Năm nào cũng vậy, cứ tới Tết là ba anh em được cha mẹ cho lên phố giải ngố.
Chụp ảnh, vào rạp xem phim điện ảnh, ăn cơm ngoài tiệm và được chén quà vặt sướng miệng.
Tóm lại là chơi bời đã đời cả một ngày.
Ba thằng nhóc hào hứng, không biết mệt là gì.
Chụp ảnh đã trở thành thông lệ, mấy năm nay cả gia đình chụp rất nhiều bức ảnh, Lâm Thanh Hoà lưu giữ tất cả làm kỉ niệm.
Thỉnh thoảng buồn buồn mấy anh em hay bảo mẹ lấy ảnh ra xem cho vui. Ngắm nghía rồi trêu chọc nhau xem đứa nào ngố tàu hơn đứa nào.
Cuối ngày, Đại Oa và Nhị Oa còn đỡ chứ Tam Oa ngủ gà ngủ gật trên vai cha.
Chu Thanh Bách đạp xe chở vợ con về. Nhị Oa ngồi ghế trẻ em phía trước, Đại Oa ngồi ở yên sau với mẹ, Tam Oa thì ngủ thiếp trên tay mẹ.
Ấy thế mà vừa dừng xe về tới nhà, nhóc con này lại tỉnh như sáo, tràn đầy tinh thần.
Rong ruổi cả ngày trời, Lâm Thanh Hoà thấm mệt vì thế tối nay ăn qua loa đại khái cho no bụng rồi tắm rửa đi ngủ sớm.
Chu gia.
Chu Hiểu Mai hâm mộ không thôi: “Anh tư và chị tư thật hạnh phúc.”
Tô Đại Lâm: “Nhà mình… năm năm…nay cũng…đi đi…xem phim đi.”
Chu Hiểu Mai vui vẻ: “Ngày mai đi luôn, được không?”
Tô Đại Lâm cười: “Được.”
Thế là sáng hôm sau, Tô Đại Lâm chở vợ và con vào thành. Cái cảm giác này, cảm giác một nhà đi chơi cùng nhau thật là đặc biệt.
Lâm Thanh Hoà không hề biết gì, cho tới khi bà Chu thông báo cắt cơm cô mới biết.
Lúc ăn cơm, Lâm Thanh Hoà buột miệng hỏi: “Hôm nào cha mẹ đi chụp bức ảnh đi?”
Tâm bà Chu khẽ động nhưng lại nghĩ tới tiền, bà lắc đầu: “Thôi, mẹ với cha con từng này tuổi rồi, còn chụp chiếc gì nữa.”
Lâm Thanh Hoà: “Chụp hai bức không đáng bao tiền.”
Bà Chu: “aiz, không cần đâu.”
Lâm Thanh Hoà không nói gì nữa nhưng cô thầm thì với chồng: “Em thấy hình như cha rất muốn chụp ảnh.”
Hôm 30, Đại Oa đòi lấy ảnh ra xem, ông Chu thích thú ngắm không rời mắt, vừa nghe con dâu đề nghị ông rất thích nhưng bà bạn già nói cũng phải, vì thế ông đành để trong bụng không nói ra ngoài.
Chu Thanh Bách: “Hôm nào rảnh anh đưa cha đi chụp một tấm.”
Lâm Thanh Hoà: “Cả mẹ nữa chứ, để xem hôm nào có máy kéo đi ngang qua thì anh đưa hai ông bà đi luôn.”
Việc này đâu có gì khó, ông bà già rồi, đáp ứng được cái gì thì đáp ứng cho ông vui.
Nhưng nếu việc này đồn ra ngoài thì không phải là việc nhỏ à, bỏ tiền ra chụp ảnh chơi? Quá xa xỉ. Người bình thường sẽ chẳng có ai muốn phí phạm vào việc không đâu vì họ còn bận rộn lo lấp đầy cái bụng.
