Thanh Vân Đài

Chương 206


trước sau

“Đó chính là toàn bộ…”

Nói xong lời cuối cùng, giọng lão thái phó rệu rã hết hơi, “Đó là toàn bộ nguyên nhân khiến Tiển Khâm Đài sập… Mưa quá lớn, chuyện xảy ra quá đột ngột khiến nhiều người trở tay không kịp. Chiêu vương điện hạ bị thương tự trách, đổ bệnh mấy năm, thật ra việc Tiển Khâm Đài sập vốn không hề liên quan đến ngài.”

Nhưng trong điện không một ai lên tiếng đáp.

Lời kể của lão thái phó như rơi vào khoảng không rộng lớn, Tạ Dung Dữ nhắm mắt, những người khác trên điện như sống lại cơn ác mộng ấy, ngay đến Triệu Sơ cũng lặng thinh.

Trời đã tối đen, chỉ có cung đèn chiếu sáng đại điện, nhưng ánh đèn chói mắt lại khiến người ta cảm thấy hoảng sợ, không bằng bóng tối làm người ta yên tâm.

“Vì sao… thầy biết những chuyện này?” Trương Viễn Tụ khàn giọng hỏi.

Lúc nãy Thượng thư bộ Hình cũng đã hỏi câu đó, bây giờ Trương Viễn Tụ lại hỏi lần nữa, nhưng câu hỏi ẩn chứa nỗi niềm khó tả, tựa hồ y nghe được bí mật nào đó mà người khác không thể nhận ra thông qua lời của lão thái phó, một bí mật đã bị che khuất bởi đá lở.

Trương Viễn Tụ được chính lão thái phó dạy dỗ nuôi lớn, có một số việc y vẫn luôn cảm thấy lạ.

Lão thái phó là người hết lòng tận tụy vì công việc, năm ấy Tiển Khâm Đài sập, tiên đài đổ bệnh nặng, nhưng ông không những không tham gia gánh vác triều chính, trái lại chỉ hồi kinh một lần rồi rời đi, chuyển tới sơn trang Khánh Minh ở, thậm chí còn từ bỏ quyền hành, hoàng đế mới lên ngôi trong cảnh bấp bênh mà ông cũng không xuất hiện.

Đến tiền đồ của sĩ tử ông còn muốn dốc sức cứu vãn, nhưng khi tân đế và Tiểu Chiêu vương bị bao vây bởi nước lửa, tại sao ông không ra tay giúp đỡ?

Thời gian đó bệnh tình của lão thái phó vẫn chưa trở nặng, vẫn có thể ở lại kinh thành, vì sao ông phải chuyển tới Khánh Minh không gặp khách, có thật là vì áy náy chuyện giao dịch danh sách lên đài không?

Trương Viễn Tụ nhớ lại năm mình mười tám tuổi, lão thái phó đặt cho y tên tự Vong Trần, Trương Viễn Tụ từng hỏi, “Thái phó đặt cho anh con tên tự Ức Khâm, nhưng vì sao lại muốn con phải quên đi trần thế?”

Lão thái phó lặng đi một lúc lâu, cuối cùng mới nói: “Thực ra… anh trai con cũng hi vọng con có thể từ bỏ.”

… Anh trai?

Bấy giờ Trương Chính Thanh đã qua đời được hai năm, làm sao lão thái phó biết được tâm nguyện của huynh ấy?

Trương Viễn Tụ hoảng hốt, một suy nghĩ len lỏi khiến y khiếp sợ, “Ca ca đã mất, vì sao thầy biết được những chuyện huynh ấy đã làm?”

Lão thái phó kì vọng rất lớn vào hai anh em họ, luôn mong hai người sẽ thi đậu công danh, nhưng sau khi Tiển Khâm Đài sập, ông lại chỉ dạy Trương Viễn Tụ vẽ tranh, nói rằng công danh lợi lộc chỉ là mây khói.

Mỗi lần Trương Viễn Tụ nhắc đến nguyện vọng “muốn đài cao chạm mây trong núi Bách Dương”, lão thái phó luôn khuyên y núi sông bao la bát ngát, tốt hơn hết nên buông bỏ tâm trí, quên đi trần thế mà gửi tình vào non sông.

