Trường Đình ngẩng đầu cong môi cười với nàng ta. Dữu Tam cô nương không cười mà nghiêng đầu nhìn Trường Đình một cái mang theo chút đánh giá, ánh măt không hiền lành nhưng cũng không có ác ý. Trường Đình cảm thấy kỳ quái: Dữu gia đã nuôi được một người khôn khéo như vợ Thạch Mãnh, lại nuôi ra một người mềm yếu như mẹ Mông Thác. Nay nhìn vị Dữu Tam cô nương này thì lại thấy loại nào cũng không phải, nàng ta cũng lợi hại, tự mình đi một đường riêng.
Trường Đình vừa hoàn hồn mới có cơ hội nghiêm túc cẩn thận đánh giá vị Dữu Tam cô nương sắp thành con dâu thứ hai của Thạch gia. Nàng ta chừng 16 tuổi, còn mang chút vẻ trẻ con. Đánh giá một cách sơ lược thì Mông Thác hiện giờ 21, Thạch gia lão nhị Thạch Khoát 22 hoặc 23 là cùng. Vậy vợ chồng nhà này hơn kém nhau những 7 tuổi, chậc chậc chậc. Nhưng Thạch lão nhị là kẻ bình thản, kín kẽ, không để lộ chút tâm tình nào. Còn vị Dữu Tam cô nương này thì nói như thế nào nhỉ? Khuôn mặt nàng ta tròn nhỏ, làn da sáng, cánh môi hồng, hàm răng trắng, tuy tướng mạo không tính xinh đẹp nhưng nhìn lên cũng thanh lệ. Hiện tại nàng ta thả tóc, mặc một thân áo ngắn màu hồng, khoác dải lụa màu xanh nhạt, nếu đứng bên cạnh lão nhị thì hơi giống con gái chứ không giống vợ.
Nhưng ngẫm lại thì Thạch Mẫn còn lớn hơn vợ hắn những 10 tuổi, vì thế đôi này cũng không có gì quá đáng.
Dữu thị lại cười và cường điệu giới thiệu Dữu Tam cô nương, “… Tam biểu muội của ngươi khuê danh là Ấu La, gọi nàng một tiếng A La cũng được, gọi Tam Nương cũng đúng.” Dữu thị ngừng một chút sau đó mượn không khí vui mừng mà trêu ghẹo, “Vẫn nên gọi là Tam Nương cho thoải mái, sau này cũng không cần sửa.”
Trường Đình cho rằng có thể như nguyện nhìn thấy Dữu Tam cô nương e thẹn rũ mắt nhưng chờ nửa ngày cũng không thấy, chỉ thấy ánh mắt nàng ta chớp tắt, tay vốn lộ ra bên ngoài một chút lại rụt vào. Trường Đình vừa rũ mắt đã thấy hình như nàng ta rụt tay vào theo động tác nhéo tay áo. Động tác này người ta sẽ làm vì hai nguyên nhân, một là vì khẩn trương, hai… là không tình nguyện. Ánh mắt nàng chợt lóe, đổi là nàng thì nàng cũng không tình nguyện. Một tiểu cô nương thế gia đàng hoàng, làm gì có ai thích gả cho một kẻ lớn hơn tuổi, hậu viện còn có thị tỳ, còn là con thứ của một võ tướng nữa chứ. Dù Thạch gia có tiền đồ rất tốt nhưng nó có rơi xuống trên đầu Thạch Khoát hay không cũng chẳng ai biết được. Thạch Mẫn tuy lỗ mãng một chút nhưng tốt xấu gì ngần ấy năm cũng trong sạch không có người yêu thích. Ngoại trừ lúc “theo đuổi” Trường Đình, khụ khụ, không phải, nên là tranh đoạt Trường Đình không có kết quả thì ở việc nam nữ hắn cũng không hề tơ tưởng lung tung.
