Tu La Ngọc Nữ thừa lúc mọi người không chú ý đến bà, bất thình lình chạy vào nhà.
Cao Mạt Dã đang ngủ say, không hay biết gì cả. Tu La Ngọc Nữ bế xốc nàng lên, chưa kịp chạy ra, Nhuế Vĩ đã phát hiện sự vắng mặt của bà, đoán là có việc chẳng lành, hấp tấp phi thân trở lại.
Vừa đến cửa, chàng thấy Tu La Ngọc Nữ cũng vừa ôm nàng nhấc bổng lên.
Chàng kinh hãi, hét lớn :
- Hùng Giải Hoa! Ngươi buông nàng xuống đó, nếu không, ta giết ngươi ngay!
Tu La Ngọc Nữ không dám thoát ra cửa, vội nhún chân, tung mình lên, tốc thủng mái nhà, do phía hậu chực chạy.
Nhuế Vĩ cấp tốc đuổi theo.
Sử Bất Cựu cũng theo.
Tình thế như vậy, Tu La Ngọc Nữ buông tha Cao Mạt Dã ra và phóng mình đi mất. Ngay lúc ấy người đàn bà áo đen tóc xõa cũng đuổi theo y thị một lượt.
Bây giờ Cao Mạt Dã thở dài :
- Một năm qua rồi, điệt nữ không gặp lão nhân gia!
Sử Bất Cựu quay sang Nhuế Vĩ :
- Ngươi biết bà áo đen để xõa tóc đó là ai chứ?
Nhuế Vĩ gật đầu :
- Tại hạ gặp bà ấy mấy lần.
Sử Bất Cựu hỏi luôn :
- Bà ấy là ai?
Nhuế Vĩ lắc đầu :
- Cái đó thì tại hạ không được biết!
Sử Bất Cựu cáu kỉnh :
- Đã nhận được bà ấy, sao lại chẳng biết là ai?
Cao Mạt Dã bất mãn về thái độ lạnh lùng của lão, không giống như lúc lão ta đối diện với sư phụ nàng. Muốn chọc tức lại lão, nàng hỏi :
- Sư bá đã nhận ra tiểu điệt, vậy bá bá có biết tiểu điệt là ai chăng?
Sử Bất Cựu hừ một tiếng :
- Sao lại không biết? Ngươi là đệ tử của Nhất Đăng Ni chứ còn ai nữa!
Cao Mạt Dã cười nhẹ :
- Vậy mà tiểu điệt nữ tưởng, khi đệ tử xa rời sư phụ, bá bá hết nhận tiểu điệt nữ là ai nữa!
Sử Bất Cựu hừ một tiếng :
- Ta vì lúc đó cần một quyển bí lục võ công của Nhất Đăng thần ni, nên bắt buộc phải chiếu cố đến ngươi. Chứ nếu không làm gì ta màng đến một liễu đầu!
Cao Mạt Dã tức uất, nắm tay Nhuế Vĩ, thốt :
- Con người đó xấu xa quá, tiểu muội không thèm gọi là bá bá nữa đâu.
Nàng lôi chàng đi, song đi được mấy bước, nàng nhủn chân xuống.
Nhuế Vĩ ôm nàng kịp, hấp tấp hỏi :
- Hiền muội làm sao thế?
Cao Mạt Dã đáp :
- Tiểu muội bị mụ ấy điểm vào huyệt tê dại, huyệt đạo chưa khai.
Nhuế Vĩ lập tức giải huyệt cho nàng.
Nàng nói :
- Chúng ta đi thôi, đại ca!
Nhuế Vĩ cũng bất mãn Sử Bất Cựu, nên không màng đến lão nữa dìu Cao Mạt Dã bước đi.
Sử Bất Cựu gọi với theo :
- Tiểu tử! Bà áo đen xõa tóc đó là ai?
Nhuế Vĩ không quay đầu lại, lạnh lùng đáp :
- Làm sao tại hạ biết bà là ai? Tại hạ bất quá chỉ gặp bà ấy thôi!
Cả hai đi dần đến triền núi.
Đúng lúc đó, một bóng đỏ từ phía dưới chạy lên, đồng thời gọi lớn :
- Cấp cứu người! Cấp cứu người!
Bóng đỏ lao đi nhanh quá, lại không dè dặt, nếu Nhuế Vĩ không tránh kịp là bị xung chạm vào mình. Chàng nổi giận, xoay mình nhìn theo bóng đỏ.
Bóng đỏ dừng chân trước mặt Sử Bất Cựu, bây giờ Nhuế Vĩ mới nhận ra một tăng nhân, mường tượng có bế một người nữa.
Âm thanh của tăng nhân sang sảng như chuông đồng. Tăng nhân hỏi :
- Thí chủ là họ Sử?
Sử Bất Cựu cao giọng :
- Lão phu không cứu ai hết! Mang kẻ ấy đi nơi khác đi!
