Ất Dậu, Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 2.
Cổng chùa Bát Pháp từ từ khép lại sau cánh cửa Đại nội. Một mảnh trời xám xịt đìu hiu, gió Bấc vun vun quất vào mặt người, tiếng giày loạt soạt giẫm lên lá khô và tiếng chuông chùa bất giác vang lên. Tiếng quạ kêu xa xa phía hàng tre, mảnh trời đỏ rực như màu máu. Người ấy bất giác rùng mình, chà chà tay lên mặt hòng xoa đi sự sợ hãi mơ hồ.
Khi về tới điện Dương Minh, vẫy lui các cung nữ và nói với nhũ mẫu theo sau.
- Nhũ mẫu, trẫm mỏi mệt cần tĩnh dưỡng một lát. Truyền ý chỉ không có lệnh của trẫm nghiêm cấm bất kỳ ai lui tới điện Dương Minh.
Nhũ mẫu thưa dạ rồi quay đi, nhưng ra tới cửa điện bèn tỏ ra lưỡng lự hỏi lại Chiêu Hoàng đế:
- Thưa bệ hạ, vậy Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ và Chính thủ công tử Cảnh thì sao ạ.
Đáp lại lời của nhũ mẫu là sự trầm mặc, nhũ mẫu cũng chưa dám lui ra mà đứng bất động ngoài cửa điện để đợi phân phó của bề trên. Một lát sau truyền ra giọng nói non nớt có phần sắc bén:
- Tất cả không ngoại trừ ai!
- A… thưa…. vâng.
Nhũ mẫu giật mình không cấm phát ra giọng run run. Bà vừa rời khỏi tẩm điện vừa hoài nghi, nữ đế ngày thường tính khí trẻ con sẽ không bao giờ nói những lời mang khí thế uy áp lạnh lùng đến vậy. Lại nói Chỉ huy sứ dễ dàng ngăn lại hay sao, ai cũng biết người này nắm đại quyền trong tay thực lực tối cao nơi triều đình, xem nữ đế cũng chỉ là rối gỗ mà thôi. Còn công tử Cảnh là người thân cận nhất của Chiêu Hoàng đế - người có thể tùy tiện ra vào cung trong những năm này. Bà càng nghĩ càng thấy khó hiểu.
Thấy cánh cửa tẩm điện dần khép lại, Lý Thiên Hinh (nay là Lý Chiêu Hoàng đế) đi tới mép giường chưa kịp tháo giày cứ vậy nằm úp mặt xuống giường. Khuôn mặt non nớt vô biểu tình nhìn như trưởng thành nhanh chóng, hàng lông mi run nhẹ như cánh quạt cố ép xuống giọt nước chưa kịp rơi, đôi môi hồng đào đỏ mọng bị hai chiếc răng nanh cắm bật tia máu nhìn thật chói mắt. Đứa bé không hiểu chuyện năm nào nay đã 7 tuổi, trong sự rối loạn vô hình trung bị bắt ép phải trưởng thành sớm hơn những đứa trẻ cùng tuổi.
Nàng nhớ tới vua cha ánh mắt hiền từ xoa đầu nàng, nhớ về một ngày Mùa Đông năm Kiến Gia thứ 14.
- Con ta nay đã lớn, thứ cho cha bất lực vô năng không thể bảo vệ được con lại nhẫn tâm đẩy con trước đầu sóng ngọn gió. Thế nhân chỉ trích ta yếu đuối bất tài, say đắm hoang dâm không chăm lo đất nước. Là Lý Sảm ta trước có lỗi với trăm họ, sau có lỗi với tông tộc họ Lý, lại càng có lỗi với Thiên Hinh con gái ta. Lý Sảm thất đức không có nam đinh nối dõi tông đường, cơ nghiệp thiên thu vạn đại mà tổ tiên truyền lại nay để con gái út của ta gánh vác, đây rõ ràng gánh nặng đường xa.
Khi ấy, nàng nhìn thấy trong mắt vua cha là sự thanh triệt thấu hiểu sự đời, đâu có vẻ mịt mờ điên khùng thường ngày. Trầm mặc một lát, vua Lý Huệ Tông khi ấy lại tiếp tục thở dài.
- Nay cha truyền ngôi cho con âu cũng là thế thời ép ta phải làm vậy, con gái đừng trách cha được không?
Nàng 7 tuổi ngày ấy mịt mờ chưa hiểu chuyện chỉ biết vua cha đang buồn rầu cần được an ủi, nàng trở tay túm lấy vạt áo vua cha nói nhỏ:
- Thiên Hinh không trách cha… không trách. Vua cha mau mau khỏe lại về với Thiên Hinh - Khi ấy, vua Lý Huệ Tông tuy đang tại vị nhưng quyền lực rơi vào trong tay quyền thần Tô Trung Từ, Trần Tự Khánh. Vua dần mất đi vị thế và tiếng nói, thường tới chùa Bát Pháp tránh né chuyện triều đình.
Hoàng đế bế bổng con gái bé nhỏ trên cánh tay gầy yếu, hai cha con hướng về phía mặt trời sắp lặn, để lại góc trời chiều bàng bạc.
Cùng năm Kiến Gia thứ 14, Lý Huệ Tông - vị hoàng đế thứ tám của vương triều nhà Lý đã truyền ngôi cho Hoàng Thái nữ vốn là công chúa thứ nữ Lý Chiêu Thánh, đổi tôn hiệu Chiêu Hoàng định niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo. Lý Huệ Tông lên làm Thái thượng hoàng và đi tu ở chùa Bát Pháp, lấy pháp danh là Huệ Quang Đại sư.
