Ngày thành hôn của Thúy Thúy và Thôi Thanh Giang được định vào mười một tháng Sáu, ngay sau tiết Đại thử, đất ẩm trời nồm.
Đêm trước ngày thành thân, trời mưa, không tính là to, bắt đầu từ giờ Tý canh ba đến giờ Dần thì tạnh. Vừa qua giờ Mão, Thúy Thúy đã được Phùng Thiếu Mị gọi dậy, đảm nhiệm chức vụ hỉ nương khai diện1 cho cô, sợi chỉ bông ngũ sắc xù xì xoắn thắt trên mặt, như lưỡi dao lướt qua, cơn buồn ngủ thốt nhiên cởi tuột.
1 Theo lệ xưa, con gái trước khi lấy chồng không được sửa mặt, đến ngày cưới mới sửa mặt lần đầu tiên, gọi là khai diện. Sửa mặt ở đây là tỉa lông mày và cạo lông măng trên mặt, người xưa có kĩ thuật nhổ lông con bằng cách sửa dụng chỉ, nay vẫn còn, tiếng Anh gọi là threading.Thay áo cưới, Phùng Thiếu Mị chải đầu trang điểm cho Thúy Thúy.
Kiềng vàng mười đeo lên cổ nặng trĩu. Thúy Thúy ấn bóp bả vai đau nhức, chợt nói: “Em muốn ăn cá.”
Trong nhà không có cá, Cát Sinh đi chợ mia, Phùng Thiếu Mị quên chỉ cho cậu phải đi thế nào, lạc đường hơn một giờ mới mua về hai con cá lù đù vàng to chừng bàn tay. Phùng Thiếu Mị dùng sống đao đập ngất con cá, đang định mổ bụng cá thì người nhà họ Thôi đã tới đón dâu.
Thúy Thúy xách váy, múc nước nước giội tắt ngọn lửa vừa nhóm.
Phùng Thiếu Mị trùm khăn đội đầu đỏ lên cho cô.
“Thật ra em ghét nhất ăn cá.” Thúy Thúy nói, “Hồi nhỏ cha không kiếm được bao tiền, ăn không đủ no, ca ca đành phải dẫn em xuống sông mò cá ăn, có bữa em ngửi thấy mùi cá là buồn nôn.”
Phùng Thiếu Mị giơ tay sửa sang áo cưới cho cô: “Con cá này giữ lại cho em, lại mặt về ăn, thế nhé.”
Chợt nhớ đến một chuyện, Thúy Thúy lấy từ hộp hồi môn ra một que xăm gỗ: “Xăm em xin ở chùa Kim Sơn Giang Đô lúc trước, hỏi nhân duyên cho ca ca.”
Phùng Thiếu Mị nhận lấy, bên trên khắc hai dòng xăm: Lấy bọt thấm ướt, ba miệng góp nên sự; nâng khay ngang mày, hai người tương trợ chính là trời.
Vừa mưa xong, trời hãy còn âm u, Thúy Thúy bước ra khỏi khuê phòng, đất ẩm dính vào giày thêu đỏ thẫm. Tiết A Ất khom người cõng Thúy Thúy đến trước kiệu hoa, Thôi Thanh Giang mặc áo thân đối tay rộng đỡ cô lên.
Kiệu phu dài giọng hô: “Khởi kiệu…”
“Cheng” một tiếng thanh la đồng, kèn cất giọng nghèn nghẹn, thổi khúc “Bách điểu triều phượng”. Của hồi môn góp đủ hai mươi gánh, phô trương gần bằng đám cưới con lí trưởng nông thôn, nối đuôi theo kiệu hoa chở cô dâu cùng đến nhà họ Thôi.
Thôi Thanh Giang là người Triều Châu, Triều Sán có tập tục, cô dâu vào cửa phải bước qua chậu lửa, trừ xui lấy lành.
Dưới đáy chậu đồng vẽ tranh uyên ương nghịch nước, dùng cỏ khô nhóm một đống lửa nhỏ, hỉ bà đỡ Thúy Thúy nhảy qua, miệng hát: “Cô dâu qua cửa bước khói lửa, sang năm sinh tài đẻ con trai, phu xướng phụ tùy chung lòng dạ, gia đình hòa thuận vạn sự hưng.”