Cũng có khả năng với tâm trí kia của Thạch lão đại thì còn chưa đủ để hắn lừa gạt tiểu cô nương…
Bất kể Dữu Tam cô nương tình nguyện hay không tình nguyện thì lễ gặp mặt này cũng phải diễn ra đến cùng. Trường Đình ở lại dùng cơm, Dữu thị dẫn đầu mang người nhà mẹ đẻ tới một đình viện cách dinh thự của Thạch gia thật gần. Đợi Trường Đình dàn xếp trong ngoài xong thì vị phụ nhân không nhớ là đại cữu mẫu hay nhị cữu mẫu kia mới mở miệng cảm tạ. Dữu Tam cô nương nhìn Trường Đình một cái, cũng không cảm tạ thì thôi mà tới hành lễ tỏ ý tiễn cũng chẳng có.
Đợi vừa ra ngoài Mãn Tú đã nhỏ giọng nói, “Vị Dữu cô nương này đúng là coi mình thành nhị tẩu của ngài và việc ngài làm những việc này là đương nhiên chắc? Đến mẹ nàng ta còn biết phải cảm tạ, thế mà nàng ta lại ngây ra đó. Chẳng ai thèm nàng ta phải nói cảm ơn nhưng lễ nghĩa đầy đủ thì nàng ta cũng được vinh quang cơ mà?”
Đây là khó xử của chị em dâu, còn chưa gả vào đã có người nói lời nhàn thoại.
Ừ, Trường Đình liếc mắt nhìn Mãn Tú, lời nói xấu này lại còn từ trong nhà mình nữa chứ.
“Nàng ta vốn dĩ chính là nhị tẩu.” Trường Đình nhẹ giọng đáp, “Có vài người giáo dưỡng không tốt, là do cha mẹ nàng ta dạy chẳng ra gì. Chúng ta không phải cha mẹ nàng kia vì thế không có nghĩa vụ dạy nàng ta. Nói khó nghe chút thì người khác không tranh cơm của chúng ta vậy ta cũng chẳng cần để ý làm gì.”
Huống chi, vạn nhất đây là phương thức đấu tranh của người ta vì không thích cuộc hôn nhân này thì sao?
Trường Đình cần thiết cho người này một cơ hội công bằng, hợp lý để phát huy đầy đủ tài năng.
Người của Dữu gia không khó chơi, ngoại trừ việc tới sớm không có ai để tán gẫu thì ngẫu nhiên bọn họ sẽ tới Kính
Viên ăn một bữa cơm, ngẫu nhiên muốn đi chợ ăn ở tửu lầu, ngẫu nhiên muốn đi dâng hương ăn một bữa cơm… Trường Đình cũng không biết vì sao người của Dữu gia lại thích nàng như thế, đi đâu cũng muốn kéo nàng đi cùng. Mỗi ngày nàng về nhà nhìn thấy chồng mình thì cũng đã hoàng hôn. Đến đêm nàng mệt đến hốt hoảng, Mông Thác thì ngày ngày xoa tay hầm hè muốn thực hiện công tác của vợ chồng nhưng công phu của hắn cuối cùng toàn dùng để mát xa chân cho nàng thế nên hắn cực kỳ bất mãn. (Hãy đọc thử truyện Lộc Môn Ca của trang Rừng Hổ Phách) Cho nên ngày tiếp theo người của Dữu gia lại tới thế là hắn cố ý không đi, vừa mời cái vị phu nhân không biết là đại cữu mẫu hay nhị cữu mẫu uống trà, vừa mặt không biểu tình nói, “Mấy ngày nay vợ cháu sợ là không rảnh được, dù sao anh vợ và em vợ cũng sắp tới đây rồi.”
Trường Đình lập tức hoảng hốt “A” một tiếng thế là Mông Thác gật gật đầu nói, “Đúng, gia chủ của Bình thành Lục thị và em gái của vợ cháu sắp tới Ký Châu. Đã lâu nàng chưa thấy người nhà mẹ đẻ, ngày thứ ba lại mặt cũng không về được nên thực sự nhớ thương. Hiện tại nếu mọi người muốn dạo chợ thì Thác sẽ đi cùng mọi người có được không?”