Sau khi vua cha truyền ngôi cho nàng tới nay, nàng đã nghe nhũ mẫu thân cận thường xuyên nói cho nàng biết nội tình trong cung. Nàng đã sớm trưởng thành. Nhưng bên ngoài chỉ là vỏ bọc một đứa trẻ ngây thơ.
Con cháu gia đình quý tộc nếu không được cha mẹ che chở vô ưu vô lo để lớn lên, thì chỉ có thể tự lớn lên sinh trưởng thật tốt mà thôi. Thân mẫu không thương, thân phụ bệnh tật quấn thân khiến nàng từ nhỏ trở lên độc lập mọi thứ. Nhớ tới vị tăng sư ngồi đối diện với mình chiều nay có thân hình gầy gò tái nhợt, nàng thấy đau lòng mà lực bất tòng tâm. Một giọt, hai giọt nước mắt lăn xuống má, thấm vào gối gấm nhưng vị mặn chát lại thấm vào tim nàng lan ra tứ chi khiến cơ thể không còn sức lực. Áp hay tay lên ngực trái, nàng nghẹn ngào:
- Con gái không bao giờ trách cha, sinh ra trong tông tộc họ Lý vốn nên gánh vác giang sơn tổ tiên gây dựng. Là thời thế thế thời ép chúng ta phải thế. Con gái biết cha phải nếm mật nằm gai nhẫn nhục chịu đựng, nhưng lịch sử không cho chúng ta ngược dòng giữ cơ nghiệp đời đời trường thịnh, dồn chính mình vào bức tường không lối thoát để rồi thành tội nhân thiên cổ.
Miền ký ức trở về năm nàng 6 tuổi, đêm mưa to như trút nước xuống thành Thăng Long. Đứa bé gái đi chân trần chạy theo hành lang cung Thúy Hoa, nhón chân nhỏ bước vào chính điện nơi ở của Thuận Trinh hoàng hậu. Ngó nghiêng không thấy cung nữ và nhũ mẫu của Hoàng hậu đứng ngoài điện hầu hạ, bé thấy có chút kỳ lạ. Định đưa tay mở cửa điện thì nghe tiếng đổ vỡ và tiếng người khác nữa vọng ra từ bên trong, thân hình nhỏ bé hốt hoảng nép mình vào cánh cửa gỗ lim dày cộm, cố nén hơi thở nhẹ nhàng. Ngày thường Thuận Trinh hoàng hậu có tiếng hiền thục đoan trang, ít khi nóng giận mà đập đồ. Bé hơi sợ không dám tiến lên, nhưng tò mò muốn biết ai trong đó làm mẫu hậu tức giận đến như vậy. Hé mắt nhìn vào, nàng chỉ nhìn thấy bóng lưng thẳng tắp đĩnh đạc không có vẻ như người dưới. Nhưng cả cung điện to lớn này không có ai có quyền thế như vua cha, khi đứng trước mẫu hậu mà không phải khom lưng kính cẩn. Nhìn kỹ bóng dáng ấy lại không phải Hoàng đế, vì vua cha có thân hình hơi gầy mảnh, da dẻ có phần tái nhợt mà không phải màu đồng cổ và chắc nịch như người kia. Bé dán tai lên nghe được giọng nói khàn khàn cứng cỏi:
- Đến bước đường này chị còn do dự cái gì nữa? Trời cho họ ta hưởng vinh hoa phú quý, thoát kiếp bề tôi mà được rạng danh tông tộc. Đây không chỉ là chuyện giữa chị và ta, mà còn là cơ đồ thịnh thế thiên thu vạn đại.
- Cho chị suy nghĩ đã… chị nhất định không làm chuyện thương thiên hại lý được - là giọng của Thuận Trinh hoàng hậu.
- Chúng ta không thể đợi lâu được nữa, đây chính là thời cơ tốt nhất. Nếu kéo thêm vài năm, ấu đế cứng cáp lại kẻ kia cố kéo hơi tàn mà trợ lực ấu đế. Xét danh chính ngôn thuận hợp lòng người, lúc đó chúng ta mới ra tay thì thiệt hại càng lớn hơn nữa. Bất quá có thể giết đi một hai ta cũng không do dự.
Chỉ nghe tới đây mà như có nỗi sợ hãi khiến chân tay lạnh lẽo lan xuống dọc sống lưng. Bé chỉ nghe tới giết người liền sinh ra cảm giác run sợ khiếp nhược, không dám nghe tiếp nữa mà lại chạy vụt đi biến mất sau lối rẽ, bóng lưng nhỏ nhắn nhanh chóng nhạt dần trong màn mưa và tiếng sấm.
Nhớ tới đó, nàng như rõ ràng thêm nữa những sự việc hai năm gần đây. Nở nụ cười như chế giễu, nàng tự nhủ:
- Cha... cơ nghiệp mà Đức Thái Tổ gây dựng, cơ nghiệp mà đời đời họ Lý ta bảo vệ tới nay, con gái sẽ không hai tay dâng lên cho lũ quyền thần phản trắc. Nếu muốn cướp lấy thì hãy để chúng tự tới cướp đi, dù có cướp được thì cũng thành tội nhân của trăm họ trong thiên hạ.
Nghĩ tới hai nhỏ ngây ngô tóc để trái đào đang chơi đuổi bóng và lời vua cha căn dặn chiều nay, nàng buồn bã nhắm mắt lại bất giác đã chìm vào giấc ngủ. Trong mơ màng vô thức hai má ướt đẫm nước mắt.