Thấy cha của Hồ Đỗ thở dài, chàng lại nói:
“ Tình cảm vợ chồng của hai bác thật đẹp, đúng là đáng ngưỡng mộ. ”
Ông tạ từ mấy câu, ba người vừa dùng trà vừa ngắm trăng lặn. Nửa canh giờ qua đi nhanh như một cái chớp mắt. Cha Hồ Đỗ xách cuốc ra sau vườn xem mấy luống khoai, luống sắn. Lê Học và Phạm Lục Bình thì đi cắt thuốc.
Đến nơi thì cửa tiệm lại đóng im ỉm. Đang mùng ba Tết, nên tiệm bán thuốc cũng mở cửa muộn hơn bình thường.
Thấy vậy, hai người bèn lựa một gốc cây to ngồi xuống chờ. Xa xa, phiên chợ sớm đã bắt đầu họp. Nhắm mắt lại, là có thể nghe thấy tiếng người mua kẻ bán, cả giọng rao hàng uyển chuyển vần vè như một bài ca của người đàn bà hàng cá hàng tôm. Chốn kinh kì nước Nam thật là lạ kì, giản dị mà phù hoa, yên tĩnh mà tấp nập. Cái mộc mạc quyện với sự thanh nhã, bịn rịn viết hai chữ Thăng Long lên dòng máu đỏ sông Hồng.
“ Anh Phạm, bỏ quá cho tôi hỏi chuyện này. Hai cha con anh Đỗ anh hình như có khúc mắc khó gỡ. ”
Phạm Lục Bình nhún vai, nói:
“ Đâu chỉ khúc mắc… ài… đằng nào chuyện cũng chả phải bí mật gì, anh hỏi bà con trong xóm cũng biết. Thôi thì để tôi nói. Chẳng là hồi năm ngoái, hai cha con nhà anh Đỗ còn từ mặt nhau. ”
“ Còn có chuyện này à? Hà cớ gì mà lại… ”
“ Bác trai thì muốn anh Đỗ theo nghiệp mình, làm sáo diều nuôi thân.
Nhưng anh Đỗ nhiệt huyết cuồn cuộn trong tim, đâu có chịu yên lặng làm thường dân? Hôm anh ấy báo tin nhập ngũ, cũng là lúc bị cha đuổi khỏi cửa từ mặt.
Thân làm trai chí tại bốn phương, gánh nợ tang bồng là lẽ thường. Con có chí lớn, bậc làm cha mẹ sao lại cản ngăn cơ chứ? ”
Phạm Lục Bình nói đến đây, lại bất giác nhớ lời mẹ. Y đặt tay lên ngực trái, nơi giữ lá thư cha người cha khuất núi của mình gửi gắm.
Lê Học nói:
“ Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Tôi với anh nói thì nói vậy, chứ nếu ở trong hoàn cảnh của bác trai, chưa chắc đã không làm chuyện tương tự. Có cha mẹ nào không muốn tốt cho con mình đâu. ”
Nói đến đây, thì cánh cửa tiệm thuốc bắc đã kẽo kẹt muốn mở ra.
Cùng lúc đó, quay lại nhà cha của Hồ Đỗ…
Dăm luống khoai lang ông vun đắp cả năm trời có nửa bị đám chuột gặm đứt lìa cả dây, nhựa thấm ra đầy đất. Mất một lúc mới cuốc được hết đống củ non lên. Ông tặc lưỡi, xếp cả vào thúng. Mấy bữa nữa ra Tết, người khá bắt đầu nuôi lợn trở lại thì ông sẽ đem đống củ hỏng này ra chợ bán rẻ. Âu cũng là một cách để đắp đổi qua ngày.
Ngồi lên hè, nhìn con Mực ngấu nghiến thằng nhãi chuột đồng nó mới tóm được mà ông cười khổ. Chó nhà nghèo bụng lép lưng thô, phải bắt chuột mà ăn thì bán cho ai được? Người ta thích chó già đấy, nhưng Mực ta mà lên đĩa thì liệu được mấy miếng?
Ông tóm con chó, đá vào chân nó một cái. Con Mực đã quen, nên chả lí gì tới lão mà chỉ cắm cúi ăn.
“ Cậu biết mẹ cậu là ai không Mực? ”
Mắt ông nhoè đi, buồng cau cao ngất như càng xa hơn. Hồi ông còn trẻ, vợ còn sống, hai người đã cất tuyệt tác cả đời của vợ ông lên đó. Để bây giờ mỗi khi gió hồ thổi vào căn lều ọp ẹp tiếng sáo lại vang lên réo rắt.
Vi vu thoảng qua, một cơn gió mang theo khói cơm thơm lừng. Giờ này là các bà các cô đã xuống bếp thổi cơm trưa cho chồng rồi đấy. Vườn nhà ông cũng vì đó ngập tràn tiếng sáo trúc réo rắt khi xa khi gần, lúc trầm lúc bổng.
