Chút bất mãn cuối cùng của ông Nhiếp với đứa con dâu nam Lâm Tri đã tan gần hết lúc ông mang thùng cá thắng lợi trở về.
Chiều hôm đấy, sau khi cặp đôi Nhiếp Chấn Hoành về, hai đồng chí phụ nữ trong gia đình chê cánh mày râu ở nhà ngáng lối, nên quẳng hết họ đi câu cá, chỉ để lại mình anh đàn ông duy nhất là Vương Hạo ở nhà để phát huy tác dụng quan trọng.
Nghe nói món câu cá đã trở thành hoạt động ngoài trời được các chú các bác luống tuổi và cao tuổi yêu thích nhất, bố Nhiếp cũng là một thành viên mẫn cán trong khối này.
Khu phức hợp nơi gia đình họ Nhiếp đang ở nằm ngay gần một công viên sinh thái mới xây.
Người ta xây riêng một ao cá để dân tình thả câu.
Vì thế bình thường mỗi lúc rảnh rỗi, ông Nhiếp rất thích vác cần và ghế ra, cứ ngồi đấy là hết hẳn một ngày.
Hồi chân Nhiếp Chấn Hoành mới què, anh cũng bị bố già đưa ra ngồi câu cá ven hồ mấy bận.
Bố bảo, tâm phải tĩnh, đừng có rối lên.
Đôi lúc mình phải kiên nhẫn, thuận theo tự nhiên, rồi cá sẽ cắn câu thôi.
Nhưng ngày ấy Nhiếp Chấn Hoành vẫn chưa thấm nhuần đạo lý này lắm.
Anh nhìn cái cần câu im lìm nửa ngày, bắt đầu nôn nóng, cuối cùng nhấc cần bỏ chạy lấy người luôn, sượng sùng tự điều khiển xe lăn về nhà.
Về sau, anh sửa giày một mình trong tiệm, mới chậm rãi ngộ ra lời bố nói.
Ngoài khoảnh khắc cá cắn câu, thì quá trình câu cá hầu như rất cô độc buồn tẻ.
Mình lẻ bóng nhìn mặt nước chằm chằm, không nhúc nhích.
Có lẽ phải mất rất lâu thì mới có cá cắn câu, có thể dù kiên nhẫn chờ mút mùa, mà vẫn chẳng thu hoạch được gì cả.
Ta không thể biết trước điều gì sẽ xảy ra.
Giống hệt như cuộc đời của mỗi người vậy.
Nhưng cũng chính vì quá trình không đoán trước được kết quả này, nên khoảnh khắc xao động ta đã phải chờ đợi bấy lâu mới càng trở nên bất ngờ và đáng trân quý hơn.
Nhiếp Chấn Hoành không khỏi nghiêng đầu nhìn Lâm Tri.
Giờ ngẫm lại, có lẽ… khoảnh khắc nhìn thấy cậu ngố này bước vào tiệm sửa giày, trái tim anh đã xao động.
Dù thế, Nhiếp Chấn Hoành vẫn chẳng rành rẽ vụ câu cá câu mú này.
Ngược lại, Lâm Tri chưa bao giờ động vào cần câu, sau khi quan sát một loạt động tác của ông Nhiếp, thì bắt đầu vụng về mắc mồi vào lưỡi, thử thả câu.
Ông Nhiếp ngồi ngoài rìa lạnh lùng theo dõi.
Tuy cũng thầm mỉa mai trong lòng là lũ trẻ này chắc chẳng ngồi được bao lâu, nhưng thấy động tác sai lệch của Lâm Tri, ông vẫn không cầm được lòng mình mà lên tiếng sửa cho cậu.
Cuối cùng, người nói nhiều nhất suốt cả quá trình lại là ông.
Nhiếp Chấn Hoành vừa nghịch di động vừa cười quan sát hai người tương tác với nhau, còn Lâm Tri thì luôn rất nghiêm túc.
Phong cách bé ngoan hiếu học của cậu cực kỳ thỏa mãn cái tính thích lên mặt dạy đời của ông Nhiếp.
Kết quả khiến hai cha con họ Nhiếp không ngờ được nhất chính là, sau buổi chiều nay, Lâm Tri lại thu hoạch được nhiều cá nhất.
Nhiếp Chấn Hoành đưa Lâm Tri đi câu cá cùng vốn chỉ vì muốn kéo gần khoảng cách giữa bố già nhà mình với bé con.