Nhuế Vĩ nghĩ :
- "Cứu người như cứu nhà cháy, thảo nào tăng nhân chẳng hấp tấp vội vàng!"
Chàng hết giận ngay, toan đi luôn xuống chân núi.
Cao Mạt Dã thốt :
- Trở lại xem một tí đi, đại ca!
Tăng nhân, tác độ năm mươi, da đen, mũi cao, mắt lõm không giống người Trung thổ, mặc dù nói tiếng Hán. Người trong tay tăng nhân là một vị công tử.
Tăng nhân tiếp :
- Không cứu ai khác, chứ người này thì nhất định là tiên sanh chịu cứu!
Sử Bất Cựu lắc đầu :
- Không cứu là không cứu, dù là đương kim hoàng đế, lão phu cũng không cứu!
Lão quay mình, định vào nhà.
Tăng nhân vội chặn trước mặt, van cầu :
- Thí chủ cứu người này, sẽ được báo ân xứng đáng.
Sử Bất Cựu cười ha hả :
- Xứng đáng như thế nào?
Tăng nhân đáp :
- Thí chủ muốn cái chi, sẽ có cái đó!
Sử Bất Cựu bĩu môi :
- Bạc vàng, châu ngọc, lão phu xem như đất. Các vị định lấy gì đáp tạ lão phu?
Tăng nhân áo đỏ đáp :
- Nghe nói thí chủ hiếu võ, nếu ai thắng được thí chủ thì người đó được thí chủ hứa cứu một lần, có một bổn bí lục võ công, xin tặng thí chủ.
Sử Bất Cựu cười lạnh :
- Nói như thế, là đại sư tin chắc sẽ thắng lão phu?
Tăng nhân áo đỏ đáp :
- Người bịnh của bần tăng đây, đang hấp hối, nếu có cuộc động thủ, sợ mất nhiều thời gian, y phải nguy tánh mạng. Nên bần tăng xin thí chủ cứu gấp, bần tăng tình nguyện tặng một bổn bí lục, đáp tạ công lao.
Sử Bất Cựu hừ một tiếng :
- Chứ không phải vì sợ lão phu bại rồi không tận lực cứu y mà đại sư không chịu tỷ thí?
Tăng nhân lắc đầu :
- Bần tăng không muốn động thủ, nên không có vấn đề để thắng bại.
Sử Bất Cựu cười ngạo nghễ :
- Nhưng đại sư muốn lão phu cứu người, như vậy là phải tuân theo quy củ, phải tỷ thí võ công chứ không còn cách nào khác. Không động thủ, thì đừng nói đến việc cứu người. Dù có tặng cho lão phu mười bổn bí lục, lão phu cũng không ham! Sá gì chỉ là một bổn?
Tăng nhân thở dài :
- Nhất định phải động thủ?
Sử Bất Cựu ngang nhiên gật đầu :
- Phải như vậy thôi! Không còn cách gì khác!
Tăng nhân đặt vị công tử xuống đất, thốt :
- Thế thì đánh nhau ngay! Càng đánh sớm, càng có lợi! Tuy nhiên, thí chủ có chắc là cứu được y không?
Sử Bất Cựu hiu hiu tự phụ :
- Đánh nhau xong rồi hãy biết! Còn như đánh bại thì mang bệnh nhân trở về.
Tăng nhân bước ra xa xa, tránh đánh nhằm bệnh nhân.
Còn Sử Bất Cựu thì đứng nguyên nhìn xuống bịnh nhân.
Tăng nhân vòng tay :
- Xin thí chủ phát chiêu!
Đến lúc đó, Sử Bất Cựu mới nhìn rõ, lão chợt biến sắc mặt. Đoạn lão hướng mắt sang tăng nhân, hỏi :
- Đại sư từ đâu đến?
Tăng nhân đáp :
- Bần tăng là A La Dật Đa, từ Thiên Trúc đến đây!
Sử Bất Cựu đưa tay chỉ người bịnh, lại hỏi :
- Y là ai?
A La Dật Đa lẩm nhẩm :
- Y là... là...
Sử Bất Cựu cao giọng :
- Phải là người Đột Quyết không?
A La Dật Đa miễn cưỡng gật đầu :
- Phải!
Sử Bất Cựu tiếp luôn :
- Đại sư mang hắn đi gấp đi! Bởi hắn là người Đột Quyết, dù đại sư có thắng lão phu, lão phu cũng không cứu hắn đâu!
Dân Đột Quyết quen tánh ngang ngạnh, thích giết người, chúng hãm hại vô số dân Trung Thổ, người biên giới từng bị chúng làm khổ luôn luôn. Sử Bất Cựu tuy không màng đến thế sự, song tính dân tộc vẫn trường tồn, tự nhiên lão không ưa người Đột Quyết nổi. Thì, khi nào lão chịu cứu kẻ hung ác để dung dưỡng hậu hoạn cho đồng chủng?