“ Mực này, tao kể chuyện này cho mày đến lần thứ mấy rồi nhỉ? Chà… nhiều quá tao cũng đếch nhớ nữa rồi. Cái về hai kẻ ngu si nhất trần đời ấy.
Mà thôi, nghe hay không kệ xác mày, tao cũng cứ kể lại lần nữa.
Ngày xửa ngày xưa, ở một nơi chẳng xa xôi, có một nàng tiên sinh ra trong hình hài của loài quỷ xấu xí. Tóc nàng bị xóm tiên cười là trắng phớ như khăn tang… ”
Kể tới đây, ông lại lên cơn ho. Khùng khục, khùng khục giật lên từng tiếng.
Nỉ non.
“ Nàng tiên ấy bị xa lánh vì xấu xí, chỉ có một con quỷ đói nhìn thấy trái tim nàng như là đoá sen Tây Hồ. Đúng thật. Sáo nàng thổi vi vu như tiếng gió, giờ vẫn vẳng bên tai con quỷ hàng đêm. Ôi chà, nàng tiên dạy con quỷ thành nhà thơ lúc nào không biết nữa…
Nàng tiên xác quỷ yếu ớt, không thổi hết được một bài. Con quỷ thấy thế, bèn nói với nàng về con diều sáo, dù bản thân hắn chỉ biết câu ếch nuôi thân. Nàng tiên biết có thể dựa vào gió trời thổi sáo thay mình, thích lắm. Nàng tự mày mò học làm diều sáo, rồi chỉ lại cho con quỷ đói. ”
Con Mực ngóc đầu dậy, cọ tai vào bàn tay ông. Mõm nó toàn máu chuột nên nó không dám liếm mặt chia buồn cùng cụ, sợ vây bẩn mặt chủ.
Cha Hồ Đỗ đã chìm vào hồi ức, nên cũng không chú ý tới con Mực.
“ Thấy nàng hay đi đêm ra chỗ câu ếch, gần gũi với con quỷ, cha mẹ nàng bèn tống khứ nàng cho hắn luôn. Từ ấy con quỷ gánh hai miệng ăn. Giờ nghĩ lại, chính nó cũng chẳng rõ nó hồi ấy nó xoay sở kiểu gì mà nuôi nổi bản thân nó lẫn nàng tiên.
Rồi nàng tiên cũng tìm được cái nghề, ấy là làm sáo diều. Nhìn nàng vui vẻ trao từng con diều tới đôi tay háo hức của đám trẻ chăn trâu mà con quỷ đói chẳng nỡ nói cho nàng biết một buổi chiều bán nàng lỗ bao nhiêu tiền.
Nhưng rồi nàng tiên cũng nhận ra. Con quỷ đói giấu sao nổi mắt nàng? ”
Con Mực thế mà khôn. Thấy gió nổi to, nó bèn rên lên ư ử, ngâm nga theo tiếng sáo vẳng xuống từ ngọn cau. Cụ thân sinh của Hồ Đỗ vừa nhịp phách theo, vừa kể.
“ Nàng tiên cố hết sức. Chồng rau, chăm gà, bếp núc, kéo tơ… ngặt nỗi đụng việc nào cũng hỏng. Có lần nàng làm khét cả nồi giò tết, bưng mặt bật khóc mà hỏi con quỷ: “ Chẳng lẽ trời sinh ra tôi chỉ để ngồi ăn chờ chết ư? Con gái con đứa xấu người, xấu cả nết thì sống làm gì nữa! ”. Nói rồi vụt chạy định trầm mình xuống nước.
May hôm đó trở trời, con quỷ không đi câu ếch mới ngăn kịp. Ôi, nghĩ lại nếu hôm đó chỉ có mình nàng tiên ở nhà, đúng là không lường trước được chuyện gì. ”
Lão thấy con Mực đã ăn xong, bèn vốc nước rửa mõm cho nó. Cu cậu được gãi cằm, cứ rên lên ư ử lấy lòng.
“ Mày không biết đâu, lạ lắm. Đêm hôm ấy nàng tiên đến chỗ con quỷ đói đang nằm mà nói: “ Thiếp ăn ở nhà chàng, ngủ ở nhà chàng. Tuy chưa có lễ phu thê nhưng đã nên nghĩa chồng vợ. Đáng ra việc nữ công gia chánh, chuyện sửa túi nâng khăn phải do người đàn bà đảm nhiệm, ngặt nỗi thiếp đau ốm dầm dề, vô dụng quanh năm. Là vợ, đã khiến chồng phải cơm bưng nước rót, mà đến cả hầu hạ chồng cũng không biết thì còn sống làm gì? ”. Thế là hôm ấy nàng tiên với con quỷ lấy nước rau ngót thay rượu, làm cái chuyện trai trên gái dưới.