Người ta hay nói, ngày tư ngày tết là nhanh hết nhất. Thoắt cái đã tới mồng 7, ngày mai mồng 8, công nhân bắt đầu quay lại làm việc, ca sáng bắt đầu rất sớm vì thế hôm nay vợ chồng Tô Đại Lâm cùng Chu Hiểu Mai phải về thành.
Nhóc Tô Thành biết sắp phải tạm biệt cha mẹ, khóc ngặt nghẽo, ôm ghì Tô Đại Lâm nhất quyết không cho đi.
Tình cảnh này khiến một người đàn ông cao to không khỏi xúc động, hốc mắt đỏ ửng nhưng công việc không thể ngừng, dù đau lòng thương con thì vẫn phải đi.
Liên tiếp mấy ngày sau, nhóc Tô Thành uể oải không chịu ăn không chịu ngủ, lúc nào hai mắt cũng ầng ậc nước vì nhớ cha mẹ.
Cũng may Chu gia không thiếu trẻ con, lúc nào cũng rộn rã tiếng cười đùa, Nhị Oa với Tam Oa cũng rất chăm qua chơi với em nên chỉ tới ngày thứ ba là lại đâu vào đấy, nhóc Tô Thành quên hết buồn phiền, vui đùa với anh chị, ham ăn ham ngủ như con ỉn con.
Đúng là trẻ nhỏ mau quên, vừa khóc giây trước giây sau toét miệng cười ngay được.
Thời tiết năm nay hơi lạ, ra giêng rồi mà vẫn lạnh căm căm, hôm nay trời còn đổ tuyết nữa chứ.
Sáng sớm, mở cửa ra nhìn cả một khoảng sân tuyết phủ trắng xoá.
Lâm Thanh Hoà nói: “Năm nay chắc sẽ được mùa lắm đây.”
Tuyết rơi đầu xuân là điềm lành báo hiệu một năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, huống hồ tuyết rơi dày thế này nhất định trong năm tới người dân sẽ được ấm no hạnh phúc, lúa đầy bồ, tiền đầy túi.
Chu Thanh Bách: “Để lát nữa anh lên núi xem có bắt được con thú hoang nào không.”
“Vâng, anh đi đi.” Lâm Thanh Hoà không cản, mùa đông rảnh rỗi, hết ăn lại nằm tinh lực cuối ngày dồn hết lên người cô, ra ngoài vận động một chút cũng tốt.
Thấy cha chuẩn bị lên núi săn bắt, ba thằng nhóc con hào hứng đòi theo. Lâm Thanh Hoà cũng đồng ý luôn, nai nịt ấm
áp gọn gàng từ đầu tới chân, phát cho mỗi đứa hai cái kẹo rồi thả đi.
Một mình ở nhà nhàn nhã, cô lấy sách ra bình văn vịnh thơ.
Lúc Bà Chu ẵm Tô Thành sang thấy trong nhà chỉ có mình con dâu cùng Phi Ưng.
Ngoài cửa có động tĩnh, Phi Ưng ngẩng phắt đầu dậy, thấy người quen lại lười biếng nằm xuống. Đừng nghĩ nó không ồn ào mà coi thường, người lạ thử lẻn vào xem, biết tay nhau ngay.
Nó từng là quân khuyển nên cực kỳ thiện chiến và thông minh, không sủa bậy và chưa nhận nhầm người bao giờ.
Bà Chu hỏi: “Mấy cha con nó đi đâu hết rồi?”
Lâm Thanh Hoà: “Bốn cha con dắt nhau lên rừng bắt thỏ hoang gà rừng rồi mẹ.”
Bà Chu thấy con dâu đang cầm quyền sách chăm chú đọc thì kinh ngạc: “Mẹ Đại Oa, con…đang làm gì đấy?”
“Con đọc sách.” Lâm Thanh Hoà không ngẩng đầu lên, cô đang tập trung ghi nhớ trọng điểm của bài luận.
Nghe được đáp án, bà Chu càng sửng sốt hơn: “Cái gì? Đọc sách?”
“Vâng” Lâm Thanh Hoà gật đầu.
Bà Chu vẫn chưa hết ngạc nhiên: “Không phải, ý là sao lại đọc sách?”
