Người bị vây trong thành trì muốn trốn ra, người đứng ngoài thành lại mong được chen vào.From: Doanh Doanh, 15 tuổi, viết rất nhiều rất nhiều bài thơ nhưng vẫn không làm thơ điền từTo:Tôi của mười năm sau:Khi còn nhỏ, tôi thường lội xuống hồ nước bắt nòng nọc, để vào trong chai nhựa đem về nhà. Bố mẹ bảo tôi hãy đem phóng sinh đi, thả chúng vào trong nước, để cho chúng được tự do. Khi đó tôi liền tự hỏi: Tự do là gì? Nòng nọc được thả vào trong nước là tự do, chim chóc được trở về với bầu trời là tự do, linh dương về với thảo nguyên là tự do, thế còn chúng ta thì sao? Đối với chúng ta, rốt cuộc cái gì mới là tự do? Tôi cảm thấy toàn bộ cuộc sống của tôi đều bị người lớn trong nhà khống chế, tuyệt đối không được phạm sai lầm, không được vượt quá khuôn mẫu dù chỉ một chút, mọi thứ của tôi đều bị họ kiểm soát. Mỗi ngày ở trường đều có bảo vệ gác cổng vô cùng nghiêm khắc, sau khi tan giờ tự học buổi tối trong vòng nửa tiếng phải về đến nhà, có một lần thời gian làm bài thi bị kéo dài, tôi về muộn, bị mắng suốt một tuần. Phải đến cuối tuần tôi mới được xem tivi, mỗi ngày chỉ được xem một tiếng, trời biết là thời gian quảng cáo đã mất tới 20 phút rồi! Tuyệt đối không được đụng vào máy tính, đừng nói là chơi game, dù chỉ lên Tieba hay dạo các diễn đàn thôi cũng bị rút điện ngay. Mỗi lần lên mạng đều phải lén lút như ăn trộm, phải để chân ngay chỗ nút nguồn cục máy, vừa nghe có động tĩnh là phải dùng chân nhất nút tắt nguồn ngay. Tuyệt đối không được ăn vặt ở quán ven đường vì không đảm bảo vệ sinh, nhưng mà tôi cảm thấy đó mới là tuổi trẻ mà, cùng mấy người bạn ngồi bên quán ven đường ăn đêm, chém gió nói chuyện phiếm, nói cười vui vẻ. Kem ly cùng mấy thứ đồ ăn vặt khác cũng không được ăn, mấy thứ đó đều là thực phẩm bẩn, ăn một miếng cũng không được. Không được nói chuyện với bạn nam, nếu không sẽ bị coi là yêu sớm. Không được phép yêu sớm, nếu dám to gan sẽ bị đuổi ra khỏi nhà. Không được đến nhà bạn học chơi cũng không cho bạn học đến nhà chơi. Nếu cùng bạn bè đi dạo phố mua quần áo thì lúc về thể nào cũng bị chê bôi, nói sao mua đồ xấu thế, chất lượng thì kém mà đắt chết đi được. Dù sao tôi làm gì cũng là sai, chuyện gì không được bố mẹ đồng ý đều là sai. Nếu chỉ mặc một cái áo, bố mẹ liền bắt mặc thêm áo khoác, nhưng mà tôi có lạnh đâu. Ăn cơm chừa ra món nào cũng bị nhắc mãi, làm tôi ức chế muốn chết. Chỉ cần tôi không làm theo lời mẹ, bà sẽ ngồi một mình lặng lẽ rơi nước mắt cứ như gặp chuyện gì ấm ức lắm, tôi chẳng còn cách nào, chỉ có thể nghe lời bà.
Giờ ngẫm lại, tôi thật sự không hiểu sao mình có thể sống tới tận bây giờ.
Tôi có một người bạn hàng xóm cùng lớn lên bên tôi từ nhỏ, học xong lớp 10 cậu ấy đã bỏ học, xin vào xưởng dệt làm việc, không sống cùng người nhà nữa. Tôi cực kỳ hâm mộ cậu ấy có thể tự tiêu tiền do mình kiếm ra.
Cậu ấy sơn móng tay màu hồng phấn nhàn nhạt, tóc cũng không cần phải buộc kiểu đuôi ngựa, cậu ấy có thể mặc những bộ váy xinh đẹp, còn có một đôi giày xăng-đan màu trắng đính hoa.
