081. Thiếu niên lưu đày
Trong rương là một bộ váy đỏ tươi kiều diễm, chất vải trơn tuột sáng bóng, kim tuyến thêu rất tỉ mỉ, nom kỳ công đến độ dù là thêu nương có tay nghề cao thì cũng phải mất một thời gian dài mới hoàn thành được.
Ninh Mạt đóng hộp lại, bảo đám nha hoàn xốc lớp vải dầu bao quanh cái hộp còn lại ra. Bên trong là một cây cầm gỗ hình bán nguyệt, bên trên khắc hình tiên hạc rất sống động, từng sợi dây đàn được căng ra hoàn chỉnh. Hắn thử gảy một tiếng, cầm huyền phát ra âm thanh trong trẻo êm tai, thấm vào tận ruột gan.
Nha hoàn Thủy Tú ngạc nhiên: "Đây là gì vậy tiểu thư? Đàn tranh dạng đứng ạ?"
"Là đàn Không Hầu*." Ninh Mạt mỉm cười. Danh tiếng hoa khôi năm đó của Đường thị cũng không phải là hư danh - trừ tinh thông thơ phú ra, thì bà còn rất am hiểu đàn Không Hầu, loại đàn mà rất ít người có thể nắm rõ được. Chỉ là sau khi vào Ninh phủ, bà chưa bao giờ động vào đàn nữa. Thế mà không ngờ... bà vẫn còn giữ nhạc khí năm xưa, thứ đã góp phần tạo nên danh tiếng vang xa cho mình.
*Đàn Không Hầu (箜篌): Một loại đàn cổ của Trung Quốc, chi tiết xem dưới chú thích.
"Nếu Đường di nương đã nhờ ta lấy hai thứ này, thì chắc bà ấy đã thông suốt rồi." Hắn cười nói: "Sợ là Đại phu nhân phải đau đầu một phen đây."
---
Ninh Như Hải đang ngồi trong thư phòng xem ít sổ sách. Quản gia bước vào, nói là Trang di nương và Đại phu nhân đều đã chuẩn bị cơm tối trong viện của mình, hỏi gã muốn đi đâu ăn.
Thực ra, quản gia biết mình chỉ hỏi thừa thôi. Gần đây đúng là lắm chuyện kỳ lạ - theo lý thuyết thì sau khi Tam phu nhân mất, người được lão gia thương yêu nhất sẽ là Trang di nương xinh đẹp trẻ tuổi nhất phủ mới phải. Nhưng thực tế thì ngược lại - người thượng vị lại là Đại phu nhân đã luống tuổi, làm quản gia thấy rất khó hiểu.
Quả nhiên, Ninh Như Hải đứng lên, đáp gần như không chút suy nghĩ: "Đến Thụy Ninh viện đi."
Quản gia tỏ vẻ "quả nhiên là thế", chờ Ninh Như Hải ra khỏi thư phòng rồi lặng lẽ đi theo gã, về hướng Thụy Ninh viện.
Mới đi được hai bước, quản gia đã để ý thấy có người đang nhìn trộm mình. Nghiêng đầu sang thì thấy - là Trang di nương đang trốn sau hòn núi giả, hẳn là lo lắng đến độ tự chạy đến đây nghe ngóng.
Trốn sau hòn giả sơn, thấy Ninh Như Hải đi về hướng Thụy Ninh viện, Trang di nương vô thức nghiến răng ken két. Dù nàng chỉ là một di nương, nhưng trước đây ỷ được Ninh Như Hải yêu thương nên vẫn cạnh khóe ra mặt với Tam phu nhân được. Nhưng đối thủ lần này lại là chính thê Nghiêm thị, dù nàng có ghen ghét thì cũng không dám đi đấu với người ta, đành phải ủ rũ chán ngán, chuẩn bị đi về.
Đúng lúc này, từ đằng xa lại vang tới tiếng đàn trong trẻo thánh khiết.
Tiếng đàn kia réo rắt vô cùng, rõ ràng là vang đến từ đằng xa, nhưng lại như thể đang ở ngay bên tai vậy. Tiếng đàn đó tựa như tiếng trời, nghe mà có cảm giác như gió xuân đang vờn qua mặt. Trang thị không biết trong Ninh phủ này có ai có tài đánh đàn siêu phàm như vậy, mà Ninh Như Hải bên kia sau khi nghe thấy tiếng đàn thì cũng khựng lại, vẻ mặt hơi kỳ quái. Gã nhìn về hướng phát ra âm thanh, như thể đang suy nghĩ gì đó.
Một lúc sau, thế mà gã lại đi về hướng tiếng đàn vang lên, không đi đến Thụy Ninh viện nữa!
Trang thị sửng sốt, nghĩ một lúc rồi cũng lặng lẽ bám theo.
Hậu viện trùng điệp bóng cây, gần đó còn có một hồ nước nhỏ - hậu viện Ninh phủ được thiết kế để người ta đến đây nghỉ mát vào mùa hè nóng bức. Lúc này, bên bờ hồ đang có hai nữ tử ngồi đối mặt nhau, trước mặt mỗi người đều có một cây đàn Không Hầu. Người mặc đồ trắng, đeo khăn che mặt, đang hơi míu mi là Ninh Mạt Nhi; người còn lại thì Ninh Như Hải nhìn không rõ mặt, chỉ thấy dáng lưng bận đồ đỏ hoa lệ của nàng. Mái tóc đen không được vấn lên, mà cứ thế mềm mại xõa sau lưng, dài đến tận thắt lưng.
Ninh Như Hải bước ra từ bóng cây, vô thức dụi dụi mắt, cuối cùng cũng thấy rõ gò má của nữ nhân váy đỏ.
Khuôn mặt bà được trang điểm cẩn thận, mày tựa núi xa, mi mục như họa, môi đỏ như son. Dù không đáng yêu như những cô gái trẻ, nhưng theo từng ngón tay bà gảy cầm huyền, vẻ thùy mị thướt tha tản ra từ từng cử chỉ của bà vẫn hấp dẫn vô cùng.
"Đây... Đây là..." Nhận ra bà là ai, quản gia sau lưng Ninh Như Hải chợt trợn to mắt, mà Trang thị núp phía sau cũng thấy hoang đường quá đỗi.
Đường Ánh Dao đây ư? Là Đường di nương suốt ngày ru rú ở Tương Liên viện, cửa lớn không ra cửa trong không bước ấy hả?
Dường như hai người bên hồ vẫn chưa nhận ra có người mới đến, vẫn tự nhiên gảy cầm, trông có vẻ là Ninh Mạt đang nhờ Đường thị dạy đàn. Trên tay Đường thị đeo móng bảo vệ bằng ngà voi, theo dây cầm rung động, bà khẽ ngâm lên một đoạn ca dao - đoạn ca dao mà Ninh Như Hải từng quen thuộc vô cùng:
"Kiêm gia thương thương/ Bạch lộ vi sương/ Sở vị y nhân / Tại thủy nhất phương...*"
*Bài thơ Kiêm gia 1 (Bụi cỏ lau 1) (蒹葭 1), được cho là của Khổng Tử, thuộc Tần phong trong Quốc phong của thể Kinh Thi. Đại khái viết về nước trời tiết thu mênh mang, đi ngược đi xuôi đều không gặp được người mình muốn gặp. Chi tiết xem ở đây:
Quả thực tiếng hát của Đường thị nay đã không bằng xưa, nhưng tiếng đàn thì vẫn mê người hệt như vậy. Vô thức Ninh Như Hải đã bị tiếng đàn kéo đến rất nhiều năm trước, khi giai nhân váy đỏ xinh đẹp dịu dàng đang ở trên lầu son, dựa vào lan can mà cất tiếng hát. Tướng quân trẻ tuổi đánh trận trở về, ngước lên nhìn giai nhân, là mỹ cảnh mà đã lâu rồi gã chưa gặp lại.
"Ánh Dao..." Giữa lúc ngẩn ngơ, gã bật thốt lên tên húy của Đường thị. Mà ánh mắt gã nhìn bà không giống như đang nhìn thị thiếp Đường thị của mình; mà là đang nhìn hoa khôi tài hoa nức tiếng Giang Châu nhiều năm trước - Đường Ánh Dao. Váy đỏ tơ vàng bà đang mặc là bộ đồ mà bà đã không mặc nữa từ khi được gả về Ninh phủ, kiểu tóc bà để cũng là kiểu đơn giản mà bà rất thích năm đó. Và trên tất cả... là tiếng đàn này, tiếng đàn đã không xuất hiện từ rất lâu.
Khi gã lên tiếng, âm thanh liền dừng lại. Dường như đến giờ Đường thị và Ninh Mạt mới thấy gã đến, vội đứng dậy hành lễ.
Không nghe thấy tiếng đàn nữa, gã hơi run lên, như thể tỉnh khỏi giấc mộng. Thấy Đường thị ngoan ngoãn hành lễ với mình, tóc đen rũ xuống bên gò má xinh đẹp; cổ họng gã khẽ giật, nhìn bà thật lâu không nói lời nào.
Trang thị thấy vậy, chợt nở nụ cười, lui về đường cũ. Nha hoàn của nàng thấy nàng vui sướng trở về thì lạ lắm: "Di nương có chuyện gì vui sao ạ?"
Nàng cười đáp: "Tất nhiên là vui rồi. Ta thấy ngày lành của Đường di nương bị thất sủng kia sắp đến rồi đấy."
Nha hoàn không hiểu: "Đường di nương may mắn thì di nương vui làm gì ạ? Dù sao thì lão gia vẫn ít đến đây hơn mà?"
"Ít nhất là lão gia sẽ không đến chỗ Đại phu nhân nữa. Chỉ cần nghĩ đến việc Đại phu nhân khó chịu, là ta đây đã vui lòng rồi." Trang thị nhấp một ngụm trà rồi bảo nha hoàn: "Em lén đi báo với Thụy Ninh viện đi, bảo là đêm nay lão gia sẽ ở lại Tương Liên viện. Đường di nương có chuyện vui thì Đại phu nhân nên mừng thay mới phải, đúng không?"
---
Đêm hôm ấy, có rất nhiều người trong Ninh phủ không ngủ. Phần lớn đều muốn hóng kịch vui mà nhìn chăm chăm vào Thụy Ninh viện và Tương Liên viện, lý do duy chỉ có một - đêm nay Ninh Như Hải không đến chỗ Đại phu nhân như thường lệ, mà lại đến chỗ Đường di nương! Lần đầu tiên trong rất nhiều năm qua!
Chuyện này khá là sốc - ai trong Ninh phủ cũng biết, người trong Tương Liên viện đã bị Ninh Như Hải chán ghét vứt bỏ từ lâu rồi, bao nhiêu năm qua gần như là bị giam lỏng ở đó, đến cả nhi tử nhi nữ của người đó cũng không được lão gia thích. Thế mà tự dưng lão gia lại qua đêm ở đó, quả là khó mà hiểu được.
Thậm chí, rất nhiều hạ nhân còn đang lặng lẽ bàn tán - đối lập với tiếng đàn quẩn quanh trong Tương Liên viện đến tận nửa đêm, thì từ Thụy Ninh viện cũng vang lên ầm ầm loảng xoảng tiếng đập đồ, nghe cực kỳ bắt tai.
Sáng hôm sau, dưới mắt Nghiêm thị đã lộ rõ quầng thâm đen xì. Từ ma ma và đám hạ nhân đứng sau hầu hạ, không ai dám hó hé câu nào. Đêm qua Nghiêm thị đã đập phá thế nào, bọn họ đều tận mắt chứng kiến - bà ta gần như đã đập nát mọi thứ trong phòng, thậm chí còn gào to mắng chửi Đường thị, hệt như một bà điên. Sự đối lập với hình tượng hằng ngày đó làm tất cả bọn họ đều sợ hãi - nhất là Từ ma ma. Từ ma ma hầu hạ Nghiêm thị đã nhiều năm, chưa từng thấy bà ta điên rồ như thế bao giờ.
Ngẫm kỹ lại thì - hình như bắt đầu từ khi tu luyện cái gì mà [Ngọc Nữ tâm kinh] do Tứ hoàng tử đưa cho, tính tình Nghiêm thị đã bắt đầu trở nên cổ quái. Lúc ở bên Ninh Như Hải thì bà ta dịu dàng như nước, không thì bà ta cực kỳ dễ tức giận.
Đúng lúc này, có nha hoàn bước vào nói nhỏ với Từ ma ma mấy câu. Từ ma ma biến sắc, nói ngay: "Không gặp! Bảo bà ta đến từ đâu thì về chỗ đó đi!"
Nhưng đã muộn rồi - vì Từ ma ma chưa dứt lời thì một nữ tử áo đỏ đã dắt theo hai nha hoàn bước vào. Nữ tử kia trang điểm đúng mực, đoan trang nền nã, hoàn toàn đối lập với vẻ yếu nhược sợ sệt trước đây.
Người đó nhún gối hành lễ với Nghiêm thị, rồi mở miệng nói: "Đại phu nhân, ta đến đón nữ nhi của ta về."
Nghiêm thị lạnh lùng nhìn nữ tử váy đỏ kia một lúc, cười lạnh đáp: "Đường Ánh Dao?"
"Mấy hôm nay Hinh Nhi đã làm phiền Đại phu nhân nhiều rồi, ta nên đón con bé về thì hơn." Sống lưng Đường thị thẳng tắp: "Xin Đại phu nhân giao người ra."
"Hừ! Ngươi cho nơi này là đâu, ngươi muốn dẫn ai đi là dẫn được sao?" Vốn Nghiêm thị đã đang bực tức, nay thấy được mục tiêu tức giận của mình thì càng không khách khí nữa. Bà ta không chỉ lạnh giọng đáp, mà còn chẳng buồn giữ vẻ đoan trang thường ngày nữa: "Hơn nữa, đích mẫu là ta dạy dỗ thứ nữ học nữ công là chuyện rất bình thường. Chờ khi nào ta thấy dạy đủ rồi thì sẽ đưa nó về, ngươi gấp làm gì!"
"Ta nghĩ Đại phu nhân đã hiểu sai ý ta rồi. Ta đến đây không phải để thương lượng với ngươi." Đường thị đáp lại rất cứng rắn, thậm chí còn trả nguyên câu Nghiêm thị đã nói lại cho bà ta: "Hôm nay ta đến đây là đã được lão gia đồng ý. Ta nhất định phải mang Hinh Nhi về, chẳng lẽ Đại phu nhân muốn ta mời lão gia đến đây sao?"
"Ngươi là ai mà dám mang lão gia ra dọa ta!" Nghiêm thị vỗ bàn đứng lên: "Ta cứ không giao thì sao nào?! Người đâu, đến lôi ả ta ra ngoài cho ta!"
"Không được phu nhân ơi!" Từ ma ma vội khuyên nhủ