Trương Viễn Tụ nhớ lại, năm Chiêu Hóa thứ mười ba sau khi Tiển Khâm Đài sập, y và lão thái phó là một trong những người đến núi Bách Dương sớm nhất, người chết la liệt, Châu doãn Ngụy Thăng đã mất vị trí, trong núi hỗn loạn nơi nơi, y nghe nói huynh trưởng bị vùi lấp dưới đài, tay không đào đá muốn tìm Trương Chính Thanh. Những ngày ấy y gần như ngủ trên phế tích, còn lão thái phó, từ lúc đến núi Bách Dương lại cứ ở mãi trong lều, không gặp ai cho đến khi ngự giá tới.

Trương Viễn Tụ ngỡ rằng lão thái phó lúc ấy cũng giống mình, vì quá đau lòng nên mới không muốn gặp ai.

Nhưng nay ngẫm lại thấy đâu có phải, Trương Chính Thanh còn chưa rõ sống chết, vì sao lão thái phó không tìm? Không phải ông quan tâm huynh ấy nhất sao?

Trương Viễn Tụ nhớ lại, mãi cho tới lúc ngọn lửa thiêu đốt thi thể đề phòng ôn dịch bùng lên, y vẫn không ngừng kiếm thi thể của Trương Chính Thanh, có người nói với y, có thể do bị chôn vùi quá sâu nên mới không đào được thi thể của huynh trưởng y, vì vậy dưới gò mộ đã lập năm năm tại ngoại ô kinh thành, chỉ chôn một bộ áo quan.

Cuối cùng Trương Viễn Tụ nhớ đến, nhà chính của phủ thái phó quay mặt về hướng nam, ấm áp khô ráo, nếu lão thái phó sợ lạnh thì chuyển đến nhà chính là được, việc gì người hầu trong phủ phải đưa than đến chái đông? Hay là, ở chái đông đóng cửa cài then đó, còn có ai khác đang ở?

Giọng Trương Viễn Tụ gần như rời rạc, “Anh trai con… anh trai…”

Lão thái phó dập đầu, “Quan gia, hôm nay vào cung thỉnh tội không chỉ có lão thần, mà còn có một người nữa.”

Canh tư, tiếng gió như bị màn đêm dày đặc bóp nghẹt, phát ra âm thanh nghẹn ngào. Một người đàn ông mặc áo choàng lớn bước vào điện, mũ trùm đầu kéo xuống khiến đối phương không nhìn rõ mặt, giống Thanh Duy lưu vong nhiều năm, nhưng dáng vẻ của anh ta khác với Thanh Duy, Thanh Duy là không thể gặp người, còn anh ta lại không dám gặp người.

Anh ta quỳ xuống hành lễ với Triệu Sơ, hai tay chống trên đất gầy gò nhợt nhạt, “Quan gia.”

Anh ta im lặng hồi lâu, cuối cùng đẩy mũ lên, nhìn Trương Viễn Tụ gọi: “Tụ đệ…”

Trương Viễn Tụ sững sờ nhìn Trương Chính Thanh, sự bàng hoàng khó tin trên mặt đã biến mất, chỉ còn lại vẻ trống rỗng.

Trương Chính Thanh như không nỡ nhìn Trương Viễn Tụ lúng túng như thế, nâng tay lên muốn lại gần y, gọi tiếng nữa, “Tụ đệ.”

Nhưng Trương Viễn Tụ giật mình lùi bước về sau.

Bọn họ vốn là anh em thân thiết, là hai người sống nương tựa lẫn nhau trên này, nhưng sau nhiều năm gặp lại, trong mắt Trương Viễn Tụ không có vẻ vui mừng, thay vào đó là cái nhìn xa lạ, tựa hồ y không hề quen biết cái người “chết đi sống lại” này.

Thực ra Trương Chính Thanh không thay đổi nhiều, chỉ là gầy hẳn đi, trong mắt cũng không còn ý chí của ngày trước.

Ngẫm kĩ thì, Trương Chính Thanh còn sống, mọi người ở đây cũng không quá bất ngờ.

