Nhìn bốn kỵ-mã đang phóng ngựa phi tới, Lạc-Băng và Dư-Ngư-Đồng nhận ra người đi trước là một vị tiền bối râu tóc bạc phơ như tuyết. Người đó không phải ai khác hơn là Thiết-Đảm Trang-Chủ Châu-Trọng-Anh.
Thấy hai người có vẻ vội vàng và sợ hãi, gương mặt đầy vẻ uất hận và đau buồn, Châu-Trọng-Anh lấy làm lạ hết sức. Ông ta gò cương ngựa lại hỏi:
-Hai vị đi đâu mà lại vội vàng thế? Hãy quay trở lại cho chúng tôi được hân hạnh tiếp đãi. Chúng tôi có mời được danh y về để lo bệnh tình cho Văn tứ đương-gia đây. Trong lúc tôi vắng mặt có điều gì sơ xuất dám xin quý vị lượng tình mà tha thứ cho.
Lạc-Băng nghe hỏi mà tức giận đến độ không dằn nổi, chẳng nói chẳng rằng, rút ngay một ngọn phi đao ra phóng thẳng vào mặt Châu-Trọng-Anh. Thấy Lạc-Băng vung tay phóng phi đao tới chực giết hại mình, Châu-Trọng-Anh thất kinh la lên một tiếng. Vì chẳng chút đề phòng nên Châu-Trọng-Anh biết không thể nào bắt nổi phi đao ấy mà chỉ còn cách ngả người xuống lưng ngựa mà tránh thôi.
Mũi phi đao phóng không trúng Châu-Trọng-Anh nhưng lại thẳng đường bay ra phía sau nhắm vào người đệ tử thứ nhì của Châu-Trọng-Anh là An-Kiện-Cường. Thấy vậy, nhanh như cắt, An-Kiện-Cường rút thanh đoản đao ra gạt mũi phi đao kia lệch sang một bên.
Ngọn phi đao của Lạc-Băng rơi xuống đất, văng vào một thân cây lờn bên vệ đường, lóe lên hào quang sáng ngời hòa với ánh nắng đỏ thắm của vầng thái dương đang chiếu.
Sau khi tránh được phi đao của Lạc-Băng, Châu-Trọng-Anh bật thẳng người ngồi lại ngay ngắn trên lưng ngựa như cũ. Đang định hỏi Lạc-Băng vì cớ nào lại dùng độc thủ định hại mình thì lại nghe nàng mắng:
-Lão đừng nói câu nhân nghĩa với ai nữa! Xưa nay thiên-hạ lầm tưởng lão là một bậc chính-nhân quân-tử nghĩa khí trung can chứ có ngờ đâu thật ra lão là cái đồ lòng lang dạ sói, bất nhân bất nghĩa. Chỉ vì chúng ta quá tin lời Lục-Phỉ-Thanh sư bá giới thiệu lão là anh hùng hào kiệt, trượng nghĩa khinh tài, khuyên chúng ta tới đó tạm nương náu mà lánh nạn. Đến nay chúng ta mới rõ được mặt thật của lão thì có hối hận cũng không còn kịp nữa! Thì ra lão dụ chúng ta đến sơn-trang của lão để dàn cảnh, thông đồng với quân cẩu trệ mà ám hại Văn tứ đương-gia. Tiếc thay mũi phi đao của ta không giết chết được lão, nhưng hận này ta thề trước sau cũng phải trả.
Lạc-Băng cứ mắng ít câu lại khóc một hồi, khi thì vừa khóc vừa mắng khiến cho Châu-Trọng-Anh há hốc, chẳng hiểu đầu đuôi ra sao cả mà cũng chẳng thể mở miệng nói thành lời được.
Mắng chửi, than khóc một hồi, Lạc-Băng bỗng thúc ngựa lướt tới cầm thanh đao lăn xả vào chém Châu-Trọng-Anh. Thấy khí thế Lạc-Băng vô cùng dũng mãnh, Châu-Trọng-Anh không dám khinh thường bèn dùng thủ pháp nhanh nhẹn mà né tránh những đường đao hiểm ác ấy. Nhưng chung quy ông vẫn không hiểu được lý do gì khiến cho Lạc-Băng oán hận ông đến như thế.
