Quốc Việt đánh nhau với người ta rầm rộ như vậy, đương nhiên sẽ có người lo sợ to chuyện mà báo cho cảnh sát. Băng nhóm chúng hành động ngang nhiên, chắc hẳn cảnh sát đã theo dõi từ lâu. Chỉ cần người dân tả qua loa là họ biết ngay; còn tại sao họ điều tra được nhóm anh thì anh đoán do đám lưu manh đó khai ra.
Nhắc tới đám lưu manh mới nhớ, đỉnh núi nhỏ hẹp thế này, giờ đang lúc sáng sớm, lỡ như bọn chúng kéo nhau lên đây thì biết trốn chỗ nào bây giờ. Chẳng qua anh lại nghĩ, khả năng chúng mai phục dưới đó khá lớn, đi xuống dưới cũng chả tốt hơn bao nhiêu. Ở cũng chết mà xuống cũng tiêu, thôi thì ở trên này luôn vậy.
Không có việc gì làm, anh bèn liếc sang cái vật kỳ lạ đã tìm được tối qua. Nó có dạng hình hộp chữ nhật được làm bằng loại vật liệu gì đấy mà anh không biết. Anh quan sát cẩn thận, thấy một bề mặt của chiếc hộp được chạm trổ rất cầu kỳ. Một cặp rồng vàng uốn lượn trong tư thế hướng về hòn ngọc được nạm ở chính giữa tạo thành tư thế quần long chầu ngọc kinh điển.
Quốc Việt gật gù hài lòng nghĩ thầm: "Thiết kế của chiếc hộp cũng có phong cách quá chứ!” Anh mân mê chiếc hộp kỳ lạ. Khi lật ngược chiếc hộp xuống, anh phát hiện mặt dưới có nhiều hoa văn cổ xưa quái dị, nhìn mãi mà cũng không nhận ra được những hoa văn này có ý nghĩa gì. Anh lại xoay lên trên ngắm nghía hình đôi rồng. Anh sờ hết viên long châu chính giữa đến hình đôi rồng hai bên vẫn chẳng phát hiện ra cái gì khác lạ. Chợt anh cảm thấy mắt của con rồng bên trái hình như hơi lõm xuống khi dùng ngón tay ấn vào, thử với con bên phải thấy cũng tương tự. Anh đoán chúng có thể là những cái nút hay kiểu như chìa khóa để mở chiếc hộp này. Anh bèn nhấn thử từng cái, không được, hai cái cùng lúc, không được, ấn giữ cái này rồi ấn tiếp cái thứ hai, vẫn không được. Anh ngửa mặt than thở:
- Chán quá! Rốt cuộc phải mở sao đây?
Việt vẫn không chịu bỏ cuộc. Anh cau mày, bóp trán suy nghĩ. Hai bàn tay của anh cứ bấm liên tục trên chiếc hộp, về sau chả hiểu bấm thế nào thì bỗng dưng chiếc hộp có phản ứng hồi đáp.
“Lách cách! Lách cách!” Âm thanh từ trong chiếc hộp, các cấu trúc trong đó đang di chuyển, và...
“Rắc!” Ổ khoá đã được mở, anh cảm thấy tim mình như ngừng đập, chăm chú nhìn vào chiếc hộp, hồi hộp chờ đợi điều sắp sửa xảy ra.
“Bốp!” Một tiếng động lớn vang lên.
“ÁÁÁÁ!!!!” Anh đau đớn hét thảm.
Nắp chiếc hộp được mở, và phần dưới nắp của chiếc hộp rơi mạnh xuống bàn chân anh đang ở ngay phía dưới. Cú rơi khá mạnh làm nó đỏ tấy lên. Anh ôm chân ngồi lên nằm lăn lộn trên đất, cú đập vừa nãy đau thấu trời, suýt chảy cả nước mắt. Cái hộp có làm bằng nhựa đâu.
