạc Ngư Thất không phản ứng nhanh, chỉ e đã bị roi quất trúng tay.
Roi vụt hụt một phát, Thanh Duy thu roi về đáp xuống đất, không nói nhiều nửa chữ, lần nữa vung roi tấn công Nhạc Ngư Thất.
Trước khi đến đây Tạ Dung Dữ đã nói kẻ trộm tranh không có ác ý, nếu không cần thiết thì nàng không cần ra tay. Nàng nấp trên đầu tường, vốn còn đang yên ổn, ai dè kẻ trộm tranh đột ngột ra tay, may nhờ quan nhân nhà nàng tránh kịp thời, nếu không mảnh lá ám khí đã làm hại y rồi! Đã vậy nàng cũng không khách khí nữa, mặc xác kẻ trộm tranh tốt hay xấu, dạy dỗ hắn một trận đã!
Nhạc Ngư Thất thấy Thanh Duy tấn công liên tục thì *chậc* một tiếng, mấy năm trôi qua, tính xấu của con nhóc a đầu quê mùa này vẫn không thay đổi.
Nhưng Nhạc tiểu tướng quân là ai, trận chiến sông Trường Độ năm xưa nguy hiểm là thế, mà ông vẫn có thể dẫn thuộc hạ phá vòng vây giữa thiên quân vạn mã, chớ nói Tạ Dung Dữ, ngay cả Ôn Thanh Duy do chính tay ông dạy dỗ cũng còn kém xa.
Mây cuối trời che lấp vầng trăng, trong sân tối mù, Nhạc Ngư Thất lao đến cạnh một bụi cây trong sân, bẻ một cành liễu, thấy roi lại đánh đến lần nữa, song lần này ông không né tránh mà vung cành liễu lên, đối đầu với roi dài, nhanh chóng làm giảm lực đánh của cây roi.
Thấy chiêu thức đó, Thanh Duy vô cùng ngạc nhiên, một ký ức chợt vụt qua:
…
“Thấy viên đá này không? Nó là gì?”
Bên dòng suối, Nhạc Ngư Thất nhặt một viên sỏi lên, hỏi.
Ôn Tiểu Dã bé nhỏ ngước đầu nhìn ông, “Thì là… đá sỏi chứ còn gì nữa.”
“Không phải, đây là vũ khí của con.”
Ông lại bẻ một nhành cây xương bồ, hỏi: “Thấy thứ này không? Nó là gì?”
Lần này Ôn Tiểu Dã đã học một biết mười, “Vũ, vũ khí ạ?”
Nhạc Ngư Thất hài lòng gật đầu, “Đúng, cũng là vũ khí.”
Ông lại hái một bông hoa nhỏ bằng móng tay ở dưới chân, “Thấy bông hoa này không? Nó là gì?”
Ôn Tiểu Dã đáp chắc nịch: “Vũ khí!”
“Vũ khí cái con khỉ! Hôm nay con vứt mắt ở nhà không đem theo hả?” Nhạc Ngư Thất quát, “Bông hoa này vừa nhỏ vừa yếu, đánh ra còn không có lực, chẳng thà hái lá còn hơn, thứ này sao có thể làm vũ khí? Sư phụ tiện tay hái cài tóc cho con thôi, xong rồi đấy, về nhà ăn tối nào.”
Ôn Tiểu Dã *à* một tiếng, đón nắng chiều, theo Nhạc Ngư Thất quay về, “Nhưng mà sư phụ, nếu chúng ta đã có đao có gươm, vì sao còn phải nhặt đá dùng xương bồ làm vũ khí?”
