Trong thời gian Lee Jung Ho bị giam ở căn cứ quân sự Mỹ, tình thế bên ngoài vẫn đang biến đổi.
Cuối năm 2016, hội nghị thượng đỉnh G-20 được tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc tế Busan, bao gồm cả tổng thống Donald Trump mới đắc cử. Hai mươi quốc gia giàu nhất thế giới tập trung lại để cùng nhau tìm ra lối thoát cho sự phát triển của nền kinh tế thế giới.
Đúng như dự đoán, sau khi Trump đắc cử, ông liên tục tác động lên ngoại giao – như thể một con bò đực xông vào hàng sứ, khiến mọi người không kịp ứng phó.
Ngài tổng thống vừa chủ động lấy lòng Moscow và Bắc Kinh, lại đồng thời đưa ra lời mời với lãnh đạo Triều Tiên, hô hào thảo luận giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Dĩ nhiên Kim Jong Un không thể đến viếng thăm Hoa Kỳ, song chính phủ Triều Tiên đã cử một phái đoàn quan sát tham dự hội nghị thượng đỉnh G20.
Chủ tịch của phái đoàn quan sát chính là ủy viên thường trực của Cục Chính trị Đảng Lao động, Cục trưởng Cục Điều tra Quân đội Nhân dân Triều Tiên Jang Young Soo.
Cân nhắc đến quan hệ giữa ông ta và Kim Jong Un cũng như tình hình chính trị Triều Tiên, phái đoàn quan sát lần này của phía Triều Tiên có quy mô rất lớn, dĩ nhiên không chỉ vì dự thính hội nghị thượng đỉnh.
Dư luận rối rít suy đoán, đây là dấu hiệu hòa hoãn trong quan hệ Triều – Hàn.
So với chính sách kinh tế của hội nghị thượng đỉnh, ý đồ Triều Tiên nhân hội nghị lần này để quay lại đấu trường quốc tế càng khiến người khác chú ý hơn.
Đây thực sự là một bước cờ hiểm của Đảng Quốc gia cầm quyền – bởi vì Cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon vừa đưa ra tuyên bố sẽ đại diện đảng đối lập liên hiệp dân chủ tân chính trị, tham gia cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc năm 2017. Nếu có thể đạt được đột phá trong vấn đề này tại Triều – Hàn thì bất kể thành quả lớn nhỏ thế nào, cũng đều đủ để che lấp đi ánh hào quang của vị ứng cử viên ngoại giao này.
Bên ngoài hội trường, mười mấy người già tám chín mươi tuổi ngồi trên xe lăn, dẫn đầu đội hình thanh thế khổng lồ, khẩn khoản yêu cầu chính phủ hai nước Triều Hàn tổ chức cuộc gặp cho các thân nhân ly tán, cắt đứt quan hệ phân chia Nam – Bắc gần mười năm.
Bên trong hội trường, đại diện của Triều Tiên trở thành tâm điểm của buổi họp báo, được giới truyền thông ở nhiều quốc gia khác nhau liên tục đặt câu hỏi.
“Tôi là Kim Suki của nhật báo The Guardian ở Anh.” Nữ phóng viên đeo kính không gọng, tóc búi cao, đặt câu hỏi bằng tiếng Hàn không mấy trôi chảy, “Được biết, phái đoàn quan sát viên của Triều Tiên không những dự thính hội nghị mà còn đưa ra những nhận xét mang tính xây dựng về mối quan hệ Bắc-Nam. Ông có thể tiết lộ nội dung được không?”
Dù tóc Jang Young Soo đã điểm muối tiêu, nhưng khí độ vẫn bất phàm, trầm ổn ngồi trên bục.
Chỉ thấy ông gật đầu rồi nhận lấy micro trong tay nhân viên: “Theo thỏa thuận đạt được giữa Chủ tịch Kim Jong Un và Chủ tịch Park Geun Hye, Ủy ban Thống nhất Hòa bình của Tổ quốc sẽ cho phép mở lại khu công nghiệp Kaesong.”
Khu công nghiệp Kaesong là mô hình hợp tác kinh tế giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Vào tháng 2 năm 2016, để đáp trả vụ thử hạt nhân lần thứ tư và phóng tên lửa tầm xa của Triều Tiên, Hàn Quốc đã đơn phương đóng cửa khu công nghiệp và sơ tán nhân viên có liên quan, áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt đối với Triều Tiên. Quan hệ Bắc-Nam cũng trở nên trầm trọng vì thế.
Mà giờ đây, song phương đồng ý mở lại khu công nghiệp, khôi phục sản xuất, sự thiện chí đưa ra đã đủ để chiếu sáng con đường hòa bình trên bán đảo. Phóng viên có mặt tại chỗ rối rít giơ tay, có mấy người đã vô cùng kích động tự báo họ tên, hòng vượt mặt MC trực tiếp đặt câu hỏi.
