Thất Lão Kiếm

Đến Lượt Y Ngô Quốc


trước sau

Nhuế Vĩ thở dài :
- Thật tình các hạ yêu sách điều gì?
Lý Trào gật đầu :
- Đương nhiên! Nhuế Vĩ! Ngươi phải để Cao tiểu thơ lại!
Y dùng ngôn ngữ địch, bỏ cái lối xưng hô theo khuôn sáo giang hồ. Điều này chứng tỏ là vì công, y bỏ tư. Rồi y lấy một mũi tên, lắp vào dây cung, bắn đi liền. Lần này mũi tên đi rất nhanh.
Nhuế Vĩ vội vung kiếm gạt qua.
Liền theo đó ba mũi tên nữa nối tiếp lao đi, gần như xuất phát đồng thời, nhanh hơn mũi thứ nhì.
Nhuế Vĩ cũng vung kiếm gạt qua, song không hy vọng là gạt hết ba mũi.
Chàng nổi giận, dùng mũi tên đã bắt được, làm ám khí, phóng trả lại Lý Trào.
Còn ba mũi tên sau, chàng gạt trúng hai mũi, mũi thứ ba bắn trúng vai tả của chàng, chàng nghe đau nhưng lại không thọ thương. Chàng lấy làm kỳ.
Nhưng bên kia, Lý Trào rú thảm một tiếng. Mũi tên do Nhuế Vĩ phóng qua, trúng nơi ngực y, cũng may tên phóng bằng tay, đà đi không mạnh lắm, chỉ cắm sâu độ hai phân vào da thịt của y, không phạm vào chỗ yếu hại.
Nhuế Vĩ nhận thấy, Lý Trào không hề tránh né, mường tượng y cố ý để cho mũi tên lao trúng ngực. Chàng lấy làm lạ, hỏi :
- Tại sao các hạ không né tránh?
Lý Trào nhếch nụ cười khổ :
- Có vậy, tại hạ trở về để phục lệnh Chúa thượng!
Nhuế Vĩ giật mình, cúi xuống, nhặt bốn mũi tên của Lý Trào bị chàng dùng kiếm gạt rơi trên mặt đất, thấy đầu tên bị bẻ gẫy, chỉ còn thân tên thôi.
Tên gẫy mũi thì làm gì thương tổn được?
Nhuế Vĩ thức ngộ. Thì ra, Lý Trào cố ý bắn chậm, cho chàng bắt được một mũi cùn đầu, sau đó y khích nộ cho chàng dùng mũi tên đó phóng trả. Y không muốn bắn trúng chàng, còn chàng thì bắn tên trúng y. Như vậy chàng nông cạn quá, không biết người ta dành hảo tâm cho, cứ lấy ân báo oán! Niềm hối hận dày vò, chàng bước mình tới, thốt :
- Lý huynh! Tại hạ giúp Lý huynh nhổ mũi tên!
Lý Trào cấp tốc lùi lại, lắc đầu, khoát tay :
- Đừng! Đừng nhổ! Mất mũi tên rồi, tại hạ khó trở về phục lệnh đó!
Nhuế Vĩ thở dài :
- Lý huynh ơi! Tại hạ làm cho Lý huynh mang thương thế như vậy, thật tại hạ xốn xang quá!
Lý Trào mỉm cười :
- Không quan hệ gì! Thương tích da thịt có làm chết người đâu mà Nhuế huynh phải áy náy!
Nhuế Vĩ đau khổ vô cùng :
- Nếu trúng phải chỗ yếu hại thì tại hạ phải làm sao đây?
Lý Trào tiếp :
- Người đáng thẹn trong hai chúng ta chính là tại hạ đây, Nhuế huynh có lỗi gì mà phải thắc mắc! Này, Nhuế huynh! Hãy thoát đi gấp đi! A La Dật Đa sắp đuổi theo đến nơi đó!
Nhuế Vĩ hỏi :
- Lý huynh trở về, họ không nghi ngờ gì sao?
Lý Trào lại cười :
- Tại hạ thọ thương đây mà, họ nghi ngờ thế nào được?
Nhuế Vĩ vòng tay :
- Còn sống sót ngày nào tại hạ quyết không quên ân tình của Lý huynh ngày đó. Sang năm, nếu còn duyên may với nhau, chúng ta lại sẽ gặp nhau!
