Viên thủ-bị giữ cửa Đông thành Hàng-Châu thấy trời chưa sáng hẳn nên chưa mở cửa. Nhưng khi trông thấy Trần-Gia-Cách thì hai tay hắn chắp lại, cúi đầu hết sức cung kính rồi đích thân hé mở cánh cửa cho Trần-Gia-Cách đi qua. Trần-Gia-Cách khẽ gật đầu nhè nhẹ.
Viên thủ-bị ghé tai Trần-Gia-Cách hỏi nhỏ:
-Chẳng hay Tổng-Đà-Chủ có cần một con tuấn mã hay không?
Trần-Gia-Cách gật đầu đáp:
-Thế càng tốt!
Viên thủ-bị sốt sắng chạy lẹ, không bao lâu đã trở lại với một con ngựa Mông-Cổ cao lớn, lông đỏ chói. Phía sau, hai viên quan Mãn-Thanh bước tới cúi đầu kính cẩn thi lễ với Trần-Gia-Cách.
Trần-Gia-Cách sau đó bảo cả ba người:
-Cám ơn anh em! Nhưng làm ơn giữ bí mật hộ và xin đừng đón tiếp như thế này nữa, nguy hiểm lắm. Thôi, bảo trọng!
Ra khỏi thành Hàng-Châu, Trần-Gia-Cách đi thêm chừng chục dặm nữa đến cửa Tây tỉnh Hải-Ninh.
Xa nhà thấm thoát đã hơn 10 năm, nay về lại quê cũ thấy cảnh vật vẫn còn nguyên như xưa với bao nhiêu kỷ niệm gợi lại trong ký ức, Trần-Gia-Cách xúc động vô cùng. Nhưng sợ gặp người quen nhận ra mình, Trần-Gia-Cách không dám lưu luyến cảnh vật mà nhìn lâu, lại tiếp tục phi ngựa về hướng Bắc. Đi được sáu, bảy dặm, Trần-Gia-Cách vào nhà một nông dân xin cho mình được tạm nghỉ. Vợ chồng nông dân thấy khách lạ có dung mạo như một vị công tử lại nói thông thạo thổ âm Hải-Ninh nên mừng rỡ, đón tiếp rất nồng hậu. Trần-Gia-Cách nhân tiện hỏi thăm tình hình địa phương.
Người nông dân nói:
-Suốt ba năm nay, Hoàng-Thượng miễn thuế cho ba huyện tỉnh Hải-Ninh nên đời sống ở đây sung túc, thảnh thơi hơn những nơi khác nhiều. Theo lời các bô lão và hương-chức thì hình như Hoàng-Thượng làm vậy để đáp lại ân sâu nghĩa nặng của Trần-Cát lão tiên sinh thuở sinh tiền.
Trần-Gia-Cách nghĩ thầm:
-"Thân phụ ta tuy rằng từng làm Tướng-Quốc nhưng đã qua đời lâu rồi, tại sao Hoàng-Đế Mãn-Thanh lại còn sủng ái đến mức đó?"
Dùng bữa xong, Trần-Gia-Cách lấy ra 10 lượng bạc đưa cho vợ chồng nông dân, nhưng họ một mực từ chối không chịu nhận. Chàng vẫn cứ để bạc lại rồi lên ngựa đi tiếp.
Đến cửa Nam của thành, Trần-Gia-Cách kiếm chỗ ngồi luyện công, sau đó nhắm hướng Tây-Bắc, là dinh thự của mình mà đi. Vừa đến nơi, Trần-Gia-Cách bất giác trở nên bồi hồi, ngơ ngác.
Phủ-trạch Tướng-Quốc của thân phụ Trần-Gia-Cách vốn đã nguy nga đồ sộ, nay sát bên cạnh lại có thêm một dinh thự khác, mới mẻ và còn rộng lớn hơn dinh thự cũ nhiều. Trước dinh thự có một khu đất rộng, trên cổng có ba chữ ⬘An Nhuận Viên⬙ sơn son thếp vàng do chính vua Càn-Long ngự đề.
Trần-Gia-Cách sững sờ. Chàng phóng mình thẳng về dinh thự cũ, qua khỏi lớp cửa ngoài nhìn vào bên trong dinh thự. Tất các những di vật của cha mẹ chàng vẫn còn y nguyên, không thiếu một thứ gì. Chỉ có một điều là bên trong hoàn toàn vắng vẻ không có một bóng người nào.