Mồng chín tháng bảy là ngày giỗ của phụ thân Trương Chính Thanh, Tiển Khâm Đài lấm bẩn, anh ta không muốn các sĩ tử lên đài vào ngày giỗ ấy thì sao bản thân có thể bước lên? Tiển Khâm Đài sập trong lúc các sĩ tử lên đài, cái tên Trương Chính Thanh vốn được xếp cuối cùng, huống hồ anh ta còn biết chuyện giao dịch suất lên đài, đuổi công nhân đào mương về, anh ta có thể phản ứng nhanh hơn bất kỳ ai khác, ngay đến Tiểu Chiêu vương còn sống thì sao anh ta lại không sống nổi?

Chẳng qua khi tỉnh dậy, anh ta dần nhận ra mình đã gánh tội nghiệt nặng đến mức nào, từ đấy trở đi không dám đối mặt với ai.

Dù sự cố Tiển Khâm Đài sập không phải lỗi của một mình anh ta, nhưng từng ngày từng đêm sau đó, Trương Chính Thanh luôn nghĩ, nếu anh ta chịu lùi một chút, hoặc nếu bất kì ai trong số họ có thể thỏa hiệp thì đâu đến nỗi lâm vào cảnh này.

Lão thái phó quỳ xuống giải thích với Triệu Sơ, kể rằng năm đó mình đã cứu Trương Chính Thanh như thế nào, sau khi biết chuyện anh ta đã làm thì đã ích kí giấu nhẹm tin tức còn sống ra sao. Trương Chính Thanh bị thương quá nặng, sức khỏe rất yếu, lại thêm bệnh sợ lạnh, tính mạng mấp mé ở bờ vực sống chết, nên ông mới đưa anh ta đến sơn trang Khánh Minh.

Lão thái phó nói, bọn họ không có ý định giấu lâu như vậy, chỉ là hồi đầu bọn họ không hiểu, không hiểu vì sao Tiển Khâm Đài lại sập, đợi đến khi biết rõ sự việc thì tiên đế băng hà, triều chình đại loạn, chỉ một cơn gió nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng đến nền móng quốc gia, rồi về sau, bọn họ cứ thế nhìn Trương Viễn Tụ men theo chấp niệm đi càng lúc càng xa, sợ rằng sự thật ấy sẽ khiến y suy sụp, mà lúc đó Trương Chính Thanh đang bệnh rất nặng, bệnh trên người chỉ là thứ yếu, chí mạng là tâm bệnh. Anh ta sợ ra ánh sáng, không dám gặp ai, bị ác mộng giày vò liên tục, thậm chí quá nửa thời gian hồi đó anh ta không hề tỉnh táo. Anh ta bị mắc kẹt trong sự kinh hoàng bất tận, nhưng lại không dám lấy
cái chết chuộc tội, nếu sống, anh ta không cách nào đối mặt với người đời, còn chết đi, cũng không có mặt mũi gặp người đã khuất.

Dù bây giờ anh ta đang quỳ trong bóng râm trên điện, nhưng trên trán và mu bàn tay đã chảy rất nhiều mồ hôi, chỉ trong chốc lát, mặt mày trắng bệch, thậm chí cánh môi cũng chuyển sắc xanh.

Mọi người không còn lạ gì trước chứng bệnh ấy, chính là tâm bệnh giống Tạ Dung Dữ, bị ác mộng đoạt lấy hơi thở, sự tự trách đã sinh ra sợ hãi hoảng hốt, thậm chí là ảo giác, khiến người ta mất đi lí trí.

Điểm khác biệt duy nhất là Tạ Dung Dữ vô tội, nên cuối cùng y đã khỏi bệnh, còn Trương Chính Thanh có tội, nên mới mắc bệnh vô phương cứu chữa.

