Trong khi đợi tân sứ giả Liêu quốc đến, triều đình đều đã trên dưới một lòng, đồng ý lấy cảng Hàng Châu làm chủ cảng xây dựng hạm đội theo đề xuất của Triệu Ngọc. Bên dưới triều đình còn đơn hướng đặt mười chiến thuyền thích hợp cho các cuộc chiến đấu viễn hành. Hàng Châu vì vậy mà phải mua đại bác ở xưởng quân sự Dương Bình để chuẩn bị cho các chiến thuyền. Cùng lúc ấy, triều đình cũng đặt ra chiến lược mới để làm thông suốt con đường tơ lụa, mục đích đương nhiên là vì sự phồn vinh của vạn quốc lai triều*. Căn cứ vào chiến lược này, triều đình đã bổ nhiệm Lý Cương làm Thiếu Bảo Thái Tử, giữ chức Tiết Độ Sứ đường Tây Bắc, phụ trách việc nối liền quân binh trong vùng cảnh nội ở đây với dân tộc Hồi Hột, đồng thời hạ sử thư cho Hắc Hãn. Theo phỏng đoán thì vấn đề ở phía dân tộc Hồi Hột không lớn, bởi trước nay họ vẫn luôn hoan nghênh người Trung Nguyên, còn thái độ của Hắc Hãn thì lại nửa nạc nửa mỡ, mơ hồ không rõ. Để phòng bị cho việc chiến tranh có khả năng sẽ xảy ra trong tương lai, Hàn Thế Trung đang trấn thủ ở đường Tây Bắc cũng đã bắt đầu chuẩn bị cho chiến sự, xưởng quân sự Dương Bình do đó cũng tiếp tục nhận được đơn hàng.
*Vạn quốc lai triều: vạn nước lại triều cận.
............
Gặp mặt sứ giả Liêu quốc, sứ giả Liêu quốc cũng chấp nhận lời giải thích về sự hiểu nhầm từ phía Âu Dương. Nhưng đã gần mười một tháng rồi, triều đình Liêu quốc vẫn không để cho Âu Dương rời kinh về nhậm lệnh, mà hắn phải ở lại để phụ trách việc đàm phán buôn bán vũ khí với Liêu - Kim. Mà lúc này, ngân hàng tư nhân Dương Bình cũng đã mở được một ngân hàng đầu tiên ở Nam Kinh - Liêu quốc. Giữa Tống - Liêu bắt đầu có sự luân chuyển tiền bạc. Chỉ trong vài ngày, ba ngân hàng tư nhân Dương Bình ở phủ Đại Đồng, phủ Đại Định và phủ Lâm Hoàng (ba phủ của Liêu quốc) đồng thời được mở cửa. Mặt khác, chiến cục Kim -Liêu vẫn ở trong thế giằng co như cũ, pháo súy thủ và mìn cũng không hảo dụng trong quá trình tiến công. Lần này sứ giả Liêu Quốc đến đây còn vì một chuyện khác nữa, đó là trình quốc thư cho Đại Tống, nói rằng sẽ có đoàn sứ giả Liêu quốc đến Đại Tống đàm luận về việc nới rộng hoạt động xuất khẩu vũ khí vào xuân năm tới. Mà ở Đông Kinh lúc này cũng đang có sứ giả của Kim quốc, mục đích của họ cũng là bàn chuyện mua bán vũ khí với Đại Tống.
Vũ khí mà Liêu quốc thấy vừa mắt là xe hỏa tiễn - một loại vũ khí vừa có khả năng phòng ngừa sự tấn công của kỵ binh, vừa có khả năng sát thương địch trên diện rộng. Còn vũ khí mà Kim quốc nhắm đến lại là đại bác. Âu Dương vừa nghe thấy Kim quốc muốn có đại bác đã lấy làm kinh hãi. Cho dù có sản xuất với quy mô lớn, thì đám công nhân cũng không biết gì về uy lực của loại đại bác này. Hơn nữa, lô đại bác đầu tiên vẫn còn chưa giao cho Hàng Châu mà Kim quốc đã biết đến việc đại bác có thể tấn công trên diện rộng, đồng thời cũng biết có thể cùng lúc gắn vào nó hai loại đạn pháo.Điều này chỉ có thể nghi ngờ rằng: ở Sương thôn Dương Bình ít nhiều cũng có gian tế của Kim quốc.