Lâm Thanh Hoà thản nhiên: “Đại Oa sắp sang học kỳ hai lớp 4. Nếu con không đọc sách thì làm sao dạy nó được.”
Đại Oa học nhảy cóc, chương trình học mỗi kì kéo dài 6 tháng. Đầu xuân năm ngoái nó lên thẳng học kỳ hai lớp 3, tới tháng 6 bắt đầu học kì một lớp 4, bây giờ bước vào học kỳ hai lớp 4.
Nhị Oa năm nay lên 6, chính thức bước vào giai đoạn cắp sách tới trường nhưng hầu như kiến thức lớp 1 nó đã thuộc nằm lòng.
Đừng nói Nhị Oa, kể cả Tam Oa ngày ngày theo hai anh trai làm quen với các con chữ tới giờ nó cũng đã bập bẹ biết đánh vần.
“Con? Dạy học cho Đại Oa á?” Lúc này bà Chu không còn kinh ngạc nữa mà chuyển qua kinh sợ.
Lâm Thanh Hoà mỉm cười: “Mẹ, mẹ đừng thấy con không được đến trường mà coi thường con nha. Ông trời cho con khả năng tự học hơn người, ngay cả Thanh Bách cũng phải ngã mũ thán phục con đó. Con ra đề cho Đại Oa nó còn khen đề hay hơn cả thầy giáo.”
Tất nhiên cô đã dặn dò Đại Oa không được đem việc này tới trường rêu rao. Không khí bây giờ vẫn còn rất khẩn trương, thêm một chuyện chi bằng bớt một chuyện.
Bà Chu gật gù, thì ra là vậy, bảo sao Chu gia ba đời không có ai hiếu học, sao lại đẻ được 1 đứa ham học hỏi như Đại Oa, hoá ra là được di truyền từ mẹ nó.
Í khoan, Lâm gia bên kia cũng có khác gì Chu gia bên này đâu nhỉ, tổ tiên cũng toàn chân đất làm ruộng đấy thôi?!
Bà Chu nhỏ giọng hỏi: “Này, mẹ nghe ông nội tụi nhỏ bảo Đại Oa muốn thi Đại học Công Nông Binh hả?”
Lâm Thanh Hoà gật đầu: “Vâng, đúng rồi.”
Chẳng qua là đợi tới khi Đại Oa lớn lên, không cần phải rắc rối xét tuyển đại học Công Nông Binh nữa mà có thể trực tiếp dự thi đại học.
Chỉ cần bài thi đạt điểm cao, nó có thể tuỳ ý chọn nhập học bất cứ trường đại học nào trên cả nước.
Bà Chu hỏi tiếp: “Mẹ Đại Oa, theo con thấy Đại Oa nhà mình có khả năng thi đậu không?”
Lâm Thanh Hoà nhướng mày: “Nó vẫn còn nhỏ chưa nói trước được điều gì. Nhưng nếu có thể kiên trì học tập đến cùng thì rất có thể.”
Nói chuyện với người già ít nhiều gì cũng nên cho họ một tia hy vọng, không nên thẳng thắn quá.
Chắc chắn hai ông bà đã nghĩ tới viễn cảnh cháu trai trở thành sinh viên đại học sẽ được nở mày nở mặt, rạng danh gia tộc đây mà.
Y như rằng, nghe được lời này của con dâu, bà Chu vỗ đùi cái đét, mặt mày rạng rỡ hẳn lên: “Ưu tiên cho Đại Oa ăn nhiều trứng gà vào. Đọc sách hao tổn trí não.”
Lâm Thanh Hoà: “Còn con thì sao?”
Bà Chu cười cười: “Haha, đều ăn đều ăn.”
Lâm Thanh Hoà bật cười rồi cúi đầu tiếp tục đọc sách.
Lát sau, cô lại tiêm cho bà Chu một mũi dự phòng: “Không biết chừng sau này con cũng có thể tham gia thi đại học ấy chứ.”
Truyện convert hay :
Trọng Sinh Quân Hôn: Thần Y Kiều Thê Sủng Nghiện