Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 71: Hồi mười một (5)


trước sau

Sáng hôm sau…

Lúc ba người Lê Hổ khởi hành đến đàn Nam Giao dự Quần Hùng yến thì Quận đã bỏ đi từ bao giờ. Tạng Cẩu đi theo hai người Phạm Ngũ Thư. Trên đường, nó nhặt đại một cành cây, đánh thử một chiêu kiếm trong bộ Đảo Nam Nghịch Bắc của Ngũ Thư. Thấy thằng bé mới xem qua một lần đã mô phỏng lại được, hai người Lê Hổ chỉ biết ngơ ngác mà nhìn.

Đánh xong, lại nghe Tạng Cẩu cằn nhằn:

“ Chiêu gì mà tay cứ phải xoay xoay xoắn xoắn hết cả lên vậy? Người chứ có phải cọng bún đâu. Khó quá. ”

Phạm Ngũ Thư nhớ ngày đó mình phải luyện Nhuyễn Cốt công gần một năm cho dẻo người mới bắt đầu tập được Đảo Nam Nghịch Bắc, nên nay dù thấy Tạng Cẩu đánh chẳng ra hình thù, cũng không dám coi nhẹ thằng bé chút nào.

Ba người đồng hành, chẳng mấy đã thấy đàn Nam Giao phía trước. Lúc ở trên đường, Tạng Cẩu đã nghĩ kì nhân dị sĩ đất Nam thế đã là nhiều lắm rồi. Nhưng đi đến đây mới biết nó ấu trĩ thế nào. Thật đúng là ếch ngồi đáy giếng.

Chỗ này một anh kiếm thủ, đằng đó một gã đao khách. Phía trước bang chúng bang này đang ẩu đả, thì sau lưng môn sinh phái nọ đã làm ầm ĩ. Thiên Cơ lão đạo chưa xuất hiện, mọi người đứng đực ra một chỗ cũng buồn. Thành thử mới nảy ra cái trò luận võ. Người này xuất chiêu, kẻ kia đón đỡ. Còn những người đứng chung quanh thì thỉnh thoảng lại bình một, hai câu. Không thì chỉ điểm cho đôi ba chỗ. Cả một vùng rộng quanh đàn Nam Giao nô nức hẳn lên, như một cuộc phá cờ thế gay cấn.

Tạng Cẩu hứng quá, từ bé đến giờ nó đâu đã đi được khỏi bốn cái cổng làng đâu. Nó dùng Lăng Không Đạp Vân chạy khắp nơi, ngắm nghía đủ thứ. Thành thử bị tách khỏi hai người Lê Hổ lúc nào không hay. Thằng bé nhỏ người, cứ luồn trên lách dưới nên chẳng đụng vào ai. Nó mê nhất là chỗ mấy người có tuổi. Họ hay kể này kể kia, bao nhiêu là chuyện thú vị. Còn như mấy chỗ đánh đấm nó lại không ham lắm.

Nếu như là hồi mới tiếp xúc với võ công, Tạng Cẩu sẽ chẳng ngần ngại chạy tới xem một chiêu hai thức. Nhưng giờ, được hai người Quận Gió, Khiếu Hoá rèn cho nên thân, nó đã biết được cái gọi là “ một nghề cho chín còn hơn chín nghề ”. Thành ra không tham nhiều nữa.

“ Nhớ năm ấy lúc tay lão còn khoẻ, mắt vẫn chưa mờ, bảy vị tông sư hiện tại đánh một trận ở đền Hùng. Các chú lúc ấy còn đang bú mẹ, không có cái may mắn được chứng kiến. Cảnh tượng khi đó thực là long trời lở đất.

