Sáng sớm, Hoài Trông đi xuống dưới nhà, thấy mẹ đang lay hoay chuẩn bị đồ ăn sáng ở nhà bếp, cậu đi lại: “Hôm nay mẹ nấu món gì thế?”
“Hôm nay ngày rằm nên mẹ nấu đồ chay. Con thức sớm thế?”
“Dạ con chút nữa cùng với thầy Nam đi thăm bà cụ đó mẹ.”
Mẹ cậu vẫy vẫy hai tay cho khô, sau đó lau vào chiếc khăn, móc từ trong túi quần ra một vài tờ tiền: “Vậy con đưa số tiền này cho bà đi. Tội bà, lớn tuổi rồi mà không có con cháu ở bên. Nếu rảnh thì con đến thăm bà thường xuyên nha. Khi nào ba mẹ rảnh cũng sẽ đi đến thăm bà.”
Hoài Trông mỉm cười nhận tiền: “Dạ, con sẽ đưa cho bà. Có số tiền này bà cũng đỡ được một phần.”
“Một hồi thầy Nam tới rước con hay sao?”
“Dạ.”
“Vậy bảo thầy ấy vào đây chơi một chút rồi đi.”
“Dạ, để con nói.”
“Mà dạo này mẹ thấy con thức khuya quá. Không nên đâu, học vừa thôi, không khéo bị bệnh thì khổ. Cũng còn không bao lâu nữa thì thi rồi, thi xong con có muốn đi đâu chơi không?”
Hoài Trông phấn khích, thiếu chút nữa là nhảy dựng lên: “Yeah! Vậy là ba mẹ đồng ý cho con đi chơi sao? Hay là cả nhà mình cùng về quê ngoại đi mẹ. Lâu rồi con chưa về. Con nhớ quá.”
Mẹ cậu thở dài: “Mẹ cũng muốn đi, nhưng mà xa quá, công việc của mẹ thì cũng bận rộn. Mẹ cũng nhớ lắm mà không biết sao. Có khi mẹ phải bàn với ba rước ngoại con lên đây ở cho dễ chăm sóc.”
“Nhưng con thấy ngoại có vẻ không thích nơi này.”
“Ừm, con nói cũng phải, chỗ này đông đúc nhộn nhịp ồn ào và ô nhiễm, bà thích không khí yên bình, trong lành dưới quê hơn.”
Sau bữa cơm sáng, khoảng một tiếng sau thì Phương Nam tới. Anh vào nhà chơi một chút thì cùng Hoài Trông đi đến thăm bà.
Đứng trước con đường dẫn vào nhà của bà cụ, trong lòng Hoài Trông đột nhiên nhói lên rất nhiều. Mỗi lần cậu đến đây đều cảm giác tương tự. Căn nhà của bà hiện ra trước mắt cậu đã siêu vẹo và mục nát, đứng hiu quạnh giữa những sỏi đá và cỏ dại um tùm bao quanh, giống như tùy thời đều có thể đổ xuống. Không khí rất trầm lặng, ngoài trừ tiếng côn trùng thì chỉ nghe được tiếng ho của bà. Cậu hỏi Phương Nam: “Thầy ơi, có phải là mình nên đến thăm bà thường xuyên hơn nữa, đúng không ạ?”
Phương Nam hai tay đang xách rất nhiều đồ cũng nhìn về phía trước. Anh nói: “Ừm, anh đến đây thường xuyên lắm, hầu như lúc rảnh là đến. Chỉ có em là không đến nhiều thôi. Bà nói nhớ em.”
Nghe nói như vậy, Hoài Trông thấy có lỗi và tự trách bản thân nhiều. Mình thật có lỗi, vậy mà lại không dành thời gian đến thăm bà nhiều. Bà có cảm tình với mình như vậy mà.
Hai người cùng đi vào bên trong. Cảnh tượng mà cậu nhìn thấy lúc này càng khiến cho cậu không cầm lòng được nữa. Nước mắt của cậu không tự chủ được mà rơi xuống, lăn dài trên má. Cậu bỏ đồ xuống dưới nền nhà bằng đất, có lẽ là vì dột nước mưa nên cho chút sinh lầy và có mùi đất nồng nặc, chạy đến gần bà. Bà đang nằm co rúm trên chiếc giường cũ kĩ. Khi nhìn thấy Hoài Trông và Phương Nam thì bà mỉm cười, một nụ cười hằn sâu dấu hiệu của tuổi tác và sức khỏe nhưng là một nụ cười thực sự vui vẻ, thực sự hạnh phúc. Bà yếu ớt nói: “Hai con đến thăm bà đó à?”
