Hôm sau, ta bị sư phụ ép đi nói chuyện với đại sư huynh. Chừng là chột dạ, ta đặc biệt chọn lúc Phạm Thiên Hàm xuất phủ, mời đại sư huynh ra vườn xem rau.
Vườn rau của Lý tổng quản không lớn, nhưng là con đường khi qua lại tất phải đi qua, ai gặp cũng thấy chúng ta vô cùng quang minh chính đại, không có mảy may lo lắng chuyện tình ngay lý gian.
Bắp cải Lý tổng quản trồng lại mọc tươi tốt. tựa như từng đóa hoa xanh lục đang nở rộ vậy.
Ta và đại sư huynh đứng bên mép vườn rau, thâm trầm nhìn một con sâu béo múp leo từ lá này sang một cái lá khác.
Khi chúng ta còn niên thiếu, những ngày cây cỏ sinh sôi, chim oanh bay lượn, lúc ta và đại sư huynh bị sư phụ ‘thả trâu ăn cỏ’, thường thường cùng nhau ăn không ngồi rồi ngắm mấy con vật nhỏ, như kiến, như dế mèn, như con ruồi bị vặt cánh, như rất nhiều loài côn trùng không gọi nổi tên ra, chúng ta muốn xem bọn nó định đi đâu. Nhưng ta rất dễ buồn ngủ, nhìn một lúc liền bắt đầu gà gật, lúc tỉnh lại thường cũng quên hỏi, cho nên ta vẫn mãi không biết chúng nó đã đi đâu.
Con sâu rau dưới cái nhìn soi mói của chúng ta, uốn uốn éo éo chui vào cái lá bên trong bắp cải, không còn thấy lại nó nữa.
Ta đưa mắt trở lại đại sư huynh, nói: “Đại sư huynh, có thể nói chuyện của huynh và Tiêu Tử Vân với muội không?”
Đại sư huynh cười nói: “Muội muốn biết cái gì? Ta đây không biết thì thôi, biết thì sẽ nói hết.”
Sư huynh chưa bao giờ là người hay cười, da mặt lâu ngày không được co dãn nên mất mất ký ức, có nỗ lực cười thì cũng cổ quái, mà đại sư huynh cổ quái kiểu này ta không quen, ta không biết phải ứng đối ra sao.
Thế là ta đành thẳng thắn, nghiêm túc nói: “Tiêu Tử Vân không phải là người tốt.”
Huynh ấy cũng không phủ nhận, lại nở nụ cười, “Ta đã sớm biết rồi.”
Ta bị nụ cười của huynh ấy làm ờ mịt, rũ mắt xuống lại thấy con sâu lúc nãy ngo nguẩy thò đầu ra từ lá bắp cải, kìm không được chuyển đề tài: “Đại sư huynh, con sâu kìa.”
Huynh ấy cũng học theo ta cúi xuống nhìn.
Ta hồi tưởng lại: “Chúng ta lúc nhỏ hình như từng bắt sâu rau thì phải.”
Huynh ấy cười cười nói: “Tất thảy đều đã vật còn người mất rồi, ta cũng không nhớ nữa.”
Ta nhất thời sượng mặt, ngượng ngùng nói: “Quên rồi cũng tốt.”
Trong lòng lại không nhịn được oán hận nghĩ: Trong toàn bộ cái vật còn người mất ấy, ta ghét nhất là huynh.
Nếu những kỷ niệm xưa cũ không làm huynh ấy động lòng được, ta chỉ còn cách tìm đường khác.
Vậy nên ta nói: “Huynh có biết sư phụ vì chuyện của huynh và Tiêu Tử Vân lo lắng đến nỗi qua một đêm đã bạc đầu rồi không?”
Huynh ấy thản nhiên nói: “Tóc sư phụ đen như đêm thâu ấy.”
Ta nghẹn họng, nhìn bên mặt căng chặt của huynh ấy, im lặng xoay người rời đi. Chỉ đáng tiếc mới đi được nửa chừng lại thấy sư phụ trốn sau lan can vung vẩy nắm tay với ta, ta thở dài bất đắc dĩ rồi lại quay về.
Tới bên cạnh đại sư huynh, thấy trên tay huynh ấy dư ra một cái lá rau, con sâu vừa nãy còn nhìn thật lâu đang ngo ngoe lăn lộn trên đó, hệt như một con mèo nịnh bợ.
Huynh ấy bỗng nhếch khóe miệng cười, hai ngón tay cầm lá rau bóp lại, bẹp một tiếng phụt ra thứ chất lỏng màu xanh. Ta sợ tới mức nhảy lùi ra sau một bước. Huynh ấy quay đầu nhìn ta: “Lần đầu tiên ta và Tiêu Tử Vân gặp mặt, tình cảnh cũng giống như thế này, bấy giờ cô ta mới tám tuổi, sư phụ mang cô ta về chơi, cô ta cũng như thế này bóp chết con sâu lông ta nuôi.”
