Giờ giải lao, anh ngồi trầm ngâm suy ngẫm tìm hiểu phần súng ống được ghi trong sách. Việt Tiến đang đứng ngoài hành lang gọi:
- Không ra chơi à, làm gì mà ngồi im thế.
Việt lắc đầu:
- À không, tao đang có việc chút.
- Có chuyện gì mà phải tập trung dữ thế, vậy thôi, mày cứ ngồi yên đấy đi.
- Ừ!
Việt ngồi nguyên ở chỗ một chốc, thấy hai cô gái bên cạnh cũng không đi đâu, cảm thấy có hơi kỳ kỳ bèn đi ra hành lang đứng hóng gió. Tiến ngạc nhiên:
- Sao mày bảo bận không ra ngoài.
Việt đáp:
- Ừ, nhưng ngồi nghĩ mãi không ra nên tao ra ngoài cho thoáng đầu óc.
- Học quốc phòng thì có gì mà nghĩ với chả ngợi, chắc mày đang tìm cách làm hòa chứ gì.
Việt không muốn đôi co với thằng bạn về vấn đề này nữa, bèn nói:
- Thôi, đừng nói cái này, tao nhức đầu lắm rồi đây.
Hùng bật cười:
- Không nói thì không nói. Mà này, thầy chú ý tới mày rồi đấy.
Việt sửng sốt, hỏi lại:
- Tại sao?
- Thì từ đầu giờ đến giờ mày toàn làm việc riêng chứ đâu chép bài, thầy đứng trên kia nhìn thấy, mày chết chắc rồi.
- A, chết thật!
Việt vỗ trán sực nhớ thầy chỉ huy đại đội anh đã từng nói lâu lâu sẽ kiểm tra vở chép một lần. Ham mê súng ống quá ảnh hưởng đến việc học, thế thì không tốt. Anh gật đầu liên tục:
- Vào lớp tao sẽ chép. May có mày nhắc nhở. Mà khi hết giờ, mày cho tao mượn vở nhé.
- Ừ!
Hết thời gian giải lao, Việt ngồi lại chỗ cũ. Thấy thế, Ngọc thì thầm vào tai Hằng:
- Hằng, chúng ta chuyển chỗ đi.
Hằng nghe vậy khuyên bảo:
- Chuyển chỗ thế nào cũng bị xúm lại trêu chọc nữa cho mà xem, thôi cứ ngồi yên đấy đi.
Ngọc thấy lời khuyên của Hằng cũng hợp lý nên đành gật đầu đồng ý. Việt ở gần bên nghe được, thầm thở dài não nề.
Vì đang bị stress nên anh chẳng có tâm trạng nào làm việc gì nữa, chữ vào tai này lọt sang tai kia, thành ra tay anh thì chép lời thầy giảng mà đầu thì toàn nghĩ đâu đâu, hết ngồi ngẩn ngơ rồi lại ngó ngang liếc dọc. Thỉnh thoảng Ngọc cũng đổi hướng mắt ra chỗ khác cho thông thoáng đầu óc, thoát khỏi những ý nghĩ về chuyện ban nãy, ánh mắt hai người có vô tình đụng nhau thì vội vàng quay đi ngay lập tức.
Bài giảng của thầy có lẽ không thu hút được người nghe nên sinh viên trong lớp cũng bắt đầu nói chuyện riêng rì rầm. Bốn tiết lý thuyết trôi qua một cách nặng nề, sinh viên nào cũng nản môn học này, ai cũng muốn về sớm. Cho nên khi chuông báo hết giờ thì tức thì ùa ra khỏi cửa cho nhẹ người vậy. Thu Ngọc lạnh lùng bước ra, cô đi rất nhanh, dường như sợ Việt sẽ lại đến gần cô vậy, thậm chí cũng chẳng đợi Hằng. Hằng thấy vậy chỉ lắc đầu, mau chóng thu dọn sách vở rồi đi về theo. Việt bắt gặp thái độ của Ngọc có vẻ căng thẳng quá đâm sợ nên anh nghĩ nhất quyết phải giải quyết hiểu lầm này một lần cho xong, nếu còn để kéo dài sẽ dẫn đến những rắc rối không thể cứu vãn được. Vì thế, nhân lúc không ai có ai để ý, anh bèn tiến lại gần Hằng nói nhỏ:
- Này Hằng, mình có chuyện muốn nhờ bạn giúp.
Hằng đáp:
- Việt định nhờ giải thích với Ngọc giùm phải không?
Hằng là cô gái thông minh và tinh tế nên dễ dàng hiểu được mục đích của anh đến tìm cô. Việt gật đầu:
- Đúng thế. Trong lớp chỉ có bạn biết chuyện này là hiểu lầm, mình nghĩ chỉ có bạn giải quyết được nên nhờ đến bạn.
Hằng bỗng giở giọng tinh quái:
- Lần trước thì đúng là hiểu lầm nhưng vừa nãy thì mình không dám chắc, có khi là thật ấy chứ.