Trần-Gia-Cách đang mải ngóng nhìn ngọn đèn sáp màu đỏ trên bàn chợt nghe có tiếng tiếng người bèn vội vàng nép mình vào một góc. Vừa trông thấy bóng người phía sau lưng, suýt nữa Trần-Gia-Cách đã bật lên thành tiếng. Thì ra đó là Thoại-Anh, người liễu hoàn mà mẹ chàng đã nuôi từ nhỏ để sớm khuya hầu hạ gia đình, đến nay mái tóc bà ta đã bắt đầu điểm sương.
Thoại-Anh lặng lẽ vào trong phòng một mình, trải một miếng vải trên giường, từ từ đem mấy vật thường dùng trong nhà để gói lại, bỗng đăm chiêu ngó bên góc giường, với tay lấy một món đồ chơi của con nít, hình thù một cái mão cầm lên. Chiếc mão màu đỏ, với những đóa hoa thắt bằng chỉ tơ điều rất đẹp. Trên mão có gắn một viên ngọc dạ quang lớn bằng trứng quốc (#1), chung quanh là 8 viên ngọc uyên ương lấp lánh như hào quang...
Trần-Gia-Cách nhận ra ngay là cái mão Thoại-Anh thường đội cho chàng mỗi lúc ra biển chơi. Quá xúc động, Trần-Gia-Cách không đằn được nữa, tung mình nhảy vào trong ôm chặt lấy Thoại-Anh.
Thoại-Anh giật mình hoảng sợ, toan la lên thì Trần-Gia-Anh đã lấy lay bụm miệng lại nói nhỏ:
-Dì Thoại-Anh! Cháu đây mà!
Thoại-Anh nhìn Trần-Gia-Cách ngỡ ngàng. Xa nhà từ lúc 15 tuổi đến nay đã 10 năm, từ tướng mạo thần sắc, cho đến ngôn ngữ của Trần-Gia-Cách đều khác hẳn nên Thoại-Anh khó nhận ra được.
Trần-Gia-Cách nói:
-Dì Thoại-Anh! Cháu là ⬘Tam Quan Nha⬙ đây mà! Dì không nhận ra sao?
Thoại-Anh ngạc nhiên hỏi:
-Ủa! Thiếu gia... đã về đây sao...?
Trần-Gia-Cách mỉm cười, khẽ gật đầu. Thoại-Anh chăm chú nhìn thật lâu rồi thình lình ôm chặt Trần-Gia-Cách vào lòng khóc òa lên.
Trần-Gia-Cách nói:
-Dì nín đi, đừng khóc nữa! Cháu về đây không cho ai biết ngoài dì ra.
Thoại-Anh nói:
-Thiếu gia đừng lo. Ai nầy đều ở bên dinh thự mới, chỉ có một mình tôi bên này mà thôi.
Trần-Gia-Cách hỏi:
-Dinh thự mới cất lên từ hồi nào vậy?
Thoại-Anh đáp:
-Mới khánh thành hồi tháng 6 năm nay. Tôi không biết để làm gì cũng như phí tổn bao nhiêu.
Trần-Gia-Cách biết Thoại-Anh chẳng bao giờ để ý đến những chuyện ấy nên chàng bèn hỏi sang chuyện khác:
-Lúc mẹ cháu qua đời, đau ốm thế nào? Ma chay làm sao?
Thoại-Anh rút khăn tay lau hai hàng lệ, nghẹn ngào đáp:
-Chủ mẫu hôm đó tự nhiên mặt buồn rầu rầu, bất luận ai hỏi gì cũng không nói. Sau đó ba ngày liên tiếp không ăn uống gì cả, rồi ngã bệnh. Hơn 10 hôm sau thì lại nhất định không chịu uống thuốc men gì cả rồi sau đó qua đời. Trong lúc hấp hối chủ mẫu vẫn còn nhớ đến thiếu gia, cứ lập đi lập lại mãi câu ⬘Con ta đã về chưa? Ta muốn được nhìn thấy mặt nó một lần cuối cùng⬙.
Trần-Gia-Cách nghẹn ngào nói:
-Tôi thật là đứa con đại bất hiếu! Giờ phút lâm chung của mẹ mà không về để cho mẹ trông mặt một lần cuối!
Sau một lúc dằn bớt cơn xúc động, Trần-Gia-Cách hỏi tiếp:
-Mẹ cháu có trăn trối điều gì không dì?
