Khu rừng nhìn gần thì không đến nỗi tù đường, các bụi chuối xen lẫn vẫn đủ chỗ để hai người lách nhẹ qua. Tuy nhiên do trời chuyển mưa, cộng với tán cây khá dày làm không gian hết sức u ám, hai cây đèn pin cũng chỉ đủ để nhìn con đường cỡ ba mét đổ lại. Từ lúc bước vào đây, Hùng và Thông cứ nghe tiếng cười the thé suốt, họ nhìn nhau lập tức nghĩ đến kumanthong mà rùng mình. Hùng vừa bước thận trọng vừa nói: “Vách đá mình tìm chỉ cần đi qua khu rừng này là thấy, ở đây cây mọc dày đặc, lại như mê lộ không tìm được lối ra, cho nên Chín Danh mới gọi chỗ này là Vách Ma Giấu!”
.
Hùng biết rằng, tiếng cười nãy giờ anh nghe không phải là của quỷ hay kumanthong mà là tiếng ma dẫn đường. Đôi khi đi đêm hay ngang chỗ nhiều mồ mả ta vẫn nghe tai mình ù ù, đó là tiếng ma thì thầm, ai yếu vía thì sẽ nghe rõ hơn, dụ họ đi đến tử huyệt! Còn đối với Hùng và Thông, anh không lo lắm về chuyện nó dụ anh vào con đường chết được, chỉ sợ ma rừng quỷ núi xổ ra mà thôi.
.
Địa hình trong đó gồ ghề khó đi, lên dốc rồi lại xuống dốc, cho nên tốn thời gian nhưng kỳ thực chẳng đi được là bao. Tuy nhiên, an ủi tinh thần hai người là phía trước. Họ hồ hởi leo lên một triền cát nhỏ phủ đầy dây leo, vạch tán lá ra: trước mặt họ là cáo giếng cũ kỹ ban nãy. Hùng cẩn thận đến kiểm tra xem, dưới đó vẫn là cái gương, với lại khó mà nhầm lẫn vì cách cái giếng không xa là ba cái nhà vong! Trời lúc này đã chuyển mưa đen đặc, gió rít lên từng hồi, không khí lạnh ngắt nhưng trán Hùng vẫn đẫm mồ hôi: trong cái nhà vong anh nghe rõ những tiếng mài dao, tiếng bước chân, những nếp lá vách được kéo nhẹ cho một con mắt xanh lè từ trong nhìn ra.
.
“Mẹ kiếp, sao giờ đại ca?” - tiếng Thông hỏi làm Hùng sực tỉnh lại. Anh nhìn ba cái nhà Vong lần nữa, chúng bình thường, không có gì cả. Hùng nói: “Cú này chỉ còn cách dựa vô bản lĩnh thôi, cọc kỳ nam không tránh được ma giấu, phải chi nó nhào ra còn đỡ, phen này anh với mày đi một chuyến nữa, không được thì rút ra nhanh, âm khí cao quá rồi!”. Thông gật đầu, rồi họ nhanh chóng tiếp tục, cẩn thận đi chậm rãi, đề phòng bị vẽ đi vòng tròn. Họ thấy vách đá, họ leo lên dốc, vạch tán cây ra: lại là cái giếng!
.
