Thăng Long ngoại thành, nhìn cái bóng trắng đung đưa, tiếng gió rít gào thê lương, tiếng quạ kêu sương thảm đạm. Nàng hướng mắt xa xa nhìn về nơi phủ Long Hưng, điện Chiêu Lăng. Tiếng thì thào xen lẫn tiếng nức nở nhè nhẹ trong đêm, như hỉ như bi, như si như oán:
- Nhị Lang… Nhị Lang… chàng nhìn được không, chàng có nhìn thấy Trần gia hưng suy? Cơ nghiệp muôn đời âu cũng thuận theo thiên mệnh. Thiên thu vạn đại lại tính là thứ gì… tính là thứ gì… ha ha ha.
Ngón tay thon dài lật mở trang giấy mà quan ghi sử mới đề bút: “Đế u mê, nhu nhược, không làm nổi việc gì, uy quyền ngày càng về tay kẻ dưới, xã tắc lung lay, đến thân mình cũng không giữ được”.
Đọc tới đây nàng không tự chủ cong cong lên khóe môi, thầm nghĩ:
- Trần gia chàng cũng có ngày hôm nay, cái gì mà u mê, cái gì mà nhu nhược? Phải chăng khi xưa lão cáo già Trần Thủ Độ cũng để người vinh danh ta như vậy?... ha ha... viết thật tốt… lời hay ý đẹp, chân thực khúc chiết. Xem ra Quốc Sử viện cũng rất tận tụy chức trách.
- Nhị Lang ơi... không, ta hẳn gọi chàng là Thánh Vũ Nguyên Hiếu Hoàng đế. Chàng tin vào mệnh trời thiên kiếp không? Chàng Phật pháp ngộ tính cao thâm, sau khi chết được tới cõi Phật gia. Còn ta? chấp niệm sâu chưa bỏ, đời đời là cô hồn dã quỷ du đãng nơi trần ai... ha ha ha.
Lại như cười như khóc, nàng đã lâu không được cười mà dường như đã không còn biết cười kể từ ngày Quốc Sử viện gạch bỏ tên, khi mất đi cũng không được thờ chung tại đền Đô, nàng bị xem là tội nhân khi để mất cơ nghiệp nhà Lý.
Nàng thở dài, ánh mắt chuyên chú nhìn về góc cửa điện cách đó không xa. Nàng nhận ra bóng dáng ấy chính là Thiên Huy Công Chúa Trần Thục Mỹ, nguyên Hoàng hậu của Xương Phù Đế - Trần Phế Đế, nàng ấy có xuất thân cao quý của tôn thất nhà Trần, là con gái Thái thượng Trần Nghệ Tông. Thiên Hinh tiến lại gần, lên tiếng hỏi:
- Tại sao em lại ngồi
đây khóc, lẽ nào dầu hết thì đèn tắt, người chết thì tình cũng tuyệt sao?
Nàng kia giật mình ngẩng đầu lên, hai mắt đẫm lệ mông lung tìm không ra tiêu cự. Dùng răng nanh cắn chặt môi dưới ép cho giọng nói trở nên lạnh lùng sắc bén:
- Hỗn xược! Chị là ai... được phép nói chuyện với ta như vậy sao?
Nói tới đây, Trần Thục Mỹ bắt gặp ánh mắt lạnh lẽo pha chút chế giễu mà rằng:
- Rồi chỉ mai đây thôi, em sẽ bị giáng hàng công chúa. Đường đường là Quang Loan hoàng hậu lại ngồi đây khóc, thật đã đánh mất tôn nghiêm. Em có biết trong điện kia là thứ gì không? - tay nàng chỉ về tẩm điện nơi bóng trắng kia vẫn đung đưa.
Trần Thục Mỹ lắc đầu, tiếng khóc không kịp đè nén nơi cổ họng, nhưng hai mắt gắt gao nhìn theo hướng đó.
- Là thứ gì ư? Chàng là chồng của ta đó, là Quan gia họ Trần ta, Trần Giản Hoàng đương kim Hoàng thượng. Chàng không phải là Phế Đế vô năng nơi phương Bắc, chàng chỉ là Giản Hoàng của ta thôi. Thế nhân nói chàng nhu nhược bất tài, nhưng chàng là đức phu quân yêu chiều ta hết mực. Còn ta là vợ nhưng lại nhìn chính cha ruột mình bức tử chồng. Ai đâu hay? nhìn chàng bị thắt cổ cho tới chết mà tim ta đau như tê dại. Chàng không giãy giụa, ta lại biết chàng thống khổ đau đớn. Chàng bị người ta ép chết vì nghẹt thở, nhưng ta chính mình tâm can phế phổi không thể hô hấp. Ai tới nói cho ta biết, ta đây là bị làm sao?
Lý Thiên Hinh mắt nhìn dung nhan của Trần Thục Mỹ nhưng vô định xa xăm như trước mặt nàng là người khác vậy.
Chú thích:
- Đền Đô: đền Lý Bát đế - nơi an táng các đời vua họ Lý
- Trần Nghệ Tông truyền ngôi cho cháu - con trai thứ của em ruột Trần Duệ Tông là Trần Phế Đế, rồi lên làm Thái thượng hoàng