Tiệc rượu làm không nhỏ, Thôi Thanh Giang là cánh tay đắc lực của Giang Đô vương, đồng liêu dưới trước tới hơn nửa, đến Vô Nhai Tông cũng sai người tới chúc mừng.
Bái đường xong, Thúy Thúy được hỉ bà đỡ sang phòng tân hôn, vén khăn đội đầu rồi, Thôi Thanh Giang ra sảnh tiếp khách.
Hắn chắp tay với Tiết A Ất: “Cữu ca.”
Tiết A Ất vừa đến Lạc Dương, chưa quen biết mấy ai, Thôi Thanh Giang mượn dịp tiếp khách dẫn hắn đi làm quen với mọi người. Đến bàn thứ ba, có người “ấy” một tiếng: “Nghe nói vương gia thưởng Phùng Thiếu Mị cho một lính mới, chính là anh?”
“Cẩn thận đấy, chẳng phải hạng đàn bà tốt đẹp gì đâu. Đừng thấy cô ta tẩm ngẩm mà tưởng là an phận,” Đối phương say rượu, mặt đỏ gay mồm mép lè nhè, “Trước đây từng bỏ trốn với người ta đó.”
Người ngồi cùng bàn xen vào, “Bỏ trốn thật đấy, xong tay đàn ông hối hận, Phùng Thiếu Mị xuống tay ác lắm, vung dao cắt phéng chỗ kia…”
Gã chỉ chỉ ba tấc dưới bụng: “… của hắn. Trước đây chỉ là một con bé nhóm lửa, xảy ra chuyện này mới lọt được vào mắt vương gia.”
Kính rượu một vòng, đến bàn khách tới từ Vô Nhai Tông, tổng cộng năm người, hai khuôn mặt quen thuộc, Tô Ngạo nóng lòng ton hót nên phái cả đệ tử quan môn lẫn sư đệ dòng chính tới.”
Mặt mày Thạch Lãng vẫn cợt nhả như cũ, há miệng toan gọi thì đã bị cướp trước: “Cậu chính là Tiết đại lang? Vương gia nói võ công anh không tầm thường, lập được công lớn, trông cũng chỉ đến thế thôi.”
Người nói là một võ giả trung niên trên dưới năm mươi tuổi, có một khuôn mặt dài, mắt nhỏ mũi to, để râu mặt ngăm, trước mặt đặt một cặp mai hoa câu.
Thôi Thanh Giang giới thiệu: “Tôn Chính Hạc Tôn đại hiệp, đệ tử thân truyền của Hoài lão gia tử, đứng thứ tư.”
Dưới danh nghĩa Hoài Vô Nhai có năm mươi đệ tử, đa số là đệ tử kí danh và đệ tử tái truyền, đệ tử thân truyền chân chính chỉ có bốn người: đại đệ tử Tô Ngạo, nhị đệ tử Thạch Lãng, tam đệ tử đã chết trong cuộc tranh đấu giang hồ năm xưa, đứng hàng thứ tư chính là vị trước mắt.
Bị mỉa mai ngay trước mặt đám đông, Tiết A Ất chỉ cười: “Vãn bối bất tài, vương gia khen lầm rồi.”
Vô Nhai Tông bám lên Giang Đô vương chính vì nhìn trúng thời khắc này y không có ai để dùng, để lỡ thời cơ dân giang hồ bọn họ sẽ chẳng đáng một đồng. Cộng cả lại có chút lợi ích này là to, để một kẻ vô danh tiểu tốt chia mất phần, sao có thể cam tâm.
“Có thể được vương gia coi trọng chắc hẳn phải có chỗ hơn người.” Tôn Chính Hạc đáp lễ chén rượu của Thôi Thanh Giang, ngửa đầu uống cạn, “Vừa hay tiệc mừng đang rảnh rỗi, không bằng chúng ta đọ sức một phen, cũng để tất cả mọi người mở mang kiến thức.”
Trong sư huynh đệ, vai vế của y nhỏ nhất mà tuổi thì lại lớn, hơn Thạch Lãng gần hai mươi tuổi, không được Hoài Vô Nhai coi trọng, sau khi sư phụ mất thì ủng hộ lập Tô Ngạo làm chưởng môn, bấy giờ mới bắt đầu đi lại trên giang hồ. Thành công muộn thì chỉ có bất chợt nổi trội mới có thể sóng sau đè sóng trước, mà áp đảo người khác chính là đường tắt.
