Tuy Trương Thúy Phương bảo sẽ có tuyết, nhưng trên thực tế, nhiệt độ thấp nhất hằng năm ở Dung Thành chỉ là khoảng 0 độ mà thôi.
Thi thoảng có ít hoa tuyết, nhưng chưa chạm đất là đã tan rồi.
Nhưng dù vậy, mùa Đông ở Dung Thành vẫn lạnh thấu xương.
Trên kệ giày để bán của Nhiếp Chấn Hoành, anh đã thức thời nhập thêm loại giày vải lót lông.
Đế dày, thoáng khí, giữ ấm tốt, thế là đã đủ thỏa mãn nhu cầu của dân cư bình thường.
Bởi vậy số giày mùa Đông của cửa hàng đều bán khá chạy, cứ một hai tuần Nhiếp Chấn Hoành lại phải đi nhập hàng chỗ chú Ba Cao Hải.
Nhưng dịch vụ sửa giày thì lại thưa khách đi.
Thi thoảng mới có người tới sửa giày tuột chỉ bung mối, nhưng phần nhiều là đánh giày, vậy nên công việc của Nhiếp Chấn Hoành nhẹ nhàng đi nhiều.
Nhiếp Chấn Hoành cũng thích thế, tiện cho anh tập trung vào việc khác quan trọng hơn——
Chuẩn bị quà sinh nhật cho bé con của anh.
Nhiếp Chấn Hoành định làm một đôi giày mùa Đông cho Lâm Tri.
Anh rể nói chí phải, quà cáp quý là ở tấm lòng.
Còn thứ duy nhất thể hiện được tấm lòng trong phạm vi năng lực của anh… e là chỉ có mỗi giày.
Mấy năm nay anh sửa giày nhiều, phát hiện loại giày ấm nhất đi thích nhất vào mùa Đông vẫn phải là loại ủng đi tuyết mà đám thanh niên thích.
Dù có lẽ không có cơ hội được đi trên nền tuyết ở Dung Thành, nhưng bình thường ấm chân là đã đủ rồi.
Nếu đã làm, thì đương nhiên phải làm tốt nhất có thể.
Khác với những đôi giày vải bông sản xuất hàng loạt bằng máy móc trên kệ hàng, Nhiếp Chấn Hoành tự sang bên kia đường tìm Nhiệt Hợp Mạn, hỏi Lão Mạn nhờ quan hệ đặt một miếng lông cừu hoàn chỉnh từ chân núi Thiên Sơn.
Sau đó anh mặt dày gửi nó đến nhà máy của chú Ba để thuộc da và xử lý, rồi bắt đầu tự tay làm giày từ da.
Các bước làm ủng đi tuyết cũng không phức tạp.
Nó khác với loại giày da Oxford phải cắt mười mấy miếng da để ghép giày, rồi còn đục lỗ xỏ dây nữa.
Người thợ chỉ cần chuẩn bị miếng lót bằng cao su, dây nilon, chỉ khâu viền giày, thêm mấy miếng da cắt thành kích cỡ thích hợp theo rập, khâu chúng lại với nhau là được.
Phần tốn nhiều công nhất là khâu.
Miếng lông cừu Nhiệt Hợp Mạn đưa tới cực kỳ dày dặn, bên trong còn có một lớp lông tơ, sờ êm ru mà lại giữ ấm tốt, đo thử bằng tay cũng phải dày cỡ một đồng xu.
Nhiếp Chấn Hoành chỉ có thể lấy bao ngón tay và kim to ra từ hộp dụng cụ, xỏ chỉ vào, rồi khâu từng đường kim mũi chỉ, ghép mấy miếng da lại.
Mỗi một mũi kim đều cần rất nhiều sức lực của anh.
Từ đầu ngón tay, đến cánh tay, rồi tới bả vai.
Vô số cơ bắp và tế bào được điều động, chỉ vì một đôi giày tầm thường trong tay anh.
Thoạt trông thì có vẻ như xài dao mổ trâu để giết gà, nhưng Nhiếp Chấn Hoành lại cảm thấy đây là công việc vui vẻ nhất, khiến mình thấy thành tựu nhất kể từ khi vào nghề đến nay.
Đôi giày này, anh phải làm mất hơn một tháng.
Bởi vì ngày nào cũng phải tiếp khách, nên Nhiếp Chấn Hoành chỉ có thể lựa lúc mà làm.
Đôi khi Lâm Tri còn ngồi xem bên cạnh, bao giờ Nhiếp Chấn Hoành khâu mệt, cậu sẽ lập tức duỗi tay ra lấy khăn lau cho Nhiếp Chấn Hoành, rồi lại nghiêm túc xoa bóp thổi tay cho anh.
Những kẻ khác có thể sẽ chê đàn ông mà làm mấy thứ thủ công may vá, nhưng đôi mắt Lâm Tri từ đầu chí cuối chỉ có sự kính nể và sùng bái.
