Kết quả kì thi cuối cùng khiến toàn bộ thành phố điên đảo. Toàn bộ các thiên tài Giang Hạ như Triệu Thiên Trúc, Hoàng Bích Như hay Hồ Việt Khoa đều bỏ thi. Vương Thành Văn đạt tối đa 50 điểm, tổng cộng là 110 điểm, đưa Kình Ngư độc chiếm ngôi đầu. Bởi vì, bài thi cuối cùng độ khó tăng tới quá cao, khiến không học sinh nào đủ sức cạnh tranh với nó.
Một bất ngờ khác, là kẻ từ đầu tới cuối chỉ nhận điểm 0 là Nguyễn Thanh Phong, cũng đùng một phát nhận điểm tối đa, 50 điểm.
Người ta đồn đại nhau rằng, bức tranh của Nguyễn Thanh Phong, tới đợt thi cuối cùng mới lộ ra là một kiệt tác Hội hoạ.
- Đi xem tranh anh vẽ chứ?
Sau khi công bố điểm, Thanh Phong chủ động tới tìm Văn. Văn lại muốn rủ Linh đi cùng, nhưng tìm mãi không thấy cô bé đâu cả.
Nơi trưng bày tranh đã được học sinh bu kín vào xem xét, bàn tán, trầm trồ, thán phục. Sau khi chen được vào tới nơi, Văn mới nhìn thấy bức tranh của Nguyễn Thanh Phong, thứ tranh kì quái không có bố cục, không có hình khối, lại chỉ có một màu sắc duy nhất.
Giờ đây, nó mới hiểu ra không phải Thanh Phong muốn chơi lầy, mà bức tranh này quả thật như vậy.
Một khung cảnh ngập gió.
Một khung cảnh với sắc xanh biếc chủ đạo, với từng đợt gió điên cuồng nhảy múa, như vọng đâu đây từng tiếng rít gào ghê rợn. Gió choán ngợp bức tranh, gió xé toạc ra ngoài đời thực, gió thổi phả vào mặt từng người nhìn ngắm.
Từng cơn gió được vẽ nên trên nền xanh biếc ấy, rõ ràng chỉ được thực hiện trong ngày thi cuối cùng, từng nét bút lông táo bạo mạnh mẽ, phóng khoáng linh hoạt, như đang cào đang xé lên từng góc giấy.
Văn lặng yên lắng nghe từng tiếng bàn tán thán phục, vừa muốn tiếp thu thêm những ý kiến Hội hoạ này. Nó chả biết gì về Hội hoạ, nó chỉ cảm thấy bức tranh này thật đẹp, như bao người khác thấy.
Chỉ có điều, thấy đẹp là một chuyện, thấy đồng cảm hay không, lại là một chuyện khác.
Người ta nói, trên đời này có hai kiểu thiên tài, kiểu thứ nhất là những kẻ phóng khoáng không câu nệ tiểu tiết, chỉ nhìn vào cái tổng thể. Loại thứ hai, là những kẻ vô cùng tỉ mỉ chi tiết, luôn cho rằng những tiểu tiết tốt mới làm nên một tổng thể tốt.
Vương Thành Văn là loại thứ hai. Vì tính nó vô cùng tỉ mỉ. Nó rất hợp với Vương Minh Quang, hợp với Vương Vũ Hoành, vì bọn họ đều tỉ mỉ và chi tiết. Phong cách hành động của bọn họ, là không bỏ sót bất kì chi tiết nào, luôn dùng hết sức để tận dụng từng lợi thế, dù là nhỏ nhất, để tạo nên thành công. Tỉ mỉ, chi tiết, và chính xác, gần như là một loại thương hiệu.
Nguyễn Thanh Phong lại là một thái cực ngược lại. Phóng khoáng, tự do, không câu nệ, không thèm để ý tới thiệt hơn, chỉ thích làm theo ý mình. Đó là lý do vì sao, những ngọn gió trong bức tranh này lại mạnh mẽ, lại mãnh liệt tới vậy.
- Thanh Phong!
Nghe Thanh Phong tự lẩm bẩm tên mình, Văn đã hiểu. Tên bức tranh này, chính là Thanh Phong. Một bức tranh tự khắc hoạ bản thân mình, phóng khoáng và mãnh liệt như một cơn gió.
Nhưng chẳng hiểu vì sao, Nguyễn Thanh Phong vẫn đứng đó nâng cằm suy nghĩ, như có chút gì chưa hài lòng.
- Bức tranh này, vì sao vẫn còn thiếu thứ gì đó?
Cậu ta vừa lẩm bẩm vừa rẽ đám đông đi ra ngoài. Văn không có chút ý kiến gì, chỉ lặng lẽ đi theo. Nó thử cố suy nghĩ xem bức tranh mà mọi người vẫn trầm trồ khen ngợi là tuyệt phẩm ấy, còn thiếu thốn điều gì, mà không biết. Nó không phải là chuyên gia về Hội hoạ.
Chợt nghe sau lưng, một giọng nói trìu mến vang tới.
- Khà khà khà, một bức tranh tuyệt tác như vậy, đủ sức để trở thành danh hoạ quốc gia. Mới 13 tuổi, đã có thể vẽ được như vậy, rất khá, rất khá!
Là chủ khảo Đinh Kiến Châu. Ông ta chạy tới vỗ vai hai đứa nhóc.