Không đợi Tiết A Ất trả lời đã tự ý cười hỏi: “Tân lang, cậu thấy thế nào?”
Giọng không nhỏ, ngoài tiệc rượu cũng nghe được rõ ràng.
Đàn ông bẩm sinh hiếu chiến, uống rượu vào rồi, địch ý càng bộc lộ rõ hơn. Có võ tướng dưới trướng Giang Đô vương ồn ào: “Tôn đại hiệp, ngày vui chớ nên thấy máu kẻo ngày lành lại thành ngày giỗ!”
“Tiết đại lang yên tâm,” Tôn Chính Hạc ôm quyền với Tiết A Ất, “Chúng ta điểm đến là dừng.”
Hoài Vô Nhai nhận đồ đệ chú trọng tinh hoa, trong sư huynh đệ, Tôn Chính Hạc không được xếp hạng nhưng trên võ lâm thì cũng là một hảo thủ lừng danh. Tiết A Ất xuất thân hoang dã, tuổi lại kém nhiều, chỉ e năng lực không bằng.
“Cần gì sư đệ phải ra tay?” Thạch Lãng vỗ vai Tạ Thiêm, “Để Tạ sư điệt lên là được.”
“Ấy.” Tôn Chính Hạc khoát tay, “Người tâm phúc bên cạnh vương gia kia mà, không thể thất lễ được.”
Thôi Thanh Giang xuất thân hàn vi, bị cuốn vào tranh đấu đảng phái nên không thể làm quan, sống nhờ tiền ban thưởng của Giang Đô vương, nhà không lớn, hậu viện tụ tập kín khách hóng vui, chỉ còn dư một khoảng đất trống rộng chừng mười bước.
Chỗ nhỏ có kiểu so tài của chỗ nhỏ, Tôn Chính Hạc lệnh đệ tử dọn hai cái ghế dài tới, đặt cách nhau nửa bước.
Tiết A Ất mang trường đao theo, không tiện dùng, hỏi mượn Thạch Lãng thanh đoản đao rộng bằng bàn tay, ngồi xuống đối diện Tôn Chính Hạc.
Người xưa có câu: Chưa từng học nghệ phải học lễ trước, chưa từng tập võ phải tập đức trước. Trước khi tỷ võ hành lễ ôm quyền, tay trái xòe tay phải nắm tức là dũng không sinh loạn, tay trái nắm tay phải xòe tức là bất kể sinh tử.
Hai người cùng ôm quyền tay trái xòe phủ lên tay phải nắm, “bốp” một tiếng…
Lễ thành.
Chẳng phải xem thêm nữa, chẳng qua chỉ là trò ỷ mạnh hiếp yếu, Tạ Thiêm xoay người đi ngược dòng người ra ngoài.
Thạch Lãng cản lại: “Sao thế?”
Tạ Thiêm đáp: “Vô nghĩa.”
Sáng sớm trời đổ mưa, mắt trái bị mù của Tiết A Ất hãy còn đau, hắn xoa con ngươi hoại tử, giơ ngang đao.
Cái tên Tôn Chính Hạc đặt nghe
nhã nhặn, vóc dáng thì lại phốp pháp vạm vỡ, lực tay đặc biệt khỏe, cặp mai hoa câu dùng như luân chùy. Trận tỉ thí này đấu rất nhanh, bảy tám hiệp đã thấy rõ, rốt cuộc vẫn đổ máu, cánh tay Tiết A Ất bị cào rách một vết dài chừng hai ngón tay, sâu nửa đốt ngón tay, không qua một chốc đã rỉ máu.
Tỷ thí xong, tiệc cưới vẫn tiếp tục, đèn lồng giấy treo trên xà nhà đỏ tựa máu vậy, rực rỡ ướt át.
***
Tạ Thiêm vừa bước chân ra khỏi cửa nhà họ Thôi thì ngực đụng phải một người đang chạy vội.
Là một cô nương, ấn đường có nốt ruồi son đỏ thẫm, ngực phập phồng dồn dập, tóc con mướt mồ hôi bết vào tóc mai, mặt đỏ bừng. Thấy rõ mặt Tạ Thiêm, đôi mắt như châu ngọc trong suốt ngâm qua nước đen láy phát sáng, “ấy” một tiếng: “Là huynh!”