“Trong thị trấn cấm binh đao, dân thường như con cùng lắm chỉ có thể giấu một con dao găm, nếu đánh nhau với người ta, lấy đâu ra vũ khí vừa tay để dùng, đương nhiên bên cạnh có gì thì dùng thứ đó. Nhớ cho kỹ, vạn sự vạn vật đều tương sinh tương khắc, lấy nhu thắng cương, lấy cương phá nhu, hoa lá cành, thậm chí nồi niêu gáo chậu cũng dùng được, chưa chắc đã thua đao gươm…”
…
Thanh Duy ngớ người, miệng lẩm nhẩm: “… Sư phụ?”
Nhưng lúc đánh nhau kỵ nhất là phân tâm, Thanh Duy vừa thất thần, lực của cây roi đã bị cành liễu hóa giải, một khắc sau, Nhạc Ngư Thất rút cành liễu về, roi cũng rơi vào tay ông. Roi đổi chủ, trong khoảnh khắc như biến thành vật sống, tựa con rắn độc lè lưỡi lao vào Thanh Duy.
“Tiểu Dã cẩn thận.” Tạ Dung Dữ phản ứng trước một bước, chụp tay Thanh Duy kéo về sau, quạt trong tay đối đầu với mũi roi.
Roi bị cản thế, chợt rụt về, như mãng xà treo giữa không trưng, đầu rắn lung lay rồi há to cái miệng máu, tiếp tục tấn công một lần nữa.
Thanh Duy cũng đã kịp thời lấy lại tinh thần, mũi chân nàng xỉa xuống đất, khều một cục đá bay lên, vươn tay chụp lấy rồi ném mạnh vào đầu rắn.
Thân roi rút về, phía đối diện vang lên tiếng cười khẽ, “A đầu, lấy nhu thắng cương, lấy cương phá nhu, tiếp thu không tệ.”
Đúng lúc đèn trong phòng cũng được thắp sáng, Doãn Uyển cầm chân đèn đi ra, Thanh Duy mượn ánh nến nhìn sang, thấy Nhạc Ngư Thất đứng trên cành cây như thế ngoại kiếm tiên, bao năm trôi qua ông vẫn chẳng hề đổi thay, mi dài mắt sáng, ngay đến vết sẹo lõm trên lông mày bên trái vẫn như vậy.
Tạ Dung Dữ lập tức thu tay về, “Nhạc tiền bối?”
“Sư phụ, là sư phụ thật sao?” Thanh Duy lên tiếng. Tuy trong lòng đã có suy đoán, nhưng khi tận mắt chứng kiến thì lại khác.
Thanh Duy không kìm nổi sự hân hoan, nàng chẳng màng còn đến xung quanh, mũi chân điểm xuống đất toan nhảy lên đầu cành.
Nhạc Ngư Thất giật mình, lập tức nhảy xuống, lùi về trước cửa phòng, mắng, “Con tưởng mình là bướm, gặp người là lao vào hả? Đã mấy tuổi đầu rồi.”
Ông lại đưa mắt nhìn Tạ Dung Dữ trong sân, “Hai ngươi theo ta vào trong.”
***
Ở bốn góc phòng có đặt giá đèn, ánh nến thắp sáng tựa ban ngày.
Nhạc Ngư Thất khệnh khạng ngồi xuống bàn, nhìn Tạ Dung Dữ, “Oắt con, ngươi đến một mình hả? Không dẫn theo đám chó săn kia à?”
Tạ Dung Dữ đáp: “Thưa vâng. Vãn bối đoán tiền bối sẽ không có ác ý với mình, hơn nữa ngài còn quen biết Sấu Thạch, nên mới một mình đến gặp tiền bối… Ngoại trừ Tiểu Dã, thân phận nàng ấy đặc biệt nên vãn bối vẫn để nàng ấy đi theo.”
Nói đoạn, y chắp tay vái Nhạc Ngư Thất, “Không biết là Nhạc tiền bối đến đây, trước đó đã xúc phạm nhiều, kính mong tiền bối
bỏ qua.”
Nhạc Ngư Thất còn tị nạnh chuyện y gọi Thanh Duy là “Tiểu Dã”, song thấy y có thái độ khiêm nhường lễ độ thì không nói gì thêm.