Châu-Trọng-Anh chỉ né tránh mà thật tình không muốn động thủ với Lạc-Băng một chút nào cả. Ông ta chẳng có chút hiềm khích nào với Lạc-Băng, Dư-Ngư-Đồng và Văn-Thái-Lai nói riêng, và Hồng Hoa Hội nói chung. Là người từng trải giang hồ, nhiều kinh nghiệm sống, ông ta biết việc này phải có một lý do gì gây ra sự ngộ nhận cho nên Lạc-Băng mới có thái độ như vậy. Ông hiểu ngay đó là do lòng phẫn uất của Lạc-Băng mà gây ra chứ không phải nàng vô cớ, chủ tâm muốn lăng nhục ông ta.
Châu-Trọng-Anh vốn nổi danh là anh hùng nghĩa khí, Xưa nay thiên-hạ chỉ có ca tụng ông ta chứ chưa bao giờ chê trách một lời nào. Ông ta cũng là một kẻ sĩ, thà chết chứ không để cho ai đụng chạm đến danh dự của mình. Và mặc dù nóng tính, Châu-Trọng-Anh không phải là hạng người hồ đồ, lúc nào cũng muốn tìm hiểu tường tận bất cứ chuyện gì trước khi hành động. Do đó, đối với những lời mắng chửi, ông ta cắn răng mà nhịn chứ không thèm nói lại hay quyết phải một mất một còn với Lạc-Băng. Nhưng ông quyết phải tìm ra nguyên nhân chuyện này cho rõ trắng đen hư thực.
Thấy Châu-Trọng-Anh nhịn không nói một lời nào mà cũng chỉ tránh né những đường đao của mình, Lạc-Băng lại càng tức giận, cho là mình nói trúng tim đen của chủ nhân Thiết-Đảm-Trang nên ông ta cảm thấy lương tâm cắn rứt đôi phần thành ra mới chịu im lặng chứ không hoàn thủ.
Châu-Trọng-Anh đoán rằng nhất dịnh trong lúc ông ta vắng mặt, Thiết-Đảm-Trang đã xảy ra tai biến gì. Ông ta cũng không tin là người Thiết-Đảm-Trang đã chỉ điểm quan quân đến bắt Văn-Thái-Lai như lời Lạc-Băng đã lên án. Cả sơn trang, từ trên xuống dưới, luôn cả nhi nữ cũng được Châu-Trọng-Anh rèn luyện rất kỹ càng để có được một tấm lòng chánh trực trung can. Không có lý nào mà chỉ mới vắng mặt ông ta trong một thời gian ngắn ngủi như vậy mà người trong sơn trang của mình lại biến đổi tính tình mau lẹ như vậy.
Châu-Trọng-Anh tin rằng Mạnh-Kiện-Hùng và Tống-Thiện-Bằng là những đệ tử biết trượng nghĩa, không bao giờ làm những chuyện nào để có thể tổn hại đến danh dự của ông ta và Thiết-Đảm-Trang. Còn Châu-Anh-Kiệt thì vô tư, có biết gì về chuyện Văn-Thái-Lai mà nói đến chuyện ám hại. Hơn nữa việc tố giác Văn-Thái-Lai cho quan quyền tức là gieo họa lây đến cho Thiết-Đảm-Trang của ông ta. Chắc chắn người nhà của ông ta không thể nào dại dột đến như thế được.
Châu-Trọng-Anh vừa tránh đao của Lạc-Băng mà trong lòng rối như tơ vò, đầu óc hết sức bấn loạn. Lạc-Băng vẫn không chịu buông tha, tay tiếp tục múa đao chém tới, miệng thì mắng chửi không ngừng; mắng chửi một hồi thì lại khóc.
An-Kiện-Cường, người đệ tử thứ nhì của Châu-Trọng-Anh thấy sư phục đã hết lòng nhường nhịn mà Lạc-Băng còn làm tới thì không dằn được, bất chấp Châu-Trọng-Anh có cho phép hay không, cầm đao xông vào đấu trí mạng với Lạc-Băng.