Trương Chính Thanh run rẩy cầu xin Triệu Sơ tha thứ: “Bẩm Quan gia, những chuyện trên đều là tội của tội thần, lẽ ra tội thần phải nhận tội từ lâu. Tội thần sẵn lòng chịu trách nhiệm tất cả, cũng sẵn lòng giải thích chân tướng với bách tính đang chờ ngoài cửa cung, xin Quan gia… xin Quan gia khai ân cho Tụ đệ. Tuy Tụ đệ đã làm sai vài chuyện, nhưng bản tính đệ ấy lương thiện, dù là dẫn bách tính Ninh Châu lên kinh vào năm ngoái, hay là, hay là hợp tác với Tào Côn Đức, đệ ấy cũng chưa từng nghĩ đến việc hại người, mà cũng chưa bao giờ hại ai, chẳng qua đệ ấy quá cố chấp với việc xây dựng Tiển Khâm Đài, đệ ấy quá nhớ phụ thân, nên mới…”

Trương Chính Thanh còn chưa nói hết thì đã bị Trương Viễn Tụ cười khẩy cắt ngang.

“Phụ thân?” Giọng Trương Viễn Tụ ngập ý mỉa mai, “Ta đã không nhớ nổi dáng dập phụ thân ra sao rồi, người nuôi dạy ta chính là huynh! Người dạy ta bốn chữ ‘Tiển Khâm sạch sẽ’ chính là huynh! Ta muốn xây lại Tiển Khâm Đài là vì phụ thân ư? Không, là vì người huynh trưởng chung máu thịt với ta, vì để hoàn thành tâm nguyện của huynh ấy! Nhưng huynh lại, huynh lại…”

Nếu việc Trương Chính Thanh đuổi đi công nhân đào mương để hoàn ngày lên đài đã phá vỡ niềm tin nhiều năm của Trương Viễn Tụ, vậy thì việc Trương Chính Thanh xuất hiện trên đại điện, đã khiến cho Tiển Khâm Đài sạch sẽ sớm được xây lại trong lòng y hoàn toàn sụp đổ.

“Hóa ra Vong Trần có ý nghĩa như thế, thứ huynh muốn ta quên đi không phải quá khứ bụi trần của Thương Lãng Tiễn Khâm, mà là khói bụi tội lỗi dưới phế tích đài sập, huynh ích kỉ đến mức muốn ta quên đi tất thảy, bởi vì huynh hối hận!”

Trương Viễn Tụ lạnh lùng chất vấn, “Vậy thì… Nếu huynh đã biết thầy dùng danh sách lên đài để giao dịch, nế huynh đã quyết định không lên đài vào ngày đó, thậm chí đuổi cả công nhân đào mương về, thì việc gì khi rời đi, lại nói với ta ‘người xưa đã qua đời, hoài bão của tiền nhân được hậu nhân kế thừa’, vì sao còn phải nói ‘Tiển Khâm không lấm bẩn, chí nguyện mãi không đổi’?!”

Trương Chính Thanh mở miệng muốn giải thích, nhưng lại chẳng thể cất nổi nên lời, bởi vì đúng là do anh ta đã sai nên mới khiến Trương Viễn Tụ đi quá xa trên con đường này.

Việc bách tính Ninh Châu khiếu kiện, các dược thương bị hại hay Trương Viễn Tụ lấy đi tội chứng ở mỏ khoáng Chi Khê về sau, hoặc là sĩ tử bách tính căm phẫn chặn cửa cung hôm nay, đều là dẫm vào vết xe đổ của anh ta.

Trương Chính Thanh nói: “Tụ đệ, đệ nghe ta nói đã, tất cả mọi chuyện đều là lỗi của một mình ta, đệ chỉ đi nhầm đường hơi xa, huynh nghe thầy nói đệ chưa từng hại ai, thậm chí còn cứu người giúp người, thợ mộc họ Tiết rồi con gái của Ôn Thiên, nhờ có đệ mà bọn họ mới sống được, đệ vẫn có thể quay đầu, đệ…”

Không đợi Trương Chính Thanh nói hết, Trương Viễn Tụ nhắm nghiền hai mắt.

“Trễ rồi…” Y nói, “Đã quá trễ rồi.”

Kẻ trồng cây chặt cây, kẻ qua sông làm rơi mái chèo, kẻ dựng đài cao tự dỡ bỏ cột trụ, ước nguyện ấp ủ bấy lâu bị đốt sạch trông thật xấu xí, mọi thứ đã làm ngày hôm qua trở nên thật lố bịch, gằn giọng đau đớn nói: “Chẳng thà ngay từ đầu huynh chết luôn đi.”