Nói xong bà ho khan vài tiếng. Cơ thể bà gầy và hốc hác đi nhiều, da nhăn nhúm lại và rất tái nhợt. Giọng nói của Hoài Trông chợt lạc đi, có chút rưng rưng: “Dạ, tụi con đến thăm bà. Tụi con mang rất nhiều đồ đến cho bà đây ạ. Bà ơi bà khỏe chứ? Con xin lỗi vì không đến thăm bà thường xuyên.”
Bà đang cố gắng ngồi dậy nhưng có vẻ không nổi. Hoài Trông đỡ bà. Bà vẫn giữ nụ cười đó: “Không sao đâu cháu, có đến thăm là bà già này vui rồi, không đòi hỏi gì nữa.”
Phương Nam cũng đi lại, ngồi xuống giường, cầm lấy tay của bà: “Bà bị bệnh sao ạ?”
“Bệnh gì đâu cháu. Già rồi nên vậy đó mà, thời tiết thay đổi chút cũng ho.”
“Hay là để cháu đi mua thuốc cho bà nha.” Hoài Trông nói.
“Không đâu, không cần đâu. Bà có rồi. Hôm qua có đoàn bác sĩ từ thiện đến khám cho bà rồi. Một đống thuốc nhìn đáng sợ lắm.”
“Dạ, vậy bà ăn gì chưa? Để con nấu cháo cho bà ăn nhé, rồi uống thuốc.”
Bà cụ trong phút chốc lặng thinh, nụ cười dần yếu đi, bà nhàn nhạt nói: “Trong nhà làm gì có gạo mà nấu hả con?”
Phương Nam khẽ cười: “Dạ, con có mua ạ. Bà chờ con chút nha, con nấu liền đây.” Anh nhìn sang Hoài Trông: “Nhóc ngồi ở đây nói chuyện với bà nhé!”
Hoài Trông ngoan ngoãn như một chú cún, dùng sức gật đầu. Phương Nam nhẹ xoa đầu của cậu một cái, trong ánh mắt có một tia ấm áp muốn trấn an Hoài Trông. Hoài Trông cũng gửi một cái đáp lại, nụ cười nhẹ nhàng nói rằng mình sẽ ổn mà, không sao đâu, anh cứ đi nấu cháo. Lúc này Phương Nam mới yên tâm rời đi.
Hoài Trông ở lại, mang bọc đồ mà cậu và Phương Nam đã chuẩn bị đến. Cậu mở ra, tươi cười khoe với bà: “Bà ơi, bà xem tụi con có rất nhiều món quà tặng bà nè. Cái này bà mặc chắn sẽ đẹp lắm. Còn nữa, cái này là cái radio để bà nghe cho đỡ buồn ạ. Còn cái này…” Cậu huyên thuyên nói tên từng món đồ, công dụng và cách dùng cho bà.
Bà cụ đưa tay lên xoa xoa bên gò má của Hoài Trông, giọng nói đầy ân cần: “Nếu bà có cháu, chắc nó cũng sẽ tầm tuổi con bây giờ.”
Hoài Trông nhìn thấy đôi mắt bà ngấn lệ,
trong từng giọt lệ nhỏ có lẽ ẩn chứa một hình bóng của ai đó mà cậu không thể biết được. Đột nhiên cậu lấy hết can đảm hỏi: “Bà ơi, bà, bà có thể cho con biết, bà không có gia đình sao ạ?” Vấn đề này cậu đã nhiều lần thắc mắc nhưng cậu lại sợ, giống như sẽ khơi gợi lại một nỗi đau nào đó mà bà đã quên, nhưng vậy sẽ khiến bà càng thêm đau đớn.
Phản ứng của bà lại khiến Hoài Trông vừa nhẹ nhõm vừa thấy nặng trịch. Bà chậm rãi nói, giống như là đang tua lại đoạn phim trong cuộc đời mình: “Thật ra bà có chồng và có con. Nhưng thời còn chiến tranh, trong một lần chạy giặc, vì tình cảnh loạn lạc quá mà bà bị lạc mất chồng con.” Nói đoạn, nước mắt bà ứa ra. Bà nhẹ lau đi, rồi nói tiếp: “Nơi này chính là căn nhà cũ của gia đình bà. Bà sống ở đây để mong một ngày nào đó chồng con bà quay lại tìm. Nhưng đã mấy chục năm trôi qua, bà vẫn không thấy tin tức gì.”
“Chắc có lẽ là họ cũng rất muốn trở lại nhưng lại vì một lí do nào đó mà họ chưa thể thực hiện được.” Hoài Trông muốn an ủi bà, cậu nói tiếp: “Bà ơi, con được dạy chỉ cần có lòng tin thì mọi thứ đều có thể. Biết đâu được họ cũng đang tìm bà. Để con giúp bà đăng tin tìm người thân nhé?”
“Bà cũng có thử rồi nhưng…” Âm thanh dừng lại.
Hoài Trông chờ bà nói tiếp nhưng mãi không thấy, cậu hỏi: “Bà ơi…”
Bà mỉm cười: “Có lẽ họ đang có một cuộc sống mới hạnh phúc, có lẽ họ đã quên bà rồi. Có lẽ bà hiện tại sẽ là gánh nặng cho họ. Nên, thôi, dù gì mọi thứ cũng qua đi lâu rồi, bà bây giờ chỉ cầu mong cho họ thật sự có cuộc sống tốt.”
Trong tận cùng của đau khổ, bà vẫn cười. Nhưng bà ơi, cười làm gì khi nụ cười ấy lại gượng gạo và yếu ớt đến như vậy. Cười như thế chẳng phải rất khó chịu sao?
Rồi sau đó bà vui vẻ kể lại những kỉ niệm vui giữa bà và chồng bà, rồi bà kể tính nết của các con, giống như bà đang được sống lại những kỉ niệm đó. Bà ngủ thiếp đi khi đang kể đến một đoạn nào đó. Thật lạ, những kí ức đẹp đẽ sẽ khiến người ta khi ngủ vẫn mỉm cười vui vẻ sao?
Hoài Trông đi xuống nhà bếp, dù cậu đã cố gắng không tạo ra tiếng động nhưng rốt cục vẫn bị Phương Nam phát hiện. Anh hỏi: “Sao nhóc không ở lại trò chuyện với bà?”
“Bà ngủ rồi ạ.” Cậu nhìn vào nồi cháo, sau đó cầm chiếc giá múc một miếng, thổi thổi cho nguội và đưa vào miệng nếm thử. Cậu gật gật đầu, bàn tay phải làm biểu tượng nút like: “Cũng ngon đó, cho thầy một like.”
“Anh tưởng là rất ngon chứ!”
Hoài Trông chề môi: “Không có đâu há.”
Đợi bà thức dậy, Phương Nam đem cháo lên đúc cho bà ăn. Bà nói: “Bà cảm ơn con nhé, bà tự ăn được rồi. Phiền con nhiều rồi.”
Phương Nam cười: “Dạ không sao đâu ạ, để con đút cho.”
Hoài Trông ngồi bên cạnh giành: “Thầy biết đút không đấy? Hay để em đút cho.” Nhưng yêu cầu không được phê duyệt.
Sau khi ăn cháo xong bà uống thuốc, bà lại ngủ, có lẽ do tác dụng phụ của thuốc. Bụng của Hoài Trông đột nhiên phát ra tiếng động. Hoài Trông lúng túng nhìn Phương Nam đang nhìn mình: “Chẳng qua, chỉ là, dù gì cũng đã trưa rồi, nên em cũng, đói.” Từ cuối cùng rất nhỏ, giống như cố ý để cho đối phương không nghe thấy.
Phương Nam đi thẳng xuống dưới nhà bếp, sau đó mang lên một tô cháo. Phương Nam múc một muỗng, thổi thổi cho nguội: “Nhóc há miệng ra.”
Hoài Trông bất ngờ: “Thầy làm gì thế?”
“Đút nhóc ăn, để cho nhóc coi anh có biết đút không.”
Hoài Trông cười gượng: “Hì, lúc nãy em lỡ lời thôi.”
“Anh không cần biết, dù sao anh cũng phải đút nhóc ăn.”
“Nhưng em không quen dùng chung muỗng với người khác.” Cậu nhìn vào cái muỗng: “Cái này bà mới dùng rồi.”
Phương Nam nhăn mày: “Em thật khó chiều!” Cắn răng nghiến lợi xong một chút mới tìm được cái muỗng khác: “Cái này chưa ai dùng.”
“Nhưng…” Hoài Trông mới mở miệng Phương Nam đã cho muỗng cháo vào. Cháo dính ở mép miệng, anh lấy tay lau. Hoài Trông vừa ăn vừa nói: “Em cũng đâu phải con nít.”
“Vậy thì là nhóc con.”
“Nhưng…”
Phương Nam cắt lời: “Ăn nhanh lên đi, anh còn muốn dẫn em đi một nơi.”
Hoài Trông cũng rất muốn biết đó là nơi nào nên đành ngoan ngoãn ăn thật nhanh.
Thật không thể phân biệt được, rốt cục là do hơi nóng từ cháo hay do điều gì khác khiến mặt cậu đỏ bừng như thế? Trái tim cũng rất năng động, nhảy múa vui ca. Lúc trước khi mình còn nhỏ, ba mẹ đút mình ăn, mình sẽ có loại cảm giác này sao? Phương Nam thật là một người tốt, không chỉ tốt bụng và ân cần với người già mà còn ngay cả với trẻ nhỏ như mình.
Hành động ngọt ngào tạo ra một cảm xúc ngọt ngào.
Trong một khoảnh khắc, cậu tưởng mình là trẻ con, còn Phương Nam chính là vú nuôi.