Thoại-Anh đáp:
-Chủ mẫu có viết một lá thư, niêm phong đâu đó, nhưng không hiểu vì sao lại đổi ý. Chỉ thấy chủ mẫu nói một mình rằng: ⬘Thà đừng cho nó biết chuyện này thì hay hơn!⬙. Sau đó chủ mẫu bảo tôi cầm cây đèn sáp lại giường rồi tự tay đốt cháy.
Trần-Gia-Cách nghe kể lại mọi chuyện, nước mắt tuôn ra như suối hỏi:
-Bức thư đốt cháy còn sót lại được khúc nào không dì?
Thoại-Anh gật đầu đáp:
-Có! Tay lão mẫu quá run nên thành ra đốt không cháy hết được bức thư. Tôi còn giữ đây.
Trần-Gia-Cách nói:
-Dì mau đưa cho cháu xem!
Thoại-Anh mở rương, lấy ra một cái hộp nhỏ bên trong đựng một gói giấy. Trong hộp là một lá thư bị nám đen, xếp làm 8.
Thoại-Anh vừa trao cho Trần-Gia-Cách vừa nói:
-Chủ mẫu thức suốt canh thâu để viết thư này. Viết xong còn đọc đi đọc lại nhiều lần rồi cuối cùng không hiểu sao lại đốt! Tôi cố giữ lại để mong đưa cho cậu đọc, hiểu được gì thì hiểu.
Trần-Gia-Cách thấy đó là nử tờ giấy hoa tiên lớn bản. Trên giấy li ti những hàng chữ nhỏ, nét trông có vẻ yếu nhưng rất đẹp, đúng là bút tự của mẹ chàng. Trần-Gia-Cách không làm sao ráp lại để đọc được, dầu chỉ một câu. Cố gắng lắm, chàng mới tìm được năm ba chữ ráp lại thành được những câu như sau:
...nửa đời đau khổ...
... đành nhận làm con...
... bị bắt ép gả cho nhà họ Trần...
...chính ra là họ Trần...
... đạo làm vợ dạy rằng...
Trong lúc bối rối, Trần-Gia-Cách không thể nào nghiên cứu tiếp tục được, đành xếp lá thư lại bỏ vào hộp cất trong người đợi khi khác có thì giờ và đầu óc được thong thả linh mẫn hơn sẽ đem ra nghiên cứu tiếp để cố tìm ra bí mật này.
Trần-Gia-Cách lại hỏi:
-Mộ của mẹ cháu ở đâu, dì có biết không?
Thoại-Anh đáp:
-Ở miếu Hải-Thần, mới xây xong năm nay, rất là rộng lớn, ở sát mấy thềm đá mà lúc nhỏ thiếu gia thường đòi bế ra chơi hoài đó!
-Cám ơn dì! Cháu đi đàng này một chút!
Dứt lời, Trần-Gia-Cách đã phóng mình ra cửa sổ biến mất. Những con đường quen thuộc từ từ hiện ra trước mặt nên Trần-Gia-Cách tìm đến nơi chẳng mấy khó khăn.
Thình lình, Trần-Gia-Cách nghe có tiếng chân người đi đi lại lại bên hai hông miếu. Nghe tiếng chân, Trần-Gia-Cách biết được ngay đó là những cao thủ võ lâm. Chàng lui lại mấy bước, trông thấy rõ ràng có hai người mặc đồ dạ hành đang ẩn núp. Ngay trước cửa miếu có bốn người thay phiên nhau đi lại, canh gác nghiêm ngặt. Vừa định vào đến nơi để dò xét mọi việc thì lại thấy có thêm bốn người từ bên trong bước ra.
Chờ cho bốn người đi qua khỏi, nín hơi tung mình lên một cái đứng trên cánh cửa Hải-Thần miếu. Nép mình vào tường, Trần-Gia-Cách khẽ cúi đầu xuống nhìn bên dưới lại thấy có thêm bốn người nữa đi qua đi lại.
Không thể nhẫn nại được nữa, Trần-Gia-Cách buông mình xuống phía dưới theo mặt tường, lẻn vào bên trong tới thẳng đại điện.
Phía Đông đại điện là là một tòa miếu mới xây thờ Câu-Tiễn Việt-Vương. Phía Tây đại-điện là miếu thờ Ngũ-Tử-Tư. Trên bàn thờ chánh điện, mùi hương khói vẫn còn ngào ngạt, những cây đèn sáp lớn vẫn còn đang thắp sáng. Có một cái bệ sơn son thếp vàng, bên trong là một bức tượng trông rất linh động của một người ngồi chễm chệ. Trần-Gia-Cách nhìn kỹ thì lấy làm kinh ngạc vô cùng, vì đó là bức tượng của Trần Tướng-quốc, thân phụ của chàng.
