Năm ấy Lý Huệ Tông tức Huệ Quang đại sư viên tịch, hoàng hậu tân triều Lý Chiêu Hoàng xin vì thân cha giữ đạo hiếu 3 năm rời đi hoàng thành.
Tân triều chính thức cầm quyền, triều đình đưa các cung nhân cùng con gái trong tông thất họ Lý gả cho các tộc trưởng người Man, đồng thời hàng phẩm vị của bề tôi cũ triều Lý. Nam đinh con em họ Lý cũng bị bãi nhiệm hoặc như được giữ lại thì bị giáng chức xung quân. Vua xuống chiếu tới tỉnh lỵ tuyển thục nữ trong nước làm cung nhân, duy chỉ có chế lễ minh thệ vẫn y theo lối tiền triều.
Tuy căn cơ chưa sâu nhưng bằng vào đội quân trong tay Thái sư Trần Thủ Độ cũng khiến các phe phái khác kiêng dè.
Kiến Trung năm thứ tư, Chiêm Thành sai sứ sang chúc mừng tân triều. Đoàn sứ thần tiến cống vàng bạc châu báu mười rương, hai cặp đồi mồi, trân châu Đông hải mười viên cỡ lớn, hàng trăm sấp lụa có màu sắc rực rỡ. Trên đường đi thu hút bao nhiêu ánh mắt và tiếng cảm thán của dân chúng.
Cái chết của Huệ Quang đại sư như viên đá nhỏ ném xuống mặt hồ nhưng cũ đủ làm cục diện hỗn loạn. Cũng vì vậy mà người nào đó bị triệu vào cung răn dạy để khi ra về vẻ mặt lúc xanh lúc trắng, hôm sau cáo ốm xin nghỉ ba ngày không vào triều, Thái thượng hoàng phải đích thân tới thăm hỏi ân cần. Nguyễn Nộn nhìn ra nhà Trần mới thành lập gốc rễ chưa sâu, nhân tâm chắc chi đã một mực. Nộn bèn cho quân đánh giết Đoàn Thượng để phô trương thanh thế. Số binh lính còn sống bị bắt giữ được đưa về căn cứ, kẻ nào hàng thì xung vào quân kẻ không phục liền giết sống. Một vùng Hồng Châu rộng lớn trở về dưới tay Nguyễn Nộn, con trai trưởng của Đoàn Thượng là Đoàn Văn đem theo thân quyến gia tộc xin hàng thì bị đưa đi khai khẩn đất hoang ở xứ Đông Ngạn. Triều đình không yên tâm nhưng cũng không thể thu phục một sớm một chiều, chỉ có thể cắt quân coi giữ một dải Hồng Châu và Bắc Giang. Trần Thủ Độ dâng tấu sách phong Nguyễn Nộn làm Hoài Đạo Hiếu Vũ Vương, Thượng hoàng thương cảm Nộn sớm vong thê còn ban thưởng tiền tài và gả công chúa Ngoạn Thiềm cho làm vợ.
Có người sinh mạng chỉ như hạt cát chảy qua kẽ tay sống lay lắt từng giờ từng khắc, nhưng có người sinh ra như nhành cây ngọn cỏ mặc gió cát mưa sa vẫn cố gắng chống chọi đến cùng. Nghĩ tới những năm này mưa gió thất thường, trong lòng không khỏi cảm thán tới thế sự xoay vần. Lý Chiêu Hoàng gác bút, nhìn mực son trên giấy Tuyên còn chưa khô lẩm nhẩm đọc lên:
- Lầu son gác tía chốn cung sâu
Một bước gian nan một bước sầu.
Đúng a, thật là mỗi bước gian nan mỗi bước sầu. Lý Chiêu Hoàng nàng đã trở về rồi đây, thân cô thế cô một mình trong hoàng cung ăn tươi nuốt sống người liệu được mấy phen trở mình. Nàng không tự chủ câu môi lên cười tự giễu. Vậy thì đã sao? cứ xem như tuổi trẻ hiếu thắng đi thôi. Là năm năm, mười năm hay hai mươi năm thậm chí đã trăm năm lúc cỏ xanh mồ chỉ cần nàng không thẹn lòng này thì hai tay nhuốm máu đã sao. Người đánh ta một bạt tai, ta trả lại một miếng bánh. Bên trong nhân bánh ngươi có thể nuốt trôi không là hai chuyện khác nhau.