Jang Young Soo giơ tay lên tỏ ý mình vẫn chưa nói hết: “Để là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế, chúng tôi yêu cầu phía Hàn Quốc ngay lập tức giải quyết các vấn đề chủ nghĩa nhân đạo, khôi phục các cuộc gặp mặt định kỳ của các gia đình ly tán, trao trả tự do cho những ‘tù chính trị bị giam dài hạn’ muốn quay về Triều Tiên.”
Lời này vừa thốt ra, bên dưới lại xôn xao lần nữa.
Nếu như nói gặp lại thân nhân ly tán là đề tài riêng trong quan hệ Nam – Bắc, thì “‘tù chính trị bị giam dài hạn” chính là giao dịch duy nhất.
Khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc, vẫn có không ít chiến sĩ quân đội nhân dân, nhân viên tình báo hoặc du kích ở lại phương Nam. Sau khi bọn họ bị bắt, bởi vì đã vi phạm “Luật An ninh Quốc gia Hàn Quốc”, “Luật ***” hay “Luật Quốc phòng” nên bị tuyên án hình phạt. Phần lớn trong đó chọn thay đổi tín ngưỡng, bỏ Triều Tiên nhập tịch Hàn Quốc, có được thân phận là công dân Hàn Quốc, sau khi kết thúc thời hạn thi hành án thì hòa vào cuộc sống bình thường. Chỉ có rất ít người từ chối thỏa hiệp, cuối cùng bị nhốt trong lao ngục không thấy mặt trời hết tháng này qua năm khác.
Những tù nhân không muốn thay đổi niềm tin chính trị thì được gọi là “‘tù chính trị bị giam dài hạn”.
Trong “Tuyên bố chung Bắc-Nam” được ký năm 2000, người lãnh đạo tối cao lúc bấy giờ của Triều Tiên là Kim Jong Il đã nói rõ, đề nghị Hàn Quốc phải trao trả lại tất cả “‘tù chính trị bị giam dài hạn” và cũng làm rõ nội dung điều khoản này như một bản tuyên bố riêng.
Tháng 9 năm đó, 62 tù chính trị khỏe mạnh đã trở về Triều Tiên qua đường phân định quân sự ở Bàn Môn Điếm.*
(*Bàn Môn Điếm là một ngôi làng thuộc hai tỉnh khác nhau của Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên, là giới tuyến phân cách giữa hai bên.)Đảng Lao động tuyên truyền chuyện ấy rất rộng rãi, sau khi đoàn xe ra khỏi Bàn Môn Điếm, mọi người xếp hàng hai bên hoan nghênh họ quay về. Sau khi về nước, những tù nhân này được xem là anh hùng dân tộc. Trong những ngày Kim Il Sung, Kim Jong Il còn sống, các vị lãnh đạo cũng từng nhiều lần đích thân đến thăm họ; sau khi Kim Jon Un nhậm chức, ông vẫn rất quan tâm đến “‘tù chính trị bị giam dài hạn”.
Trong thời điểm thả những người này, danh tính của họ đã được Hiệp hội Chữ thập đỏ Triều Hàn nhất trí xác nhận, bao gồm tất cả các tù nhân
còn sống và được ghi chép lại.
Giờ đây, đoàn đại biểu lại lấy điều này ra làm tiền đề cho cuộc đối thoại, ngoài việc chỉ trích Hàn Quốc thì đồng thời cũng đã ngầm công nhận: sau khi ký kết “Tuyên bố chung Bắc-Nam” vào năm 2000, Triều Tiên đã từng phái gián điệp đến Hàn Quốc, tồn tại hành động không thân thiện đơn phương.
Tù chính trị mới có bao nhiêu người? Vào biên giới Hàn Quốc nhằm mục đích gì? Giờ đây bọn họ đang ở đâu?
Phóng viên bên dưới đột nhiên nhao nhao cả lên, ai ai cũng thò đầu nhón chân, mong ngón có thể đưa ra câu hỏi với đoàn đại biểu Triều Tiên.
Chỉ là không ai để ý đến, cô gái phóng viên gốc Hàn tự xưng của tờ The Guardian gỡ mắt kính xuống, xách laptop đi thẳng rời khỏi đại sảnh hội nghị.
Vì lý do an ninh, các phóng viên của cuộc họp G-20 được sắp xếp trong cùng một khách sạn, chỉ cách Trung tâm Hội nghị Quốc tế 10 phút.
Trên hộ chiếu của nữ phóng viên ghi cô là người Mỹ gốc Hàn, đồng thời có quốc tịch Anh.
Ảnh cô không rõ lắm, nhìn ngoài trông đẹp hơn, ngũ quan cũng rõ ràng hơn, nhưng điều này cũng không gây trở ngại việc đăng ký ở quầy lễ tân – bởi vì có quá nhiều phóng viên đến hội nghị, khách sạn không thể kiểm tra nhất nhất từng người bất cứ lúc nào được.
Trước khi “Kim Suki” vào cửa, cô tiện tay tháo búi tóc ra, lúc mái tóc dài đổ xuống, tinh thần cũng trở nên uể oải hẳn.
Quản lý đại sảnh rất nhiệt tình, chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi đã làm quen với tất cả thành viên trong đoàn phóng viên, thấy cô một thân một mình liền vội vã đứng lên chào đón: “Chào cô Kim, buổi họp báo đã kết thúc rồi sao?”