Anh cười khổ:
- Đến mức này mà bạn còn đùa được sao? Sáng nay mình tập trung việc khác, đâu biết gì nên buột miệng đùa giỡn. Bạn giúp mình đi mà!
Hằng nghĩ bụng, bản thân mình là người gây ra hiểu lầm, đi giải quyết cũng là điều hợp lý nên cô đồng ý:
- Mình sẽ cố gắng khuyên giải Ngọc, còn cô ấy hết giận không thì mình không dám chắc đâu đấy.
- Minh tin là bạn làm được. Thôi, mình về phòng đây, mình sẽ đợi tin vui từ bạn.
- Ừ.
Việt xoay người rời đi, mới được hai bước thì anh quay lại nói:
- À, bạn cho mình xin số điện thoại để tiện liên lạc nhé?
Hằng do dự giây lát rồi đọc số của mình cho anh. Anh cám ơn rồi tiến về dãy phòng dành cho nam sinh. Đứng phía sau lưng anh, ánh mắt của Hằng ẩn hiện vẻ phức tạp, dương như e ngại điều gì đấy.
Việt quay về phòng tiếp tục công việc chép bài, đây là cái giá phải trả cho sự sao nhãng học tập. Anh chép gần xong thì tới giờ ăn trưa. Xong bữa trưa lại cặm cụi chép tới tận mười hai giờ rưỡi mới hết. Đặt lưng xuống ngủ chưa bao lâu thì phải thức dậy đi học tiếp phần lý thuyết của sáng nay. Buổi chiều hai cô gái lên trên mấy dãy bàn trên ngồi học nên tâm trạng anh thoải mái hơn nhiều. Có điều, vì thiếu ngủ nên đầu cứ ong ong, chỉ chép bài chứ chẳng hiểu thầy đang nói cái gì, còn mệt mỏi hơn cả buổi sáng nữa.
Đến tầm trên dưới bốn giờ chiều thì tan. Từ bây giờ cho đến năm rưỡi, là khoảng thời gian tự do cho sinh viên. Việt trở về phòng rất nhanh, thay đồ đeo tạ chạy ra khoảng đất kín đáo kia để tiếp tục quá trình tập luyện.
Kinh mạch của anh giống như hầu hết những người mới bắt đầu tu luyện, còn bị bế tắc nhiều chỗ nên di chuyển rất khó khăn. Hơn nữa, bản thân anh biết mình đã qua độ tuổi tốt nhất cho việc luyện võ nên chặng đường phía trước còn rất gian nan vất vả. Có điều, nói đi rồi nói lại, phải công nhận anh là kỳ tài luyện võ. Chỉ trong năm sáu ngày kể từ trước đợi quốc phòng, anh đã cảm nhận được một tia chân khí ấm nóng tại Đan Điền. Vì mới tu luyện nên nó còn yếu ớt, mỏng manh. Mỗi lần hít vào thở ra, nó di chuyển rất chậm. Nhưng mà dẫu sao đó cũng đã là cực kỳ tốt, bởi anh vẫn hơn nhiều người, luyện lâu mà không thể cảm nhận được nó.
Nhìn thấy kết quả mình vừa đạt được, anh rất vui mừng. Anh càng tin chắc bằng vào quyết tâm và ý chí của mình, anh sẽ làm được những điều phi thường. Anh dành hết thời gian nghỉ ngơi trong chiều cho luyện công, phần thời gian còn lại thì tập võ lực, chiêu thức.
Khi mải mê tập trung vào một
công việc nào đấy thì con người ta sẽ có cảm giác thời gian trôi qua rất nhanh. Anh buồn bực vì luyện chưa “đã” thì đã đến giờ cơm nước. Anh vội vàng chạy về tắm rửa, vệ sinh cá nhân. Sau bữa tối thì việc tập trung điểm quân số buổi tối hằng ngày là điều không thể thiếu. Khi lớp đã đông đủ, thầy Bách bắt đầu nói:
- Hôm nay là buổi học đầu tiên của đại đội, ngày mai chúng ta sẽ học phần thực hành với súng. Vì thế tối nay chúng ta sẽ có các công việc sau đây: thứ nhất là chọn một người làm tiểu đội trưởng của mỗi lớp, thứ hai là phân công người lấy súng ra, cất súng vào và cả lau chùi súng. Đầu tiên, mỗi lớp chọn ra một người làm tiểu đội trưởng.
Hai lớp đã chọn được tiểu đội trưởng cho lớp mình, riêng lớp của anh ai cũng bầu cho lớp trưởng nhưng thầy lại lắc đầu không đồng ý:
- Cái anh lớp trưởng này không đủ khả năng. Ngày đầu lên đây không biết cậu ta đi đâu để lớp làm ồn, rồi khi bị phạt đứng nắng, cậu ta cũng là một trong những người gục đầu tiên! Cậu ta không thể làm tiểu đội trưởng của lớp này được.
Cả lớp đồng thanh cười lớn. Cậu lớp trưởng lớp anh ban đầu nghe thành viên chọn mình thì mừng hớn hở ra mặt, đến khi nghe thầy chê thì lại ỉu xìu như bánh bao ngâm nước. Có nam sinh hỏi:
- Dạ nếu lớp trưởng không được thì nên chọn ai ạ?