Tôi không có. Lúc lên cấp hai, tôi được tặng một chiếc máy ảnh, là chú tặng cho tôi. Chú có rất nhiều máy ảnh, tôi vẫn thường nghe cô mắng chú, nói bao nhiêu tiền kiếm được đều đổ vào mua máy ảnh. Nhưng tôi cảm thấy chú tôi chẳng làm gì sai, tiền kiếm ra không phải để tiêu cho những thứ làm chú thấy vui sao? Chú không chỉ tặng tôi máy ảnh mà còn dạy cho tôi cách chụp. Khoảnh khắc nhấn vào nút chụp ảnh đó, tôi cảm thấy tôi đã nắm bắt được sự vĩnh hằng. Tôi muốn chụp lại thế giới trong mắt tôi, tôi muốn ra ngoài ngắm nhìn thế giới rộng lớn này. Nhưng bố mẹ lại không đồng ý. Bố mẹ không cho tôi mang theo máy ảnh ra ngoài, nói đồ đắt tiền như thế, nếu tôi làm rơi hỏng hóc thì biết làm sao, thế nên chỉ cho tôi ngồi trong nhà, chụp những cảnh bên ngoài cửa sổ. Họ căn bản không hiểu được, chiếc máy ảnh này tựa như một phần cơ thể tôi vậy, tôi tuyệt đối không làm hỏng nó.
Các bạn nữ trong lớp đều thích đọc tiểu thuyết, đọc xong sẽ cùng nhau bàn tán, tôi không kìm được cũng mượn truyện của họ để đọc. Buổi tối tôi trùm kín chăn, bật đèn pin để đọc. Tôi cũng rất có chừng mực, mỗi ngày chỉ đọc một ít, không làm ảnh hưởng tới giấc ngủ nhưng cuối cùng vẫn bị bố tôi bắt được. Ông ấy đứng ngay trước mặt tôi, xé nát cuốn truyện đó thành từng mảnh. Trong suy nghĩ của bố mẹ tôi, ngoại trừ sách giáo khoa thì chỉ được phép đọc những danh tác của thế giới. Tôi đã nói với bố rằng quyển sách kia không phải là của tôi, là tôi mượn của bạn học, còn phải trả cho bạn! Nhưng bố không quan tâm!
Đợt trước, một bạn nữ rất có năng khiếu trong lớp tới tìm tôi nói chuyện, bạn ấy nghe nói tôi biết chụp ảnh, muốn cùng tôi tham gia một cuộc thi do tạp chí tổ chức, tôi chụp ảnh, bạn ấy làm thơ.
Tôi cực kỳ vui vẻ, lén cầm theo máy ảnh, đến cuối tuần đi phố cổ chụp rất nhiều ảnh. Tối hôm đó lúc về nhà, tôi bị bố mẹ phát hiện, tôi đã giải thích với họ là tôi đã làm xong bài tập rồi. Nhưng bất kể tôi cầu xin thế nào đều không có tác dụng gì, bất kể làm chuyện gì ngoài chuyện học cũng đều là sai, không được phép. Mấy thứ đó sẽ làm tôi tốn công tốn sức, làm tôi mất tập trung, làm tôi xao nhãng, ảnh hưởng tới tương lai sau này.
Bố mẹ cảm thấy tôi đã đến thời kỳ phản nghịch rồi, sắp lên cấp ba rồi, đây là thời điểm quan trọng, tuyệt đối không được lơ là. Bố mẹ ép tôi càng lúc càng quá đáng, mỗi ngày đều đưa đón tôi đi học, cũng không cho phép tôi đụng vào máy ảnh nữa.
Tôi thực sự chịu hết nổi rồi, quá là phiền phức.
Mỗi ngày tôi đều tranh luận với bố mẹ nhưng chẳng có tí hiệu quả nào. Tôi đối đầu với họ chẳng khác gì quăng hòn đá nhỏ ra giữa đại dương mênh mông, chẳng tạo ra nổi một gợn sóng, càng không bao giờ có thể lấp đầy biển khơi.