Vừa lúc này, trời trút cơn mưa, Hùng quay sang Thông kêu lên: “Mẹ nó, chạy!”. Thông không hiểu Hùng thấy cái gì, tuy nhiên nghe giọng anh quá khẩn trương nghiêm túc nên cậu ta cũng té chạy theo. Vừa qua khỏi nhà Vong, Thông ngoái lại nhìn thì trên các thân cây, mặt đất, mặt giếng là chi chít những gương mặt lồi ra đang nhe nanh. Lúc nãy Hùng không tinh ý e là họ đã thành ma núi rồi không chừng! Họ chạy một mạch đến con dốc, thấy phía trên là chùa, với lại đã cách xa bìa rừng, cả hai mới đứng lại thở hổn hển nhìn cảnh tượng khó tin: ngoài này trời vẫn đang nắng, chỉ riêng khu rừng đó mưa như trút! Thông hỏi Hùng sao anh biết được ma núi hiện ra, anh bảo là thực ra anh cũng không thấy, nhưng Chín Danh có dặn, vào đó mà trời mưa thì cứ đường cũ mà chạy ra nhanh. Mưa tượng trưng cho trời đất giao thoa, âm dương gặp nhau, ở đó ma quỷ tránh được cái khí càn dương của mặt trời, có thể tự tung tự tác, cho nên ta thường nghe trời mưa dễ gặp ma, còn giờ tý canh ba mà mưa nữa thì gặp quỷ còn dễ hơn! Lúc trời vừa rớt hạt, không hiểu sao vẫn là linh tính của Hùng mách bảo phải chạy ngay, gặp cả bầy ma núi như vậy, dăm ba cái cọc kỳ nam không thấm tháp gì chúng nó.
Cả hai bỏ lên chùa, Hùng còn định quay về gặp Chín Danh, bằng mọi cách hỏi cho ra cách vào. Có vẻ Thông hiểu được ý đó, anh nói: “Đại ca, gì thì gì, em không chịu về núi Két hỏi chú chín đâu, làm vậy ổng coi mình ra gì!”. Hùng đơ người, thấy vậy Thông nói tiếp: “Anh nghĩ coi, trước sau có phải ổng muốn thử bản lĩnh anh em mình, từ vụ sơn ông cọp rồi đến vụ này, anh về đó thì khác nào bảo hai đứa mình là dân tay ngang?”. Hùng nghĩ vậy cũng hợp lý, dạng người cao nhân thâm sâu khó lường như chú chín, lúc nào cũng đã dự tính mấy chuyện này. Hùng nhớ lại cái cốc đầu rồi những câu dặn dò, Hùng thấy thậm chí việc hai người bọn họ đi tìm ngọc Rết, chín Danh đã biết được, anh lờ mờ cảm nhận được, ổng còn mong hai người họ tìm được ngọc, nhưng không phải bằng cách dễ dàng nhất. Bỗng Hùng nghĩ về cô bé quét sân, nếu đúng như Thông kể, sau chuyến này chắc phải tầm sư nó mới được.
Bỗng Thông kêu lên đã năm giờ chiều! Hùng lấy điện thọai ra xem, cả đồng hồ đeo tay, tất cả đều chỉ 5h! Không lẽ thời gian họ lạc trong đấy bị kéo dài đến vậy. Cảm thấy càng đứng đó càng không ổn, Hùng giục Thông lên chùa. Trong chùa lúc này cũng chỉ có chú tiểu, Hùng thấy trời đã tối, đường ra cũng hơi căng nếu xe hư, đang nghĩ thì Thông nói nhỏ: “Anh, có phải đêm tới thì tụi miểu biết hát nó mạnh hơn đúng không?”, Hùng nhíu mày: “Đúng vậy, ý em mày là gì?”, “Mình xin nghỉ đêm, khuya nay mình vượt cái vách đó thử, vì đêm tụi nó mạnh hơn nên có thể nó lộ chân thân ra, khi đó lấy cọc kỳ nam xử nó” - anh nói chắc nịch. Hùng suýt chút phì cười, nói: “Mày hay lắm, có một cọc thôi, trong khi đó chỗ cái vách có cả sư đoàn ma núi, đường nào đâm cho đủ, có chết cũng lựa cách nào khôn hơn chút chứ”. Hai người quyết định đêm nay ngủ lại, đợi gần sáng thì vượt vách lần nữa xem sao. Họ vào xin tá túc qua đêm, chú tiểu vui vẻ đồng ý, cũng không thèm hỏi lại chuyến đi vừa nãy của bọn Hùng ra sao, cảm giác như chú ta biết hết rồi vậy. Thông thắc mắc hỏi trụ trì đâu, tiểu nói rằng ông ấy đang trên đường từ Sóc Trăng về, có lẽ đêm nay mới tới. Nói rồi cậu ta đi sắp xếp chỗ cho hai người. Đêm đó, sau khi dùng cơm, Hùng có hỏi chú tiểu về nơi này, thấy hai người cứ thắc mắc mãi,