- Sao nào, trò Thanh Phong. Vừa rồi, phải chăng trò đã tái tạo lại những cơn gió? Con người ta từ khi mở mắt nhìn đời, đã biết tới tầng Tư duy đầu tiên, chính là Quan sát. Tiếp đó, tới khi biết nhận thức sự vật, mới suy tư ra sự hình thành, cấu trúc, công dụng, ý nghĩa của sự vật, mới đạt tới
tầng Tư duy thứ hai, là Phân tích. Nhưng chỉ một số người có năng khiếu nghệ thuật, mới có thể từ việc Phân tích ấy mà tái tạo lại, tạo ra sự vật bằng chính năng lực của bản thân, đó chính là Tái tạo! Có thể vẽ được một ngọn gió chân thực tới mức ấy, ta dám chắc trò đã có năng lực tạo ra gió rồi chứ? Bảo sao Cẩm Giang lại cử trò đi thi như vậy, khà khà khà!
Hà Chí Thương đắc ý xổ ra một tràng dài khen ngợi như vậy, hắn tin chắc sẽ làm cậu bé này thoả mãn vui lòng. Dù hắn là Bắc Hoàng của 14 vùng lãnh thổ, hắn cũng không ngại hạ mình để thu phục nhân tâm. Cậu nhóc này có tiềm năng không thua kém là bao so với Triệu Thiên Trúc, thu nạp được thêm 1 đệ tử, chỉ phúc không hoạ.
Ai dè, mặc kệ lời nói dông dài của hắn, Nguyễn Thanh Phong dường như chẳng thèm để tâm tới. Cậu ta vẫn xoa xoa cằm, vẻ mặt đăm chiêu, vừa đi vừa lẩm bẩm.
- Còn thiếu cái gì nhỉ? Còn thiếu cái gì nhỉ?...
Vương Thành Văn thấy vậy, chỉ nhún vai. Mẹ nó dạy, khi người khác bắt chuyện mà không trả lời, là bất lịch sự. Nhưng mẹ nó cũng dạy, khi người khác bận bịu, thì không nên làm phiền.
Nguyễn Thanh Phong vừa bất lịch sự, đáng lẽ phải bị nhắc nhở, nhưng anh ta cũng đang bận suy nghĩ, nên nó lại không thể làm phiền. Thật là khó mà!
Nó chỉ quay sang hỏi thầy Châu.
- Thầy có biết vì sao hôm nay bạn Linh lại không có điểm không ạ? Em cũng không thấy bạn ấy đâu cả. Bạn Trần Phương Linh cùng trường với em ấy. Em không biết lúc vấn đáp thầy có thấy bạn ấy tới thi không?
Thầy ấy chỉ cười.
- Hà hà, thầy biết chứ. Hôm nay bạn ấy có chút lý do đặc biệt, cũng có nói với thầy rồi. Bạn ấy nhờ em trông nom hộ nhà hàng đó.
- Vậy sao? Vậy em phải tới đó đây. Nếu bạn ấy nhờ thì em không thể từ chối được.
- Khoan đã, Vương Thành Văn. Vì sao lời nhờ vả của Trần Phương Linh lại khiến em không thể từ chối?
Văn quay đầu lại.
- Vì bạn ấy đã giúp đỡ em. Em phải trả ơn cho bạn ấy.
- Trả tới bao nhiêu thì đủ?
Văn mỉm cười.
- Chẳng bao nhiêu cả. Bất cứ khi nào bạn ấy gặp khó khăn, em đều sẽ tới. Đó mới chính là trả ơn.
- Vậy em cũng đã giúp đỡ thầy, em cũng cần thầy trả ơn chứ?
- Thầy đã giúp đỡ em rồi đó thôi.
- Chút điểm số ấy đã là gì chứ. Em xứng đáng có được nó. Với lại, mong ước của em là muốn Kình Ngư đạt hạng nhất phải không? Chỉ đứng đầu kì thi lý thuyết thì chưa đủ để đứng nhất đâu. Em phải đứng nhất toàn bộ giải đấu kìa.
- Vậy thì em sẽ cố gắng...
- Thầy nói thẳng nhé, với trình độ hiện nay, em không thể nào đánh bại nổi Triệu Thiên Trúc. Đừng nói tới Thiên Trúc, dù là Vũ Hải Phong hay Vương Thế Kiệt, em đều không có cửa. Thậm chí đến anh bạn Nguyễn Thanh Phong vừa rồi, cũng mạnh hơn em quá nhiều.
- Em biết vậy, nhưng em chẳng có cách nào khác. Người ta không bất chợt giỏi lên chỉ trong một ngày. Hơn nữa anh Quang đã dạy em thắng bại trên sàn đấu không thể nói trước được. Em chỉ còn cách cố gắng hết sức mình mà thôi.
- Vậy nếu thầy nói, em có cách để chiến thắng thì sao? Một cách có cơ hội cao hơn là mù quáng nỗ lực?
- Thầy nói thử xem?
- Học tập. Học tập những kĩ thuật mới. Mà đúng hơn, là thầy sẽ dạy em một kĩ thuật mới, đủ mạnh để em có thể chiến thắng.
- Chỉ một thứ kĩ thuật, lại có thể chiến thắng? - Văn hoài nghi hỏi.
- Đúng vậy. Còn tuỳ vào ngộ tính của em nữa.
- Kĩ thuật đó là gì ạ?
- Kính Hoa Thuỷ Nguyệt.