Có lúc, tôi chỉ mong mình được làm bù nhìn bị người ta cắm ngoài ruộng, ít nhất nó cũng được ngắm nhìn cả ruộng lúa, khi gió nổi lên còn có thể nhìn thấy màu xanh của bầu trời. Tôi viết cho cậu lá thư này là vì muốn báo cho cậu biết, tôi đã quyết định rồi. Ngày mai trước khi trời sáng, tôi sẽ bỏ trốn khỏi nhà. Tôi không nói đùa, tuyệt đối không đùa cũng không phải doạ dẫm gì cả, tôi không phải muốn lôi kéo sự chú ý của người khác gì hết, tôi chỉ thực sự muốn trốn khỏi nhà. Tôi đã chuẩn bị tiền và hành lý xong xuôi cả rồi, tuy rằng tôi còn chưa quyết định sẽ đi đâu. Tôi còn mang theo một quyển sách — “On the road” của Jack Kerouac cùng chiếc máy ảnh quý giá nhất của tôi. Tôi muốn ngao du khắp chân trời, muốn tận hưởng cuộc sống này, tôi không chịu nổi những ngày tháng của mình hiện tại nữa! Tôi đã đọc rất nhiều sách, từ trong đó tôi đã biết được, có rất nhiều người ưu tú, đạt được thành tựu lớn lao, rạng danh trong sự nghiệp đều không đi theo kỳ vọng thông thường của mọi người xung quanh là chỉ cắm đầu vào học, rồi thi vào trường Đại học tốt. Con đường vắng vẻ ít người đi kia mới đích thực là con đường thành tựu trong mơ của tôi. Tôi muốn thoát khỏi những người luôn muốn khống chế cuộc đời tôi. Cuộc đời tôi phải do chính tôi tự quyết định.
Reply from: Tôi của mười năm sau:Cậu hỏi tôi tự do là gì, tôi không trả lời được. Vậy cậu nói cho tôi nghe xem, cậu cảm thấy tự do là gì?
Trong “Từ điển Tân Hoa”, “Tự do” được định nghĩa là: Trong phạm vi quy định của pháp luật, mọi người có quyền được tuỳ ý quyết định hoạt động của mình; theo quan điểm triết học, mọi người từ trong thực tiễn nhận thức được quy luật khách quan, cũng có thể dùng ý thức vận dụng vào thực tiễn, không chịu sự kiểm soát và hạn chế.
Tôi cực kỳ thấu hiểu với những cảm xúc tuổi dậy thì của cậu, tôi hiểu rõ quãng thời gian đó khổ sở biết nhường nào. Nhưng mà tôi không cảm thấy đó là lý do chính đáng để cậu tuỳ tiện bỏ nhà ra đi. Thế giới này không phải là để so sánh xem ai khổ hơn ai, không phải cứ so xem ai trải qua nhiều đau khổ hơn để phân định. Thực sự không nên cứ mãi kể lể với người khác xem cậu đã cực khổ như thế nào. Trên đời này người khổ hơn cậu có rất nhiều. Những người thực sự khốn khổ sẽ không tùy tiện kể lể, bởi bọn họ thật lòng không muốn nhắc tới, mỗi lần nhắc tới là đau thêm một lần. Cứ làm một cô nữ sinh bình dị, thế cũng được rồi.
Trong suốt mười năm qua, có không ít lần tôi đứng trên cầu vượt, nhìn dưới cầu “ngựa xe như nước”, trong cơn gió đêm tôi tự hỏi mình: “Tự do là gì?” Khi mới mười mấy tuổi đương nhiên chẳng thể nào tìm ra đáp án, chúng ta chỉ đành chờ thêm mấy năm. Cậu có biết cậu của mười năm sau như thế nào không? Khi ấy đúng là cậu đã bỏ nhà trốn đi, trên lưng vác theo chiếc máy ảnh, định phiêu bạt khắp chân trời góc bể, chỉ để lại cho thế giới này một bóng lưng ung dung tự tại. Cậu đi quanh quẩn một hồi rồi chạy tới ga tàu hoả, mua một vé cho chuyến tàu xuất phát sớm nhất. Tàu đưa cậu tới Tây An – cố đô lục triều. Cậu cảm thấy đây là một dấu hiệu tốt, nơi đó là cột mốc lịch sử của lịch sử, đồng thời cũng là cột mốc lịch sử của cuộc đời cậu.