Nhũ mẫu Dương thị bưng trà tiến vào thấy hoàng hậu đứng quay lưng về phía cửa không nhìn rõ sắc mặt, nhưng chỉ cần nhìn không khí nặng nề trong điện Trường Xuân liền đoán được ngay. Bà rót ly trà rồi cất tiếng:
- Hoàng hậu cũng thật là không biết tự chăm sóc mình. Mụ ở trong cung ba năm ngóng trông người quay về sẽ trắng tròn mập mạp nhưng không ngờ tới nhìn đến một cây giá đỗ. Đều trách bọn người dưới buông thả cả, phải dạy dỗ cẩn thận lại mới xong.
Tuy lời nói toàn là trách cứ nhưng nghe ra không giấu được sự quan tâm, Lý Chiêu Hoàng thấy trong lòng thật ấm áp.
- Nhũ mẫu, những năm này người đã vất vả rồi. Còn con bé Khổ Qua cũng có lớn lên chút nào đâu, vẫn ngu ngốc như trước ấy.
Nghĩ đến “thứ trời đánh” kia làm nhũ mẫu giận tím mặt hờn trách:
- Người xem nó còn ra cái bộ dạng gì, cả ngày lăn lộn với đám cung nữ không có việc gì không hay. Từ cọng lông gà là rơi ra từ cánh hay từ cổ nó cũng phải biết. Nháo đánh nháo mắng cũng không xong.
Lý Chiêu Hoàng nhìn bà nở nụ cười bất đắc dĩ. Hai người nhìn vào mắt nhau đã hiểu. Đó còn chẳng phải là nàng lưu lại một ít nhân mạch trong cung tránh cho bị bịt mắt che tai hay sao. Ấy vậy mà ba năm qua nàng tuy ở lại chùa Bảo Quang giữ đạo hiếu nhưng đối với tình hình trong nội cung vẫn là biết một hai. Tỷ như Phụ quốc thái phó Phùng Tá Chu được phong làm Tri phủ Nghệ An, mùa xuân năm Mậu Tý phong Khâm Thiên Vương Trần Nhật Hiệu lên làm Quận vương, mùa thu phong Trần Liễu làm Thái phó lại cưới Thuận Thiên công chúa làm chính phu nhân. Hay như mùng 4 tháng 4 năm nào tân hoàng đế ngủ gật ở điện Đại Minh trong lúc các quan triều bái cho tới khi ra tới đền thờ thần miếu Đồng Cổ cắt máu ăn thề, là nhà vua vì đau đớn trên tay mà giật mình tỉnh lại. Tưởng tượng ra cảnh lúc đó khiến nàng còn ôm bụng cười như điên đâu. Vô số chuyện lông gà vỏ tỏi khác nữa mà Khổ Qua đều viết thư mật báo cho nàng, tuy biết chắc chắn sẽ bị người xem được nhưng nàng cũng không ngại để bọn chúng thấy rõ.
Một trận gió thơm từ cửa nhào lên ôm lấy Lý Chiêu Hoàng, nàng kia thở hổn hển:
- Nhớ, nhớ chết ta mất… Lý Thiên Hinh con nhãi nay cuối cùng đã về!
Thân hình mềm mại không xương ôm lấy tràn đầy cõi lòng, Lý Chiêu Hoàng cười khẽ đẩy nàng ra trách cứ:
- Lý Oanh vô pháp vô thiên không có dáng vẻ phu nhân quan lớn, đáng phạt… phải phạt!
Lý Oanh nghe tiếng trên đỉnh đầu mới phát hiện ra em gái ba năm không gặp đã cao hơn mình nửa cái đầu dù rằng Lý Chiêu Hoàng kém nàng hai tuổi. Lý Oanh lớn lên có dáng vẻ nhỏ nhắn yêu kiều đầy đặn của mẹ ruột Trần thị, còn em gái lại lớn lên giống vua cha dáng người mảnh khảnh thon thả, thanh thoát như liễu rủ. Nếu không phải cánh mũi cao kiều giống nhau chắc có lẽ không ai biết đó là hai chị em ruột rồi. Nàng kia không chịu buông tay, níu lại vạt áo của Lý Chiêu Hoàng bĩu môi hờn dỗi:
- Phạt đi… phạt đi. Ta xem ngươi người này có dám phạt ta hay không. Ta nhắc trước là tay đứt ruột xót đó.
Nàng kia hai mắt dưng dưng ngậm nước như con thỏ nhỏ bị bỏ rơi khiến người tâm động.
Lý Chiêu Hoàng càng là thua trước vẻ mặt của người này. Nàng lại một lần nữa kéo nàng kia ôm chặt vào lòng, thật lâu mới lên tiếng:
- Thật không biết ai là chị ai mới là em…
Lý Oanh nhịn không được cười lên khanh khách:
- Ha ha… Lý Thiên Hinh ngươi là chị, Lý Oanh là em nha.
Lý Chiêu Hoàng trợn trắng mắt rồi:
- Ngươi… cái đồ không biết tốt xấu.