***

Lần thứ hai bầu không khí lặng thinh bao trùm đại điện.

Một lúc lâu sau, Đường chủ sự mới hỏi: “Bẩm Quan gia, bây giờ có cần bố cáo thiên hạ không?”

Trong điện không người đáp.

Đêm khuya đã qua, trời dần hửng sáng, nhưng… dù đã tìm ra manh mối, không ngờ chân tướng lại bất đắc dĩ đến vậy.

Nó là bước đi vượt qua Tiển Khâm, hướng về mây xanh, bắt đầu từ tiên đế, lão thái phó rồi dần kéo dài, những người liên quan đều có tội đáng chết vạn lần, hoặc về tình có thể tha, song không phải vô tội. Nếu công khai chân tướng ấy, không ai biết thế nhân sẽ phản ứng như thế nào.

Song, người trong điện nghĩ, thay vì để mây xanh tích tụ trên đài cao rồi dẫn đến choáng ngợp, thì bây giờ cần có một bàn tay phủi đi lớp bụi.

Thượng thư bộ Hình bước lên trước một bước, “Quan gia, thần sẵn lòng ra ngoài cửa cung, giải thích tiền căn hậu quả của việc đài sập.”

Đại Lý Tự khanh cũng nói: “Quan gia, thần sẵn sàng đi cùng bộ Hình.”

Triệu Sơ nhìn những người còn lại: “Ý các ái khanh thế nào?”

Viên quan họ Từ do dự: “Có gì… nói nấy?”

Đường chủ sự đáp: “Vậy thì nói.”

Tạ Dung Dữ chậm rãi gật đầu.

Cấm vệ quân của Điện Tiền Ti đứng ngoài điện lập tức quỳ gối, “Bẩm Quan gia, sáng hôm qua mạt tướng đã cử người đến Bắc Đại Doanh triệu tập toàn bộ tướng sĩ của Điện Tiền Ti, hiện bọn họ đã đến ngoài thành Tử Tiêu, chúng mạt tướng nhất định tăng cường phòng bị, nỗ lực bảo vệ an nguy của bách tính, nhất định không để trong kinh xảy ra loạn.”

Triệu Sơ quay lại án, “Bộ Hình và Đại Lý Tự nghe lệnh, trẫm lệnh hai ngươi cùng Chiêu vương đến ngoài cửa cung, giải thích toàn bộ chi tiết nhân quả trong vụ án cho dân chúng được rõ, bao gồm lựa chọn của triều đình trong trận chiến năm xưa, công và tội trong việc thu xếp cho di dân Cật Bắc, đồng thời dẫn theo thái phó và tội nhân Trương Chính Thanh; Ngự Sử Đài, lập tức soạn thảo bố cáo liên quan dán ngoài cổng thành, nêu rõ kết quả xử lí nghi phạm có liên quan đến vụ án Tiển Khâm Đài, đợi sau khi thẩm án kết thúc, triều đình sẽ phát bố cáo tiếp, còn chuyện khác…”

Triệu Sơ ngước lên, nhìn cấm vệ quân đang quỳ ngoài điện đợi lệnh: “Điện Tiền Ti.”

“Có mạt tướng.”

“Chỉnh đốn quân ngũ.”

Bốn chữ cuối vừa dứt, cửa điện Tuyên Thất mở toang, Tạ Dung Dữ cùng bộ Hình và Đại Lý Tự đi ra đầu tiên, theo sau là các quan viên còn lại. Bước chân của họ đầy vững chắc, trật tự tỏa ra các nơi, tiếng kèn chỉnh quân nhanh chóng vang lên trong cung cấm, Huyền Minh Chính Hoa mở ầm ầm, sau đó là cổng cung thứ hai rồi đến thứ ba. Cùng lúc ấy, xung quanh chậm rãi sáng dần, tuyết rơi suốt đêm đã dừng từ lâu. Thanh Duy bước ra khỏi đại điện, ngẩng đầu nhìn lên, vừa qua giờ Mão, có tia nắng mai xuyên qua lớp mây mỏng chiếu xuống.

Tốt quá, Thanh Duy thầm nhủ, sắc trời sáng tỏ. Trời đã sáng rồi.

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện