Đợi đến khi một thanh kiếm gỗ nhỏ được lôi ra từ trong đống hành lý, tôi mới nhớ ra tối hôm đó ông cụ Tôn đã để lại thanh kiếm này cho tôi.
Lúc đó vì vội vã cõng Nguyễn Vân chạy khỏi đó cho nên tôi đã tiện tay nhét nó vào trong túi áo, sau đó thì tôi cũng quên luôn sự tồn tại của thanh kiếm này.
Tôi ngồi trên xe, đưa tay nghịch thanh kiếm nhỏ.
"Đây chẳng phải kiếm ngô đồng sao? Sư huynh lấy đâu ra thanh kiếm ngô đồng này vậy?"
Tam Thanh có vẻ rất ngạc nhiên khi nhìn thấy thanh kiếm.
Lần trước tôi nhìn thấy kiếm ngô đồng là lúc chúng tôi đánh nhau với Miêu quỷ ở nhà họ Phương.
Ông cụ Tôn luôn miệng nói thanh kiếm ngô đồng của ông ấy đã hỏng từ hôm đó.
Thanh kiếm trong tay tôi hiện giờ quả thực là nhỏ hơn nhiều so với thanh kiếm của ông cụ Tôn lúc trước. Ở rìa còn có những vết xước nhìn thấy rõ.
Nếu tôi không nhầm thì đây chính là thanh kiếm mà ông cụ Tôn dùng vào tối hôm đó.
Nhìn thấy những vết xước kia, Tam Thanh cũng như bừng tỉnh ngộ.
"Thanh kiếm ngô đồng này là năm xưa trước khi sư huynh tôi đi phá một chiếc quan tài đá đã khổ sở xin xỏ một vị Đạo sĩ già mới có được đó".
Trong lúc trò chuyện trên tàu, Tam Thanh nhắc tới lai lịch của thanh kiếm này.
Hóa ra năm đó khi Tam Thanh và ông cụ Tôn vừa xuống núi, hai người họ vẫn còn là hai "tấm chiếu mới" vô cùng tò mò về thế giới bên ngoài. Cứ nghe ở đâu có chuyện lạ là khăn gói quả mướp phi đến đó.
Ai ngờ lần đầu tiên thực chiến, họ đã đụng phải Tam Sát Thiên Quan.
"Nói ra thì cũng buồn cười, nguồn gốc của phương pháp hạ mộ này lại là bí thuật của Mao Sơn chúng tôi. Cái gọi là Tam Sát Thiên Quan chỉ là một loại trong Chúng Sát trận".
"Cậu cũng biết, từ thời cổ đại các bậc đế vương đều có phong tục tùy táng. Mà tục tùy táng này thịnh hành nhất là chôn sống. Những vị vua kia sợ nhất là gì? Chính là sau khi họ chết đi, huyệt mộ sẽ bị bọn trộm mộ phá hoại hoặc cướp bóc, thi thể họ sẽ bị phơi dưới nắng. Cậu nghĩ mà xem, cả đời họ được hưởng hoàng quyền, lại còn tự xem mình là cửu ngũ đế tôn. Người như vậy đương nhiên đến chết cũng không muốn từ bỏ vinh hoa và quyền lực".
"Cho nên những kẻ được gọi là thầy âm dương khi đó liền nghĩ ra cách hạ mộ hay còn gọi là bồi táng người sống. Bọn chúng cho rằng những người đó sau khi chết oán niệm sẽ vô cùng lớn, trở thành kẻ canh mộ tốt nhất. Thậm chí chúng còn nghĩ ra đủ cách tàn độc để giày vò những người bị bồi táng đó. Những người càng bị hành hạ giày vò thì sau khi chết oán niệm sẽ càng lớn".
"Mà Tam Sát trận này là sát trận được tạo bởi ba ngôi mộ, trong mỗi ngôi mộ sẽ có hai cỗ quan tài, một là quan tài của mộ chủ hay còn gọi là "Thiên Quan". Còn một người sống bị đặt vào trong cỗ quan tài ngồi bên cạnh mộ chủ, gọi là "Tọa Sát". Nghe tên là đã biết, để tạo thành Tọa Sát này, người sống kia phải ngồi trong quan tài cho đến chết. Nhưng ngoài các cao tăng đắc Đạo ra thì làm gì có ai đạt được cảnh giới như vậy? Thậm chí lại còn cần tới tận ba người?"
Nói đến đây, Tam Thanh quay đầu nhìn tôi.
Từ trong ánh mắt của sư thúc, tôi nhận ra vẻ sợ hãi, thậm chí là đau buồn.
"Tôi và sư huynh lần đầu gặp phải Tọa Sát thậm chí còn không ngờ rằng trên đời này còn có thứ như vậy. Những thủ đoạn như móc mắt, cắt lưỡi so với cách tra tấn này còn chẳng thấm vào đâu. Người trong cỗ quan tài ngồi đó bị đục lòng bàn tay bàn chân, đổ thủy ngân vào, lại còn bị đánh nát các khớp xương, sau đó đặt vào trong quan tài theo tư thế ngồi. Sau cùng là dùng một loại thuốc bí mật khiến họ không nhìn được, cũng không nói được. Lúc đậy nắp quan tài lên, người bên trong vẫn còn sống sờ sờ!"
Nghe Tam Thanh miêu tả mà tôi dựng hết cả tóc gáy.
Chỉ nghĩ đến quá trình đó thôi mà tôi còn thấy toàn thân đau đớn, vậy thì người ngồi trong cỗ quan tài đó chắc chắn phải đau đến mức sống không bằng chết.
"Thủy ngân chống thối rữa, phương thuốc bí mật kia giúp duy trì sự sống. Người sống đó bị nhốt trong quan tài, biết rõ mình chỉ có đường chết nhưng lại không thể chết ngay. Người đó ít nhất phải sống thêm tới mười ngày trong