Lý Trào thở ra :
- Nhuế huynh lấy tình bằng hữu đối đãi, tại hạ lấy Bách Nhật Túy đáp lại! Sự tình đó, Nhuế huynh tha thứ cho!
Nhuế Vĩ mỉm cười :
- Lý huynh không nên bận tâm như vậy!
Nói rồi chàng cùng Cao Mạt Dã thẳng đường trốn chạy.
Đến một khu núi đá, thấy một hang động, Cao Mạt Dã liền nói :
- Đại ca, chúng ta đi cũng đã khá xa rồi, hãy dừng chân ở đây nghỉ ngơi một lúc, tiểu muội cảm thấy đại ca đã mệt nhọc lắm rồi!
Cẩn thận dò xét chung quanh, Nhuế Vĩ bồng Cao Mạt Dã vào hang động tìm chỗ nghỉ ngơi.
Một lúc, cả hai đã đi vào giấc ngủ.
Đến khi Nhuế Vĩ chợt tỉnh, chàng nhìn sang bên cạnh thì không thấy Cao Mạt Dã đâu nữa. Nàng thất tung! Thú dữ bắt? Đối phương bắt? Ngàn giả thiết tiếp nối phát lạnh nơi đầu óc chàng.
Rất có thể A La Dật Đa theo dõi chàng đến đây, thừa lúc chàng ngủ, bắt Dã nhi mang trở lại Vương cung? Chỉ có mỗi một lão ta mới hành động không lưu tình như vậy.
Chàng quên đi, nếu quả thật A La Dật Đa đến đây, lão ta cướp đoạt Cao Mạt Dã. Có thể lão ta cũng sát hại luôn chàng rồi, để dứt trừ hậu hoạn!
Chàng rời khỏi động gấp, theo đường cũ chạy về thị trấn. Không một bóng người lai vãng trên các nẻo đường.

Nhuế Vĩ vào luôn mấy ngôi nhà, nhà cũng vắng bóng người, cả ngoài đường phố. Tại sao? Tại sao? Không lẽ chỉ trong vòng một đêm, cả thị trấn chuyển cư nơi khác?
Chàng vào hoàng cung. Hoàng cung cũng vắng như thị trấn, chỉ có lơ thơ mấy tên quân Đột Quyết canh hờ. Chàng chụp một tên quân, dùng tiếng Đột Quyết hỏi :
- Người đi đâu hết?
Tên quân ú ớ :
- Người... người nào?
Nhuế Vĩ quát :
- Người trong cung.
Tên quân lại ú ớ :
- Đều... đi ra ngoài đồng ruộng rồi!
Nhuế Vĩ bóp mạnh tay hơn :
- Ra đó để làm gì?
Tên quân vừa kêu đau vừa thốt :
- Buông ta ra đi... Ta sẽ nói cho mà hiểu!
Nhuế Vĩ buông tay quát :
- Nói mau! Không nói là chết ngay!
Tên quân xuýt xoa mấy tiếng rồi thốt :
- Quốc vương chúng tôi ra đồng cỏ, nghinh đón Y Ngô!
Thì ra, A Sử Na Đô Chi huy động toàn thể thành phần quý tộc đi nghinh đón quý khách! Còn Cao Mạt Dã? Chàng hỏi :
- Ngươi có thấy một vị cô nương người Hán không?
Tên quân lắc đầu :
- Không thấy!
Nhuế Vĩ biết, dù có hỏi hắn suốt ngày, cũng chẳng ích gì, chỉ còn cách là chàng ra tận đồng cỏ, xem tình hình như thế nào thôi. Chàng điểm huyệt tên quân, bỏ hắn lại đó rồi chạy đi.
Trên một khu đất rộng lớn giữa cánh đồng, vô số lều to nhỏ bất đồng được dựng lên, xa xa trông như một gò mối nấm mọc trùng trùng điệp điệp. Kỵ binh lai vãng rộn ràng không dứt. Vì Nhuế Vĩ vận y phục Đột Quyết, bọn quân binh trông thấy, cứ tưởng là mục dân, nên không hỏi han tra vấn gì.