Lý Oanh eo éo bên tai mè nheo:
- Ta không biết, Lý Thiên Hinh ngươi bỏ rơi ta. Bọn họ còn gả ta cho Trần Liễu đâu.
Lý Chiêu Hoàng cười khẽ:
- Em đi ba năm cũng không phải đi chơi.
Không khí trong phòng rơi vào trầm lặng, nhũ mẫu Dương thị đã lui ra ngoài từ bao giờ. Lý Oanh đột nhiên bật khóc thút thít, vươn tay áp lên mặt Lý Chiêu Hoàng:
- Hu… hu… là cha bỏ rơi chúng ta, mẹ cũng bỏ đi, chị… là chị có lỗi với em để em một mình đi giữ đạo hiếu thay chị.
Đáp lại
nàng kia là tiếng thở dài:
- Không sao đâu, em đi tránh đầu sóng ngọn gió nương nhờ cửa Phật, cầu một mảnh tâm an mà thôi.
- Thực xin lỗi! - Lý Oanh nhỏ giọng yết ớt.
Lý Chiêu Hoàng cứ như vậy ôm lấy Lý Oanh, nghe nàng ríu rít như con chim oanh kể lể những năm này nàng ấy chịu bao nhiêu tủi thân.
- Thiên Hinh, em còn nhớ chị Huy Chi nhà chú Long Đán không? năm kia chị ấy bị đưa đi đất Ung gả cho tù trưởng người Man. Còn cả bọn Khanh Mi, Như Hoa, Như Ngọc cũng đi rồi. Chị lúc đó rất sợ… sợ mình cũng bị đưa đi nơi xa không còn thấy em, thế rồi ta gả cho Trần Liễu.
- Ừ…
Nàng nhớ hết cũng biết hết bọn họ ra sao. Lý Huy Chi người này như tên thanh tân văn nhã là con gái út của chú họ Cẩn Định Vương Lý Long Đán. Vua Lý Huệ Tông sinh Lý Khanh Mi là con gái của Vũ phi, Lý Như Hoa và Lý Như Ngọc các nàng kia là đôi song sinh do Thục phi sinh ra, cũng là chị em cùng cha khác mẹ của Lý Chiêu Hoàng và Lý Oanh. Vua cha sinh năm người các nàng là thân gái nên thiên hạ chê cười người không thể hạ sinh trưởng nam nối tiếp nghiệp lớn. Trừ bỏ một tầng thân phận quan hệ này thì các nàng bình thường không mấy qua lại. Nhưng chị họ Huy Chi làm người dễ mến nên hai bên hay qua lại tình cảm nhiều hơn, ngày ấy nghe được tin còn khiến nàng áy náy một trận thật lâu.
Lý Oanh tiếp tục kể:
- Đầu năm nay này, Ngoạn Thiềm công chúa Trần Thục Trinh là con do vị thiếp của Thái thượng hoàng Trần Thừa cũng bị đưa cho Nguyễn Nộn. Phi!... Nguyễn Nộn kia còn không phải một bó tuổi mắt thâm râu trắng rồi. Không sợ bị người trong thiên hạ chê cười?
Ha ha, thật không biết nếu để Nguyễn Nộn kia nghe được những lời này thì có tức giận mà đi đời nhà ma luôn không. Tính ra năm nay lão cũng đã 69 tuổi là tuổi con cháu đầy đàn, nghĩ tới phải đầu gối tay ấp với một thiếu nữ 16 tuổi xuân bằng tuổi với cháu của ông ta thì biểu cảm sẽ ra sao. Cao minh, thật là cao minh. Nước cờ của lão hồ ly kia thật hay, đi thật giỏi. Ban cho Nguyễn Nộn một cô công chúa, nếu không nhận ắt bị tội kháng chỉ coi thường triều đình, nếu thu nhận thì cũng quá mất mặt với người trong thiên hạ. Nàng đã gặp Nguyễn Nộn một lần, nay xem ra bộ mặt nhăn nheo khả ố kia sẽ đổi màu chắc hẳn đặc sắc lắm thay.
Nghĩ vậy nhưng mày đẹp vẫn nhăn lại quở trách Lý Oanh:
- Nói bậy bạ có ngày bị quỷ cắt lưỡi.
Lý Oanh hùng hổ phồng má lên đáp lại:
- Còn lâu mới sợ, chị cũng không phải nói bậy mà.
Lý Chiêu Hoàng rót thêm cho nàng kia một ly trà, môi đỏ khẽ thổi thổi miệng chén cho nguội bớt mới kề lên môi Lý Oanh. Lý Oanh vươn đầu lưỡi đỏ hồng nhấm nháp rồi mới bưng lên uống. Thấy vậy Lý Chiêu Hoàng lại gõ gõ đầu nhỏ:
- Cái tính này của chị sẽ làm khổ tên Trần Liễu kia nhiều lắm đây.