chú tiểu chỉ nói ngắn gọn: “Quả thực tôi biết các người vào đó làm gì, cũng như biết trong đó có thứ gì và cách vượt qua, tuy nhiên sư phụ dặn tôi nơi đó là ma lộ, không phải nơi dành cho con người, đi vào mười phần chắc chín phần chết! Lần cuối, xin hai vị hãy từ bỏ!”, rồi cậu ta quay vào trong bắt đầu trì chú. Lời nói của chú tiểu, để làm người khác sợ thì còn có thể, chứ với hai kẻ như Hùng và Thông thì chỉ tổ làm họ ngứa thêm. Đếm đó hai người ngủ sớm, định lấy sức sáng mai khoảng 4h sẽ đi thêm chuyến nữa, không được thì đành cúi đầu xin lỗi Chú Chín. Phòng ngủ họ nằm ở sau chánh điện, phòng bày trí đơn giản, tuy nhiên có điều làm Hùng chú ý đó là bức tranh Phật Mẫu Chuẩn Đề đang toạ trên đài sen, nhắm mắt và bắt ấn. Hùng mới quay sang bảo với Thông, ấn này anh có thấy trước đây rồi, dùng để trừ tà, nếu hai người họ đủ pháp lực, không chừng chỉ cần bắt ấn iệm chú này là có thể hạ được bọn ma núi. Nhưng anh biết dễ gì họ đủ pháp lực, đây là chú cần rất nhiều năng lượng tinh tần, đạo hạnh phải cao, chứ không lại chẳng làm gì được mà còn mất nguyên khí. Thấy vậy Thông mới nói: “Anh, mấy nay em bị nhát nhiều quá, thấy ậy mà em yếu vía, hay anh cho em mượn cây cọc, tối nằm nhét túi cho đỡ sợ!”, Hùng cười ré lên, tán đầu Thông một cái rồi nói: “Thằng quỷ mày cũng biết sợ sao, nè, cầm lấy, muốn dùng gì thì dùng, mày mà bán là anh thiến!”. Cả hai cười nhau rồi cũng tắt đèn ngủ.
Đêm trên núi gió thổi ào ào, chỉ có tiếng lá cây quẹt vào mái chùa nghe như kêu gào than khóc. Thỉnh thoảng nóc chùa lại kêu răng rắc. Thông đang ngủ ngon giấc thì nghe tiếng cửa đóng mạnh, anh giật mình tỉnh giấc, còn chưa hoàng hồn, cứ nhớ lại đêm ở chánh điện chùa Khmer thì xoắn cả lên, cầm vội cây dao để dưới gối. Nhưng trong phòng không có ai, chỉ có cánh cửa bị gió thổi tốc ra. Trong phòng không có ai, Thông tự trấn an, nhưng Hùng đâu? Thông hốt hoảng chạy ngay ra cửa, sân chùa tối om giơ tay ra còn không thấy, anh kêu lên mấy tiếng thì chẳng ai hồi đáp cả. Biết rằng có chuyện không hay xảy ra, anh vội quay vào phòng vớ vội cây đèn pin, dao găm, kiểm tra cọc kỳ nam có trong túi hay không rồi phóng đi ngay. Ra đến sân cũng gặp chú tiểu hốt hoảng chạy đến, bảo thấy có tiếng động dưới triền ốc, nhìn xuống ai như là Hùng đang bị dắt đi. Chú tiểu bảo Thông và cậu ta phải rượt theo liền mới kịp. Thông chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, trên đường đi chú tiểu bảo cách để đi qua vách ma giấu chỉ có cách dùng ấn chú Phật Mẫu Chuẩn Đề, đồng thời phải nhắm mắt băng ngang, dọc đường đi dù có nghe âm thanh gì cũng không được mở mắt ra. Họ chỉ một loáng đã đến cuối dốc, theo ánh đèn pin, Thông có thể thấy rõ có bóng người lách vào khu rừng. Đột nhiên chú tiểu dừng lại, đi chầm chậm khiến Thông hết sức sốt ruột, cậu ta vừa đi vừa nói: “Tới rồi, tới rồi,...”. “Nè nè, sao đứng lại rồi anh hai” - Thông kêu với theo. Đột nhiên Thông thấy cậu ta không dẫn anh đi theo hướng có bóng người chạy đằng kia, mà chú tiểu đang đi từ từ lại nhà Vong!
