Về nhà một chuyến, Phạm Thiên Hàm và ta đột nhiên thân nhau hơn.
Lúc anh ta không bận công chuyện sẽ mang ta ra khách sạn Long Môn nghe ông lão râu bạc kể chuyện, còn sai người sang khách sạn Lai Phúc mua bánh bao hấp cho Bảo nhi và ta vừa nghe vừa ăn, rất là thể thiếp; số lần ăn cơm với ta cũng tăng lên rõ ràng, còn đồng ý cho Bảo nhi cùng bàn cùng ăn với ta; lúc không thức thâu đêm phê công văn, thì thi thoảng anh ta cũng ngủ lại trong phòng ta, trời đã cuối thu, đêm lạnh như nước, khi ngủ có một người ở bên, lại ấm áp hơn lò sưởi rất nhiều.
Đối với sự ân sủng nhất thời của anh ta, thỉnh thoảng ta cũng nghĩ là, chẳng lẽ kẻ hèn ta đây cũng trở thành cô kiều trong câu kim ốc tàng kiều kia rồi.
Ngày cũng đều đều như vậy trôi qua, ta ngược lại cảm thấy an nhàn thoải mái.
Mạnh Tử viết, sinh trong khốn khó chết trong an nhạc. Câu ấy nói có hơi quá, an nhạc không nhất định sẽ chết, nhưng an nhạc quả thật khiến ta quên đi rất nhiều việc, tỉ như sư phụ đại sư huynh; tỉ như mộng giang hồ của ta; tỉ như vì sao Phạm Thiên Hàm lấy ta; tỉ như người bên chái nhà Tây đã lâu không xuất hiện trước mặt ta – Tiêu Tử Vân.
Vì vậy khi Tiêu Tử Vân xuất hiện trước mặt ta thì ta bị hù giật cả mình. Vào một buổi tối nguyệt hắc phong cao, ở trong mơ ta đã tự tay nghiền cô ta ra cám rồi. Bởi vậy, sự hiện diện của cô ta tựa như làn khói xanh bốc lên giữa vùng dã ngoại hoang vu trong mấy truyện ma, luoon khiến người ta nơm nớp lo sợ một phen.
Ta hít sâu một hơi rồi cười nói với cô nàng: “Tử Vân biểu muội, lâu quá không gặp.”
Xác thật là đã lâu không gặp, gần đây ngay cả ăn cơm cũng không thấy cô ta, thật khó được âm hồn cũng tán.
Dường như Tiêu Tử Vân cũng thấy sớm không cần phải khách sáo, hừ một tiếng rồi nói: “Tẩu tẩu với biểu ca gần đây quả thật là kiêm điệp tình thâm.”
Bốn chữ ấy cô ta nói mà làm lòng ta bỗng thấy hổ thẹn.
Ta quả có thẹn với cha ta, ông hằng năm tốn một đống bạc cho ta đến trường, ta lại không biết hai chữ kiêm điệp nó viết như thế nào, chỉ nhớ mang máng là có chim, có cá*, cảm giác cũng là hai từ vui vẻ thuận hòa.
*鹣 = kiêm, 鸟 = chim
鲽 = điệp, 鱼 = cá
Ta nghiêm túc nói: “Không phải, ta cảm thấy bốn từ cử án tề mi càng hợp hơn, không thì lá lành đùm lá rách, kính nhau như khách cũng được.”
Chủ yếu là, mấy chữ đó ta biết viết hết.
Có lẽ là mấy lời này vào tai Tiêu biểu muội lại biến thành những lời gây hấn đại nghịch bất đạo,cô ta nối trận lôi đình, quát: “Cô thực sự cho rằng biểu ca thật tâm thật ý với cô à!”
Cô ta còn chưa dứt lời, Bảo nhi nóng lòng hộ chủ đã gào lên: “Cô gia đối với tiểu thư rất tốt, hơn nữa dạo này cô gia với tiểu thư đêm nào cũng là đêm xuân.”
Xem nàng nói câu này kìa, trán ta đổ mồ hôi lạnh.
Mà sắc mặt của biểu tiểu thư vì câu nói vô căn cứ của Bảo nhi mà trắng bệch như tờ giấy.
Ta lau mồ hôi trên trán, lờ Bảo nhi đi, nói: “Biểu tiểu thư nói vậy là sao?”