- Thế tôi sẽ chọn, dù không muốn cũng phải làm.
Nói xong thầy đưa mắt nhìn tất cả các nam sinh trong lớp, đặc biệt dừng ở Quốc Việt và Đình Hiếu lâu hơn những người khác một chút. Việt chột dạ, thầm kêu không ổn, xem ra thầy đã chú ý đến anh và tên Đình Hiếu từ buổi phạt hôm ấy rồi. Thế rồi thầy chỉ vào Đình Hiếu và nói:
- Em sẽ làm tiểu đội trưởng của tiểu đội ba
Không chỉ riêng Đình Hiếu mà cả lớp đều ngạc nhiên, chẳng ai ngờ thầy sẽ chọn hắn ta là tiểu đội trưởng. Mọi ánh mắt đều đổ dồn về hắn. Thầy Bách nói:
- Cậu ta có thể chịu phạt đứng nắng hai tiếng là giỏi và cũng tập trung đúng giờ nên tôi chọn cậu ta làm tiểu đội trưởng của tiểu đội ba.
Sinh viên hiểu ý thầy, đồng loạt ồ lên thán phục. Đình Hiếu thấy bản thân dường như là trung tâm của mọi sự chú ý; trong lòng hắn bỗng xuất hiện cảm giác lâng lâng khó tả. Đồng thời được thầy khen ngợi một câu, cũng đáng để tự hào.
Lúc này cũng có người vui mừng không kém gì hắn, đó là Quốc Việt. Anh vốn không muốn để ai chú ý đến mình để chuyên tâm luyện tập. Việc làm chức vụ gì đó thì lại phải mất thêm thời gian, chưa kể còn khiến người khác chú ý hơn. Anh chưa kịp thở phào lại nghe thầy chọn tiếp:
- Đã có tiểu đội trưởng thì phải có tiểu đội phó. Người này là...
Việt thêm một lần thót tim. Khi thầy chọn một tên trong những người chịu phạt giỏi nhất hôm qua làm tiểu đội phó thì anh vuốt vuốt ngực nhẹ nhõm. Anh thầm hớn hở: “May quá, vẫn không có mình. Nếu mà nhận mấy chức đấy thì thời gian đâu mà luyện chứ.”
Bỗng thầy chỉ vào anh và nói:
- Cậu này sẽ làm nhiệm vụ quản lý súng.
“Đã bị thầy chú ý thì rốt cuộc vẫn chạy trời không khỏi nắng.” Việt vui vẻ chưa được bao lâu đã chuyển sang chán nản. Anh khẽ thở dài nhận lệnh. Thầy tiếp tục nói:
- Quản lý súng rất đơn giản, sáng lấy súng ra, học xong thì đem cất, và lau súng định kỳ. Cậu nhớ kỹ chưa?
- Dạ rồi ạ!
- Sáng mai sau khi tập thể dục buổi sáng xong cậu theo tôi đi nhận súng. Rõ chưa?
- Dạ đã rõ.
- Tốt, tối nay chỉ thế thôi, tan họp
Trong lúc quay trở về phòng, tên Tân to nhỏ với Đình Hiếu:
- Hiếu, thầy cho mày làm chức tiểu đội trưởng, vụ này rất hay đấy.
Hiếu chưa nắm bắt được ý của hắn ta nên hỏi:
- Mày định nói cái gì?
Tân đáp:
- Chả phải tiểu đội trưởng có những đặc quyền riêng à?
Đình Hiếu lờ mờ hiểu tên bạn muốn đề cập đến cái gì, chẳng qua hắn vẫn hỏi lại:
- Ý của mày là sao?
Tân hạ giọng xuống trả lời:
- Thì mày cứ lợi dụng quyền của tiểu đội trưởng để mà...
Tên Trường bên cạnh cũng ghé tai vào nghe. Không rõ Tân nói cái gì, chỉ thấy ánh mắt hai gã sáng rực, ẩn hiện sự nham hiểm. Tên Hiếu vỗ vai Tân gật gù nói:
- Xem ra tao đã không khen mày quá lời, mày đúng là một thằng chuyên nghĩ ra những kế hoạch hoàn hảo.
Tân tỏ ra khiêm tốn:
- Ấy, chỉ là một chút kế nhỏ, mày đừng tâng bốc tao quá lên thế.
Nói xong cả ba thằng cùng cười đầy khoái trá.
Việt không về phòng cùng nhóm bạn ra căng tin trong trường quân sự uống nước, tất nhiên không thiếu khoản đỏ đen, cũng giống như khi ở dưới dãy trọ, đánh bài tính tiền nước để thư giãn. Bốn thằng chơi hai mươi mốt ván bài, kết quả thì vẫn như trước đây, Việt luôn là người trả tiền nước. Anh thầm than cái số “đen cả tình” và đen cả bạc. Bốn người đánh hơn một tiếng đồng hồ, vừa đúng đến giờ ngủ. Một ngày lại hết.