Lý Oanh bất mãn:
- Hắn nếu không thể chiều chuộng ta thì ta bỏ vào cung ăn nhờ em gái ta nha. Em gái ta là hoàng hậu cơ đấy - như nghĩ tới cái gì nàng kia lại hét toáng lên - không được!... em trai hắn là hoàng thượng, cha hắn còn là Thái thượng hoàng… thảm rồi, thảm rồi!
Thật không biết nàng này ăn cái gì lớn lên. Trải qua mưa gió thay đổi triều đại nhưng dường như nàng ấy vẫn vô tâm vô phế như thế. Lý Chiêu Hoàng nghiêm mặt:
- Đều qua rồi, sau này chị và em không còn là công chúa nhà Lý nên giữ bổn phận với nhà chồng. Cửa cung này sâu như biển, nếu không có việc gì thì đừng đến tìm em nghe không?
Lý Oanh kinh hoàng rồi.
- Cái gì cơ? ta không chịu. Ngươi cũng không cần ta, hu… hu. Lý Oanh ta thảm tới mức nào mới cha không yêu, mẹ không thương, em gái không nhận thân. Thôi thôi ta đi tìm chết đây.
Nói xong làm bộ chạy nhanh lao đầu vào cột.
Một bóng trắng vụt qua che lại thân thể kiều mềm của nàng, kéo vào trong ngực nhỏ giọng trách cứ:
- Hồ đồ!
Nam nhân thân hình cao lớn rắn rỏi, trên khuôn mặt tuấn tiếu khó được lạnh lùng, bất đắc dĩ ôm chặt mặc kệ Lý Oanh vùng vẫy tay đấm chân đá.
- Nàng không cản ta, nàng vẫn là không cản lại ta mặc ta đi tìm chết. Ta đã chạy chậm thế mà không ra ngăn ta lại. Đồ vô tâm. Hu hu.
Lý Chiêu Hoàng bất lực nhún nhún vai.
- Còn không phải bổn hoàng hậu nhìn thấy phu quân của ngươi đến đây rồi nên mới để mặc hắn làm anh hùng cứu mỹ nhân?
Lý Oanh khụt khịt mũi dụi dụi vào lòng người nào đó tố cáo:
- Thái phó anh xem nàng đi, nàng là em gái ta ư? Lý Thiên Hinh này nhất định là giả.
Trần Liễu không nhịn được trước vẻ ngây ngô của nàng, giọng trầm thấp khàn khàn của chàng thiếu niên 18 tuổi vang lên trong điện:
- Được được, anh gọi hoàng đế đến trị tội nàng ta được không?
- Anh dám?
Lý Oanh tức giận đến nhe răng, tay nhỏ nhéo nhéo eo Trần Liễu khiến chàng đau đến kêo gào:
- A… đau. Vậy chúng ta gọi Trần Cảnh tới phạt Lý Thiên Hinh được không?
Nàng kia vừa lòng thu tay.
- Nghe vậy còn được.
Lý Chiêu Hoàng đen mặt, túm lấy mấy cây bút lông ném về phía đôi vợ chồng nào đó:
- Lý Oanh!… Trần Liễu! các ngươi mau cút về phủ Thái phó cho ta.
Cung nhân đứng hầu bên ngoài chỉ nghe một trận loảng xoảng đồ vật quăng ném cùng với tiếng quát của hoàng hậu nhà mình. Tất cả hóa ngốc rồi, họ chưa bao giờ thấy hoàng hậu sinh động tới vậy. Một đôi người ôm nhau đi ra còn cười khanh khách, đi qua còn nghe nàng kia nói cười:
- Thật tốt, thật tốt. Nàng trở lại rồi.
Cùng tiếng nói trầm thấp đầy sủng ái:
- Ừ, xem ra Trần Cảnh phải cảm tạ đôi ta rồi.
Nói xong không khỏi quét mắt nhìn người mặc áo long cổn sắc vàng đứng trên đầu hành lang phía bên kia. Trên mặt người nào đó khó giấu đi ý cười.
Lý Chiêu Hoàng nhìn theo hai người đi mất tới khi không còn nhìn thấy gì mới chuyển tầm mắt. Nàng nhìn thấy người kia đang cười với nàng, nhưng chỉ trong chớp mắt lại quay lưng vào trong.
Cơn gió cuối thu lạnh lạnh cuốn theo một mảnh lá vàng đậu lên vai, lên cổ. Chàng vẫn đứng đó trông về phía cửa Trường Xuân. Động tâm, động chân tình.