Trần-Gia-Cách còn đang kinh ngạc thì lại nghe có nhiều tiếng bước chân đang đi thật nhanh mà thật nhẹ ở bên ngoài. Chàng bèn núp mình vào sau một bộ trống đồng.
Trong chớp mắt, có bốn người mặc y phục dạ hành, trên tay cầm vũ khí, đang chia nhau bốn ngã lục soát miếu. Tìm không thấy gì, bốn người sau đó lại trở ra.
Thấy bên trái có một cánh cửa hé mở, Trần-Gia-Cách nhanh nhẹn lách mình vào bên trong. Thì ra đó là một cái hành lang, nền lát bằng gạch màu trắng, chạy dài thăm thẳm. Chàng cứ theo hướng đó mà đi. Cảnh vật trông hết sức uy nghiêm, nguy nga tráng lệ chẳng khác gì cung điện của vua.
Qua khỏi thêm một tòa miếu nữa, Trần-Gia-Cách thấy một tấm bảng khắc rõ ràng ba chữ ⬘Thiên Hậu Cung⬙. Cửa điện không đóng, Trần-Gia-Cách hiếu kỳ đi vào bên trong xem thử.
Lần này, Trần-Gia-Cách lại thêm một phen kinh ngạc. Một tượng đặt ngay trên bàn thờ tại đây với gương mặt sáng tỏ, đôi mắt hiền từ, rõ ràng là Từ-thị, mẹ của chàng.
Trần-Gia-Cách nhìn ngắm một hồi rồi quay gót trở ra, đi tìm mộ phần của mẫu thân chàng. Vừa ra khỏi đền, chàng lại thấy một dãy hành lang khác mà chung quanh là những tấm màn bằng gấm màu vàng.
Tự nhiên, Trần-Gia-Cách có một cảm giác rờn rợn như đang sợ sệt một điều gì. Chàng rút đoản kiếm của Tiêu-Thanh-Đồng trao tặng cầm tay, bụng nghĩ thầm:
-"Không biết đây có phải là ⬘Long đàm Hổ huyệt⬙ không?"
Đi thêm được một đoạn, Trần-Gia-Cách nghe phía trước có tiếng áo quần sột soạt như có người nào đang đi đến. Chàng nép mình vào tường, khẽ rón rén đi thêm vài mươi bước. Dưới ánh đèn đuốc sáng chưng, Trần-Gia-Cách trông rõ hai nấm mộ nằm song song bên nhau. Có một người đang quỳ trước mộ, quay lưng về phía Trần-Gia-Cách. Trước mộ có một tấm bia lớn ghi những hàng chữ:
Vạn đại Thanh Tướng Trần đại học sĩ chi mộ
Tấm bia bên mộ phía bên kia ghi:
Trần đại học sĩ phu nhân nhũ danh Từ-thị sắc phong hàm Nhất Phẩm Đại Thanh phu nhân chi mộ
Đọc xong hai tấm bia, lòng Trần-Gia-Cách như se sắt lại. Thì ra đây chính là song phần của cha mẹ chàng. Nếu nơi này không bị canh phòng nghiêm ngặt ắt chàng đã ra trước mộ mà gào khóc rồi.
Nhưng chàng lại thắc mắc một điều là không biết ai bày ra những việc này. Phải chăng là có ý ngăn chặn, không cho chàng tự tiện được đến thăm mà kính bái? Nghĩ vậy, Trần-Gia-Cách như sôi máu lên, nhất định bước tới viếng thăm mộ phần của song thân thử xem đám người kia sẽ xử trí ra sao.
Chàng vừa tiến tới một bước thì người đang quỳ trước mộ bỗng đứng lên rồi lại xuống gối lạy, khom lưng mãi mà không thấy ngoi đầu lên lại. Trần-Gia-Cách nghe được rõ ràng tiếng người ấy đang khóc lóc thảm thiết, nghe rất bi ai sầu não.
Thấy vậy, Trần-Gia-Cách bước tới sau lưng người ấy vỗ nhẹ nói:
-Xin mời đứng lên. Không lẽ mọp mãi hay sao?
Người kia chưa kịp có phản ứng gì thì Trần-Gia-Cách đã quỳ xuống trước mộ khóc thê thảm. Người kia giật mình lớn tiếng quát:
-Ai?
Trần-Gia-Cách thản nhiên đáp:
-Tôi đến lạy mộ phần.