Lúc này mây kéo đi, trăng chiếu ánh sáng vàng vọt hắt lên ba cái nhà Vong. Thông thấy tận mắt cánh cửa kêu két két rồi từ từ hé mở, bên trong chỉ thấy ánh đèn cầy leo lét. Lúc này Thông còn bình tĩnh lắm, bèn lại nắm vai chú tiểu lay một cái, nói: “Chú mày giỡn với anh hả? Sao không đuổi theo Hùng, vô đây làm gì?”. Dưới ánh trăng, không gian như đông cứng lại trong mắt Hùng, khi chú tiểu vặn đầu ra sau nhìn thẳng vào anh bằng cặp mắt đen ngòm, miệng hoác rộng, nhểu máu, miệng cậu ta lẩm bẩm: “Thì...tới...nhà...tôi...rồi”. Thông hét lên một tiếng, ù té chạy, chửi thầm trong bụng, giờ đành liều một phen. Nghĩ vậy là làm ngay, anh nhắm hướng thấy Hùng rẽ vào lúc nãy, nghĩ bụng dù gì bắt ấn Chuẩn Đề thử xem sao, cùng lắm gặp ma chém ma gặp quỷ chém quỷ. Lúc ấy trong lòng cậu ta chỉ có lo lắng cho an nguy của người anh em chứ chẳng hề có chút sợ sệt, thực ra là còn cảm giác tội lỗi nữa, lúc ấy Thông cứ nghĩ do cậu mượn cây cọc nên Hùng bị ma bắt đi. Tay bắt ấn, miệng đọc chú, quả nhiên có hiệu lực, mặc dù nhắm mắt đi xăm xăm trong khu rừng ken đặc cây cối, nhưng Thông không hề đụng phải cành cây nào. Xung quanh thì luôn là những tiếng than khóc, có khi là tiếng nấc, khi là tiếng cười man dại. Chốc chốc lại có cảm giác một bàn tay xương xẩu lạnh ngắt từ đâu đó dang ra nắm lấy vai hay kéo áo, Thông cứ giằng ra rồi sấn tới, cho đến khi bên tai anh vang lên tiếng kêu yếu ớt: “Thông ơi, Thông ơi…”. Đúng là tiếng Hùng rồi, nhưng làm sao biết được nên mở mắt ra hay không đây, nhỡ đâu nó dẫn xuống âm tào địa phủ thì sao. Thông chần chừ hồi lâu, chỉ nghe tiếng kêu lại vang lên: “Anh nè, mày làm cái gì vậy, cứu anh!”. Đánh liều một phen, mở mắt ra, trước mắt anh là khu rừng tối om, Hùng đang nằm bẹp dưới đất, có vẻ thương tích nặng lắm. Thông ngay lập tức lao đến, đỡ Hùng dậy. Người Hùng lạnh ngắt, tóc tai rũ rượu, che cả mặt. Hùng thu thào: “Giờ đi tới đó đi em”- anh chỉ tay về một vùng có ánh sáng xanh leo lét. Thông thắc mắc: “Tới đó làm gì anh?”, “Đó là đường ra đó, đi, em ráng vác anh theo đi, anh lạnh quá…”, Hùng vừa nói vừa siết tay lên vai Thông cho chắc. Thông cứ thế kè Hùng, lúc này chỉ có thể thều thào những tiếng đau đớn. Bỗng Hùng nói: “Thông, đưa anh cây cọc kỳ nam, anh tìm ra cách rồi…”, Thông chỉ dạ lên một tiếng, rồi anh lấy cọc ra, đâm mạnh vào tay Hùng một cái xuyên qua cả bàn tay, Hùng chỉ thét lên đầy đau đớn!