Châu-Trọng-Anh thầm nghĩ phải có điều gì uẩn khúc bên trong, mà hiện tại nếu không bên nào chịu nhường nhịn thì không biết kết quả sẽ còn tai hại đến thế nào. Đắn đo một hồi, Châu-Trọng-Anh quyết định chịu thiệt thòi mà nhường nhịn nên ông ta nhảy vào giữa trận ác đấu, lớn tiếng gọi An-Kiện-Cường:
-Đồ đệ, không được vô lễ! Hãy lui ra! Còn nữ hiệp, xin ngừng tay cho lão phu hỏi một lời rồi sau đó muốn gì lão phu cũng xin tuân mệnh.
Dư-Ngư-Đồng nãy giờ đứng ngoài nhìn thấy Châu-Trọng-Anh không có một ác ý nào hay tỏ ra một cử chỉ nào gây hấn với Lạc-Băng mà chỉ im lặng, mặc cho Lạc-Băng mắng chửi, lại chưa hề đánh trả lại một đòn nào. Chàng thấy vậy liền khuyên Lạc-Băng:
-Tẩu tẩu! Công việc của chúng ta rất là khẩn cấp, không nên động thủ làm chi nữa. Hãy đợi cứu xong Tứ ca rồi sẽ trở lại Thiết-Đảm-Trang mà chất vấn, tính với họ sau cũng chưa muộn.
Nghe Dư-Ngư-Đồng nhắc đến chuyện cứu Văn-Thái-Lai, Lạc-Băng cảm thấy thật vô cùng hữu lý nên tạm gác chuyện trả thù Châu-Trọng-Anh sang một bên. Nàng nhìn Châu-Trọng-Anh với một vẻ khinh khi, nhổ một bãi nước miếng xuống đất rồi giục ngựa quay đi, phi thẳng một mạch.
Châu-Trọng-Anh sở dĩ tung hoành khắp thiên hạ, được mọi người sùng bái cũng chỉ vì ông ta luôn luôn lấy nhân nghĩa làm đầu mà đối đãi mọi người. Ông vẫn thường nói với mọi người rằng:
-Bình sinh, ta chỉ có hai điều đáng ghi nhớ, một phải tránh và một phải làm. Tránh là việc kết oán kết thù, và làm là việc giao du kết bạn.
Trong cả hai giới hắc bạch trên giang hồ, ai ai cũng khen Châu-Trọng-Anh là một người quân-tử hiếm có trên đời, luôn dùng ân nghĩa với thiên hạ. Có thể nói đây là lần thứ nhất trong đời Châu-Trọng-Anh bị chửi mắng, mà người chửi ông ta lại là một phụ nữ (#1)!...
Châu-Trọng-Anh liền quay sang tên tráng đinh hỏi chuyện. Tên tráng đinh quả quyết thuật lại rằng cả Châu phu nhân lẫn đại đệ tử Mạnh-Kiện-Hùng của ông ta tiếp đãi mấy người Hồng Hoa Hội rất là niềm nở mà chẳng có gì làm cho họ bất bình cả. Chính Châu phu nhân đã ra lệnh cho gã đi mời danh y về chữa trị cho Văn-Thái-Lai nên mới tình cờ gặp Châu-Trọng-Anh đi về cùng đường.
Châu-Trọng-Anh nghe xong càng lấy làm lạ, mặt buồn rầu, nóng lòng muốn biết rõ tự sự nên cố giục ngựa phi cho lẹ để mau mau về đến Thiết-Đảm-Trang. Chẳng bao lâu, bốn ngựa đã về tới sơn trang. Bọn tráng đinh thấy chủ nhân đã về tới nên cùng nhau ra đón rước.
Nhìn nét mặt ai cũng buồn bã lo sợ, Châu-Trọng-Anh biết ngay trong khi ông ta vắng mặt, trong nhà đã xảy ra tai biến. Vừa bước vào nhà, Châu-Trọng-Anh đã lớn tiếng gọi:
-Mạnh-Kiện-Hùng đâu, ra ngay ta bảo!
Một tên gia đinh thân tín vội thưa:
-Bẩm lão gia, lệnh cao đồ đã đưa phu nhân cùng thiếu gia ra sau núi lánh nạn rồi.
Châu-Trọng-Anh nghe xong chợt kinh hãi, biết có đại biến, ngả người ra ghế thở dài, không hỏi thêm được gì nữa.