Tiêu Tử Vân lại kiêu ngạo lên, “Cô cho là biểu ca thành thân với cô là vì ái mộ cô sao? Sự thật hoàn toàn không phải thế, biểu ca cùng cô thành thân, đều là vì ta.”
Ừm, ta rất có hứng với mấy vở kịch trong kịch này, bèn ồ một tiếng, nói: “Xin lắng tai nghe.”
Cũng không biết biểu tiểu thư này hồi nhỏ có từng bị sốt cao không lùi, đầu óc hơi bị ấm không. Tóm lại, cô ta đã khơi dậy lòng tò mò của ta, lại thần thần bí bí nói, nếu cô muốn biết, thì đi hỏi biểu ca. Cái thái độ đó, thật không có trách nhiệm, thật khiến người ta muốn đánh chết cô ta.
Cho nên nhịn hết một ngày ta mới chờ được Phạm Thiên Hàm ra ngoài làm việc trở về. Để tạo ra không khí bức cung thích hợp, ta cố ý cắt ngắn bấc đèn đi, để cho ánh đèn lập lòe mờ mịt, lại mặc vào bộ áo trắng thật phiêu dật, xõa tóc, u ám đứng nơi đầu giường, lúc Phạm Thiên Hàm đẩy cửa vào, ta gục đầu xuống, run giọng hỏi: “Huynh đã về đấy à?”
Phạm Thiên Hàm đứng khựng lại ở cửa, sau đó bình thản nói: “Nàng đang hóa trang thành gì vậy?”
Ta lại lần nữa khâm phục cực kỳ sự bình tĩnh kiềm chế của anh ta, suýt tí nữa thì quên dự tính lúc đầu, may mà có Bảo nhi đang nghe trộm ngoài cửa sổ lạnh quá hắt xì một cái, ta mới vội nói: “Tiêu Tử Vân nói huynh lấy ta là vì có mục đích khác.”
Anh ta im lặng một lát, xoay người đẩy cửa sổ ra, nói một câu: “Trời lạnh lắm, về ngủ đi.”
Câu nói thân thiết ấm áp là thế, ta nghe thấy lại thay Bảo nhi rùng mình một cái, quả nhiên, ta nhanh chóng nghe tiếng Bảo nhi lăn lông lốc rời đi, không khỏi than thầm một hơi, đúng là một kẻ có tâm trộm nhưng không có gan trộm.
Khép cửa lại, Phạm Thiên Hàm chầm chậm tiến tới bên giường, lúc đi ngang qua bàn còn thuận tay vặn cao bấc đèn lên.
Ta bị anh ta áp sát như thế, đột nhiên thấy chột dạ, lui lại vài bước, cổ chân chạm tới chân giường, liền trực tiếp ngồi xuống, vén món tóc che trước mặt lên, nhét ra sau tai, nói: “Huynh nói cho rõ xem nào.”
Phạm Thiên Hàm học ta ngồi xuống mép giường, còn giúp ta vén nốt tóc lên, rồi mới nói: “Không phải nàng thích nghe kể chuyện à? Ta kể cho nàng một câu chuyện nhé.”
Ta ngẫm thấy không đúng, tên này vào đúng lúc quan trọng lại muốn kể chuyện, như vậy câu chuyện này là là một chuyện hết sức quan trọng chắc chắn phải kể, cần phải kể, không kể không được, bèn hơi thẳng người lên, hai tay ấp lên nhau để nơi đầu gối, nặng nề gật đầu một cái, nói: “Huynh kể đi.”
Tiếp theo đó, anh ta kể một câu chuyện rất dài cho ta nghe, cách anh ta kể không được chuyên nghiệp lắm, giọng thiếu nhịp điệu, nhưng thắng được ở chỗ tình cảm chân thật, miễn cưỡng nghe được.
Chuyện xưa thê mỹ đại khái đều có một mỹ nhân, hoặc mỹ nhân tài tử, hoặc mỹ nhân anh hùng.
Nếu là mỹ nhân tài tử, thì là tài tử nghèo túng, mỹ nhân viện trợ.
Nếu là mỹ nhân anh hùng, thì là mỹ nhân gặp nạn, anh hùng cứu mỹ nhân.
Câu chuyện này thuộc vế sau, mỹ nhân gặp nạn, anh hùng cứu mỹ nhân, mỹ nhận nguyện lấy thân báo đáp, anh hùng đương nhiên vui lòng nhận.
Đêm tối gió lớn, củi khô bén lửa, mỹ nhân và anh hùng tư