Dữu gia cữu mẫu sửng sốt. Không dám, tổn thọ đó, bà ta không dám nghĩ tới cảnh cùng đứa cháu trai xui xẻo mang bộ mặt than này đi dạo cửa hàng son phấn đâu.
Gió thu chợt thổi, cái lạnh lướt qua, trong cánh rừng cổ thụ ở ngoài Ký Châu có một đoàn xe cuồn cuộn đi tới, bụi đất tung bay. Ba chiếc xe ngựa, gần ngàn tướng sĩ mênh mông chiếm nửa con đường. Càng tới gần Ký Châu thì càng ít lưu dân mạo hiểm tính mạng đi theo đoàn xe xin ăn. Trong xe ngựa đi đầu có một lang quân mặc áo trắng, cả người dựa nghiêng mà ngồi. Bên trái hắn là một tiểu cô nương đáng yêu, trên mặt là thịt, đôi mắt to tròn, tóc thắt bím, giống con búp bê xinh đẹp.
“A huynh,” búp bê vải mở miệng, chán đến chết nói, “Sao Ký Châu xa thế, … Lúc trước từ Ký Châu về nhà muội đâu có thấy đường dài thế này?”
Bởi vì hắn từ U Châu vòng một vòng lớn chỉ vì muốn đi qua phiến rừng trúc lúc trước chôn cả ngàn người của Lục gia. Hắn thấy trúc mọc dày dặn xanh mướt, máu của người nhà họ Lục giống như thành chất dinh dưỡng nuôi rừng trúc này, hiện tại đã chẳng còn thấy gì. Những oán hận của hắn đêm đó, tiếng thét dài của cha, những gian nan khi cầu sinh của A Kiều và A Ninh, cái chết của Phù thị để bảo vệ con. Tất cả đều bị chôn vùi theo thời gian, chẳng cách nào ngừng lại. Lục Trường Anh may mắn vì hắn còn nhớ rõ nhưng Trường Ninh lại quên mất. Tiểu A Ninh nhìn phiến rừng trúc này nhưng chẳng nhớ gì, chỉ cười ngửa đầu hỏi hắn, “A huynh, trước kia chúng ta đã tới chỗ này rồi hả?”
Lục Trường Anh thấy an lòng và cười đáp, “Không, đây là lần đầu tiên chúng ta tới đây.”
Ít nhất Lục gia còn có người không nhớ rõ, thế là tốt nhất. Nhưng tiểu A Ninh có thể không nhớ rõ còn có người dù đã cho hắn một cơ hội nhưng hắn dám giả ngu, thậm chí ngóc đầu trở lại, Lục Phân… Ngươi đúng là tìm chết.
Tiểu A Ninh thấy Lục Trường Anh không đáp lại thì hất hất tóc mái gọi, “A huynh, a huynh…”
Lục Trường Anh hoàn hồn, vén màn xe nhìn ra ngoài cửa sổ, này… đâu còn xa nữa đâu, liếc mắt một cái là có thể nhìn thấy tường thành Ký Châu rồi. Hắn nhìn Trường Ninh lúc thì chia tóc mái thành 10 phần, lúc thành ba phần, lúc lại quấn vào nhau thế là hắn lặng lẽ rời mắt đi. Làm gì có cô nương nào 12-13 tuổi rồi còn giả vờ ngây thơ để tóc mái bằng nữa, lại còn lấy cớ là “Muội phải thấy a tỷ bằng bộ dạng tốt nhất”. A Dung khuyên con bé không nghe, thế nào cũng phải cắt nhưng cắt xong nó lại khóc lớn. Cuối cùng con nhóc cũng chỉ có thể bình tĩnh chấp nhận tóc mái lúc này bị cắt tới trên lông mày một tấc …