Ôi!! Trước đó con quỷ để nàng tiên ở nhà mình, nhưng tay nàng hắn cũng không dám nắm. Hắn nghĩ nếu tương lai cha mẹ nàng tiên đổi ý nhận lại con, thì nàng hãy còn tấm thân con gái, hắn sẽ không lỡ dở nàng.
Không biết có phải trời trêu người không. Năm ấy vua làm lễ Tịch Điền, nghe tiếng sáo diều bèn cao hứng mở hội thi cho các làng các
xóm. Nàng tiên vốn thông minh, bèn nảy ý kết hợp đèn trời với sáo diều, định làm một chiếc để đời. ”
Lão kể đến đây, mắt lại nhìn chiếc diều sáo cất trên ngọn cau.
“ Nàng tiên làm ngày, làm đêm. Con quỷ đói lúc nào ngơi việc là châu vào đỡ nàng một tay. Phần thân diều làm một tháng thì xong.
Nhưng có lẽ do lao lực quá độ, nàng tiên lên cơn đau mắt nặng. Con quỷ không có tiền chạy chữa cho nàng, chỉ còn cách đến quỳ trước cửa cầu cứu cha mẹ nàng tiên. Mực, mày xem có ngu ghê chưa?
Cuối cùng, con quỷ bị người hầu nhà nàng tiên đánh ngất xỉu. Lúc về nhà, thì nàng đã mù hẳn. ”
Lão nói đến chỗ này, thì giật mình nhận ra hai gò má gầy gò đã ướt đẫm tự bao giờ. Con Mực thấy chủ buồn, nhảy vào lòng lão mà dụi đầu vào ngực. Cụ thân sinh của Hồ Đỗ bèn cười. Cười méo xẹo khiến mặt nhăn nheo như con khỉ. Cụ ôm con Mực, tay ghì đầu nò xuống mà dấu dí:
“ Mực ăn như lợn, ngu như lợn. Bố có buồn đâu, bố làm mệt quá đổ mồ hôi đấy chứ. Nghe bố kể chuyện tiếp đây này.
Con quỷ đói thấy nàng tiên buồn, chẳng quản việc nặng cũng cố hoàn thiện con diều. Mỗi ngày hắn làm một tí. Đêm câu ếch cũng cố nhìn ánh trăng mà đẽo sáo. Rồi thì cũng xong. Con diều hình giống như đoá sen, đài sen giấu một ngọn nến để giúp nó bay lên cao như cái đèn trời. Cuống sen thì ghép từ gần hai chục ống sáo.
Đêm rằm tháng Tám, con quỷ đỡ nàng tiên ra thả diều. Nàng tiên đỡ lấy bông sen, trăng nhuộm tóc nàng. Từ ấy mà diều có tên “ tiên nữ hái sen ”. ”
Như bao lần, kể đến chỗ này thì lão không nén nổi nữa mà gục xuống, bật khóc nức nở như một đứa trẻ. Cứ hễ lão khóc, thì cơn ho quái ác lại quay lại hành lão một chặp. Nấc một tiếng là ho một tràng, ho một tràng là khóc một trận. Đến tận khi lão bắt đầu ho ra máu cũng chưa dừng được.
Mặc cho cơn ho, mặc cho tiếng nấc, lão vẫn gằn từng chữ trong cuống họng nay đẫm lệ:
“ Mẹ nó… mẹ nó chết đi bỏ lại tôi… với thằng Đỗ. Nay tôi già cả mắt mờ, ngày có làm được mấy cái diều sáo mà bán đâu? Cũng muốn thằng con theo nghiệp mẹ, để bà dưới suối vàng được yên nghỉ. Thế mà thằng Đỗ… thằng Đỗ nó lại chọn con đường chiến chinh mẹ nó ạ.
Thằng này xưa ngoan là thế, từ sau khi khỏi bệnh là thay tính đổi nết, bướng bỉnh mà lại cẩu thả. Tôi sợ nó ra trận, sẽ chết… thì tôi chả còn mặt mũi nào gặp lại mẹ nó. Nhưng, khuyên rã cổ cũng ngăn không được chân thằng con. Giờ nó lớn rồi, đủ lông cánh rồi, không cần đến tôi nữa. Nó muốn nhập ngũ, là đùng đùng bỏ nhà đi.
