Chung Oánh bừng tỉnh ra: “Tiền mừng tuổi của em ngày xưa cất đâu cả rồi? Hay là hỏi ba nhỉ?”
Chung Tĩnh hậm hực, quay người đi ngủ. Chung Oánh mỉm cười. Làm gì còn tiền mừng tuổi ngày xưa nữa, chẳng qua là cái cớ mà người lớn gạt trẻ con. Bây giờ có đòi ông Chung thì chắc ông cũng không phân biệt được trong sổ tiết kiệm gia đình có bao nhiêu tiền là của các con nữa.
Chiều mùng ba Tết, Chung Oánh mặc chiếc áo phao màu đỏ rực, chân xỏ đôi bốt đi tuyết màu đen mới tinh, đeo ba lô đến ấn chuông cửa nhà họ Yến. Lính cần vụ cho cô vào trong đã nghe thấy tiếng cười nói rôm rả trong nhà.
Chung Oánh thay xong giày ngoài cửa, đi đến bên ngoài phòng khách, tươi cười hớn hở cúi chào bốn người lớn đang ngồi trên ghế sofa: “Con chúc bác, chúc chú, chúc cô năm mới vui vẻ.”
“Chúc Oánh Oánh năm mới vui vẻ. Nào, lại đây, bác mừng tuổi cho.” Khúc Hồng Tố vẫy tay gọi cô, ngay lập tức luồn vào trong túi áo.
Chung Oánh rối rít lắc đầu: “Không cần đâu, không cần đâu. Con lớn rồi không cần tiền mừng tuổi nữa đâu. Con đến tìm Yến Thần làm bài tập ạ. Con cảm ơn bác.”
Cô nói rồi quay lưng bỏ chạy, hai bím tóc tết hoa đung đưa trên mái tóc đen dài thẳng mượt..
“Con bé này…”
Có hai gia đình đang ngồi trên ghế sofa, ba người nhà họ Yến, ba người nhà họ Quan. Trước khi Chung Oánh đến, Tham mưu trưởng Yến đang uống trà, đánh cờ với ba Quan, mẹ Quan ngồi xem ti vi với Khúc Hồng Tố, tán gẫu chuyện gia đình, còn ngồi bên cạnh Yến Vũ không bất ngờ gì chính là cô bạn thanh mai Quan Linh, đang để cuốn album trên đùi, chụm đầu vào nhau lật giờ những tấm ảnh cũ.
Tết nhất mà người nhà họ Quan không trở về Bắc Thành, định ăn và ở nhà họ Yến à?
Chỉ một lời chào hỏi ngắn ngủi mà tâm trạng của Chung Oánh đã lượn lờ một trăm tám mươi vòng. Nhác thấy cô xuất hiện, sắc mặt Quan Linh cũng cứng đờ, đợi sau khi cô đi rồi mới thì thầm với Yến Vũ: “Sao con bé lại đến đây?”
Yến Vũ hờ hững: “Đều là bọn trẻ trong khu, chơi ở nhà anh từ bé.”
Quan Linh không biết thấy khó chịu ở đâu, tóm lại là khó chịu, khịt mũi lạnh lùng: “Con bé chẳng ra gì
đâu, đừng để Yến Thần chơi với nó.”
Yến Vũ nhớ lại chuyện Quan Linh tranh cãi với mình mấy ngày trước, chau mày nói nhỏ: “Sao cậu không chịu thôi đi? Lần trước Yến Thần đã nói với cậu rồi. Chung Oánh chưa học nhạc bao giờ, kéo đàn vi ô lông ra được thành tiếng là tình cờ. Cậu cứ bắt chẹt không chịu buông là ý làm sao?”
“Không phải con bé kéo đàn ra tiếng không thôi mà ra cả khúc nhạc.”
Yến Vũ nhìn cặp ba mẹ kế bên, không muốn cãi vã với Quan Linh, bèn cầm album đứng dậy: “Cậu ngồi đây đi. Mình lên tầng xem hai đứa nó làm bài tập.”
“Yến Vũ.” Quan Linh tức tối bĩu môi quay người lại, đánh mạnh lên ghế sofa.
Phòng của Yến Thần trên tầng hai. Chung Oánh mở một tập đề thi thử chép tay ra, chỉ vào một bài dài ở cuối cùng: “Mình không làm được bài này.”
Yến Thần nghiên cứu kỹ càng mấy phút: “Bài gì mà khó thế này? Có cảm giác không nằm trong phạm vi học của bọn mình.”
Vi tích phân mà cậu lại biết thì quỷ tha ma bắt mất. Chung Oánh khẽ cong môi: “Hay là nhờ anh cậu lên giải thử xem? Học sinh đi thi giải thì chắc chắn sẽ biết.”
Ý định ban đầu của Chung Oánh không phải muốn lợi dụng Yến Thần, nhất là sau khi ông anh đã biết bí mật bé nhỏ của em trai, hai người họ càng đến gần nhau, sau này càng khó hạ gục Yến Vũ. Nhưng không tiếp xúc với Yến Thần thì cô cũng không tài nào tiếp xúc được Yến Vũ. Không đời nào cô mặt dày mày dạn, rảnh rỗi sinh nông nổi đến nhà trai gây chú ý.
Các cụ dạy ‘của rẻ là của ôi’, chẳng ai trân trọng những thứ có được dễ dàng. Chung Oánh luôn cho rằng ‘bám dai như đỉa’ là hạ hạ sách trong các kế cưa giai. Cô muốn đi đến hôn nhân với Yến Vũ, muốn chiếm vững danh phận bà Yến, muốn khiến Yến Vũ cam tâm tình nguyện tặng cô một nửa tài sản khi ly hôn thì tuyệt đối không được thể hiện sự phù phiếm, tùy tiện.