Lều mọc lên, có đến số vạn, trong vạn chiếc lều, làm sao tìm đúng nơi A Sử Na Đô Chi tạm trú? Nhất là Nhuế Vĩ phải tìm cho được, trong thời gian kỷ lục?
Nhuế Vĩ lại sợ hành tung bại lộ, nên chẳng dám hỏi ai!
Đang lúc chàng phân vân, chưa biết phải làm cách nào, bỗng có tiếng tù và vang lên inh ỏi. Tiếng tù và lệnh phát lên, bốn phía hưởng ứng, chấn động cả một góc trời. Rồi thì binh mã ùn ùn kéo đi ra đồng cỏ. Qua một lúc, cơn ồn ào mới lắng dịu.
Bên ngoài, binh mã đã vào hàng ngũ chỉnh tề, phân thành từng đội từng đội.
Chỉ còn một số ít ở lại, canh phòng các dãy lều.
Nhuế Vĩ nghĩ, hẳn là A Sử Na Đô Chi phải đi theo đoàn quân bên ngoài.
Chàng theo luôn ra đó, quanh quẩn trong vùng phụ cận.
Hơn mười mấy vạn quân Đột Quyết tập trung trên quãng đất rộng lớn, im thin thít, thỉnh thoảng chỉ có một vài tiếng ngựa hí vang thôi.
Nhuế Vĩ phải thầm khen, dù chúng là dân man di, vẫn được huấn luyện khá tinh vi, nên quân đội có một kỷ luật rất nghiêm! Nhưng chàng tự hỏi, chúng dàn quân ở đây để làm gì? Sao lại nhiều thế? Chẳng lẽ đi nghinh tiếp khách mà cũng phải huy động toàn quân lực, như mở chiến dịch tranh hùng?
Hơn mười mấy vạn quân, theo lệnh chủ tướng, cùng gặp nhau hô to :
- Chúa thượng ta vạn tuế! Chúa thượng ta vạn tuế!
Tiếng hô phát xuất do mười mấy vạn người cùng một lượt, làm rung chuyển cả cánh đồng bao la. Quân oai hùng tráng không thể tưởng nổi!
Rồi tiếng hô chấm dứt, đồng cỏ im ắng trở lại, cái im ắng uy nghiêm của một thế giới có vương kỷ vững vàng.
Nhuế Vĩ đắn đo một lúc, phấn động hùng phong, giở thuật khinh công tung mình lướt đi trên đầu bọn binh sĩ, chạy vào trung tâm.
Bọn binh sĩ bị chàng đạp nhẹ trên đầu cũng kinh hãi, song không tên nào dám tự ý loạn động. Cho nên, chẳng có tiếng động nào.
Nhuế Vĩ chạy như vậy một lúc, thấy xa xa có chiếc lọng lớn quanh có quân binh bao vây ủng hộ, dưới lọng là A Sử Na Đô Chi. Cách hắn, có một số thân tùy trong số đó có mặt A La Dật Đa.
Cách chiếc lọng của A Sử Na Đô Chi, độ ba mươi trượng, bên phía hữu, có một chiếc lọng khác, dưới lọng có một lão nhân cùng có một số người. Tất cả đều mặc y phục khác với lối phục sức của người Đột Quyết. Lão nhân có gương mặt vuông, đôi vành tai lớn.
Nhuế Vĩ định chắc lão nhân này là Quốc vương Y Ngô quốc. Hiện tại lão ta đang rời chiếc lọng, từ từ đi về phía A Sử Na Đô Chi.
A Sử Na Đô Chi ngạo nghễ đứng lên thôi chứ không nhích chân, mường tượng như một đại Quốc vương tiếp kiến một tiểu thần quốc ngoại.
Bây giờ chàng mới biết phong tục tiếp khách của các sắc tộc này.
Khách càng quý thì binh lực dàn hầu càng nhiều. Binh lực càng nhiều, khách càng được tôn trọng. Các sắc tộc này luôn có sự tranh chấp, nên họ chuộng võ, và bất cứ trường hợp nào họ cũng phô bày võ lực. Tiếp khách mà huy động toàn bộ võ lực một nước chẳng qua họ muốn gây sự khiếp phục nơi lân bang.