Đấy, bà xem tôi đoán có sai đâu! Đầu quân mới được một năm, thế mà đã bị người ta đánh cho dập nát cả gan mật. Mẹ nó chắc sẽ hiểu mà. Nó đau một tôi sót mười… ”
Lão ôm con Mực, nói:
“ Còn có cậu này. Năm ấy mẹ thằng Đỗ mất tôi đưa cậu về, cậu còn chưa mở mắt. Nếu hôm thằng Đỗ bỏ đi, cậu không cắn gấu quần ngăn tôi thì tôi đi chết luôn rồi, tôi đi gặp mẹ thằng Đỗ luôn rồi. ”
Con chó tru lên một tiếng thê lương, rồi dụi đầu vào ngực lão.
“ Đúng rồi. Đúng rồi. Sao mà chết được? Tôi còn phải nhìn thấy cậu chết, lấy xác cậu làm bữa ma chay cả tôi lẫn cậu chứ. ”
Lão đứng dậy toan bước, nào ngờ xảy chân vấp phải hòn đá. Mất đà, cụ thân sinh Hồ Đỗ ngã nhào, vai đụng trúng luôn cây cau. Thân cây rung lên bần bật như dây đàn. Cau chết khô từ bao giờ không rõ. Chỉ biết phải năm năm trước, mà cũng có thể là lâu hơn, thì cây cũng không ra buồng nào nữa để mà xé.
Cây rung lên, dây diều được ông cụ thay mới mỗi rằm Trung Thu bỗng nhiên đứt phựt một cái. Sáo trúc mới cóng vót hồi rằm tháng tám rơi cả xuống đập trúng đầu cụ.
“ Mẹ nó… đón tôi à? ”
Cụ nhoẻn cười, ngây ngô như lần đầu tiên anh bắt ếch ngơ ngác trước nàng tiểu thư tóc trắng đoản mệnh.
Con Mực chạy đến bên chủ, dụi mũi liếm mặt cụ. Nó cố mãi mà chẳng bắt được một hơi thở nào thoát ra từ mũi hay miệng chủ cả.
“ Oẳng! Oẳng! ”
Con Mực sủa thê lương, rồi tông hàng rào phi ra khỏi sân, mất hút trên con đường dẫn ra đê.
Cả ngày hôm ấy, dân chài lưới thành Thăng Long kháo nhau chuyện về một con chó đen. Người nói nó phát rồ, kẻ bảo bị quỷ nhập, có bà chắc nịch nó là yêu tinh, lại có ông cam đoan ấy là thần thánh hiển linh.
Chuyện cứ nhảy cóc từ làng dưới đến thôn trên, dần dà lọt vào cung, truyền đến tai Trần Nghệ Tông. Ông cũng cảm thấy kì lạ, bèn thượng triều hỏi văn võ bá quan.
Ông quan to này nói ấy là điều lành xuất hiện, lão tướng quân kia thì khảng khái đó là điềm hung báo trước. Quan lại chia làm hai phe, cãi nhau ỏm tỏi.
Giữa lúc tranh luận đang kịch liệt, Lê Quý Li bèn lên tiếng:
“ Chi bằng treo thưởng ngàn lạng bạc, vạn quan tiền cho ai bắt được nó về tiến vua. Lành hay dữ, quỷ hay thần đến lúc ấy cũng ắt phải hiện hình trước thánh nhan. ”
Nghệ Tông cho là phải, bèn xuống chiếu. Nhưng tiếc là con chó kia đã đâm đầu xuống sông Hồng mà chết, chỉ vớt được cái xác.
Giữa sân rồng, người ta mới cạy miệng chó cho nước trào ra thì lạ chưa, con chó đen đang ngậm một cái trống đồng con con to bằng nắm đấm.
Lời tác giả:
Hồi một của tiền truyện đã kết thúc. Thú thực lúc đầu đặt bút mình không có ý định viết hồi này đâu.
Thế nhưng sau đó lại nghĩ: chính truyện đặt trong bối cảnh loạn lạc chiến tranh, mà mình lại muốn đem lại cho độc giả một cái nhìn thoáng qua về làng quê xã hội nước ta xưa mà mình xây dựng ( hơi tham quá chăng??). Thế là bắt tay vào gõ tiền truyện.
Trái với chính truyện, thì phần tiền truyện này mình viết theo kiểu “ thả ngón tay chạy rông theo cảm hứng ” nên có phần vấp váp hơn, đôi lúc cũng có những cái lầm lẫn hay sai sót. May sao, đến lúc này thì cũng có thể gọi là hoàn thành được rồi.
Bật mí một chút, hồi hai của tiền truyện mình sẽ căn sao cho vừa khớp với kết của chính truyện - thiên thứ nhất. Khi đó sẽ có kha khá bí ẩn được bật mí.
Một phút trải lòng. Sắp tới tác giả qua Đức học ( 26 tháng này mình bay) chắc sẽ mất một khoảng thời gian để làm quen, ổn định cuộc sống. Thế nên tốc độ ra chương sẽ bất ổn hơn. Hi vọng bạn đọc có thể tiếp tục đồng hành cùng tác giả.