Tiễn xong hội các cô các bà chiêng trống đi, thì cũng đã đến giữa trưa.
Hai người chẳng bao giờ phải trăn trở trước câu hỏi khó thiên cổ “trưa nay ăn gì”.
Thông thường Nhiếp Chấn Hoành sẽ đưa ra mấy lựa chọn để Lâm Tri bốc, Lâm Tri nói thẳng món mình thích ăn ra, như là súp, mì cay, hay là thịt ba chỉ xào.
Nếu lần nào không có món gì Lâm Tri thèm lắm, thì sẽ đến phiên Nhiếp Chấn Hoành quyết định.
Vừa dân chủ lại vừa đơn giản.
Khác với đám người thường hay suy trước tính sau, băn khoăn trăn trở trong các mối quan hệ thân tình, thường biểu đạt tình cảm của mình qua việc thỏa hiệp hoặc hùa theo ý người thân, bạn bè, người yêu, thì Lâm Tri luôn nghĩ gì nói đó.
Có lẽ thi thoảng những lời nói quá thẳng thừng và không giữ ý của cậu sẽ khiến người ta thấy không thoải mái, nhưng với Nhiếp Chấn Hoành, anh chẳng bao giờ có vấn đề gì cả.
Anh thích một Lâm Tri như thế.
Một cậu trai luôn làm theo trái tim mách bảo từ đầu đến cuối, chân thành mà lại ngây thơ.
Cũng có lúc xảy ra hiểu lầm dở khóc dở cười giữa cả hai vì những phản ứng thẳng thừng của Lâm Tri, nhưng sau mỗi cuộc hiểu lầm, tình yêu mà Nhiếp Chấn Hoành dành cho bé con càng sâu đậm hơn.
Dù sao trên cõi đời này, chẳng có gì quý giá bằng lòng chân thành.
Anh phải may mắn cỡ nào, thì mới gặp được một cậu nhóc vừa đáng yêu vừa chân thành cỡ này trong cuộc đời tẻ nhạt của mình.
Hôm nay anh và em bé của anh cũng không biết nên ăn gì, Nhiếp Chấn Hoành bèn đưa Lâm Tri sang quán mỳ lâu năm nằm xeo xéo bên kia đường, gọi hai bát mỳ.
Quán mỳ này đã mở mười mấy năm, có thể coi là căn bếp sơ cua của bà con quanh đây.
Nhà nào lười nấu tại gia, thì thường hay ra đây gọi mỳ, vừa no vừa rẻ lại vừa như đồ nhà làm, cực kỳ hợp khẩu vị dân gốc ở đây.
Nhiếp Chấn Hoành gọi mỳ sườn, chọn cho Lâm Tri món mỳ bò mà cậu thích, rồi kêu thêm một đĩa đồ kèm và trứng chiên để bổ sung dinh dưỡng cho bé con.
Trong lúc đợi mỳ bưng lên, họ còn gặp Tôn Mạn Cầm và Cam Khả Khả cũng đến quán ăn trưa, bèn chào hỏi hai dì cháu, mời họ ngồi chung một bàn.
Bình thường Tôn Mạn Cầm toàn nấu ăn trong cửa hàng nhà mình, hôm nay dì đưa cô bé qua đây ăn, là vì phải vội lên bệnh viện ngay.
Nhiếp Chấn Hoành sốt sắng dò hỏi tình hình của bà Cam, biết chiều nay bà cụ sẽ lên bàn mổ.
“Trả hết phí phẫu thuật rồi.
Đúng ra phải mổ từ tuần trước cho nhanh rồi đấy, nhưng bác sĩ nói bà cụ thiếu máu và suy dinh dưỡng mãn tính, nếu không bổ dung đủ protein, thì sẽ có hại cho quá trình bình phục hậu phẫu, nên mấy nay chị toàn phải tẩm bổ cho bà đấy!”
“Chị cũng vất vả quá.” Nhiếp Chấn Hoành cảm thán, “Chạy vạy đủ đằng lo lắng nhiều thứ vậy nữa.”
“Ôi, vất vả cũng có là gì, chỉ mong giải phẫu thành công, bà cụ sớm khỏe lại thôi.” Tôn Mạn Cầm xua tay, “Dù gì cũng sống chung một nhà bấy lâu, chị cũng coi bà Cam và bé Khả Khả như người thân, không thể mặc kệ được.”
Cam Khả Khả ngồi trên ghế, ngoan ngoãn nghe hội người lớn nói chuyện.
Bé không kêu ca mình đói hoặc nghịch bát đũa leng keng như những đứa trẻ cùng tuổi khác trong tiệm ăn, mà nhìn ngó xung quanh, rồi chủ động nhảy xuống ghế, chu đáo chạy tới quầy tự phục vụ của tiệm mỳ, lấy một bát nước dùng mỳ về, nâng đến trước mặt Tôn Mạn Cầm.
“Dì ăn canh đi ạ!”
Tôn Mạn Cầm vội nhận ngay, “Úi để dì tự cầm, kẻo bỏng con ơi!”
Cô bé lắc hai bím tóc, ngoan ngoãn cười, “Con cầm chắc lắm, không bỏng đâu ạ!”
Bữa cơm này hơi vội.
Tôn Mạn Cầm muốn đưa cả Cam Khả Khả lên bệnh viện, tranh thủ trấn an bà Cam trước khi bà cụ vào phòng mổ, nên Nhiếp Chấn Hoành và Lâm Tri cũng phải ăn nhanh theo họ.
Xong bữa, Nhiếp Chấn Hoành kêu Tôn Mạn Cầm đừng đi vội, đưa hai người về tiệm sửa giày trước đã.
“Không biết chị với cháu còn phải chờ ở bệnh viện bao lâu, để em gói cho Khả Khả ít đồ ăn vặt nhé.”