Âu Dương vỗ vỗ vào khuôn mặt của Chung Tương rồi nói:
"Tiểu tử, sức mạnh của thứ tình cảm nam nữ còn lớn hơn nhiều so với tưởng tượng của gã nam nhân chỉ biết chơi đùa với nữ nhân như ngươi đấy. Lưu tướng quân, nếu không có đại tẩu kia thì phải làm thế nào?"
"Vậy thì chỉ có thể tốn thêm một khoảng thời gian nữa. Cận vệ cũng là người, lúc nào cũng lo lắng cho người nhà của mình. Năm nay có thể không ló mặt ra, nhưng năm sau thì sao? Sớm muộn cũng sẽ có ngày lòi ra."
Lưu Kỵ cười, nói:
"Ta cũng không ngờ công lao lại rơi lên người bọn ta."
......
Đầu của Chung Tử Ngang đại diện cho sự kết thúc chính thức của lần diệt trừ quân phiến loạn này. Lưu Kỵ là Đông Kinh cấm vệ quân, đương nhiên không thể ở lại lâu, ngày hôm sau liền áp giải cả nhà Chung Tương lên đường. Âu Dương ở lại thêm vài ngày nữa, chủ yếu là để liên lạc với thương nhân, địa chủ và quan phủ, nghiên cứu một số biện pháp để bảo vệ địa phương. Hiệp hội thương nghiệp Dương Bình cũng đồng thời quyên góp cho địa phương tam mươi vạn quan, trong đó có một nửa là đầu tư để khôi phục và xây dựng lại bản địa, trợ cấp cho các thương nhân tử nạn có tên trong hiệp hội thương nghiệp, một nửa còn lại là để sử dụng cho vũ trang nhân dân. Ngân hàng tư nhân Dương Bình cũng cho vay không lợi tức với tổng số tiền là ba trăm vạn để giúp đỡ hồ Động Đình khôi phục nền móng thương nghiệp. Động thái này nhận được sự khen ngợi của Triệu Ngọc và các triều thần.
Cuối tháng 11, Âu Dương mới rời khỏi hồ Động Đình, dưới sự bảo vệ của mấy trăm cấm vệ quân giao nộp ý chỉ. Trong hơn nửa năm qua, Liêu - Kim - Tống duy trì tình trạng giằng co, quân Tống cũng thử lợi dụng sông Địch, nhưng do Da Luật Đại Thạch dặn dò mà dòng nước ở phía Bắc sông Địch không có cách nào đi thuyền. Hơn nữa binh lực, trang bị vẫn chưa được điều chỉnh tốt, lại thêm sự tổn thất nghiêm trọng của hạm đội Hàng Châu trong giai đoạn trước, cần phải chỉnh đốn lại, cho nên trước giờ vẫn không khai chiến. Liêu quốc cần thời gian để mượn binh, lại ở trong trạng thái hai phía đều có địch, nên cũng không chủ động tiến công. Thái độ của người Nữ Chân là tọa sơn quan hổ đấu, dù đã không còn nể mặt Liêu quốc nữa, nhưng Tông Hàn vẫn luôn ước thúc thuộc hạ không được tấn công.
Nhìn chiên tranh giữa Tây Hạ, Tống, Liêu, rất nhiều người coi việc tiêu diệt đối phương làm mục đích. Đa phần là tranh đấu để chiếm lĩnh một miếng đất và mấy thành lũy. Đánh rồi lại hòa, hòa rồi lại đánh. Mọi người cũng quen với tiết tấu như thế này. Nhưng các binh sĩ có hiểu biết đều biết, năm tới sẽ là năm quan trọng nhất trong tác chiến quân sự của ba nước.
Nhưng sách lược lại có chút biến hóa, Da Luật Thuần tuy có một người vợ mạnh mẽ, nhưng bản thân hắn vẫn là người có tài năng quân sự. Nghe theo ý kiến của Da Luật Đại Thạch, từ từ rút một lượng binh sĩ từ Cẩm Châu đến phủ Đại Định và Thông Châu, tránh cho Đại Tống chuẩn bị cho cuộc hội chiến lâu dài ở Cẩm Châu. Da Luật Đại Thạch cho rằng Cẩm Châu dựa biển, quân Liêu không có hạm đội, không có cách nào tiếp nhận quân địch tấn công từ hai phía, lui về đất liền còn có thể chi năm xẻ bảy ưu thế của quân Tống.
.....