Trong thời kỳ đó, trong các tiểu bang bên ngoài Trung Nguyên, Đột Quyết là nước mạnh nhất, A Sử Na Đô Chi được xem như lãnh tụ của các tiểu vương quan ngoại.
Nhuế Vĩ định chờ cho lễ nghi tiếp khách cứ hành xong sẽ xúc tiến chương trình hành động.
Nghi lễ rất đơn giản.

Song phương đàm luận một lúc, một đại hán Đột Quyết ra giữa khoảng đất rộng, cao giọng hô :
- Đột Quyết và Y Ngô liên minh!
Hai mươi mấy vạn quân binh rập nhau hô theo.
Không gian chấn động, lòng người khích động. Trong phút chốc họ có cảm tưởng là hai nước liên minh sẽ thôn tính cả hoàn cầu!
Nhuế Vĩ thở dài thầm lo ngại cho Trung Nguyên, mường tượng lại sẽ đương đầu với một lực lượng hùng hậu! Nhưng, việc đó còn lâu, và là việc của một nước.
Điều cần trước mắt là giải quyết việc của chàng.
Bỗng một kỵ sĩ phi ngựa đến trước mặt chàng, còn cách độ một trượng, kỵ sĩ xuống ngựa. Nhuế Vĩ nhận ra Lý Trào.
Lý Trào hỏi :
- Nhuế huynh đến đây làm gì?
Nhuế Vĩ chỉnh sắc mặt đáp :
- Lý huynh! Hôm nay xin Lý huynh đừng cản trở tại hạ nữa!
Lý Trào sờ vết thương nơi ngực, ngụ ý chỉ đó, thở dài, thốt :
- Dù tại hạ trở ngăn, cũng không trở ngăn được!
- Vết thương có nặng lắm không, Lý huynh!
Lý Trào đáp :
- Chỉ cần đừng giương cung bắn tên, trong vòng một tháng là vết thương sẽ lành.
Y không bắn tên được nữa, là Nhuế Vĩ nhẹ lo rồi. Nếu chàng liều mạng với A Sử Na Đô Chi mà có Lý Trào bên cạnh xạ tiễn, thì cái nguy về phần chàng là chắc! Hiện tại, Lý Trào không tiếp trợ A Sử Na Đô Chi được, Đô Chi cũng không hề hoài nghi y.
Lúc đó tiếng hoan hô chấm dứt.
Nhuế Vĩ sợ Đô Chi chú ý, nên bảo Lý Trào :
- Lý huynh hãy ly khai tại hạ gấp đi. Tại hạ quyết liều sanh tử với A Sử Na Đô Chi!
Lý Trào van cầu :
- Đừng làm điều chi bất lợi cho Chúa thượng tại hạ, Nhuế huynh!
Thấy y có lòng trung với Quốc vương Đột Quyết, Nhuế Vĩ thở dài đáp :
- Lý huynh an tâm! Tại hạ sẽ không làm gì quá đáng đâu!
Lý Trào gật đầu :
- Nhuế huynh cẩn thận nhé!
Thốt xong, y giục ngựa chạy trở về bên cạnh A Sử Na Đô Chi.
Nhuế Vĩ đứng lại đó một chút, đoạn bước dài đến trước mặt A Sử Na Đô Chi.
Đô Chi trông thấy chàng, kinh hãi, thốt :
- Tiểu tử! Hôm nay ngươi đến thì được song đi không được rồi!
Vừa trông thấy Nhuế Vĩ xuất hiện

đột ngột, Y Ngô quốc vương giật mình.
Rồi trông thấy chàng có vẻ hung hăng quá, lão ta biến sắc, lùi lại một góc, chờ xem biến.
Nhuế Vĩ cao giọng :
- Cái gì mà đến được, đi không được? Này! A La Dật Đa và A Sử Na Đô Chi! Hôm nay, hai ngươi hãy trao trả Cao Mạt Dã cho ta! Nếu không, các ngươi đừng trách ta có thái độ bạo!
Na Đô Chi kinh ngạc :
- Ngươi đã chẳng mang Cao Mạt Dã đi rồi sao?
Nhuế Vĩ gắt :
- Phải! Ta đã mang đi, song các ngươi cũng cướp lại rồi! Chính hòa thượng này đoạt nàng lại!