Anh xuýt xoa rên rỉ, vừa dùng tay bóp lấy bóp để bàn chân cho hết đau, vừa quan sát. Phần nắp và đáy hộp đã tách ra làm hai. Lần mò hồi lâu, anh phát hiện mình đã lật ngược chiếc hộp, cho phần đầu xuống dưới mà phần đáy lên trên. Tiếp tục kiểm tra thì anh thấy dưới nắp chiếc hộp và các mặt bên có những bộ phận răng cưa ăn khớp vào nhau nhằm tạo ra sự chuyển động. Ngoài ra còn có một chốt hình lưỡi gà đóng vai trò liên kết hai phần nắp đáy lại với nhau. Thảo nào mặt ngoài nó phẳng lỳ, không thể tìm thấy chỗ mở.
Nhưng làm cho anh chú ý nhất là bọc vải đỏ trong lòng hộp. Bọc vải rất dày làm giảm sự va đập của vật chứa bên trong với thành hộp. Chả trách khi anh lắc không nghe thấy gì cả. Anh mở tiếp bọc vải, thì thấy trong đó có một tờ giấy, một quyển sách bìa màu vàng. Quyển sách trông khá cũ, nhưng giấy thì vẫn tốt, xem chừng là sách từ thời xưa.
Trên bìa có đề bốn chữ Nôm. Anh có thể nhận biết hai chữ, dịch ra chữ Quốc Ngữ, một là Quang, hai là bút, còn hai chữ kia hoàn toàn không nhận ra. Nhưng nếu là sách Nôm thì anh đoán tuổi của nó ít nhất khoảng một trăm năm.
Anh mở tờ giấy đọc đầu tiên, nó chi chít chữ, nội dung chia làm hai phần, phần đầu rõ ràng là một đoạn văn, còn phần sau hình như là một bài thơ được làm theo thể song thất lục bát. Dòng chữ đầu tiên phía trên bài thơ, anh nhận ra được ba chữ: [ lê], [ai], [vãn].
“Sao mấy từ này gợi cho mình nghĩ đến cái bài gì đó từng đọc rồi nhỉ?” Dường như Quốc Việt đã bắt gặp chúng ở đâu đó trước đây. Anh vuốt cằm cố gắng nhớ lại đã thấy cái này ở đâu, nhưng qua hồi lâu mà vẫn không nghĩ ra là cái gì.
Vì thế anh tạm thời bỏ qua. Anh tiếp tục lật sách ra, ba trang đầu toàn là chữ, có vẻ đây là phần Lời nói đầu hay Giới thiệu tác giả tác phẩm thường thấy trong các quyển sách. Dựa vào kinh nghiệm mười mấy năm xem ông của anh viết thư pháp có thể đưa ra một vài nhận xét về chữ viết của tác giả: Chữ viết phóng khoáng, góc cạnh rõ ràng, bút lực như muốn xuyên thủng giấy, phảng phất hùng tâm tráng chí ngút trời. Điều này chứng tỏ người viết ra quyển sách này là người mạnh mẽ, một trang nam tử đầu đội trời chân đạp đất, cũng rất có thể là một anh hùng chấn động cổ kim của thời đại trước. Lật sang các trang sau, anh chưa kịp trấn tĩnh lại từ kinh ngạc đó, thì bị rung động trước những gì đập vào mắt. Anh đã thấy gì vậy?
Đó là các chiêu thức võ công; trảo pháp, quyền pháp, cước pháp, chưởng pháp, đao pháp, kiếm pháp...v.v... đủ các loại, nhìn đến hoa cả mắt. Anh không ngờ đây là sách dạy võ. Đâu chỉ thế, phần sau còn khiến anh kinh ngạc gấp nhiều lần. Phần còn lại bao gồm vô số hình vẽ người đàn ông loã thể ở những tư thế khác nhau, ngồi xếp bằng có, nằm có, cả trồng cây chuối... Trên thân người vẽ các đường dây chạy từ đầu tới chân. Theo các tài liệu võ thuật hiện đại anh từng đọc thì đó là các đường kinh mạch và người đàn ông đang luyện Khí Công. Phần này chiếm gần một nửa quyển sách. Hơn nữa, nó được viết bằng chữ Nôm thì chả phải bình thường.