Hổ vương vừa gầm lên một tiếng, quá nửa quần hùng đã phải quỵ gối thở dốc. Đảo chủ đảo Bạch Long vừa bạt gươm, là bao nhiêu người ngã rạp cả xuống như lau như sậy. ”

Tạng Cẩu càng nghe càng thích, rồi lại buột miệng:

“ Thế khi đó ông quỳ hay là đứng? ”

Người nọ tuổi trạc ngũ tuần, bị thằng nhóc này “ hỏi vặn ” thẹn cháy cả mặt. Y biết mình hớ, bèn ho khan hai tiếng, biện minh:

“ Nội lực hổ vương mạnh đến mức nào, thằng oắt vắt mũi chưa sạch như mày sao tưởng tượng nổi? Tương truyền, ngựa chiến chạy thành đàn, nghe tiếng ông gầm cũng phải chạy tán loạn.

Hoàng đảo chúa của đảo Bạch Long lại càng không cần bàn. Một thanh gươm trong tay quét ngang cả võ lâm, mấy ai cản nổi một chiêu? Nghe đồn ánh gươm loáng lên thôi cũng sắc đến độ giết được người ta.

Chuông khánh còn chả ăn ai, nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre. Mày mà ở đó, chắc đái ra ướt hết đũng quần. ”

Nói đoạn, lại cười khẩy, nhìn Cẩu hất đầu một cái khinh khỉnh:

“ Nhãi ranh như mày đến giờ ngoài mép váy mẹ thì biết được cái quái gì chứ? Cút đi! Quần Hùng yến là nơi anh hùng tụ hội, chứ không phải cái chuồng lợn bờ ao để cho cái ngữ nhà mày đến nghịch. ”

Tạng Cẩu nghĩ: [ Mẹ mình trông thế nào mình còn chả rõ, nữa là bà mặc cái gì. Nhưng bảy tông sư nước ta cũng được gặp đến hai người rồi. Chẳng lẽ lại nói mình là đệ tử của Quận Gió? Thôi bỏ đi… nói cũng chẳng ai tin. ]

Lúc này thì hai người Lê Hổ, Ngũ Thư cũng chạy đến. Vừa hay lão già mới mắng vốn Cẩu một trận lại là người quen với Long Thành kiếm khách, bèn đứng dậy chào:

“ Anh Phạm đến rồi hả? Đây! Ngồi đây! ”

Đám người bâu lấy ông ta để nghe chuyện bèn xì xào:

“ Ấy là người minh chủ đích thân mời đến đấy hả?? ”

“ Cứ tưởng phải ba đầu sáu tay, mắt xanh mỏ đỏ ghê gớm lắm chứ. ”

Phạm Ngũ Thư đang vội, nên cũng chẳng kịp đáp lời lão. Lão kia thấy y vừa đi vừa thở hổn hển, trán cũng lấm tấm mồ hôi thì không khỏi lấy làm lạ. Hà cớ gì Long Thành kiếm khách lại vội vã đến thế?

Phạm Ngũ Thư bước nhanh đến, tóm áo nhấc bổng Tạng Cẩu lên. Chỉ sợ chân nó mà chạm đất là thằng nhãi này lại luồn đi đâu mất hút. Y thấy Cẩu chỉ bé có chút xíu mà khiến y phải tìm đến mòn con mắt, chẳng biết làm sao ngoài cười khổ:

“ Cái thằng ranh… lẩn gì nhanh như chuột! Tìm chú mày bở cả hơi tai. ”

Phải mà thằng nhãi này không có ông thầy quái vật, chắc Ngũ Thư đã nọc nó ra đánh cho mấy cái. Rồi y lại nghĩ: [ Thầy xuất quỷ nhập thần như thế thì trò
“ đi không ai biết về chẳng ai hay ” cũng là chuyện thường. Mình không nên trách nó làm gì. ]

Vừa nghĩ thế, Phạm Ngũ Thư vừa kiếm dây thừng buộc quanh eo Tạng Cẩu mấy vòng, một đầu thì cầm khư khư trong tay. Nghĩ bụng thế là chắc ăn, khỏi sợ thằng ranh này nó lỉnh mất.