Âu Dương vừa viết thư bảo Triển Minh tiến hành điều tra, vừa kiên quyết từ chối, tuyệt đối không thể đem đại bác ra tiêu thụ ở bên ngoài, sách lậu về pháo súy thủ đã xuất hiện khắp Liêu quốc, nhưng do không có cách phối hợp với tỉ lệ tốt nhất, đồng thời lại không biết đến sự tồn tại của cân tiểu ly nên mới có nhược điểm nhiều như vậy, uy lực, tính sử dụng và an toàn của nó cũng không sánh được với mặt hàng do xưởng quân sự Dương Bình sản xuất. Thậm chí còn không bằng pháo súy thủ do Đông Kinh làm nhái.
Âu Dương có một vài bí mật không thể tiết lộ, cân tiểu li chỉ có một chiếc, nên chỉ có người thợ cả ở khu vực có tiến hành thực nghiệm mới biết, hơn nữa cũng chỉ có bọn họ mới sử dụng đến cân tiểu li. Lần này, cách điều chế hỏa dược tinh xác nhất cũng chỉ có người thợ cả và ba đồ đệ của hắn biết. Ba tên đồ đệ chịu trách nhiệm điều phối hỏa dược, cách phối chế hỏa tuyến cũng chỉ có mấy người bọn họ biết mà thôi. Việc sách lậu được tuồn ra ngoài quá nghiêm trọng, vì tài lộ và cũng vì sự an toàn trong tương lại, không thể không có sự phòng bị. Triệu Ngọc rất tán thành với cách làm này của Âu Dương. Chứ như các vật dụng do cục chế tác Đông Kinh làm ra thì căn bản chẳng có bí mật gì đáng để bàn cả. Còn về phần pháo bao lớn, đạn pháo ẩn sâu bao nhiêu thì chẳng phải là vấn đề gì đáng ngại, nên chẳng cần phải giấu diếm làm gì, mà có muốn giấu cũng không giấu được.
Trong quốc thư
mà sứ giả Liêu quốc đưa đến, thì đoàn sứ giả thứ hai của Liêu quốc cũng đã theo hạm đội của Cao Ly đến Đông Kinh. Các sứ giả thông thường chỉ có chức năng chuyển lời, nhưng sứ giả trong quốc thư của Kim quốc lại có quyền tự chủ rất lớn. Thấy việc đàm phán của sứ giả chỉ dừng lại ở mức thuận theo tự nhiên, Kim quốc liền cử đến một đoàn sứ giả chính thức. Đoàn sứ giả này có một trăm ba mươi người, có cả vệ binh lẫn quan văn, và người phụ trách đoàn sứ giả lần này là người mà ai ai cũng biết, chính là Hoàn Nhan Lan, người đã tiến hành ám sát Âu Dương trong buổi thọ yến. Mục đích của Hoàn Nhan Lan khi đến đây rất đơn giản, vũ khí của dân tộc Nữ Chân đã quá lạc hậu so với vũ khí của Liêu quốc, cục diện vô cùng bất lợi. Nếu như dân tộc Nữ Chân có được vũ khí đồng dạng và ngang hàng với vũ khí của Liêu quốc, thì việc đánh bại Liêu quốc chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.
Động thái này của Kim quốc đã tạo nên một phản ứng dây chuyền, sứ giả Liêu quốc cũng lập tức gửi quốc thư, nói đoàn sứ giả của nước mình từ phủ Lâm Hoàng đã lên đường rồi. Hắn lo đầu não của nước Tống nóng lên, đến đại bác gì gì đó cũng đem bán cho người ta thì khốn. Kèm theo đó là động thái cử tám tên nội thị vệ võ công cao cường đến bảo vệ cho Âu Dương của triều Tống. Dù sao thì việc Hoàn Nhan A Cốt Tá nghĩ không thông nên lại một lần nữa muốn hành thích Âu Dương cũng là chuyện có thể xảy ra.