Có điều, hành trình tìm kiếm tự do lần đó của cậu chỉ kéo dài có năm ngày, cậu cũng không phải bị bắt về mà là ngoan ngoãn tự tìm đường
về nhà. Vì sao à? Vì hết tiền chứ sao. Tính ra cậu cũng còn biết điều, hết tiền, đói bụng, không có nơi ở, thế là mặt xám xịt cúp đuôi về nhà. Tôi cảm thấy trong từng ấy năm gần nửa đời người, đó chính là quyết định sáng suốt nhất mà cậu từng đưa ra. Chuyện này coi như là bí mật giữa tôi và cậu, suốt mười năm nay tôi chưa từng kể với ai bởi thực sự là quá mất mặt. Tôi nói cậu nghe, kỳ thực lúc đó cậu chẳng phải là theo đuổi tự do gì cả, đó chỉ là thời kỳ phản nghịch tuổi dậy thì của cậu thôi. Sau đó, cậu quay lại trường học, tiếp tục học hành chăm chỉ, làm một học sinh ngoan ngoãn, thi thoảng cũng tranh luận với bố mẹ và thầy cô nhưng cũng chưa từng làm chuyện gì quá bất bình thường. Đến lúc thi Đại học cậu cũng làm bài khá tốt, đỗ vào một khoa chính quy, coi như không làm bản thân mình thất vọng.
Lên Đại học, cậu đăng ký vào câu lạc bộ nhiếp ảnh, có tham gia mấy cuộc thi về nhiếp ảnh, lớn nhỏ đều có nhưng cũng chưa từng đạt giải cao. Sau đó có mấy bạn nữ tới tìm cậu nhờ chụp ảnh giúp, dần dần cậu cũng có chút tiếng tăm trong trường, rất nhiều người tới nhờ cậu chụp ảnh.
Giờ tôi đã trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, sau khi tốt nghiệp vào làm việc tại một studio nhiếp ảnh, làm được hai năm thì tách ra tự mở studio riêng. Nhưng phần lớn thời gian tôi vẫn đi đi lại lại khắp nơi trên cả nước, mấy năm gần đây cũng đi nước ngoài khá nhiều.
Tôi vẫn thường đi Tây An, mỗi lần đến Tây An đều phải ăn món “đỉnh băng” cùng một đĩa thịt thái sợi giống như cậu lúc trước vậy. Hình như tôi đã trở thành kiểu hình mẫu mà cậu vẫn luôn ngưỡng mộ. Giờ bố mẹ cũng không thèm quản tôi nữa, nói là mắt không thấy cho lòng đỡ phiền. Nhưng đến lượt tôi cảm thấy không quen, trước khi làm chuyện gì cũng đều gọi điện bàn bạc với họ, mỗi lần họ nói với tôi “Tự con xem rồi quyết đi”, tôi lại thấy rất khốn khổ, cảm giác phí cả tiền điện thoại luôn.
Tôi cũng thường nói chuyện phiếm với mấy người bạn làm công việc theo giờ hành chính sáng đi chiều về, họ đều nói rất hâm mộ tôi, cảm thấy cuộc sống của tôi rất tự do. Tôi thực sự không thể phản bác, giờ điều khiến tôi nghẹn lời nhất chính là nghe người khác nói tôi sống thật tự do, bởi tôi có cảm giác điều mà họ thực lòng muốn nói chính là họ hâm mộ tôi có thể chơi bời lêu lổng cả ngày, không cần đi làm, chỉ cần tuỳ tiện nhấn vài nút trên máy ảnh là khỏi cần lo chuyện cơm ăn áo mặc.
Đây là “tự do” sao? Nếu nói như vậy chính là đang bôi nhọ hai chữ “tự do” này. Một người, phàm là có chút dục vọng lập tức sẽ bị gông xiềng, một khi đã bị gông xiềng trói buộc thì không thể cả ngày lải nhải rằng mình tự do. Nhưng nếu ngay cả chút dục vọng cũng không có thì tồn tại còn có ý nghĩa gì nữa. Sau khi thông suốt được vấn đề này, tôi không còn tự hỏi mình cái gì là “tự do” cũng không còn theo đuổi tự do. Cho nên hiện tại tôi cảm thấy “tự do” đối với tôi mà nói là một từ mang nghĩa hàm ý. Hàm ý là “Tôi tình nguyện, tuyệt không hối tiếc”. Đời này vừa ngắn ngủi lại gian khổ, tuỳ hứng một chút thì được, quá tuỳ hứng thì không hay rồi.