Dù anh biết với tính cách của Lâm Tri, chắc chắn cậu sẽ ngồi được rất lì, nhưng không ngờ bé con của anh lại câu cá giỏi thế.
Vụ này đúng là chó ngáp phải ruồi.
Cuối cùng ông Nhiếp luôn miệng gọi Lâm Tri là hạt giống tốt, lờ lớ thằng con mình đi, hẹn ngày giờ thả câu lần tới với Lâm Tri luôn.
Lâm Tri không đồng ý ngay, chỉ ngước đầu nhìn về phía anh Hoành nhà cậu.
Nhiếp Chấn Hoành cười, xoa đầu cậu, “Em muốn tới lúc nào cũng được.
Lần sau mình mang cả bảng vẽ theo, phong cảnh chỗ này đẹp, bao giờ không có cá thì mình vẽ tranh.”
“Dạ!”
Ông Nhiếp ngồi cạnh đấy nghe, vốn đang nhíu mày định bảo câu cá là phải tập trung, nhưng thấy hai đứa tình chàng ý thiếp thân mật như thế, ông lại dừng miệng.
Ông lắc đầu, ngồi xổm xuống đổ hai lưới cá vào xô cân lên, hàng lông mày lại vô thức giãn ra.
*
Bữa cơm tất niên gia đình bắt đầu trong những lời dạo đầu hồ hởi phấn khởi của MC trong CCTV.
(CCTV: đài truyền hình trung ương Trung Quốc.
Đêm Giao Thừa đài CCTV hay có Gala Chào Xuân rất nổi tiếng.)
Mười mấy món chính được thay phiên mang lên bàn: gà, vịt, cá, bò, lợn chiên xù, há cảo, khau nhục, chân giò… Món nào món nấy đều thơm ngon hấp dẫn, đủ đầy đúng vị.
Nhà có đầu bếp hàng thật giá thật, nên mấy năm nay mọi người trong gia đình họ Nhiếp đều béo thêm mấy ký.
Về sau bà Liêu xem kết quả khám sức khỏe, hạ lệnh chỉ cho con rể trổ tài vào những dịp lớn như tiệc tất niên thôi.
Gia đình họ Nhiếp chẳng câu nệ gì lúc ăn cơm.
Nhất là ngày tư ngày Tết thế này, chỉ cần cơm no rượu say là đủ rồi.
Được bữa cả nhà đông đủ, ông Nhiếp vốn định nâng chén rượu phát biểu mấy câu cảm nghĩ của chủ nhà, nhưng mọi người chỉ chăm chăm vào thức ăn trên bàn, chẳng ai nhìn ông cả, còn động đũa đến là nhanh nữa.
Ông Nhiếp thấy món thịt lợn chiên xù khoái khẩu của mình sắp bị gắp sạch, lập tức buông chén rượu, gia nhập chiến trường.
Tuyết đã bay ngoài trời từ lúc nào chẳng hay, nhưng trong nhà vẫn hừng hực khí thế.
Đây là lần đầu Lâm Tri được tham dự một bữa cơm tất niên náo nhiệt thế này.
Không biết là vì có anh Hoành bên cạnh, hay tại bầu không khí của gia đình họ Nhiếp quá ấm áp thoải mái, mà cậu cũng vô thức hòa nhập vào cuộc chiến tranh cướp đồ ăn trên bàn cơm.
Dưới sự yểm trợ của Nhiếp Chấn Hoành, Lâm Tri cướp được kha khá món mình chưa ăn bao giờ.
Cậu còn tự cho là bản thân kín đáo lắm, chia cho anh Hoành và mình mỗi người một nửa, lại không biết đã bị bố mẹ anh chị nhìn thấy hết rồi.
Nhiếp Triển Hà đột nhiên hiểu ra tại sao hồi trước em trai lại xin mình video về hamster.
Còn bà Nhiếp thì càng trào dâng tình mẫu tử, cười tủm tỉm cướp miếng thịt lợn chiên xù cuối cùng của ông bạn già, nhét vào cái bát đầy ụ của Lâm Tri.
Hết bữa cơm, Gala Chào Xuân đã chiếu gần xong.
Mọi người đều có thể loáng thoáng nghe thấy tiếng pháo châm đì đùng náo nhiệt ngoài kia.
Lũ trẻ con nhấp nhổm, ồn