Tiếng nói chàng nghẹn ngào, nước mắt đổ xuống như mưa. Bỗng nhiên người kia la lên một tiếng như kinh hãi. Trần-Gia-Cách giật mình đứng dậy, rồi chàng cũng hoảng hốt lùi ra sau ba bước.
Người kia chính là vị Hoàng-Đế tại trào hiệu là Càn-Long, tên thật là Hoàng-Lịch!
Với vẻ mặt ngơ ngác, vua Càn-Long hỏi:
-Ngươi... ngươi... đang đêm.. sao đến chốn này?...
Trần-Gia-Cách đáp:
-Ngày hôm nay là sinh nhật của mẹ tôi. Đạo làm con đến thăm viếng mộ phần của cha mẹ có gì là sai đâu? Còn người? Vì sao người lại có mặt nơi này?
Vua Càn-Long không trả lời câu hỏi của Trần-Gia-Cách mà hỏi lại:
-Ngươi... ngươi là con trai của quan Tướng-Quốc?
Trần-Gia-Cách đáp:
-Trên giang hồ không một ai là không rõ điều ấy. Tôi tin tưởng là chính người cũng biết được điều đó kia mà!
Vua Càn-Long đáp:
-Thật ta chưa được nghe ai nói đến!
Mấy năm gần đây vua Càn-Long đặc biệt sủng ái gia đình họ Trần. Mặc dầu các quan triều đình biết rõ con của Trần Tướng-quốc là thủ lãnh của Hồng Hoa Hội nhưng không một ai dám hé môi. Vua Càn-Long thương ghét vô chừng, nếu lỡ trái ý thì họa diệt tộc khó mà tránh khỏi. Do đó mà vua Càn-Long không biết được Tổng-Đà-Chủ Hồng Hoa Hội Trần-Gia-Cách là con của Trần-Thế-Quan Tướng-quốc...
Trần-Gia-Cách nghĩ thầm:
-"Một vị Hoàng-Đế nếu đi tế mộ hay đi hoàn nguyện thần thánh thì cứ đàng hoàng minh bạch chứ cớ sao lại lén lút mà đi vào đêm khuya như vậy? Hơn nữa, một vị Hoàng-Đế lại đi tế mộ của một quan đại thần thì chuyện ấy thật là điều không ai hiểu nổi! Vua tế mộ đại thần đã là chuyện lạ, đàng này còn quỳ trước mộ mà khóc lóc thảm thiết nữa là sao?"
Trong khi Trần-Gia-Cách trong lòng thắc mắc chẳng cùng thì vua Càn-Long lại có vẻ điềm tĩnh lạ lùng. Nhà vua nhìn Trần-Gia-Cách một hồi lâu rồi nói:
-Hai người chúng ta hãy ngồi xuống đây nói chuyện.
Vua Càn-Long nắm chặt tay Trần-Gia-Cách xiết chặt trong lòng bàn tay mình nói:
-Hẳn ngươi thấy ta ban đêm đến tế mộ nên ngạc nhiên lắm. Nhưng không có gì để cho ngươi phải thắc mắc cả! Ta mang nhiều ân nặng của thân phụ ngươi vô cùng. Sở dĩ ta lên ngồi được trên ngai vàng cũng là nhờ công lao của ông ta đấy! Việc ấy, suốt đời ta cũng chẳng bao giờ quên. Vì thế, đêm nay ta đạc biệt đến đây bái tạ.
Trong lúc Trần-Gia-Cách còn đang ⬘bán tín bán nghi⬙ thì vua Càn-Long lại nói tiếp:
-Việc này thổ lộ ra ngoài thật hết sức bất tiện. Ngươi có thể hứa với ta là không được rỉ hơi ra ngoài với bất cứ người nào hay không?
Được chứng kiến nhiều hành động của vua Càn-Long đặc biệt đối xử với song thân mình nên trong lòng sẵn mối cảm tình, Trần-Gia-Cách khảng khái đáp:
-Người cứ an tâm. Trước phần mộ của song thân ta đây, ta xin vong linh người khuất mặt chứng giám; việc đêm nay ta sẽ chẳng bao giờ đề cập đến bất cứ lúc nào với bất cứ một ai.
Vua Càn-Long biết Trần-Gia-Cách là người rất trọng chữ ⬘tín⬙. Lại thấy chàng thề trước vong linh của song thân chàng nên rất tin tưởng rằng chàng sẽ không bao giờ sai lời. Mặt rồng hiện rõ những nét tươi tỉnh, hân hoan.