“Kim Suki” miễn cưỡng nhếch mép, mệt mỏi lắc đầu: “Vẫn chưa, nhưng có lẽ tôi bị cảm nắng nên về nghỉ trước.”
Tiếng Hàn của cô có giọng địa phương, là một Hàn kiều lớn lên ở Anh, như thế cũng không tệ lắm rồi.
So với các phóng viên nước ngoài, quản lý đại sảnh có vẻ thân thiết với đồng bào của mình hơn, lời nói ra cũng rất chân thành: “Gần đây nhiệt độ cao quá… Có cần gọi bác sĩ không?”
Nữ phóng viên rất cảm kích: “Không cần đâu, ngủ một giấc là được rồi. Phiền anh cơm tối cho người đưa đến phòng tôi có được không?”
Trong thời gian hội nghị tổ chức, đoàn phóng viên có bữa ăn riêng, đúng sáu giờ tối đều dọn bữa ở tầng hai nhà ăn, không có lý do gì để vắng mặt cả, cho nên nếu ai cũng đều yêu cầu đưa bữa ăn lên phòng thì khách sạn cũng không giúp được gì.
Song đối với bệnh nhân mà nói, thỉnh thoảng vẫn có thể được chăm sóc đặc biệt.
Quản lý đại sảnh nhấn nút thang máy, vỗ ngực bảo đảm: “Yên tâm, tôi sẽ nhắc nhở phòng bếp nấu thanh đạm lại chút.”
“Vậy cám ơn anh.”
Giọng cô gái biến mất đằng sau cửa thang máy, cùng theo đó là gương mắt vừa nhìn đã thương.
Quản lý đại sảnh tuổi gần bốn mươi, có một gia đình hạnh phúc mỹ mãn, có điều quan tâm đặc biệt với người đẹp cũng là lẽ thường tình – ông ta cũng không vì thế mà thấy áy náy.
Xoay người trở lại trước lễ tân, quản lý lập tức bấm điện thoại nội bộ ăn uống.
Thang máy đến nơi, “Kim Suki” nhấc chân bước ra, hình ảnh trong video vẫn cho thấy cô có vẻ rất mệt mỏi. Ngoài cửa phòng treo bảng miễn làm phiền, nên mấy ngày nay nhân viên phục vụ cũng vui vẻ nhàn hạ.
Đứng yên trong hành lang mấy giây, cô không quẹt thẻ mở cửa mà rút một mảnh giấy nhét trong khe cửa ra – tờ giấy này rất nhỏ, kẹp trong khe hở bình thường – nếu cửa phòng bị người mở thì tờ giấy này tất sẽ rơi xuống, dù có đặt vào lại lần nữa thì cũng không thể nào nằm ở vị trí cũ được.
Chắc chắn vị trí mảnh giấy không thay đổi, “Kim Suki” thoáng thở phào một hơi, rồi lúc ấy mới lấy thẻ mở cửa trong túi xách ra, sau khi đi vào phòng thì nhanh chóng khóa kỹ khóa chống trộm.
Cởi giày cao gót ra, bối tóc lên, lần nữa cô trở lại dáng vẻ khôn khéo lão luyện, không có chút mệt nhọc vì cảm nắng.
Dán chặt vào vách tường, cô cấp tóc kiểm tra mọi ngõ ngách trong phòng, đảm bảo không bị xâm phạm; sau đó sải bước đi về phía cửa sổ, kéo rèm cửa sổ lại, đặt laptop xuống bàn sách rồi bật đèn bàn lên.
Đây là laptop hiệu suất cao có card mạng không dây, nhìn bề ngoài không khác gì laptop bình thường, chỉ là nó có thân dày hơn và được cài đặt thêm dây enten ngoài.
Trên thực tế, có có card mạng kèm mặt nạ con độc lập công suất mạnh thì có thể kết nối trực tiếp đến vệ tinh hàng hải, xâm nhập thông qua mạng BGAN* – và mấu chốt là không để lại bất cứ dấu vết gì.
(*Broadband Global Area Network – Mạng diện rộng toàn cầu.)Ngay lúc này, “Kim Suki” mở máy tính lên, thông thạo nhập địa chỉ và mật mã vào, chỉ một chốc đã thấy được hình ảnh vừa được cập nhật: trên khoảnh đất trống trước kiến trúc bằng phẳng, một người đàn ông bị áp giải tiến về phía trước, anh che mắt nhìn khoảng trời không, đúng lúc ống kính bắt được con ngươi màu xám kia.
Vệ tinh gián điệp cách mặt đất hàng trăm km, được chụp ảnh bằng hình ảnh quang học. Trong điều kiện thời tiết tốt thì có thể nhìn thấy rõ đến từng sợi tóc của con người.
Đôi tay không có vân tay lau màn hình, khóe miệng nở nụ cười thân thuộc, cô thấp giọng lẩm bẩm: “Lee Jung Ho, chúng ta sắp gặp lại nhau rồi.”