Gấp sách lại, anh tạm thời không thể xác định quyển sách kiểu “bí kíp võ công” này là thật hay giả. Lý trí nhận định đây là giả, nhưng tận sâu trong tiềm thức, anh
vẫn hi vọng đây là hàng thật giá thật, bởi lẽ chả có ai rảnh, bỏ thời gian vẽ vời mấy cái này rồi chôn kỹ nó trong bàn cờ đá cả, mặc dù, trực giác của anh chưa một lần chính xác. Muốn chứng minh nó là thật hay giả cứ dịch bức thư kia trước.
Đã có ý định là phải làm ngay, Quốc Việt bắt đầu dịch từ tờ giấy ghi bài thơ đó. Phần đầu của tờ giấy là một đoạn văn khá dài, chữ dày đặc, lại là chữ Nôm nên anh nhìn hoa cả mắt. Anh học chữ Nôm với ông từ nhỏ nên hi vọng có thể đọc hiểu chút gì đấy. Anh lấy hết vốn liếng về chữ Nôm được học ra đọc.
Sau một hồi đánh vật với mớ chữ Nôm, Quốc Việt chợt sửng sốt! Tuy anh chỉ đọc lõm bõm, chỗ được chỗ mất, nhưng từng đấy cũng đủ khiến anh ngạc nhiên. Trong bức thư đó viết điều gì?
Đại để thì có thể hiểu thế này: quyển sách này do một bà hoàng thời gian thế kỷ thứ mười bảy là Bắc Cung Hoàng Hậu Lê Ngọc Hân viết. Mà hoàng hậu Ngọc Hân thì quá nổi tiếng rồi, vợ một người anh hùng dân tộc danh vang bốn bể, vi tướng tài ba kiệt xuất, vị vua lỗi lạc: Quang Trung - Nguyễn Huệ. Trong tờ giấy bà ghi lại rằng, vào một đêm nọ vua bị kẻ thù đáng sợ nhất hãm hại. Dường như vua đã biết trước "con đường" của mình nên ngài đã đặt quyển sách nọ kia vào chiếc hộp mà ngài đã sai một người thợ giỏi làm. Sau đó ngài vời Chính cung Hoàng Hậu Bùi Thị Ngạn cùng bà vào và căn dặn: "Ta gặp đại nạn, nếu ta qua khỏi thì rất tốt, còn nếu không thì hai nàng phải cất giữ nó thật cẩn thận để truyền lại cho con, tất cả mọi điều ta đều ghi ở trong." Quả nhiên sáng hôm sau, vua băng hà khi trong buổi chầu giữa bá quan văn võ.
Diễn biến sau khi vua qua đời thì Quốc Việt không biết vì đọc đến đây thì anh tịt, chẳng thể hiểu nổi các phần khác. Chính sử mà anh học ở trường nói rằng Nhà Tây Sơn mất đi trụ cột, nội bộ lục đục, cuối cùng đành chịu thất bại về tay Nguyễn Ánh, tức vua Gia Long sau này, có điều, ở khoảng thời gian nằm giữa đấy có gì uẩn khúc hay tại sao bí kíp ở trên ngọn núi này thì chịu bó tay. Có lẽ phần mà anh chưa hiểu chứa đựng tất cả những điều đấy.
Đồng thời, anh đã khẳng định bài thơ trong bức thư là bài “Ai tư vãn” của bà hoàng Lê Ngọc Hân. Khi anh đọc đến tên bà, anh mới sực nhớ ra tên của nó. Như vậy anh có thể chắc chắn đến bảy tám phần quyển sách bìa vàng kia là bí kíp võ công thật, việc còn lại là trải qua công đoạn so sánh, kiểm chứng giữa hai loại nét chữ. Đến khi về phòng, anh sẽ lên mạng tìm thử. Người nào dám mạo danh bà thì đúng là hết muốn sống.