Thật là lão có thái độ đó đáng phục thật.
Nhà sư vẻ hung ác hiện ra, y buông giọng xẵng :
- Chớ nói nhiều vô ích. Lão không muốn cứu chữa bệnh nhân thì đừng trách tay ta!
Lúc đó Nhuế Vĩ mục kích bên ngoài bèn thốt lên :
- Nhà sư đó giở trò gì, tại hạ xin tiếp trợ tiền bối một tay!
Sử Bất Cựu nói ngang :
- Ai mượn ngươi can thiệp? Hãy cút đi!
Cao Mạt Dã phẫn nộ :
- Lão ấy vô lý lắm, mặc kệ lão ta, đại ca!
Vị công tử đột nhiên cất tiếng :
- Sư phụ! Lão không chịu cứu thì thôi, đệ tử nghe trong mình chưa đến nỗi nào. Mình tìm cách khác vậy!
A La Dật Đa lắc đầu :
- Không được! Chứng bịnh quái dị của ngươi, ngoài lão ra, không ai chữa lành. Hôm nay vô luận làm sao, nhất định phải buộc lão cứu người!
Người bịnh nặng, đang hấp hối, mà còn nói năng được, là một sự lạ.
Cao Mạt Dã trố mắt hỏi :
- Ngươi còn khí lực à?
Công tử bịnh không cử động được, song vẫn nói năng được nhìn nàng, mỉm cười đáp :
- Nếu hết khí lực rồi thì phải chết. Mà đã chết thì còn đến đây nhờ cứu chữa cái gì nữa!
Cao Mạt Dã cố ý châm chích Sử Bất Cựu, bèn thốt :
- Không lẽ bá bá lại sợ lời hù dọa của lão à?
Không thể để mất mặt trước hàng hậu bối. Sử Bất Cựu gầm lên, lão tung chiêu về phía A La Dật Đa, chưởng phong réo gió ào ào nghe đến rợn người đủ biết công lực của lão thâm hậu tới cỡ nào.
Chính Nhuế Vĩ cũng ngán chưởng pháp đó, nếu lão mang ra sử dụng với chàng.
Ngờ đâu, A La Dật Đa không khiếp sợ, lão bình tĩnh giở chiêu chống đối, chưởng pháp không kém phần lợi hại. Hai người cứ thế mà đánh, hai mươi chiêu đã qua, Sử Bất Cựu vẫn không tạo được một ưu thế nào.
Mường tượng là đối với y, bất cứ sở học nào của Sử Bất Cựu cũng mất hết oai lực.
Nhuế Vĩ lấy làm kỳ. Dần dần chàng phát hiện ra, nhà sư chưa vận dụng toàn lực đối phó với địch. Y đánh cầm chừng như vậy. Sử Bất Cựu không thắng nổi, đến lúc y phát huy thực học, thì làm sao duy trì thế nào được?
Mãi không thắng. Sử Bất Cựu vừa sợ vừa tức, thế ra công lao học tập đã hai mươi năm không có một kết quả nào cả sao?
Bỗng A La Dật Đa hét lớn :
- Chú ý đây nhé!
Y biến đổi chưởng pháp liền, nội lực của y tuôn ra cuồn cuộn, chiêu thức mạnh như núi đổ biển tràn.
Sử Bất Cựu đâm hoảng, tay chân lúng túng.
Rồi A La Dật Đa lại hét :
- Trúng này!
Mười ngón tay của y vươn như móc câu, chụp vào ngực Sử Bất Cựu.
Nếu để cho đối phương chụp trúng, thì lão ta mất mặt còn gì? Biết rằng không nên trực tiếp nghinh đón, Sử Bất Cựu bắt buộc phải đẩy hai tay ra, chận tay của A La Dật Đa.
A La Dật Đa cười rợn :
- À! Thí chủ muốn chết!
Một tiếng bình vang lên, Sử Bất Cựu bị tung bổng lên cao, như quả cầu đứt dây bị gió bốc. Tuy nhiên, thần trí còn sáng suốt, chờ thân hình đáp xuống vừa tầm, lão uốn cong lưng vút mình lên trở lại, cho nhẹ đà rơi, nhờ thế khi đáp xuống mặt đất, lão không bị thương tổn mảy may. Lão nghe đôi tay tê dại, trong nhất thời không động đậy được.
A La Dật Đa cười lớn :
- Thử xem thí chủ có bị chết hay không!
Y bước tới, từ từ, không hối hả, mường tượng thừa hiểu Sử Bất Cựu không thoát đi đâu cho khỏi.
Khi y đến gần, Sử Bất Cựu đột nhiên đứng lên, thủ thế, giương mắt chờ.
A La Dật Đa hỏi :
- Thí chủ còn dám tái chiến chăng?
Sử Bất Cựu