Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 100: Tất niên
Nhà Lâm Thanh Hoà.
Cô vừa đứng bếp làm món thịt thỏ kho tàu vừa nói chuyện với Chu Thanh Bách: “Anh này, anh nói xem cậu ba dạo này bị làm sao nhỉ, em thấy hình như còn gầy hơn cả lúc trước thì phải?”
Tất nhiên là anh không biết rồi nên hỏi cô: “Hay là em về đó một chuyến?”
“Không về.” Đối với cô, Lâm gia chẳng có một tí tẹo ấn tượng tốt đẹp nào, năm trước cũng may tìm được cái cớ cô mới cắt đứt gọn ghẽ với bên đó, giờ ngu gì vác xác sang đấy.
Chu Thanh Bách rất bất đắc dĩ, không biết nói sao cho phải.
Nồi thịt thỏ trên bếp đã chín, hương thơm lan toả khắp nơi nhanh chóng kéo suy nghĩ của Lâm Thanh Hoà về. Thôi mặc kệ bên đó vậy, cô nhanh tay nhấc nồi xuống, xúc một chén bảo Chu Thanh Bách bê qua cho ông bà Chu.
Cô cẩn thận dặn dò: “Anh mang qua đưa cho cha mẹ ăn đi, nhớ phải nói rõ ràng thịt thỏ này là cậu ba nhà em cho, nó lăn lộn ở ngoài trời cả buổi mới bắt được đấy.”
Làm gì cũng phải nói rõ ràng, đỡ cho lòng người nghi ngờ cô chỉ biết lén lút trợ cấp nhà mẹ đẻ. Cô không phải nguyên chủ, đâu có ngu mà đi trợ cấp cho một đám bạch nhãn lang, cả Lâm gia cô chỉ nhận duy nhất một người em trai này thôi.
Hôm nay cậu ba cho nhà cô một con thỏ, cô chỉ đưa lại có ba cái bánh bao. Không phải cô keo kiệt mà mỗi hành động của cô đều được suy xét thấu đáo.
Cậu ba đã kết hôn, không chỉ đơn thuần là em trai của cô mà còn là chồng là cha người khác. Cô không muốn cho quá nhiều tránh cho vợ cậu ấy hình thành thói quen xấu.
Cho dù là ba cái bánh bao ít ỏi ngày hôm nay hay thịt, trứng lúc ở cữ, dù ít dù nhiều thì cái cô ấy nhận được chính là nhân tình.
Một mối quan hệ phải xây dựng từ cả hai phía thì mới bền vững, bánh ít trao đi bánh quy trao lại, đừng chỉ biết nhận và coi đó là chuyện hiển nhiên, trên đời này không có gì là hiển nhiên cả.
Tuy nhiên Lâm Thanh Hoà không biết, ở thời này ba cái bánh bao có giá trị ngang với cả một con thỏ béo.
Trong thành, một cái bánh bao bột mì tinh cỡ lớn có giá mấy hào, nhưng điều kiện tiên quyết là phải có phiếu gạo mới được.
Muốn ăn bánh bao phải có tiền và phiếu gạo, người nhà quê nghĩ cũng không cần nghĩ tới, nằm ngoài khả năng của họ.
Hơn nữa nhân bánh còn có thịt ba chỉ, trứng gà, nêm nếm gia vị đậm đà, ngon hơn bánh bao trong tiệm quốc danh ấy chứ.
Trong mắt hai vợ chồng cậu ba Lâm, chị Thanh Hoà cho ba cái bánh bao này không hề keo kiệt, phải là hào phóng mới đúng.
Chu Thanh Bách bê thịt thỏ kho tàu qua cho bố mẹ, có chút dở khóc dở cười nhưng vẫn lặp lại từng câu từng chữ theo lời vợ dặn.
Bà Chu lý nào không hiểu ý tứ cô con dâu.