Giữa lúc phân vân giữa thực và giả, bất chợt anh nghe thấy có tiếng động cơ xen lẫn với tiếng người nói với nhau từ dưới vọng lên, có vẻ họ đang leo lên đây. Anh giật mình hoảng hốt, chạy ra nấp sau một lùm cây lớn rồi nhô đầu nhìn xuống dốc, thấy rõ rồi thì anh thở dài nhẹ nhõm, thì ra đó là một nhóm sinh viên rú xe lên dốc.
Anh vội vàng chạy lại tìm cách cất chiếc hộp đó. Anh loay hoay mãi vẫn chưa biết giấu nó như thế nào, cuối cùng cởi áo đang mặc trên người bọc quanh nó, chỉ còn mỗi cái áo ba lỗ trên người. Tiếp đó anh ôm chặt chiếc hộp bên hông và ngồi xuống cạnh tượng ông Đế Thích; quay mặt hướng về trung tâm thành phố.
Khi nhóm sinh viên nọ lên tới đỉnh, bắt gặp anh đang ở đấy, họ rất ngạc nhiên. Họ cứ nghĩ rằng mình đã lên rất sớm rồi, ấy thế mà còn có người sớm hơn, ngắm cảnh tự bao giờ. Một anh chàng mở miệng bắt chuyện:
- Này, cậu bạn gì ơi!
Việt giả bộ bị tiếng gọi làm giật mình, vội quay lại nói:
- Ai đấy?
Anh kia cười hề hề nói:
- Xin lỗi vì làm bạn giật mình nhé, bọn mình lên đây chơi, thấy bạn đã ở đây trước nên thấy lạ, lại hỏi thăm thôi.
- À không sao đâu, tại mải ngắm cảnh nên mình không chú ý xung quanh.
Anh chàng kia tiếp tục nói:
- Bạn lên chơi sớm thật đấy, bọn mình tưởng đi thế này là rất sớm rồi, nào ngờ vẫn muộn hơn bạn.
Việt nhìn đồng hồ, tám rưỡi sáng rồi. Thời gian anh đọc bức thư kia mất gần hai tiếng. Anh cười cuời với cậu bạn kia:
- A, bạn nhầm rồi, mình đâu có đi chơi, mình chạy tập thể dục thôi.
Cậu bạn kia và những sinh viên đi cùng anh ta tức thì mắt chữ A mồm chữ O lộ vẻ kinh ngạc. Anh nọ thốt lên:
- Tập thể dục, cậu đang nói đùa phải không?
Quốc Việt thiếu chút bật cười lớn, may mà nén kịp. Anh được thể chém tới luôn:
- Không, mình vốn là dân sống ở đây, buổi sáng vẫn thường chạy lên chạy xuống đường này tập thể dục. Mọi khi giờ này về nhà rồi, hôm nay thấy cảnh đẹp hơn mọi khi nên ngồi ở đây ngắm.
Trong lúc Việt đang bịa chuyện lấp liếm cho qua với mấy nam sinh thì nghe loáng thoáng mấy cô gái đi họ cùng chụm đầu vào bàn tán to nhỏ với nhau về anh:
- Cậu ta leo lên tận đây chỉ để tập thể dục, thảo nào nhìn "man" thế, ê tụi mày, lại xin số đi!
Một cô gái khác nói
- Tụi mi nhao nhao lên thế làm gì, từ từ khoai mới nhừ, mi sợ thì để đó cho ta...
Mấy người xung quanh không chú ý nhưng anh có đôi tai rất thính nên nghe rõ ràng. Anh rùng mình, giờ anh mới hiểu câu thắng Tiến hay nói: Mày đừng bao giờ tán gái khi cô ta đi cùng đám bạn, vì khi đấy cô ta là sói chứ không phải là gà.