Na Đô Chi cả mừng, quay sang A La Dật Đa hỏi :
- Có thật vậy không?
A La Dật Đa lắc đầu :
- Làm gì có việc đó! Tiểu tử bịa chuyện đấy!
Na Đô Chi thất vọng, nhìn qua Nhuế Vĩ, thốt :
- Sư phụ ta không nói dối ngươi đâu!
Nhuế Vĩ thét lớn :

- A La Dật Đa, ngươi có dám phát thệ là không thừa dịp ta ngủ, cướp nàng đi không?
A La Dật Đa cười lạnh :
- Đến một nữ nhân mà ngươi không bảo hộ nổi, lại còn đến đây vu khống ta, bắt ta phải đền!
Lý Trào vụt cất tiếng :
- A La đại sư, phàm người xuất gia, không nên cuồng ngôn.
A La Dật Đa lạnh lùng nhìn Lý Trào, đáp :
- Ta không bao giờ lừa dối Chúa thượng!
A Sử Na Đô Chi lộ vẻ lo lắng :
- Dã nhi nếu quả thật đã thất tung, chúng ta phải lập tức đi tìm. Ai tìm được, lập tức sẽ lãnh trọng thưởng.
Trong tình hình đó, Nhuế Vĩ nghĩ có thể A La Dật Đa thật sự không cướp mất Cao Mạt Dã. Nhưng lão ta không bắt thì ai bắt?
Lý Trào hỏi :
- Cao tiểu thơ thất tung ở đâu?
Nhuế Vĩ thở dài :
- Kim Sơn!
A Sử Na Đô Chi day lại phía sau, phân phó một viên tướng quân Đột Quyết.
Vị tướng đó lãnh lệnh rồi, lập tức suất lãnh một đội nhân mã, chạy về phía Kim Sơn. Đương nhiên, y đi tìm Cao Mạt Dã.
A La Dật Đa buông giọng ác độc :
- Tiểu tử! Ngươi dám mắng ta trước mặt đông người, lại mắng oan, vậy hãy cắt gấp cái lưỡi, trao cho ta đền tội!
Nhuế Vĩ hừ một tiếng :
- Ngươi là một hòa thượng gian trá, tại sao ta không được quyền mắng?
A La Dật Đa kêu lên :
- Tiểu tử ngông cuồng thái quá! Ngươi có dám đánh với ta mấy chiêu không?
Nhuế Vĩ cười lạnh :
- Ta định liều một cuộc tử chiến với ngươi đây, sá gì một chiêu mà chẳng dám.
A Sử Na Đô Chi đinh ninh Nhuế Vĩ không là đối thủ của sư phụ hắn, nên hắn tỏ ra đại phương thốt :
- Này Nhuế Vĩ, ta hứa tha chết cho ngươi, nếu ngươi không bại nơi tay sư phụ ta!
Nhuế Vĩ cao giọng :
- Ngươi bất quá là một phiên nô, sống ngoài trương hóa, có tư cách gì mà dám nói tha chết ban sống cho ta?
A Sử Na Đô Chi mỉm cười :
- Ngươi xâm nhập vào đây, là phạm tội chết rồi đó!
Nhuế Vĩ cười vang :
- Nhưng ta có là dân Đột Quyết đâu, quân luật của ngươi không thể áp dụng với ta!
A La Dật Đa đi ra xa, cách A Sử Na Đô Chi độ mươi trượng, ngạo nghễ hỏi :
- Ngươi định liều một trận sanh tử với ta à? Thì hãy vào đi.
Nhuế Vĩ từ từ bước tới.
A Sử Na Đô Chi cười lớn :
- Nhuế Vĩ! Cố mà đánh nhé! Dù có bại, không phải bại cách danh dự. Bổn Vương hứa tha thứ cho ngươi là tha, không nuốt lời đâu!
Hắn day qua Y Ngô quốc vương tiếp :
- Nghe nói quý quốc có võ học rất thần diệu, vậy xin cử một cao thủ làm giám cuộc trận tỷ thí này!
Quốc vương Y Ngô vẫy tay gọi hai lão nhân cao và gầy, cười thốt :
- Cao thủ của tệ quốc đó! Họ sẽ lược trận!
Hai lão nhân bước ra, đứng cạnh A La Dật Đa.