Đợi con trai đi về, bà mới lên tiếng: “Ai da, lần trước tôi có nói mẹ Đại Oa cái gì đâu.”
Ông Chu: “Ừ, đừng để ý nhiều là được.”
Bà Chu nhanh chân xuống bếp hâm nóng bánh bột ngô, đem lên ăn kèm với thịt thỏ kho tàu. Vợ thằng tư nêm nếm gia vị rất mạnh tay nên món kho tàu vô cùng đậm đà, ông bà ăn hết sạch sành sanh mà vẫn thòm thèm.
Ông Chu chép chép miệng, nói: “Tôi thấy thằng tư được vợ chăm sóc tốt đấy, cả năm nông vụ bận rộn mà nó chẳng gầy đi tí nào.”
Ông rất thưởng thức tay nghề của cô con dâu này, mỗi lần nhà nó đưa thức ăn qua đây đều là đồ bổ dưỡng lại thơm ngon. Ông mỉm cười, mừng thầm cho mấy cha con thằng tư.
Bà Chu thở dài: “Thì tôi có nói nó không chăm sóc Thanh Bách và bọn nhỏ đâu, chỉ là tôi tiếc tiền haizz…”
Phóng mắt ra cả cái thôn này, người phụ nữ có bản lĩnh tiêu tiền nhanh như chớp chỉ có mình cô con dâu tư nhà bà. Nhưng ông chồng già nói cũng có lý, xét về độ chăm con chiều chồng thì nó đứng thứ hai không ai dám nhận thứ nhất.
Xem ra từ ngày thằng tư xuất ngũ tới nay, sức khoẻ và tinh thần ngày một phấn chấn, ba anh em Đại oa cũng thế, thằng nào thằng nấy hoạt bát, lanh lợi, hiếu động hơn cả trước đây nữa.
Ông Chu nói: “Thôi được rồi, bà đừng cả nghĩ nữa. Tôi vẫn còn sức lao động, tiết kiệm lên cho chúng nó là được chứ gì?”
Bà Chu nghe xuôi tai, gật đầu. Thôi
được rồi, tuỳ vợ chồng nhà nó, về sau Đại Oa, Nhị Oa, Tam Oa kết hôn đã có tiền tiết kiệm của hai ông bà đây rồi.
Miễn sao ba thằng cháu nội yêu dấu của bà không phải đánh quang côn* là được.
*đàn ông lớn tuổi không lấy được vợ.
Bên này, Lâm Thanh Hoà không nghĩ vì một tô thịt thỏ kho tàu mà hai ông bà già lại trăn trở nhiều chuyện đến vậy.
Cô cùng chồng và ba đứa con đang ăn cơm chiều.
Một tô canh tôm khô, màn thầu bắp, thịt thỏ kho tàu, nóng hôi hổi, vừa thổi vừa ăn, cực kỳ hợp với thời tiết giá lạnh ngày đông.
Trên bàn cơm, Đại Oa vừa gặm đầu thỏ vừa hỏi: “Cha, hôm nào cha con mình cũng đi bắt thỏ đi?”
Lâm Thanh Hoà trừng mắt: “Lạnh thế này đi cái gì mà đi?”
Nhị Oa: “Năm nay lúc thu hoạch vụ thu ở ngoài ruộng có quá trời thỏ béo ơi là béo, nhưng mà nó chạy nhanh quá cha cũng không tóm được, haha.”
Mỗi mùa gặt, đám thỏ mò xuống ruộng ăn thóc rơi thóc vãi, nhưng nào có dễ tóm được chúng, các cụ đã dạy rồi “chạy nhanh như thỏ” mà lại. Hơn nữa loài động vật này cực kỳ tinh ranh, người ta có câu thỏ khôn đào ba hang. Hôm nào phải hên dữ lắm thì hoạ may mới tóm trúng một con, chứ thường thường thì chỉ nhìn nó xẹt ngang qua trước mắt thôi, gặt lúa đã mệt muốn chết rồi hơi sức đâu mà đuổi theo mấy con thỏ.