Hai người lão bộc là Đinh-Thất và Trương-Bát đến ra mắt Châu-Trọng-Anh thuật lại tất cả từ đầu đến đuôi những gì đã xảy ra trong Thiết-Đảm-Trang từ lúc ông ta đi khỏi. Châu-Trọng-Anh hỏi cặn kẽ về tình hình Văn-Thái-Lai bị Trương-Siêu-Trọng bắt dẫn đi ra sao thì hai người lão bộc thưa rằng:
-Bẩm lão gia, bọn quan quyền sau khi bắt Văn tứ gia liền giải đi ngay nhưng chắc cũng chưa đi xa lắm đâu. Chúng tôi có đi theo dọ thám thì biết được Trương-Siêu-Trọng không đi đường lớn mà lại đi theo đường nhỏ ven rừng.
Châu-Trọng-Anh gật đầu, biết hai người nói thật vì nếu Trương-Siêu-Trọng đi đường lớn ắt dọc đường thế nào cũng đụng phải ông ta. Đinh-Thất lại nói:
-Lúc đàm quan quyền đi khỏi, tôi có cho người lên báo cho Mạnh gia hay, chắc cũng sắp về đến nơi rồi.
Châu-Trọng-Anh lại tiếp tục hỏi:
-Ba người, Văn-Thái-Lai, Lạc-Băng và Dư-Ngư-Đồng được Mạnh-Kiện-Hùng giấu kín dưới địa huyệt. Chẳng hay người nào trong nhà đã nói cho Trương-Siêu-Trọng hay. Ta chắc chắn như vậy vì trừ khi có kẻ tiết lộ bí mật thì làm sao hắn biết được!
Bọn tráng đinh sau khi nghe câu hỏi này thì không ai dám hé môi ra cả mà chỉ lấm lét, tên nọ nhìn tên kia. Tên nào tên nấy mặt mày lấp ló như che dấu điều gì. Châu-Trọng-Anh thấy vậy liền hiểu ngay là có ẩn tình nên trợn mắt giận dữ thét lên như sấm. An-kiện-Cường thấy sư-phụ nóng giận quá đỗi thì cũng chẳng dám một lời khuyên can vì chàng biết rõ tính sư-phụ xưa nay nếu một khi đã nổi trận lôi đình thì những lời khuyên can chỉ là dầu chế thêm vào lửa mà thôi.
La hét một hồi, Châu-Trọng-Anh lại ngồi buồn rầu trầm tư, suy nghĩ. Lòng vẫn mang nặng uất khí chưa tan. Lúc đó bên ngoài có tiếng người giật chuông nhưng mọi người đều đứng im chờ lệnh của Châu-Trọng-Anh chứ không ai dám ra. Châu-Trọng-Anh thấy vậy hét lớn lên:
-Chúng bây còn đứng đây đợi gì nữa? Mau ra ngoài xem có phải Mạnh-Kiện-Hùng về không thì gọi y vào đây cho ta bảo!
Châu-Trọng-Anh vừa dứt lời thì Mạnh-Kiện-Hùng từ bên ngoài hớt ha hớt hãi chạy đến trước mặt Châu-Trọng-Anh bái kiến, vấn an:
-Bẩm, sư-phụ về lâu chưa?
Châu-Trọng-Anh chỉ khẽ gật đầu nhận lời vấn an của người đại đệ tử chứ không trả lời. Với giọng hằn học, ông ta nhìn Mạnh-Kiện-Hùng hỏi:
-Nói mau! Ai đã tiết lộ địa huyệt nơi Văn-Thái-Lai trú ẩn? Mi phải nói thật, không được giấu diếm nửa lời!
Có thể nói từ khi bái sư cho tới nay, chưa bao giờ Mạnh-Kiện-Hùng nhìn thấy gương mặt Châu-Trọng-Anh giận dữ như bây giờ. Chàng hết sức do dự, nửa muốn thú thật, nửa không muốn.
Nếu Mạnh-Kiện-Hùng nói thật thì chàng biết rõ thật nguy cho Châu-Anh-Kiệt. Nhưng từ trước đến nay Mạnh-Kiện-Hùng cũng chưa bao giờ dám nói dối sư-phụ một điều gì. Không nói thì không được, mà nói thật chàng dư biết là không xong, sẽ có chuyện lớn.
Nhìn thấy thái độ sợ sệt lo lắng, do dự của Mạnh-Kiện-Hùng, Châu-Trọng-Anh lại lớn tiếng hỏi:
-Đứa nào đã tiết lộ bí mật? Mi còn chưa chịu nói? Định giấu ta nữa sao!