“Sao sư phụ lại ở Đông An?” Thanh Duy chen vào, “Con tìm sư phụ mấy năm năm, con còn…”
“Dừng dừng!” Nhạc Ngư Thất cười lạnh, “Con còn có tâm tư nghĩ đến ta ư? Chim én Thần Dương chỉ biết làm tổ dưới hiên khi xuân về, còn chú chim ta nuôi không biết đã đậu trên nóc nhà nào rồi.”
Thanh Duy ngơ ngác, không hiểu y đang châm chọc chuyện gì.
Tạ Dung Dữ nhìn Thanh Duy rồi lại nhìn sang Nhạc Ngư Thất, đôi đồng tử dần trở nên sáng tỏ.
“Chuyện này để sau hẵng nói.” Nhạc Ngư Thất nhìn Tạ Dung Dữ, “Nói chuyện chính đi, làm sao ngươi biết Doãn Uyển là Sấu Thạch, rồi làm sao biết đi theo Sấu Thạch thì có thể tìm được ta?”
Tạ Dung Dữ gật đầu, “Không khó để biết Doãn Tứ cô nương là Sấu Thạch, cả thảy có ba điểm.”
“Thứ nhất, chính miệng ông chủ Trịnh ở Thuận An Các đã vô tình để lộ.” Tạ Dung Dữ nói, “Hôm trước Khúc Đình Lam bị trộm mất tranh vừa mua, quay về Thuận An Các yêu cầu trả lại tranh. Ban đầu ông chủ Trịnh khăng khăng bảo phải làm đúng quy định, không thể đổi trả, nhưng Doãn Trì lên tiếng khuyên can là ông ta lập tức đồng ý trả lại bạc. Hơn nữa ông chủ Trịnh còn nói rất rõ, Thuận An Các có quy định nghiêm ngặt, nếu không được đích thân họa sĩ đồng ý thì Thuận An Các sẽ không dễ hoàn tiền, như vậy đã chứng minh, nếu Sấu Thạch không phải bản thân Doãn Nhị thiếu gia thì cũng phải là người liên quan đến Doãn Nhị thiếu gia.”
“Thứ hai, Sấu Thạch mô phỏng phong cách của Đông Trai, mà người am hiểu hội họa đều biết rất khó mà nắm bắt được kỹ thuật của Đông Trai, trừ khi là thiên tài bẩm sinh, bằng không, dù khổ luyện mấy năm cũng khó đạt được thành quả. Tiền bối đã xem qua tranh của Doãn Nguyệt Chương, cậu ta theo phong cách thực tế chi tiết, thiên về chân dung chim muông, cảnh vật không phải là sở trường của cậu ta. Theo lời cậu tanói, hồi mới học vẽ, cậu ta đã học theo Thủy Tùng, Đình Mai cư sĩ, thử hỏi trong vòng hai mươi năm ngắn ngủi, làm thế nào mà một người vừa có thể thi đậu Tú tài, lại vừa am hiểu rõ về hai phong cách khác nhau? Đây là điều không thể, cho nên Sấu Thạch am hiểu tinh túy của Đông Trai phải là người liên quan tới Doãn Nhị thiếu gia, nhưng đồng thời không thể là cậu ta.”
Nghe Tạ Dung Dữ nói xong, Thanh Duy lập tức nhớ ra, tối hôm đó trong hội thi họa, mỗi gian nhã các đều được phân phát một cuốn sách, bên trên có ghi tên tranh chữ mà Thuận An Các sưu tầm, Tạ Dung Dữ lật xem, thấy bên trong có tranh của Doãn Trì thì chọn liền mấy bức.
“Về điểm thứ ba, thực ra chính Doãn Tứ cô nương đã tiết lộ cho tiền bối.”
Doãn Uyển đứng bên ngạc nhiên, lạc giọng hỏi: “Chính, chính miệng dân nữ nói với vương gia?”