Hai người ngồi trên thềm đá trước mộ phần thật lâu mà không ai nói được với ai một câu nào. Bỗng nhiên, tiếng sấm sét từ đâu vang lên ầm ỹ. Trần-Gia-Cách để ý lắng tai nghe rồi nói:
-Sóng dâng! Sóng sắp dâng lên! Chúng ta đến bờ đá ngoài biển xem sóng dâng nhé? Đã 10 năm qua tôi chưa được nhìn thấy hiện tượng này!
Vua Càn-Long nghe nói liền hưởng ứng ngay:
-Hay lắm! Hay lắm!
Dứt lời, nhà vua nắm tay Trần-Gia-Cách thẳng theo hành lang có lợp gấm vàng mà đi. Bọn thị vệ ở bên ngoài thấy vua Càn-Long trở ra lập tức đi theo hầu. Thấy bên cạnh vua có thêm một người, cả đám đều kinh ngạc. Tên nào tên nấy nhìn nhau mà chẳng dám hó hé một lời.
Trong đám thị vệ có cả Bạch-Chấn và Chữ-Viên. Khi chúng nhận ra người đi bên cạnh vua là Tổng-Đà-Chủ Hồng Hoa Hội thì hết sức kinh hãi.
Quay qua Trần-Gia-Cách, vua Càn-Long thân mật nói:
-Ngươi cỡi ngựa nhé!
Không đợi lệnh vua truyền xuống, bọn thị vệ dắt đến hai con tuấn mã. Hai người cùng lên ngựa đi song song với nhau phi thẳng ra cửa Đông.
Tiếng sóng mỗi lúc càng thêm dồn dập. Sóng từ xa vỗ cuồn cuộn vỗ mạnh vào bờ không ngừng. Mặt bể một màu nước bạc, không chút xao động. Dưới ghềnh đá cheo leo, mặt nước đãn dâng lên cao đến 7-8 trượng.
Trần-Gia-Cách nói:
-Hôm nay là sinh nhật của thân mẫu tôi, vì vậy mà tên người mới được đặt là Chào Sinh.
Tiếng nói của Trần-Gia-Cách như làm xúc động đến tâm tình của vua Càn-Long. Chàng cảm thấy tay nhà vua như run lên từng hồi.
Đôi mắt ra vẻ đăm chiêu, vua Càn-Long nói:
-Ta đối với ngươi thật mười phần cảm mến. Ngày mai ta trở lại Hàng-Châu có việc cần. Nội trong ba ngày ta sẽ quay về Bắc-Kinh. Ngươi có thể theo ta cùng đi chăng? Ta ao ước có ngươi mãi mãi gần bên, không bao giờ xa rời. Thấy ngươi cũng như thấy thân phụ ngươi vậy!
Trần-Gia-Cách không ngờ vua Càn-Long nói với mình một câu thân mật và thành thật đến như thế. Chàng có đôi phần cảm kích nhưng thật sự không biết phải trả lời như thế nào.
Vua Càn-Long lại nói:
-Ngươi giỏi cả văn lẫn võ, ắt sẽ nối chí được thân phụ ngươi một cách dễ dàng. Nếu ngươi không phụ lòng ta thì ta lập tức sẽ phong ngươi làm Tướng-Quốc. Như thế chẳng hơn là trải bước giang hồ mãi sao?
Làm chức Tướng-Quốc chỉ dưới có một người mà ở trên muôn vạn người khác. Khi đưa ra đề nghị này, vua Càn-long tin tưởng thế nào Trần-Gia-Cách cũng sung sướng lãnh nhận mà lạy tạ ân mình.
Nhưng không ngờ Trần-Gia-Cách lại nói:
-Hảo ý của nhà vua, tôi xin mười phần cảm tạ. Nhưng nếu tôi ham mùi phú quý thì đã không từ bỏ cửa Tể-Tướng mà ra đi từ 15 tuổi và lưu lạc giang hồ 10 năm trời.
Vua Càn-Long nói:
-Đó là điều ta muốn hỏi ngươi ! Tại sao lại không muốn ở địa vị một công tử mà lại đem thân dày dạn gió sương? Phải chăng ngươi có điều gì bất đồng ý kiến với cha anh?
Trần-Gia-Cách đáp:
-Tôi chẳng bao giờ trái ý với tiên phụ cũng như gia huynh. Chẳng qua đó là tôi vâng lệnh mẫu thân dạy bảo. Chính