Nhuế Vĩ nhìn A La Dật Đa, hỏi :
- Ngươi biết tại sao ta muốn đánh với ngươi chăng?
A La Dật Đa gạt ngang :
- Còn léo nhéo gì nữa! Hãy xuất thủ đi! Ta cho ngươi đánh trước đó!
Nhưng, Nhuế Vĩ chưa xuất thủ, chàng cất giọng sang sảng tiếp luôn :
- Tiên phụ là Chưởng Kiếm Phi, chết vì "Hàn Độc chưởng". Hôm nay, con trai của người báo phục thù xưa.
A La Dật Đa kinh hãi :
- Ngươi là con trai của Nhuế Phu Vấn?
A Sử Na Đô Chi cũng kinh hãi kêu lên :
- Nếu đúng là con trai của Nhuế Phu Vấn, thì không thể buông tha hắn!
Bây giờ, Nhuế Vĩ mới quả quyết, A La Dật Đa sát hại phụ thân chàng.
Chàng đau khổ vô cùng, niềm đau khổ làm tăng gia lực lượng, không còn đắn đo nữa, chàng vung kiếm chém tới.
A La Dật Đa giở chưởng pháp Hàn Độc ra nghinh chiến.

Hiện tại, kiếm pháp của Nhuế Vĩ đã thuần thục lắm rồi, chàng không còn sợ "Hàn Độc chưởng" nữa. Chàng ngang nhiên giao thủ với A La Dật Đa, không hề tỏ ra yếu kém.
Đột nhiên, Y Ngô quốc vương hỏi A Sử Na Đô Chi :
- Có phải hắn thật sự là con trai của Nhuế Phu Vấn chăng?
A Sử Na Đô Chi đáp :
- Hắn họ Nhuế, lại tự nhận là vậy, thì đúng rồi chớ gì!
Y Ngô quốc vương tiếp :
- Tệ quốc cũng có nhiều cao thủ chết nơi tay Nhuế Phu Vấn, có lẽ tệ quốc phải xin quý quốc cho vài cao thủ của tệ quốc tiếp chiến với A La đại sư!
A Sử Na Đô Chi mỉm cười :
- Quý quốc vội gì! Tuy hắn là con của Nhuế Phu Vấn song không phải là đối thủ của bổn sư phụ đâu!
Y Ngô quốc vương lo ngại :
- Giả như đại sư không thủ thắng nổi?
A Sử Na Đô Chi trầm ngâm một chút.
Ngày trước, Đột Quyết quốc có sai phái một số cao thủ hành thích Cao Thọ song tất cả đều bị Nhuế Phu Vấn giết chết hết. Mối thù đó không thể không báo.
Hắn đáp :
- Cũng được! Vậy quý quốc chọn hai cao thủ sẵn đi, bảo họ tùy cơ hành sự!
Hai lão nhân Y Ngô quốc được chỉ định ngay với những lời dặn dò cẩn thận.
Nếu A La Dật Đa thất bại, là họ phải xông vào liền.
Cuộc đánh càng về lâu, chưởng pháp của A La Dật Đa càng lợi hại, kiếm pháp của Nhuế Vĩ càng linh hoạt dần dần.
A La Dật Đa bật cười ha hả, thốt :
- Hiện tại, dù phụ thân ngươi còn sống cũng không thủ thắng nổi với ta, huống hồ ngươi!
A La Dật Đa luôn luôn đánh bạt mũi kiếm của Nhuế Vĩ ra ngoài, tuy vậy vẫn chưa làm gì đối phương nổi. Lão nghĩ :
- "Cứ dằng dai mãi như thế này, còn gì thân danh một võ sư thượng thặng của Đột Quyết quốc?"
Nghĩ thế, lão vội vận toàn công lực, dồn ra hai tay đồng thời quát :
- Buông kiếm!
Đúng lúc, Nhuế Vĩ cũng quyết đem tuyệt kỹ ra, kết thúc trận đấu gấp, nếu đánh mãi với kiếm pháp cũ, thì không lâu lắm, chàng sẽ bại trước đối phương.
Cho nên, A La Dật Đa vừa quát, chàng liền quát trả :
- Không chắc đâu!
Chàng sử dụng ngay chiêu "Vô Địch Kiếm".
