Editor: Tựa Thủy Lưu Niên
Dễ chịu quá, chắc đến chiều mới gội đầu được, sắp tới giờ nấu cơm rồi.
Chu Thanh Bách gõ cửa tiến vào bê chậu nước dơ đi đổ. Sau khi lau mình xong cả người anh cũng thoải mái thư thái hơn nhiều.
Đổ nước xong anh liền quay lại, Lâm Thanh Hoà thấy anh vào thì hỏi: “Ngày mai anh có bận việc gì không, nếu rảnh thì đi huyện thành một chuyến?”
Chu Thanh Bách gật đầu hỏi lại cô: “Em muốn mua gì?”
“Cũng không có gì, chỉ đi xem xem có mấy thứ đồ ăn vặt táo đỏ linh tinh không thôi, chủ yếu là mua vải nhờ chị dâu cả may cho anh hai bộ quần áo mặc bên trong.”
Chu Thanh Bách nhìn cô: “Em may.”
Lâm Thanh Hoà: “Tôi không biết may, quần áo của tụi nhỏ đều phải nhờ chị cả, chị ba, còn có Chu Tây làm giúp đó.”
Chu Thanh Bách vẫn nhìn cô: “Anh dạy em.”
Lâm Thanh Hoà bất ngờ: “Anh biết may quần áo hả?”
Chu Thanh Bách lắc đầu: “Không biết.”
Lâm Thanh Hoà bực mình: “Không biết may thì anh định dạy tôi cái gì?”
Chu Thanh Bách vẫn không rời mắt khỏi cô: “Anh biết rõ kích cỡ trên người mình nhất, nói cho em cái này là được rồi. Em may xấu hay đẹp anh đều mặc hết.”
Chẳng hiểu nổi mấy lời này rất bình thường thế mà hôm nay Lâm Thanh Hoà lại nghe ra có chút phiền muộn, sao lại thế nhỉ??
Chơi luôn, nếu anh dám mặc thì cô đây dám may.
“Được, nếu anh không chê xấu với cả sợ tôi lãng phí vải thì tôi có thể thử một lần.”
Trong kĩ ức của nguyên chủ có sẵn kỹ năng may vá, cô lại biết số đo chuẩn xác, như thế chắc may một bộ không hẳn là quá khó.
Lúc trước cô không dám may quần áo cho đám trẻ bởi vì trong tay không có sẵn phiếu vải, không cẩn thận may hỏng mất tấm vải thì chỉ có nước khóc.
Bây giờ trong nhà có nhiều phiếu vải cô cũng bớt áp lực hơn, vả lại chính anh tạo cơ hội cho cô luyện tập cơ mà.
Bữa tối ăn cơm bí đỏ.
Mấy anh em Đại Oa vô cùng vô cùng hài lòng với thức ăn nhà mình. Lúc nãy ông bà nội giữ chúng ở lại ăn cơm, bọn chúng sợ gần chết, mắt trước mắt sau lẩn nhanh hơn thỏ.
Cơm nước xong Chu Thanh Bách tự giác đứng dậy thu dọn chén đũa mang đi rửa. Lâm Thanh Hoà rất hài lòng với biểu hiện của anh ngày hôm nay, cô dặn dò thêm: “Lát nữa anh đun thêm một nồi nước lau người cho các con.”
“Được.”
Đại Oa nhỏ giọng thì thầm với mẹ: “Mẹ, sao cha lại đi rửa chén ạ?”
Lâm Thanh Hoà cười như không cười nhìn nó nói: “Tại sao cha không thể rửa chén?”
Đại Oa: “Bởi vì cha ở nhà khác đều không rửa chén, các bác trai cũng đâu có rửa chén đâu.”
Lâm Thanh Hoà: “Nhà bọn họ khác, nhà mình khác. Cha con thích làm. Vả lại năm nay con còn nhỏ thì thôi, bắt đầu từ sang năm công việc rửa chén giao cho con.”
Đại Oa vẻ mặt khiếp sợ: “Mẹ, sao mẹ lại bảo con rửa chén?”
“Bảo con rửa chén thì sao? Nam tử hán đại trượng phu, cái chén cũng không rửa sạch được hả? Con nhìn đi, không thấy cha con cũng rửa chén đấy hả?” Lâm Thanh Hoà đưa ra lý do hết sức hợp tình hợp lý.
Chu Đại Oa vẫn ngoan cố: “Nhưng mà người khác có làm đâu.”
Lâm Thanh Hoà: “Người khác không được ăn thức ăn giống nhà mình đâu. Nếu con muốn giống con cái nhà người ta thì con đi sang nhà người ta mà ở. Nhà này có quy củ rõ ràng, cha con còn phải rửa chén thì con cũng phải rửa.”
Nhị Oa ngồi nghe nãy giờ mới lên tiếng: “Nhưng đó là việc của con gái, nếu như bọn họ biết sẽ chê cười đại ca.”
Nếu đại ca bị chế nhạo thì nó cũng sẽ bị liên luỵ.
Lâm Thanh Hoà: “Cha các con giúp mẹ rửa chén, chứng tỏ cha là một người đàn ông tốt, biết mẹ nấu cơm cho cả nhà vất vả nên vui lòng phụ giúp mẹ vài việc lặt vặt. Nếu các con rửa chén đồng nghĩa với việc các con là những đứa trẻ hiếu thuận, biết mẹ sinh ba anh em đều là con trai không có lấy một cô con gái nào, cho nên nguyện ý giúp mẹ rửa chén, bọn họ lấy cớ gì mà chê cười các con?”