Kéo kéo tay áo cậu: “Giúp tôi với.”
Không đợi Tạ Thiêm đáp lời đã trốn tọt ra sao cây bách già hai người ôm mới xuể trước cổng nhà họ Thôi. Chỉ sau một bước, một toán nô bộc năm sáu người chạy tới, người đi đầu hỏi Tạ Thiêm: “Thiếu hiệp có trông thấy cô nương cao chừng này không?”
Đưa tay ra minh họa, đến chừng ngực Tạ Thiêm.
Cậu vuốt nếp nhăn bị nhéo ra trên tay áo: “Không có.”
Đợi người đi rồi, cô nương kia đi ra, ngẩng mặt cười: “Tạ thất lang, đa tạ.”
Không phải là gọi thứ bậc của Tạ Thiêm ở Vô Nhai Tông mà là thứ bậc ở nhà họ Tạ. Tạ Thiêm nhìn kĩ nàng mới nhận ra quen mặt, trưởng nữ Tào Ngọc Doanh của Giang Đô vương từng gặp lúc ở Khai Phong.
Tạ Thiêm cười: “Lần trước là đào hôn, lần này là vì chuyện gì vậy?”
Tào Ngọc Doanh đưa tay chải tạm tóc mai: “Cha cấm túc tôi, không cho đi đâu cả, đến ngày thành hôn là gả đi luôn, nên tôi chạy.”
Nàng ngước mắt nhìn Tạ Thiêm: “Tạ thất lang, huynh có từng hối hận vì đã rời nhà xông pha giang hồ không?”
Rời nhà bốn năm, đây là lần đầu tiên Tạ Thiêm về kinh. Tào Ngọc Doanh nghe nói vợ chồng Tạ thừa tướng mời ba bốn lượt, đích thân đến cửa cũng không gọi được cậu út về nhà, chẳng biết là do bướng bỉnh hay là do gần quê phấp phỏng.
Tạ Thiêm nhìn nàng một hồi: “Đi cùng tôi.”
Cứ để trần mặt thế này thì rêu rao quá, bèn tìm gần đó một sạp hàng, trên đất trải tấm vải lam giặt bạc cả màu, bên trên bày mấy tấm áo tơi, mũ vành làm từ tre trúc. Bà lão mặc áo vải ngồi trên ghế mây, tay cầm mười mấy nan trúc, ngón tay to bè như cá bơi, một lồng trúc dần thành hình.
Tạ Thiêm ngồi xổm xuống, lắc lắc mấy cái mũ trúc, chọn cái chắc chắn nhất, nhặt lấy chụp lên đầu Tào Ngọc Doanh.
Mũ vành to, che kín nửa khuôn mặt, Tào Ngọc Doanh giơ tay lên đỡ. Buộc chắc dây, sợi vải hơi dài, đầu dây rủ trước họng, hơi ngứa.
Bà cụ ngẩng lên nhìn họ: “Năm đồng.”
Lấy tiền đồng ra, Tạ Thiêm khom người đặt lên vải lam, tiền đồng xếp thành một chồng, ngay ngắn vững vàng như xửng hấp tiểu lung bao.
Tạ Thiêm đưa lưng về phía Tào Ngọc Doanh, ngồi xổm xuống, đưa tay ra sau làm tư thế đỡ.
Tào Ngọc Doanh ngớ người.
“Lên đi.”
Thoáng chần chừ, Tào Ngọc Doanh bước lên, nhấc chân bước vào khuỷu tay thiếu niên. Vừa ngồi vững, hai chân đã bị nắm chặt, cánh tay cậu cứng như đá tảng.
Tào Ngọc Doanh bám vai cậu, Tạ Thiêm đứng lên.
Cậu nói: “Ôm chặt.”
Giọng nói quá gần, xương cốt toàn thân nghe mà run lên, Tào Ngọc Doanh vòng tay qua cổ thiếu niên, chậm rãi ôm.
Nàng đáp tiếng.