Mạnh-Kiện-Hùng giọng run run, khẽ nói:
-Bẩm sư-phụ, chẳng có ai tiết lộ cả, bọn ⬘chó săn chim mồi⬙ đó tự ⬘đánh hơi⬙ mà tìm ra được đó thôi!
Châu-Trọng-Anh không tin, vỗ thật mạnh vào bàn, thét lên như sấm nổ vang ngay tai mọi người:
-Mi đừng nói láo! Cái địa huyệt của ta bí mật kín đáo như thế thì cho dù bọn Trương-Siêu-Trọng có lục soát tháng này qua năm nọ đi chăng nữa vị tất đã tìm ra, nữa là chỉ có vài tiếng đồng hồ! Mi bảo rằng bọn ưng khuyển triều đình kia tự ⬘đánh hơi⬙ thì ⬘đánh hơi⬙ làm sao, mau thuật lại tỉ mỉ đầu đuôi cho ta nghe!
Mạnh-Kiện-Hùng đứng trân người như khúc gỗ, cúi gầm mặt xuống mà không mở miệng ra nói được một lời nào.
Châu phu-nhân cũng dắt Châu-Anh-Kiệt về cùng lúc với Mạnh-Kiện-Hùng nên có mặt ở đấy, được chứng kiến mọi chuyện ngay từ đầu. Thấy trượng-phu (#2) quá giận dữ bèn dắt con lại gần, hy vọng rằng nhìn thấy hao người, tình nghĩa vợ chồng và tình phụ tử sẽ làm nguôi giận được ông ta.
Châu-Trọng-Anh thấy trên tay Châu-Anh-Kiệt cầm chiếc Thiên-Lý-Cảnh, lòng bỗng hoài nghi liền ngoắc con lại bảo:
-Kiệt nhi, con mau lại đây cho cha hỏi!
Châu-Anh-Kiệt run sợ đi đến trước mặt cha. Châu-Trọng-Anh nhìn rồi chỉ vào chiếc Thiên-Lý-Cảnh rồi hỏi:
-Cái này ở đâu mà con có được?
Châu-Anh-Kiệt nghe hỏi mà tái xanh lại, mặt cắt không còn giọt máu. Châu-Trọng-Anh cầm cái roi ngựa giơ lên cao nói lớn:
-Con còn chưa chịu nói? Có muốn cha đánh chết ngay bây giờ không?
Châu-Anh-Kiệt mếu máo, chỉ muốn òa lên khóc nhưng lại không dám, chỉ khẽ liếc mắt nhìn mẹ như van lơn cầu cứu. Châu phu-nhân thấy vậy liền chạy đến ôm con vào lòng, thiết tha cầu khẩn kêu xin:
-Ông à! Con nó còn nhỏ, có biết chi đâu! Lẽ nào vì giận dữ mà ông lại đánh chết nó hay sao? Chúng ta chỉ có mỗi một mình nó là con trai để nối dõi cho giòng họ Châu đó! Dù sao thì ông cũng nên nghĩ đến khí huyết...
Châu phu-nhân nói đến đây bỗng nhiên nghẹn ngào, hai hàng nước mắt trào ra như mưa, không nói thêm được lời nào nữa. Châu-Trọng-Anh như chẳng thèm để ý đến lời vợ, ông ta giá roi ngựa lên đầu Châu-Anh-Kiệt giận dữ nói lớn:
-Mày mà không nói thì tao đánh chết! Tao không cần gì đến giòng giống với khí huyết chi cả!
Châu phu-nhân chụp lấy cái roi ngựa năn nỉ:
-Ông mới vừa về đến nhà, chưa biết rõ nguồn cơn ra sao mà lại nhẫn tâm định giết con như vậy? Chắc ông nghĩ nó không phải là con ông nên ông mới muốn giết nó chứ gì?
Mạnh-Kiện-Hùng cùng đám đệ tử và tráng đinh nghe Châu phu-nhân xin tha cho con bằng những lời ⬘cà kê dê ngỗng⬙ như vậy thì không khỏi cười thầm trong bụng. Nhưng khi nhìn nét mặt hầm hầm của Châu-Trọng-Anh thì chẳng một ai dám nhếch