Trở về Đông Kinh giao nộp ý chỉ, lần này khá ngoại lệ, không có trực tiếp đến yết kiến, từ sáng đến gần tối vẫn không tuyên triệu Âu Dương. Âu Dương hỏi thăm tiểu thương trước Hoàng Cung mới biết, Đồng Quán trở về rồi. Từ sáng, Đồng Quán thượng triều, đi đến giờ này vẫn chưa chịu ra. Âu Dương vừa tới dịch quan đăng ký thì có người trong cung đến, tuyên mình vào yết kiến.
Nhưng trong ấn tượng của Âu Dương, Hoàng
Đế rất ít khi tuyên triệu bề tôi vào yến kiến lúc dùng bữa tối, trừ phi có chuyện gì lớn. Như lần đầu tiên chiến tranh với Tây Hạ, điều động hậu cần bảo vệ, cấm vệ quân vùng ven đến để đàm luận suốt cả một đêm. Âu Dương đoán là có chuyện lớn xảy ra.
Triệu Ngọc có chút mệt mỏi, nhưng vừa nhìn thấy Âu Dương thì tinh thần phấn chấn hẳn lên, tâm tình cũng không tệ, hỏi:
"Khanh uống gì?"
"Trà đi."
Làm gì có đồ uống nào ngon đâu mà nói. Cô ca, bia tươi, cà phê đều không có, chẳng lẽ lại bảo hạm đội Hàng Châu khơi dòng đến Nam Mỹ, để trong những năm tháng mình còn sống có thể uống được một tách cà phê?
Triệu Ngọc phất tay, Cửu Công Công đích thân bước vào. Thật ra Âu Dương không thích đồ ăn thức uống do Cửu Công Công làm cho lắm, cảm thấy có chút buồn nôn, vì sao lại buồn nôn thì không nói rõ được. Triệu Ngọc nói:
"Lần này khanh làm rất tốt, các quan đại thần đều khen ngợi hết lời. Điều hiếm thấy nhất là không cần phải phế binh mã gì đó mà vẫn có thể làm nên chuyện, Trẫm đang suy nghĩ xem có nên xếp khanh làm Đại Nguyên Soái hay không?"
"Hôm nay tâm tình của Bệ hạ rất tốt à nha."
"Đương nhiên, báo Hoàng Gia của khanh còn không biết phải không?"
Triệu Ngọc nói:
"Tám bộ Địch Liệt của Ty thống quân Tây Liêu Ô Cốt Địch Liệt tự lập vương, đồng thời nối liền quân đạo Tây Bắc theo hướng Nam. Đường lui của Liêu quốc bị cắt đứt, tương lai chỉ có thể rút lui về Đông Kinh."
Âu Dương hỏi:
"Còn gì nữa không?"
"Còn nữa, tướng quân Liêu - Lý Xử Ôn lén lút liên lạc với Đồng Quán, dự định sẽ đầu hàng Đại Tống. Còn có một chuyện lớn nữa."
Triệu Ngọc chỉ tay vào tấm bản đồ trước mặt mình và nói:
"Đến đây xem đi."
"Vâng!"
Âu Dương bước đến bên cạnh Triệu Ngọc.
Triệu Ngọc chỉ vào bản đồ rồi nói:
"Hạm đội Hàng Châu đang vận chuyển quân chủ lực Hà Bắc đến sông Áp Lục thuộc cảnh nội Cao Ly."
Âu Dương cả kinh:
"Bệ hạ muốn hai bên khai chiến?"
Qua sông Áp Lục chính là núi Trường Bạch, chiếm lĩnh núi Trường Bạch thì có thể uy hiếp phủ Hoàng Long.
"Đúng vậy."
Triệu Ngọc gật đầu:
"Trẫm dự định sẽ bổ nhiệm Nhạc Phi làm tướng quân trấn hải, từ hướng Nam của Nữ Chân đổ bộ lên Tô Châu, làm rối loạn sự quản lý của Nữ Chân, uy hiếp Kim Đô Liêu Dương phủ."
Âu Dương không giấu được sự nghi ngờ:
"Sao đột nhiên Bệ hạ lại......"
"Hoàn Nhan Ngô Khất Mãi là một minh quân. Hơn một năm qua, do căn bản không có chiến trận nên cuộc sống của người Nữ Chân được cải thiện không ít. Đồng Quán nói không thể để họ cải thiện, mà phải để họ thiếu thầy, thiếu thuốc, thiếu lương thực."
Triệu Ngọc nói:
"Trẫm thấy điều này rất có lý, vả lại hiện nay Kim Liêu rất khó có thể khai hỏa chiến tranh với quy mô lớn. Cho nên quân lộ Hà Bắc sẽ di chuyển đến sông Áp Lục, không nhất định phải đánh, chỉ cần họ tập kết binh lực, từ bỏ sản xuất là đủ rồi. Ép họ lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, tranh đoạt nhân khẩu, của cải và lương thực với người Liêu.”