Khi Âu Dương ở Đông Kinh, Lương Hồng Ngọc vẫn thường xuyên lui tới. Nhưng do Hoàng Gia báo mở rộng quy mô và tầm ảnh hưởng, một mình Huệ Lan cáng đáng không nổi, Lương Hồng Ngọc chỉ có thể nán lại Đông Kinh vài ngày rồi phải về Dương Bình giúp tỉ tỉ một tay. Có câu: "Tiểu biệt thắng tân hôn* ". Gần nhau rồi lại chia xa như thế này, âu cũng là một tư vị lạ.
*Tiểu biệt thắng tân hôn: xa nhau vài ngày còn mặn nồng hơn đêm tân hôn.
..........
"Đây là nỏ hỏa dược tiễn, cung hỏa dược tiễn, hỏa pháo da, pháo củ ấu...."
Trương Huyền Minh ân cần giới thiệu các sản phẩm của cục chế tác Đông Kinh:
"Đây đều là các sản phẩm được Hoàng Thượng ân chuẩn cho bán ra bên ngoài, quận chúa thấy thế nào?"
Mặt Hoàn Nhan Lan không chút biểu cảm, cô mở miệng hỏi:
"Hỏa pháo da có thể đánh ở cự li bao xa? Sử dụng được mấy lần?"
"Cái này... Mấu chốt là ở mặt mang theo, vô cùng tiện lợi và thoải mái. Một tên kị binh có thể dễ dàng mang theo một quả."
"Trương đại nhân, chủ ý của ta là muốn có loại vũ khí có thể tấn công tối thiểu ba trăm bước, ngoài ra còn có thể sử dụng tối thiểu một trăm đạn pháo."
Hoàn Nhan Lan nói:
"Về phần giá cả, hoặc là các ngươi cho một cái giá, hoặc ta sẽ căn cứ vào giá cả ở Tô Châu mà chi trả."
Trương Huyền Minh cười khẽ rồi nói:
"Quận chúa, Tô Châu căn bản không phải là đất của nhà Tống. Nói câu khó nghe á thì, hôm nay mang họ Tống, mai không vui liền có thể đổi sang họ Kim."
"Âu Dương thì sao? Hắn có hứng thú rất lớn với Tô Châu."
"Âu đại nhân còn phải lo chuyện thương thảo với sứ giả Liêu quốc."
Hoàn Nhan Lan hỏi:
"Pháo súy thủ này là do Lý đại nhân làm chủ sao?"
"Đương nhiên là do ngài ấy làm chủ rồi."
"Ta nói là sản phẩm của Dương Bình hay sao kia."
"Cái này...."
Hoàn Nhan Lan nói:
"Có thể dẫn kiến Hoàng Thượng thay ta được không?"
"Mấy ngày nay Hoàng Thượng long thể bất an."
Hai bên vốn là tử thù, Triệu Ngọc rõ ràng là không muốn gặp mặt. Dù sao thì những món hàng nào có thể bán đều đã bày ra ở trên bàn cả. Nếu muốn thì đem tặng một ít cũng không phải là vấn đề gì đáng ngại. Vì không tiếp giáp với Kim quốc mà đi đắc tội với Liêu quốc thì quả là một việc làm chẳng sáng suốt chút nào. Còn vì Tống - Liêu là anh em cột chèo mà giúp Liêu diệt Kim thì cũng là chuyện không chính đáng. Triệu Ngọc đồng ý với suy nghĩ của Âu Dương, trong lúc trận chiến giữa hai nước vẫn đang trong trạng thái cân bằng, thì hãy khiến họ tiêu hao quốc lực. Trương Huyền Minh lại niềm nở giới thiệu tiếp:
"Máy dò mìn do Dương Bình sản xuất là hàng hóa Dương Bình chính cống...."