Chiêu kiếm vừa phát xuất, song chưởng của A La Dật Đa cũng vừa bay sang, song hai chưởng chỉ đánh vào khoảng không.
Kế tiếp, A La Dật Đa thấy kiếm ảnh lợp không gian, bao quanh mình, từ trên đầu phủ xuống, từ bốn phía công vào. Lão hoa cả mắt, kêu lên :
- Nguy! Nguy!
Một tiếng bốp vang lên, mộc kiếm giáng xuống đầu vai, xương vai gẫy, chân lực của lão tiêu tan. Lão kinh hoàng, không giám tuyên chiến, cấp tốc lùi về, hy vọng bảo toàn sanh mạng.
Nhuế Vĩ không bỏ, lướt theo liền. Chàng cầm chắc lần này thì mối thù tiên phụ phải được báo phục. Nhưng, có tiếng gọi từ phía sau lưng vọng đến.
- Nhuế Vĩ không được giết người!
Nhuế Vĩ giật mình, quay đầu lại, thấy hai lão già giám cuộc. Chàng bắt gặp bốn ánh mắt của họ, bỗng cảm thấy đầu choáng váng.
Trong cơn nguy cấp, chàng chợt nhớ đến trường hợp của Tam Diệp Thượng Nhân ngày trước tại phủ Cao Diệp Tướng quân. Hai lão nhân này hẳn là dùng thuật thôi miên, mong áp đảo chàng đây! Chàng thầm kinh hãi, nghĩ :
- "Nguy! Nguy!"
Lập tức, chàng cắn mạnh đầu lưỡi, mượn cảm giác đau làm dịu bớt ảnh hưởng thuật thôi miên của đối phương, không dám nhìn hai lão nhân nữa, quay đầu cắm cổ chạy đi, đồng thời vung mộc kiếm, mở một con đường mà xuyên qua vòng vây.
Bọn quân binh tuy đông, song trước sự hung hăng của chàng, không một ai dám ngăn chận.
Chàng chạy mãi, càng chạy càng nghe đầu óc choáng váng, phải cố gắng lắm mới khỏi hôn mê. Chạy mãi, một lúc lâu, chàng ngẩng mặt trông ra, vẫn thấy quân binh trùng trùng điệp điệp án ngữ phía trước. Còn phía sau, có tiếng reo hò, người ngựa đuổi theo.
Quẩn quá, Nhuế Vĩ nhìn quanh, thấy nơi phía tả, có một dãy lều. Bất chấp nhất thiết chàng chạy nhào đến dãy lều đó, định thần ẩn nấp một lúc.
Chàng chọn ngôi lều lớn nhất, tiến vào. Ngờ đâu, sau lưng chàng, có một tốp nữ nhân vừa chạy vào vừa kêu lên :
- Công chúa! Công chúa! Địch nhân chạy đến khu lều?
Những nữ nhân đó chạy từ trong các ngôi lều chung quanh chạy lại bu quanh chiếc giường, một thiếu nữ đang nằm trên giường bật ngồi dậy, nổi giận quát :
- Địch nhân? Địch nhân gì đâu? Đến cái địa phương quỷ này, ta suýt chết vì khí nóng đây! Cái nóng làm cho ta khó chịu rồi, còn địch nhân quái gì nữa!
Vài nữ nhân lại kêu :
- Có địch nhân thật mà, Công chúa! Quan binh đuổi theo sắp đến nơi rồi đó!
Thiếu nữ trong lều kinh hãi :
- Thật vậy sao? Các ngươi hãy chận ngoài cửa đi, đừng cho ai vào! Để ta thay y phục rồi hãy tính sau!
Nàng đang trần truồng, vội vơ bộ y phục, chạy ra phía sau bức bình phong ngăn đôi căn lều, trong cơn hoảng hốt không kịp quan sát kỹ. Nàng vừa chạy vừa gọi :
- Tiểu Đào! Tiểu Đào! Vào đây tiếp ta với nào!
Bỗng, có tiếng ho khẽ sau lưng chiếc ghế.
Thiếu nữ kinh hãi, quay mặt lại, chỉ thấy đầu người. Bất giác nàng kêu lên :
- A! Công tử đấy à!


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện