Giang chi điếu văn vong chi chứng
Nước thay rượu đục cỏ làm nhang
Quân Minh đại thắng trận Đa Bang, lục tục tiến quân vào thành.
Vì mượn danh phù Trần diệt Hồ, nên Mộc Thạnh và Trương Phụ không để quân truy lùng người dân đã chạy trốn được. Cảnh giết người, phóng hoả dù vẫn nhan nhản nhưng ít nhất đã được hạn chế một chút. Tuy nhiên không ngăn nổi quân sĩ cướp bóc tài sản, cưỡng bức thiếu nữ nhà lành. Trong thành Đa Bang… khắp nơi là tiếng khóc của người dân.
Tạng Cẩu vẫn còn ám ảnh vụ ngộ sát Thái Bá Nhạc, suốt ngày ru rú trong lều không ra gặp ai. Nó hận quân Ngu thật đấy, nhưng nó đâu phải một kẻ máu lạnh mà giết người không gớm tay được. Trương Phụ, Mộc Thạnh muốn khen thưởng công Tạng Cẩu hạ sát tướng địch cũng không gặp được nó, đành phải ghi lại công lao để tâu lên vua nhà Minh lúc ấy là Thành Tổ Chu Đệ.
Liễu Tử Tiêm nghỉ ngơi một đêm, mấy vết thương ngoài da đã cầm máu. Nhớ lại ngày hôm qua Tạng Cẩu cứu sống mình, cực kì cảm động. Mới sáng sớm, Liễu Thăng đã lôi Tạng Cẩu dậy, ngỏ ý muốn kết bái làm anh em. Dù còn nhỏ, lại là cô nhi, nhưng chí ít Tạng Cẩu cũng biết cái gọi là ân đền oán trả. Vì thế, nghe Liễu Thăng đề nghị cậu cũng không tiện phản đối, bởi xét cho cùng thì hai bên đều đã cứu nhau một mạng. Tạng Cẩu lại nghĩ: [ mình cô khổ cả đời, nay có một người anh thì thật tốt lắm. Ít nhất không cần phải lẻ loi như trước. ]
Xa xa, dòng nước dữ sông Thao gầm rú liên hồi. Trong thành Đa Bang khói đen bốc cao, trên mặt tường còn nhìn thấy những chỗ hổng lớn.
Liễu Thăng quỳ bên Tạng Cẩu, lư hương rỉ sét đặt trên mặt đất. Ba nhánh cỏ được cắm trong đó thay hương trầm, mấy cái chén con đựng nước trắng dùng như rượu ăn thề… Hai đứa giơ ba ngón tay chỉ trời phát thệ, lấy dao cắt máu nhỏ vào li rồi dập đầu ba cái.
“ Trời đất, anh linh tướng sĩ hai bên làm chứng. Hôm nay Tạng Cẩu, Liễu Thăng kết làm huynh đệ. Nguyện có phúc cùng hưởng có hoạ cùng chịu. Tuy không sinh cùng năm cùng tháng cùng ngày nhưng nguyện chết cùng ngày cùng tháng cùng năm. Nếu trái lời thề, cam nguyện bị thiên lôi đánh chết. ”
Liễu Thăng nói tiếng Việt không sõi, nên xướng bằng tiếng Tàu. Tạng Cẩu dù nghe câu hiểu câu không nhưng trí nhớ rất tốt, có thể đọc theo trôi chảy ngay lần đầu tiên.
Nó lại âm thầm khấn trong lòng:
[ Cái người bất hạnh chết dưới tay ta ơi, ngài sống khôn chết thiêng đừng biến thành ma đến bắt ta. Dù ta hận quân Ngu tàn ác nhưng ngài với ta không thù không oán, khi ấy ta thực sự không cố ý hại ngài đâu. Ở đây không có rượu, ta kính ngài chén nước sông, ngài uống rồi đầu thai lại làm kiếp người. ]
Tạng Cẩu tự xưng là “ ta ” vì nó rất hận quân Ngu, không muốn tự hạ thấp mình trước kẻ đã giết hết người thân của nó hay tất cả những ai liên quan.
Hai đứa dốc cạn hai chén, lại rót nước trong chén còn lại xuống sông để tế điện trời đất vong linh.
Liễu Thăng hơn Tạng Cẩu sáu tuổi, nhưng để giải thích chuyện nó không biết nói tiếng Hoa, Tạng Cẩu nói mình chỉ mới năm tuổi đầu. Vóc người nước Nam vốn nhỏ bé hơn dân phương bắc, Tạng Cẩu lại là trẻ lang thang đói ăn từ nhỏ nên càng còi cọc. Bởi thế nó nói là Liễu Thăng tin ngay. Hai người kết nghĩa, Liễu Thăng làm anh. Cậu muốn Tạng Cẩu lấy họ Liễu như mình, còn nhờ Trương Phụ Mộc Thạnh đặt cho cậu em trai mới kết nghĩa của mình một cái tên mới. Tạng Cẩu ra sức từ chối, nhưng Liễu Thăng ép dữ quá bèn chỉ xin theo họ Liễu.
Trương Phụ Mộc Thạnh gặp Tạng Cẩu, bèn ngợi khen cậu bằng những mĩ từ như hào kiệt không đợi lớn, anh hùng xuất thiếu niên…v.v… Liễu Thăng dịch lại đại ý cho Tạng Cẩu, cậu bé lúc này mới biết người bị mình ngộ sát hình như là nhân vật lớn.
Quân Minh đuổi theo quân Hồ về phía Hoàng Giang. Trên đường, Liễu Thăng bẻ cành cây làm kiếm, dạy cho Tạng Cẩu mười sáu chiêu Tuyết Trai kiếm pháp để phòng thân. Chiều tối thì dùng than thay phấn, chỉ Tạng Cẩu học tiếng Tàu.
Cậu nhóc ăn mày đầu óc sáng láng, học rất nhanh nên chẳng mất bao lâu đã thuộc nằm lòng động tác kiếm thuật, nhưng vì tiếng Hoa mới bõm bẽm nói được nghe được nên còn chưa thể nắm vững được các biến hoá của đường kiếm.
Nó cũng vẫn không quên câu chuyện của mình nên phải giả vờ ngốc. Liễu Thăng dạy đi dạy lại một mẫu Hán tự mấy lần, Tạng Cẩu đều ra vẻ chưa hiểu, hoặc lúc Thăng hỏi lại thì nó cố tình đáp sai. Riết rồi Liễu Tử Tiêm cũng đâm chán, quyết định để Tạng Cẩu tự học, lúc nào thông thì đến tìm cậu sẽ dạy cho cái mới.
Tạng Cẩu học nửa ngày là xong Tuyết Trai Kiếm Pháp, lại tranh thủ học quyền cước của binh sĩ. Môn võ lính lác nhà Minh dùng tên là Thái Tổ Trường Quyền, nghe đồn là do hoàng đế khai quốc nhà Tống là Triệu Khuông Dần sáng chế, cả thảy còn ba mươi sáu chiêu chưa thất truyền.
Khuông Dần hiếu võ, có một thanh thanh long đại đao khá nặng, song đã mất tích đến nay cũng không rõ đã lạc tới chốn nào. Nghe đồn trong quá khứ Thái Tổ Trường Quyền có nhiều hơn 36 chiêu, nhưng đã thất truyền mất. Bài quyền phổ thông tới nỗi, thời bấy giờ nông phu miền sơn dã cũng biết đánh vài chiêu, đi một đường. Sĩ tốt nhà Minh biết đánh cũng chẳng có gì là lạ.
Gặp Tạng Cẩu muốn học, đám người ấy dù có nhạo báng mấy câu nhưng vẫn nhiệt tình chỉ dạy. Ngờ đâu nó tiến bộ thần tốc, chỉ mấy canh giờ đã đánh được đủ ba mươi sáu chước Thái Tổ Trường Quyền, thậm chí cách Cẩu đi quyền nay còn lâm li ảo diệu hơn người dạy mấy lần nữa. Ấy cũng là do quyền pháp này chú trọng những đòn rộng, mạnh mẽ chứ không phải sự biến hoá ảo diệu. Nói ngắn gọn lại thì dù hàm chứa kình lực rất mạnh, nhưng quyền lộ thì quá mức đơn giản.
Cả đám binh lính trố mắt ngoạc mồm ra mà nhìn Tạng Cẩu càng đánh càng hăng, không khỏi hoài nghi liệu cậu có biết quyền pháp này từ trước, chỉ giả đò không hiểu gì hết để hí lộng họ mà thôi hay chăng. Nhưng đến khi Tạng Cẩu đánh ra chiêu thứ ba mươi bảy, ba mươi tám, ba mươi chín… thì cả đám ngoài vỗ tay tán thưởng ra không biết phải làm gì hơn.
Tạng Cẩu rơi vào một cảnh giới kì lạ, đi quyền hoàn toàn theo bản năng. Lúc này đường quyền của cậu khi thì nhanh như gió hiểm như băng giữa cơn bão tuyết, lúc lại chầm chậm như sương lạnh còn đọng nơi lá cỏ. Bộ pháp của cậu lại càng thêm kì dị.
Không còn đơn thuần chỉ có cái phóng khoáng, đại khai đại hợp của Thái Tổ Trường Quyền nữa mat được thêm sự nhẹ nhàng. Nhìn Tạng Cẩu, người ta chợt liên tưởng tới lớp tuyết đầu đông lất phất rơi dưới hiên nhà.
Trong đám lính có một gã người Sơn Đông, nhãn quan nhìn võ thuật cũng cao nhất bọn. Y trầm tư ngắm một lúc, rồi như bừng tỉnh đại ngộ:
" Quyền chiêu và bộ pháp của nó… ta thấy có hơi hám Tuyết Trai kiếm pháp. Tại sao lại như thế được?? ”
Cả đám nghe lời mới cố quan sát thật kỹ, cũng dần nhìn ra một chút manh mối trong ấy.
" Quả nhiên là thế. ”
" Nhóc này không phải mới luyện môn võ công này vài ngày trước ư??? ”
Trong thời gian này, quân Minh lại đánh một trận với thuỷ quân nhà Hồ. Hai phe mỗi bên chiếm một bờ sông, dùng thuyền chiến đánh lẫn nhau. Theo Minh Thực lục ghi lại, quân nhà Hồ có tới 500 chiến thuyền do chính đại tướng Hồ Nguyên Trừng – con trai Hồ Quý Li – cầm đầu.
Trương Phụ chia binh làm hai đường thuỷ, bộ. Bộ binh, chiến thuyền và một nửa quân kị đều do bản thân y thống lĩnh, giao chiến trực diện với quân nhà Ngu. Còn phân nửa chi kị binh của Mộc Thạnh thì vòng hẳn lên thượng nguồn, tìm đường xé rừng vượt sông.
Phụ đứng trên đầu tàu, nhìn đội thuyền chiến nhà Hồ hùng dũng tiến gần tới mà không hề nao núng. Y giương cao thanh đại đao của mình, phất lá cờ Đại Minh về phía quân tướng nhà Hồ:
" Sát!!!!!!!!!!! ”
Tiếng quát oai hùng, dõng dạc trung khí mười phần của Phụ truyền đi thật xa. Thùng! Thùng! Thùng!!! Tiếng trống trận bắt đầu nổi lên, hoà nhịp với đôi hàng mái chéo của những con thuyền. Cả mặt sông lúc ấy bị khuấy động bởi mấy ngàn chiếc chèo gỗ, sóng nước cứ lan mãi về bờ, ì oạp ì oạp rửa trôi lớp đất còn nhuốm máu khô.
Đầu thuyền bên kia, Hồ Nguyên Trừng mặc chiến giáp xuất hiện. Gương mặt anh tuấn, với nét thanh tú của một quan văn và cái nhìn trí tuệ, sắc bén như gươm của bậc võ tướng. Chàng mặc chiến giáp nhẹ, lưng khoác áo bào trắng phau như tuyết. Ánh mắt Nguyên Trừng quét qua ba quân, đầy nghiêm nghị. Chàng khẽ đảo tay, phất mạnh áo bào một cái. Chẳng cần cờ xí để hiệu lệnh tam quân, cũng chẳng cần gióng trống khua chiêng nhằn bổ uy trợ thế, quân sĩ răm rắp như một dạ ran một tiếng.
“ Rõ!!!! ”
Dõng dạc, hào khí ngút trời mà lại đều tăm tắp, tinh binh của Hồ Nguyên Trừng chẳng ai bảo ai, nhất loạt nâng pháo bỏ đạn, lắp cung cài tên đợi sẵn.
“ Bắn!! ”
Hồ Nguyên Trừng chỉ giương soái kì của mình, hàng trăm khẩu pháo Thần Cơ đã nhất loạt bắn tới tấp vào thuyền của Phụ. Điểm mạnh của súng Thần Cơ do Nguyên Trừng chế tạo là tính nhẹ và cơ động. Thuở ấy công nghệ đóng thuyền không quá phát triển, vẫn chưa có sự xuất hiện của súng thần công cỡ lớn trên tàu chiến, còn súng cổ thời đầu Tống hoả lực lại quá yếu. Súng Thần Cơ đúc theo phương pháp mới đã gọn còn nhẹ, uy lực lại mạnh nên có thể tác chiến được trên thuyền, một chiếc nhỏ thì chở được một khẩu, lớn thì được từ bốn tới năm khẩu.
Súng Thần Cơ bắn sang, đội chiến thuyền quân Minh hoả lực
yếu hơn lập tức ăn thiệt lớn. May thay Trương Phụ đã sớm lường trước được điều này, nên đã dùng bao rơm bọc phía trước thuyền làm vật cản. Nếu đạn sắt của súng Thần Cơ có bắn trúng mà không làm thủng đáy thuyền, thuyền sẽ không chìm.
Trương Phụ ra sức đốc thúc tam quân, lại dò hỏi một tham tướng là Lý Bân:
“ Không phải mi nói có thể phỏng chế hoả pháo của địch quân sao? Đâu? Giờ pháo đâu??? ”
Lý Bân bị Phụ xách cổ, nghẹn khí chỉ đành thở khò khè lấy hơi cho khỏi chết. Trương Phụ khinh thường hừ một cái, mới thả tay. Bân thoát nạn vội ôm cổ mình, ánh mắt nhìn Phụ như muốn sát nhân. Nhưng rồi y cũng cố gắng thu lại được sát tâm của mình, nói:
“ Chuyện này… còn một chút vấn đề. ”
“ Một chút cái đầu con bà nhà mi!!! Thằng hãm tài vô dụng!! Lần sao làm được hẵng lên tiếng! ”
Trương Phụ sút một cú, nhắm ngay giữa háng Lý Bân khiến y sụp hẳn xuống, tay ôm chặt chú chim non gãy cánh. Y nằm trên sàn tàu mà co, mà giật, mà kêu gào. Đến nỗi Trương Phụ nhìn gai cả mắt, nghe ngứa cả tai cho nhét luôn đống giẻ lau vào mồm.
“ Giờ chỉ còn dựa cả vào chi kì binh của Mộc Thạnh mà thôi. ”
Trên mặt sông, quân nhà Hồ áp đảo quân Minh. Nhưng một tướng lão luyện như Trương Phụ ắt còn có lưu hậu chước. Đang từ thượng nguồn đánh ập lại chính là chi kị binh của Mộc Thanh. Chỉ cần sang được bờ, muốn phá tan doanh trại đối phương chẳng phải dễ như bỡn sao?? Bên cạnh đó khi ấy quân Hồ gặp thế gọng kìm hai mặt cùng thụ địch, trận cước không loạn mới là lạ.
Mộc Thạnh y theo lời vác siêu cưỡi ngựa, đi đầu đoàn quân phi nước đại về phía hạ lưu. Trên đường, y vừa dùng siêu chặt cây phạt cỏ, vừa dặn:
“ An Nam thiện nhất là nghề đánh lén, các huynh đệ phải thật thận trọng khi hành động, chớ có rơi vào phục kích. ”
Dưới vòm trời này, từ cổ chí kim mấy ngàn năm ròng thử hỏi dân tộc nào có thể biến hai chữ “ du kích ” ấy thành một thứ nghệ thuật như người Việt??
Thì ra, trước khi dẫn quân sang nước Nam, Trương Mộc đã tập hợp hết sử liệu về các cuộc giao tranh trong quá khứ giữa hai nước, sau đó nghiên cứu cẩn thận. Hai người nhận ra, mặc dù đám sử gia người Tàu luôn cố gắng lấp liếm, song với kiến thức cùng kinh nghiệm chinh chiến sa trường của mình, hai người vẫn lọc được một vài nguyên nhân vì sao quân bắc lại thất bại.
Thời Nam Hán, trận Bạch Đằng. Thuỷ quân phương bắc bị lùa vào trận cọc, lại trúng phục kích, chết vô số. Hoằng Tháo tử trận.
Thời Bắc Tống, trận sông Như Nguyệt, Quách Quỳ Triệu Tiết trúng kế dương đông kích tây, trại của Triệu bị tập kích bất ngờ. Quân bắc thảm bại.
Thời Nguyên - Mông…
Càng tìm hiểu, Thạnh và Phụ càng tin chắc dân Nam là một dân tộc khó nhằn, giỏi lấy yếu thắng mạnh dùng ít phá nhiều, chẳng những thạo nghề sông nước lặn sâu, còn giỏi việc dựng chông lập cạm. Hai người chẳng dám vì những chiến thắng vang dội giành được lúc trước mà buông lỏng cảnh giác. Họ e sợ khả năng quân Đại Ngu vẫn đang âm thầm chuẩn bị một đòn phản kích quyết định.
Mộc Thạnh và quân của y tiến lên với mười hai phần cẩn trọng. Thậm chí chỉ một tiếng gió thổi cỏ lay hơi khác thường thôi cũng khiến họ giật mình thon thót, không biết liệu sẽ có bao nhiêu binh nhà Hồ nhảy ra khỏi các tán cây rậm rạp. Thình lình một tiếng chim kêu, bất chợt một tràng vượn hót bật lên trong rừng vắng thực chất chẳng phải chuyện gì bất thường, nhưng với Mộc Thạnh và người của hắn thì chúng lại là cả một sự tra tấn về mặt tinh thần.
“ Kia!! Quân Hồ!! ”
Phập!!!
Mộc Thạnh vừa thấy loáng thoáng chóp nón đỏ tươi, lập tức giương cung cài tên, bắn một mũi tên về phương ấy. Nghề thiện xạ của y dù không bằng món đánh siêu, nhưng cũng là một cao thủ. Mũi tên lướt đi trong gió, xuyên thủng một chiếc lá bàng rồi găm trúng phóc vào mục tiêu cần bắn, không chệch lấy một li. Tài bắn cung cỡ ấy đã có thể xưng là thần hồ kỳ kỹ, bách bộ xuyên dương.
Kị binh nhào tới chỗ mũi tên, vốn định bắt sống hoặc thủ tiêu cái xác người lính Đại Ngu nọ, nào ngờ…
“ Bẩm tướng quân… là một con bù nhìn rơm! ”
“ Bù nhìn?? ”
Mộc Thạnh và cánh quân của mình hết nhìn người nọ lại ngó người kia. Tất nhiên, chẳng ai tìm được đáp án trong mắt đối phương. Kể cả Mộc Thạnh thân là đại tướng, cũng không hiểu tay Hồ Nguyên Trừng này muốn giở trò gì. Song trên chiến trường, một khắc cũng là vô giá. Mộc Thạnh biết rõ chiến thuyền của Trương Phụ không thể chống lại hoả lực của Pháo Thần Cơ trong thời gian dài, nên y chẳng dám nghĩ nhiều nữa, chỉ dặn quân sĩ phải hết sức cẩn thận rồi tiếp tục lên đường.
" Lẽ nào là thuyền cỏ mượn tên?? Không đúng, muốn dùng kế này, đặt người nộm trong rừng thì biết đến bao giờ được mười mũi?? Hồ Nguyên Trừng này không phải bị lừa đá trúng đầu đấy chứ? ”
Mộc Thạnh tự hỏi, cứ vừa thúc ngựa vừa lầm bầm một mình.
Trong đội có người lên tiếng:
" Tướng quân, đằng này lại có!! ”
" Đằng kia cũng vậy!! ”
Tâng!!
Tiếng dây cung bật lên khô khốc, hai mũi tên của Mộc Thạnh đã vọt vào trong tàng cây, khuất sau những tán lá dày. Liền đó, bình bịch hai tiếng, hai con bù nhìn rơm khoác quân phục nhà Hồ rơi xuống. Thấy sự lạ, Mộc Thạnh thoáng nhíu mày, rồi chợt vỗ mạnh trán mình.
" Ta biết rồi… khá khen cho tiểu tử Hồ Nguyên Trừng ngươi. ”
" Tướng quân… lời ấy có ý gì? ”
" Bại tướng ở Đa Bang chắc chắn đã nói cho hắn biết chiến thuật chia binh hai ngả của ta và Trương nguyên soái. Tiểu tử này bèn tương tế tựu kế, dùng những người nộm này khiến chúng ta cảnh giác, thực chất trong rừng không có gì đáng sợ.
Người An Nam giỏi dùng phục kích, hắn biết chúng ta chim sợ cành cong, sẽ phải cẩn thận đề phòng lục soát khu rừng tìm kiếm phục binh mà tiêu diệt, từ đó hoang phí thì giờ một cách vô ích. Tranh thủ thời gian ấy, hắn mới dùng đại quân quét ngang đội thuyền của Trương nguyên soái. Khi chúng ta chạy tới nơi, e rằng sẽ lọt vào thiên la địa võng.
Hay cho một chiêu Không Thành Kế, lại được tiểu tử này vận dụng một cách nhuần nhuyễn ngoài hoang ngoại. Thế nhưng, chẳng chịu tốn một binh một tốt nào mà muốn lừa Mộc Thạnh này ư, tiểu tử An Nam này cũng quá coi thường ta đấy. ” - Mộc Thạnh nghiến răng, cây tên trong tay bị y bẻ gãy cái rụp.
" Thế thì nguy lắm, chúng ta đã tốn khá nhiều thời gian rồi. ”
" Mau!!! Dùng hết tốc lực, hoàn thành thế gọng kìm!! ”
Nhánh kỵ binh này theo Mộc Thạnh chinh chiến đã nhiều năm, biết lúc nào nên làm gì. Thấy tướng quân sắc mặt trầm trọng, điên cuồng thúc ngựa chạy nhanh về phía cửa rừng đông nam, cả đám cũng liền vội vàng vọt theo.
Cửa rừng đã ở trước mặt, nếu phóng tầm mắt qua khỏi các tán cây là có thể nhìn thấy đội thuyền của hai bên đang chiến nhau dữ dội. Thạnh thấy khói xám bốc lên bay qua đầu mình, đoán biết Trương Phụ đã bị dồn vào thế khó. Thực tế, Phụ đã không dám so hoả lực nữa mà phải để chiến thuyền ngạnh kháng từng trận bão đạn mưa tên của quân Hồ, từ từ áp sát lại, để quân tràn sang đánh giáp lá cà. Thạnh không khỏi nôn nóng, tay nắm siêu sắt thêm chặt.
Cộp! Cộp! Cộp!
Bầy ngựa phi hết tốc lực, chẳng mấy mà đã vượt qua khỏi sự che chở của lá cây. Ánh nắng buổi ban trưa như đổ lửa xuống đầu, đôi mắt khẽ híp lại một lúc vì chói nhưng Thạnh nào dám thả chậm mã tốc?? Chưa đến nơi, y đã hét vang:
" Thằng ranh con Hồ Nguyên Trừng, ông nội Mộc Thạnh của mi tới rồi đây!! ”
Y đang muốn gác siêu lại để với lấy cây cung, định bụng cứ bắn rụng soái kì quân Ngu trước để thị uy đã. Nào ngờ dưới chân ngựa bỗng hẫng đi nghe sụt một cái, sau đó cảnh vật trước mặt cứ dâng cao dần.
" Hỏng rồi!!! Bẫy chông!!! ”