Lâm Thanh Hoà nói với Nhị Oa: “Cha các con gặt tới mức đau lưng chùn gối, thở còn không ra hơi nữa là đòi đuổi bắt thỏ. Sao các con không đi bắt về cho cha ăn?”
Nhị Oa nhanh nhảu: “Con còn bé mà, đợi con lớn lên nhất định sẽ chạy nhanh hơn thỏ, bắt hết chúng về!”
Lâm Thanh Hoà: “Ừhm, thế con ăn nhiều một chút cho mau lớn nhé!”
Chu Thanh Bách ngồi đó, nghiêm túc hưởng thụ tay nghề nấu ăn tuyệt đỉnh của bà xã nhà mình, yên lặng thu hết cuộc hội thoại vào tai.
Sáng hôm sau anh liền đi ra ngoài nhưng khi về hai tay trống trơn. Thực lực thôi chưa đủ phải có vận khí nữa mới được.
Liếc mắt thấy ông chồng về một cái là bà vợ bắt đầu bật chế độ nói một hơi không ngừng nghỉ, không vấp váp, tròn vành rõ chữ: “30 Tết rồi, ngày cuối cùng trong năm anh không ở nhà còn đi đâu đấy? Anh nhàn quá hoá khùng nên phải đi lên núi hít khí lạnh cho dễ chịu? Nhà mình thiếu miếng thịt hay sao mà anh phải đày đoạ bản thân như thế, hả?”
Miệng thì mắng nhưng tay chân lại lanh lẹ rót trà táo đỏ ra, ép anh uống bằng hết mới thôi.
Hôm nay là tất niên mặc dù Chu gia đã phân gia, nhưng theo lệ cũ, tất cả con cái cháu chắt quây quần lại ăn chung mâm cơm đoàn viên.
Lâm Thanh Hoà mang tới hai khay đồ ăn, miến hầm thịt và thịt viên. Đây là hai món mặn được chào đón nhất trên bàn ăn.
Đặc biệt là khay thịt viên, bọn nhỏ thích chí muốn chết, mỗi đứa cầm một cái đũa, bên trên cắm một viên thịt, cắn ăn ngon lành.
Cơm nước xong xuôi, đám phụ nữ tụ lại buôn chuyện phiếm, chén dĩa bát đũa giao hết cho Đại Ni, Nhị Ni rửa dọn.
Chị hai Chu không tham gia, ăn xong phủi đít đi luôn.
Lâm Thanh Hoà chẳng thèm để ý người này, sau vụ việc lần trước hai người coi như đã xé mặt. Hiển nhiên chị hai Chu không dám nói xiên nói xỏ như mọi khi nữa nhưng cũng không để Lâm Thanh Hoà vào mắt, tương tự Lâm Thanh Hoà cũng coi chị ta như người vô hình.
Lâm Thanh Hoà hỏi chị ba Chu: “Lúc nãy trong bữa cơm em thấy chị ăn uống không được ngon miệng lắm, làm sao thế?”
Chị ba Chu bất đắc dĩ nói: “Đứa bé này khó chiều quá, mới ở trong bụng đã biết làm khổ mẹ rồi.”
Lâm Thanh Hoà kinh ngạc: “Nôn nghén?”
Chị cả Chu gật đầu: “Ừ, sáng sớm chị đã nghe tiếng thím ba nôn rồi.”
Lâm Thanh Hoà bất đầu càng lúc càng rối rắm đối với việc sinh nở. Mẹ bầu vất vả quá, thế mà ông chồng yêu quý của cô cứ nằng nặc đòi sinh thêm, đúng là cái đồ đàn ông không có lương tâm.
Phải nâng cao phòng bị không cho lão tài xế già tiếp cận mình mới được, để tranh thủ đi mua ba con sói chứ không lỡ may trúng thưởng thì không biết làm sao, thật không dám tưởng tượng luôn!