Ta nuốt nước miếng một cái, hỏi: “Con sâu huynh nuôi tên là gì? Muội từng nuôi một con chim họa mi, Bảo nhi đặt tên cho nó là Ô Nha, em ấy bảo muốn thử xem nếu cứ gọi nó Ô Nha, có khi nào nó sẽ quên mất mình là họa mi, từ từ biến thành màu đen hay không.”
Ta quả thật đã từng nuôi một con họa mi, Bảo nhi cũng quả thật gọi nó Ô Nha, nhưng trí tuệ như ta, vào lúc này lại kể chuyện ấy, đương nhiên là muốn khuyên giải sư huynh, để huynh ấy nhớ rằng huynh ấy bản tính là lương thiện, đừng vì một cô gái bóp chết mất sâu, mà hóa thân thành ma. Chính cái gọi là, chớ quên nguồn cội nha chớ quên nguồn cội.
Đại sư huynh quăng lá rau trong tay đi, nói: “Sâu lông của ta tên là Đại Hiệp.”
Đại Hiệp bị cô gái yếu ớt bóp chết, còn có nỗi bi thương nào hơn thế không.
Đại sư huynh lại hỏi: “Về sau con họa mi ấy thế nào?”
Ta nói: “Sau thì nó có lẽ là không chịu được nỗi sỉ nhục ấy, một lần muội mở lồng đổi nước thì nó bay đi mất.”
Sự thật là, ta và Bảo nhi nuôi nó một tháng, thấy ngày ngày phải cho ăn cho nước uống rất phiền và chẳng thú vị gì, bèn mở cửa lồng ra, hi vọng nó bỏ nhà ra đi, nhưng cửa mở đến ba ngày, nó vẫn cứ ngoan ngoãn ở trong lồng ‘túy sinh mộng tử’*, ngay cả đầu cũng chưa hề thò khỏi lồng lấy một lần. Chúng ta oán nó bất hạnh, giận nó không tranh, cuối cùng cứng rắn lôi nó ra, thả lên trời xanh. Nhưng nó vẫn thỉnh thoảng bay về, định bụng kiếm chút của bố thí từ chúng ta, chúng ta giữ vững tinh thần muốn nó tự lập tự cường mà cự tuyệt.
*sống mơ màng như say rượu
Đại sư huynh mỉm cười, nói: “Con họa mi ấy cũng coi như trinh liệt. Hồi đó ta thay Đại Hiệp báo thù, nên đánh nhau với Tiêu Tử Vân, đúng lúc ta ép cô ta vào tường định đánh thì cô ta bật khóc tu tu, ta mềm lòng thả cô ta ra, ai biết ta vừa nơi tay, cô ta lợi dụng lúc ta quay người thì quét ta một cước, quật ngã ta xuống đất, rồi cầm thi thể của Đại Hiệp lên chà trên mặt ta, tới tận hôm nay ta vẫn có thể tưởng tượng ra cái cảm giác nhớp nháp ấy.”
Ta không kìm được mà đưa tay xoa xoa mặt, nói: “Huynh nói nhiều như vậy, hình như đều là điểm xấu của Tiêu Tử Vân, vậy sao hai người lại…”
Sao lại về cùng bè với nhau?
Huynh ấy nhún vai nói: “Ta cũng không biết nữa, cứ như vậy thôi.”
Ta quay đầu cầu cứu sư phụ trốn sau lan can, phát hiện ra ông ấy nghe chán quá, dựa vào lan can ngủ mất rồi.
Ta quyết tâm, hỏi trực tiếp: “Huynh có biết Tiêu Tử Vân vốn một lòng muốn gả cho Phạm Thiên Hàm không?”
Huynh ấy đáp: “Biết.”
Ta lại hỏi: “Vậy với tính tình của cô ta, huynh có thể khẳng định cô ta thật lòng yêu huynh sao?”
Huynh ấy lắc đầu đáp: “Không thể, cho dù năm đó muội vẫn là một cô bé, chớp chớp đôi mắt to muốn cùng ta đến thiên nhai, ta còn không thể khẳng định muội có phải đột nhiên nông nổi hay không, huống gì là Tiêu Tử Vân.”
Ta đương nhiên là không phục, năm đó ta quả thực là ‘một mảnh băng tâm tại ngọc hồ’*, tâm tâm niệm niệm mong chờ huynh ấy sưởi ấm băng tâm ấy, ngờ đâu huynh ấy ra sức quẳng tảng băng vào trong hồ, lạnh đến mức giữa trời đông tuyết giá ta kêu trời trời không đáp kêu đất đất không linh.
*Một câu trong bài Phù Dung lâu tống Tân Tiệm của Vương Xương Linh
Hàn vũ liên giang dạ nhập Ngô
Bình minh tống khách Sở