Tạ Dung Dữ gật đầu, “Đúng vậy. Doãn Tứ cô nương còn nhớ, cái hôm ta nghi ngờ Doãn Trì là Sấu Thạch, bọn ta đã gọi cô đến thư phòng để hỏi chuyện không?”
Doãn Uyển gật đầu: “Nhớ ạ, vương gia hỏi tôi, hơn năm năm trước, tôi có từng giúp Nhị ca đưa tranh đến Thuận An Các không.” Giọng nàng ta bé như muỗi kêu, “Nhưng lúc ấy tôi nói với vương gia là có, tôi từng giúp…”
Năm năm trước Sấu Thạch để lại tranh ở Thuận An Các, người đưa tranh là một tiểu thư đồng.
Nếu Doãn Uyển thừa nhận mình chính là tiểu thư đồng này, còn thường xuyên giúp Doãn Trì đưa tranh, tương đương với việc ngầm xác nhận Doãn Trì là Sấu Thạch.
“Chính câu trả lời có của Doãn Tứ cô nương đã khiến ta biết Sấu Thạch không phải Doãn Trì, mà là cô.” Tạ Dung Dữ nói, “Sấu Thạch ẩn nấp lâu như thế, chắc chắn sẽ không dễ dàng để ta đoán được mình là ai. Nếu Sấu Thạch là Doãn Trì, vậy khi ta hỏi chuyện đưa tranh mấy năm trước, cậu ta sẽ dặn Doãn Tứ cô nương trả lời thế nào?”
Không đợi Doãn Uyển đáp, Thanh Duy đã nói: “Không đưa.”
“Đúng, sẽ là không đưa. Nếu Doãn Trì là Sấu Thạch, hắn sẽ phủi sạch liên can, nói năm năm trước mình không để thư đồng nào đưa tranh đến Thuận An Các. Trừ phi Sấu Thạch là Doãn Tứ cô nương, cô mới có thể nói mình đã đưa tranh, từ đó đẩy nghi ngờ lên đầu Nhị ca của cô. Cô nghĩ rằng, chỉ cần phong cách vẽ của Nhị ca cô khác với Đông Trai tiên sinh, khi Huyền Ưng Ti thấy tranh của Nhị ca cô thì sẽ đâm đầu vào ngõ cụt. Cô cho rằng không ai có thể đoán ra, một thiếu nữ như cô lại là bậc thầy hội họa trời sinh.”
Doãn Uyển cắn môi, một lúc sau mới gật đầu: “Nhưng vì sao mà vương gia ngài… lại đoán được?”
Tạ Dung Dữ nói: “Bình thường khi nói đến bậc thầy hội họa, mọi người sẽ lập tức nghĩ ngay đến nam giới, nhưng tài năng phân biệt nam nữ. Mà nữ giới thường ít phân tâm giữa đường làm quan hay công danh lợi lộc, nếu chịu dốc lòng học tập ắt hẳn sẽ thành tài. Chẳng hạn như Tân Nhị phu nhân của tiền triều,thơ từ của bà tự do phóng khoáng nhường nào; hoặc ví dụ như Lăng nương tử thuộc danh môn Trung Châu trăm năm trước, thích kinh doanh, vào nam ra bắc, cả đời không lấy chồng; còn cả Tiểu Dã đây, từ nhỏ nàng ấy đã theo Nhạc tiền bối học võ, đông luyện tam cửu hè tập tam phục, bàn về đánh đơn mục tiêu, Huyền Ưng vệ bên cạnh ta không một ai có thể là đối thủ của nàng ấy. Doãn Tứ cô nương đi theo Thẩm tiên sinh từ nhỏ, nếu cô cũng học vẽ, dù là thời gian hay tinh lực đều nhiều hơn so với Doãn Nhị thiếu gia, vậy tại sao Sấu Thạch không thể là cô?”