Như thể thứ anh Hoành nhà cậu làm không phải là một đôi giày mấy trăm đồng cắc, mà là một món hàng xa xỉ cả ngàn vạn tệ lận.
Nhưng điều ấy lại khiến Nhiếp Chấn Hoành thấy áp lực nặng như núi đè.
Một món quà thế này, chắc chắn sẽ không thể giữ được sự bí mật và bất ngờ, nhưng Nhiếp Chấn Hoành cảm thấy Tri Tri nhà anh cũng không cần phải thế.
Chỉ nhìn lướt qua đôi mắt hôm nào cũng sáng như sao của cậu, là có thể cảm nhận được Lâm Tri đang chờ mong và vui vẻ đến thế nào.
Vì vậy Nhiếp Chấn Hoành cũng chẳng làm kiêu nữa, còn hay cho bé con nhà anh đeo thử, cố gắng điều chỉnh sau cho phù hợp và thoải mái nhất.
Chẳng qua gừng già vẫn còn giấu vị cay.
Nhân lúc Lâm Tri tập trung vẽ tranh hoặc không ở trong cửa hàng, Nhiếp Chấn Hoành sẽ lấy đế giày và dao khắc ra, đổ hết tâm tư vào miếng đế.
Anh liên tục phác họa và khắc những đường cong uốn lượn, chỗ nông chỗ sâu, cho đến tận khi dần khắc họa ra một hoa văn tinh tế có thể thấy được bằng mắt thường.
“Oa ~”
Hôm nay, Lâm Tri lên lầu lấy màu vẽ, Nhiếp Chấn Hoành nhân cơ hội này, lại lấy đế giày ra đẩy nhanh tiến độ.
Giọng trẻ con ngọt ngào bỗng vang lên bên tai anh, “Chú Nhiếp, chú khắc hoa gì thế? Đẹp ghê á!”
Nhiếp Chấn Hoành giật mình, suýt khắc vẹo, may mà khống chế được tay mình.
Nhận ra người đang lên tiếng là cô bé hàng xóm Cam Khả Khả thân quen, Nhiếp Chấn Hoành bèn giải thích với bé, “Hoa sơn chi đấy.”
Lâm Tri thích hoa sơn chi.
Hồi trước hết mùa hoa, tất cả hoa sơn chi trong lọ ở tiệm đều héo cả, bé con còn tiếc nuối rõ lâu.
Vì thế Nhiếp Chấn Hoành tính khắc thẳng hoa lên đế ủng, vừa để trống trượt, đồng thời, cũng coi như chút lãng mạn nho nhỏ.
“Oa, hoa Chít Chít ấy ạ!” Bé gái gật đầu cái hiểu cái không, nhưng vì giọng địa phương Dung Thành khó phân biệt vần “ít”, nên bé bi bô đọc sai.
Nhiếp Chấn Hoành thấy hài, nhưng vẫn gật đầu theo lời bé, “Ừ, hoa Chít Chít đấy.”
Bông hoa khắc cho bé con Tri Tri kiệm lời của anh, chẳng phải chính là “hoa Chít Chít” đó sao?
Hay đấy, chẳng có gì sai cả.
Nói chuyện với cô bé một lát, Nhiếp Chấn Hoành mới liếc thấy còn một cụ già chống gậy đang đứng trong bóng râm.
“Bà Cam? Bà xuất viện rồi ạ?”
Nhiếp Chấn Hoành vội vàng đứng lên, tính đỡ bà cụ ngồi xuống chiếc ghế cạnh mình.
“Không sao không sao, bà còn đứng vững mà.” Bà Cam cười ha hả vỗ lên tay Nhiếp Chấn Hoành, “Bà chỉ đưa Khả Khả qua đây để cảm ơn con với Tiểu Lâm thôi.”
“Cảm ơn cảm huệ gì ạ,” Nhiếp Chấn Hoành đã đoán ra nguyên do, nên không nhận lời cảm ơn ấy, “Đều là việc nhỏ, chúng cháu nên làm thôi mà.”
“Việc nhỏ đâu!” Bà Cam nghiêm mặt, “Hai bà cháu bà sống được là nhờ việc nhỏ ấy đấy!”
Nhiếp Chấn Hoành bị bà giáo huấn, thì xoa mũi không dám nói gì nữa.
Bấy giờ bà Cam mới tươi tỉnh lại, “Con không biết đâu, giờ lót giày của bà bán chạy lắm.
Tiểu Đỗ với Tiểu Thượng còn làm shop online gì gì đấy cho bà, bà có thể nhận đơn trên mạng rồi!
“Bây giờ bà bận rộn khâu vá từ sáng đến tối, mà đôi lúc còn không đủ hàng để ván.
Hầy, cũng tại bà tay già chân yếu vô dụng quá!”
Nhiếp Chấn Hoành vội vàng nói, “Bà đừng