Đại Oa hoàn toàn á khẩu, một câu phản bác cũng không thể thốt ra.
Lâm Thanh Hoà: “Nếu
có ý kiến có thể trình bày, mẹ chấp nhận phản biện, nhưng nếu không thuyết phục được mẹ thì cứ như vậy mà làm.”
Chu Nhị Oa lập tức nói: “Mẹ, con mới 4 tuổi!”
Lâm Thanh Hoà: “Sang năm lên 5, qua năm nữa là lên 6 tuổi, tới lúc đó con với đại ca hai anh em luân phiên rửa chén. Mẹ biết các con đều là những đứa trẻ hiếu thuận, mẹ sẽ tiếp tục làm đồ ăn ngon cho các con ăn.”
Nhị Oa vẻ mặt tràn ngập đau khổ, quả này khó thoát thân rồi.
Lâm Thanh Hoà chọc chọc vào khuôn mặt nhỏ của nó: “Còn hai năm nữa con mới lên 6, đừng sốt ruột.”
Nhị Oa sán lại dựa dựa làm nũng: “Mẹ, đừng bắt con rửa chén nhé.”
Lâm Thanh Hoà kinh ngạc pha chút thất vọng nhìn nó: “Mẹ vất vả làm đồ ăn ngon cho con ăn, con chỉ giúp mẹ rửa mấy cái chén mà cũng ngại hả?”
Chu Nhị Oa sợ hãi vội vàng nói: “Được được, đợi con lớn sẽ giúp mẹ mà.”
Lâm Thanh Hoà vừa lòng: “Mẹ biết Nhị Oa nhà ta rất ngoan.”
Đại Oa thở dài: “Mẹ thế này có khác gì mẹ kế đâu?”
Lâm Thanh Hoà: “Đúng vậy, mẹ kế may cho ba anh em ba cái áo bông mới, mẹ kế mua cho ba anh em mỗi đứa một cái mũ len mới, mẹ kế mỗi ngày đều thay đổi thức ăn ngon, để tìm xem trong thôn có đứa trẻ nào muốn một người mẹ kế như ta không?”
Chu Đại Oa lập tức chân chó: “hì hì, mẹ con nói giỡn tí thôi.”
Tam Oa liêu xiêu đi lại đây, trong miệng kêu đường.
Ý là nó muốn ăn kẹo sữa thỏ trắng.
Lâm Thanh Hoà: “Mới ăn cơm xong không ăn đường nữa, mai mẹ cho.”
Lần trước cô mua về ba bọc kẹo sữa thỏ trắng, ba anh em ăn hết một bọc, còn lại hai.
Tam Oa vẫn ầm ĩ đòi ăn, Lâm Thanh Hoà đứng dậy cắt quả táo đưa cho nó gặm. Có thứ bỏ vào miệng là nó nín ngay.
Để mấy anh em chơi trên giường đất, Lâm Thanh Hoà lại tiếp tục đan lát.
Chu Thanh Bách ở bên ngoài rửa chén nghe thấy tiếng cười đùa của bọn nhỏ trong nhà, thình thoảng còn nghe được mấy câu nói giỡn của Lâm Thanh Hoà. Những âm thanh này đã sưởi ấm đáy lòng anh giữa mùa đông tuyết trắng.
Rửa chén xong anh lại múc nước ấm mang vào cho bọn nhỏ lau mình. Lần lượt lau người cho từng thằng, sau đó anh đặt chúng ngồi trên ghế gỗ ngâm chân vào chậu nước nóng rồi anh rửa chân cho chúng.
Tất cả những việc này Chu Thanh Bách tự tay làm hết.
Thoạt nhìn tưởng chừng Lâm Thanh Hoà đang tập trung đan lát nhưng thật ra cô vẫn chú ý động tĩnh bên này. Tuy Chu Thanh Bách kiệm lời nhưng rất nhẫn nại với các con.
Anh rửa sạch chân, cẩn thận lau khô rồi mới đặt chúng lên giường đất.
Sau đó anh lại múc một chậu nước ngâm chân cho Lâm Thanh Hoà, cô không khách sáo, vừa ngâm chân vừa nói: “Anh ngày mai lại đi huyện thành một chuyến xem ở đâu bán giấy bút mua cho Đại Oa. Sang năm lên bảy rồi phải đến đại đội đi học.”
“Được.” Chu Thanh Bách đồng ý.
Đại Oa ở bên kia lại kêu ré lên: “Đi học? Học cái gì? Sang năm con cùng cha đi kiếm công điểm.”
Lâm Thanh Hoà: “Vừa học vừa kiếm công điểm cũng được mà.”
Đại Oa: “Con không đi.”
Lâm Thanh Hoà hỏi: “Tại sao không đi?”
Đại Oa hừ đáp: “Đọc sách vô dụng!”
Lâm Thanh Hoà nhướng mày nhìn nó: “Đọc sách vô dụng? Con nghe ai nói?”
Đại Oa: “Bác hai gái chứ ai, bác ấy bảo mấy người đọc lắm sách rồi cuối cùng vẫn phải về quê làm ruộng đấy thôi?”
“Cha tụi nhỏ, anh đi lấy giấy với bút lại đây.” Lâm Thanh Hoà nhìn Chu Thanh Bách nói.