Tạ Thiêm cõng Tào Ngọc Doanh lên, chân vận lực nhảy lên nóc nhà, chạy trên nóc nhà như bay. Đã đến giờ lên đèn, dưới chân loáng thoáng vọng lên tiếng cười đùa, đèn đuốc và mặt người nhoáng qua trước mắt. Gỗ mộc giẫm trên ngói vụn nghe lộc cộc dồn dập.
Tiếng thở dốc của thiếu niên nổ ran bên tai.
Tạ Thiêm dừng lại trước tháp Tề Vân cao nhất Lạc Dương, cánh tay siết chặt: “Đừng buông tay.”
Tháp Tề Vân như một thanh kiếm đâm thẳng lên trời.
Tào Ngọc Doanh chỉ cảm thấy người bỗng lên cao, Tạ Thiêm cõng nàng đạp lên góc mái hiên, leo lên từng tầng. Người bay lên không, dạ cũng bỗng chơi vơi, cánh tay ôm chặt cổ thiếu niên, Tào Ngọc Doanh không dám quay đầu lại nhìn, lòng bàn tay đổ mồ hôi đầm đìa.
Đến đỉnh tháp, Tạ Thiêm buông tay thả nàng xuống. Gió rất lớn, đuôi tóc bị thổi quất vào mặt, Tào Ngọc Doanh ngẩng mặt lên.
Trên đầu là bầu trời thăm thẳm.
Dưới chân là đèn đuốc khắp thành.
Trên trời bay vụt qua một con chim ưng, cánh như lưỡi đao, vun vút xuyên qua tầng mây.
Một luồng khí lạnh từ lòng bàn chân vọt lên đỉnh đầu, Tào Ngọc Doanh sởn da gà toàn thân.
“Trước khi quyết tâm rời nhà, tôi gặp được một người giang hồ, ông ấy mang tôi tới đây, nói với tôi một câu.” Tạ Thiêm đứng thẳng dậy, chân giẫm trên nóc nhà, gió thôi tay áo nghe phần phật. Cậu dang hai tay về phía thành trì rộn rã: “Ông ấy nói, đây mới là nơi cậu đặt chân.”
Tào Ngọc Doanh muốn thét lên, la hét, nhưng há miệng rồi lại không phát ra nổi một tiếng nào.
Nàng đang run, chẳng biết là do sợ hãi hay phấn khởi. Tào Ngọc Doanh chưa bao giờ tự tại như vậy, nàng cảm thấy mình như chú chim sải cánh, chỉ hận không thể chết chìm trong gió lớn rít gào.
***
Thúy Thúy ngồi ngay ngắn trên giường bạt bộ1.
1 Một loại giường gỗ kiểu cổ, được chế tạo như một gian buồng nhỏ khép kín.Qua giờ Hợi, Thôi Thanh Giang mới trở lại phòng tân hôn, người nồng nặc mùi rượu, mệt mỏi bám kín gương mặt tuấn tú. Uống xong rượu hợp cẩn, vợ chồng mới cưới từng người sang tịnh phòng rửa ráy rồi thổi đèn đi ngủ.
Thúy Thúy mở mắt thao láo nhìn chằm chằm màn giường đỏ thẫm trên đầu.
Nến long phượng hồi môn đang cháy tí tách.
Cô cất tiếng gọi: “Phu quân?”
Giường hỉ rất rộng, Thôi Thanh Giang nằm cách cô nửa cánh tay, đã ngủ say.
Sáng sớm hôm sau, dậy dâng trà làm lễ với cha mẹ chồng, bữa sáng là cơm bát bảo, một đĩa bánh xuân và dồi nhồi gạo nếp, thức ăn Triều Sán thiên mặn, Thúy Thúy ăn được không mấy miếng đã đặt đũa xuống.
Dùng bữa xong, Thôi Thanh Giang đến phủ Giang Đô vương, giữa chừng lại quay lại: “Tiết thị, cái cậu nàng mang từ nhà mẹ tới, tên…”
Thúy Thúy tiếp lời: “Cát Sinh.”
“Bảo cậu ta chớ bổ củi nữa, khắc sẽ có người làm đi mua, tay chân để trần như thế còn ra thể thống gì.” Thôi Thanh Giang nhíu mày, “Thật sự không biết làm gì thì đi gác cửa đi, tận dụng cái thân cơ bắp đó vậy.”
Truyện convert hay :
Quãng Đời Còn Lại Có Ngươi, Ngọt Lại Ấm