Tạng Cẩu bị buộc như người ta cột chó, cứ đi được mấy bước là dây căng lên giật ngược nó lại. Thằng bé đâm cáu, bèn đưa dây thừng lên miệng nhai lấy nhai để cho bớt tức. Phạm Ngũ Thư trông thấy, phì cười cốc lên đầu nó:

“ Chú mày là chó thật đấy à? Đừng có cắn bậy. ”

Trung niên nọ thấy hai người có vẻ quen biết, bèn hỏi:

“ Đứa bé này phải con anh Phạm không? Lấy vợ mà không báo một câu, tôi còn đến đưa trầu gửi cau chung vui.”

“ Bác cứ đùa. Em đây là giai ế, đến vợ còn chưa có, đào đâu ra được thằng con tồng ngồng cỡ này? ”

Phạm Ngũ Thư cũng đùa lại, rồi tiếp:

“ Chẳng dám giấu bác. Sư phụ thằng nhóc này nhờ em với chủ công trông nó giúp. Thế mà mới nói có hai câu với người quen thôi, thằng ranh này đã lẩn đi đâu mất tiêu. Tìm nửa ngày giời mới ra. Nó còn bé chưa biết gì. Có nói câu nào xúc phạm thì bác cũng nể mặt em bỏ quá cho. ”

Trung niên nọ nói:

“ Không! Không! Sao lại xúc phạm? Nó là trẻ con, chấp làm gì? ”

Hai người hàn huyên thêm một lúc thì Lê Hổ tìm đến. Thấy Tạng Cẩu bị buộc dây nằm lăn lộn một chỗ, chàng ta mới thở phào ra nhẹ nhõm. Không ai tưởng tượng nổi Quận Gió lúc sửng cồ lên sẽ đáng sợ như thế nào. Lê Hổ càng không muốn đi thí nghiệm.

Tạng Cẩu nghe người lớn nói toàn mấy lời hoa mĩ khách sáo với nhau mà thấy chán muốn chết. Thành ra nó co lại ngồi một góc, ngáp ngắn ngáp dài. Tai nó lại loáng thoáng nghe được tiếng dao tiếng thớt, gà gáy lợn kêu ở xa. Nghĩ thầm chắc là người ta đang nấu nướng gì đây.

Trời chuyển dần sang trưa, bàn ghế bắt đầu được kê dọn. Chờ khách khứa an vị đủ cả thì cỗ bàn mừng công cũng lần lượt được bày biện. Mâm nào cũng đủ con gà luộc, bát thịt kho, đồ xào rán không miếng chả thì cũng có đĩa nem. Canh rau luộc xanh rờn, rượu nếp nồng trong suốt thi nhau được bưng lên.

Tạng Cẩu cứ mắt tròn mắt dẹt nhìn những mâm cỗ ê hề thịt thà Năm hết Tết đến, cả làng hò nhau nấu bánh chưng nó cũng chẳng được thấy nhiều thịt như thế.

Thiên Cơ lão đạo và Phan Chiến Thắng đến từng bàn nâng rượu chúc mừng, lại hàn huyên mấy câu mới bỏ đi. Trên mâm cao nhất dành cho nhà chủ, các vị đức cao vọng trọng chỉ còn mỗi Quận.

Tướng ngồi của ông vua trộm cũng khá là khó xem. Một chân thì co lên ghế, chân kia thì duỗi ra chiếm nửa cái gầm bàn. Một tay nâng chén uống một mình, tay còn lại thì gãy chân sồn sột. Người ngồi dưới cứ việc tỏ vẻ khó chịu, lão cũng mặc xác.

“ Cỗ bàn hôm nay đều do sơn trang Bách Điểu chuẩn bị. Bọn chúng trông thì giang hồ thảo mãng vậy thôi, chứ cũng là dạng phú hộ địa chủ có hàng trăm mẫu ruộng sâu, nghìn con trâu nái chứ không ít. Mỗi năm tô thuế thu về phải chất mấy chục rương hòm mới xuể. ”

Phạm Ngũ Thư nhìn qua chỗ Phan Chiến Thắng, thấp giọng.

Tạng Cẩu nghe xong, bèn thì thầm:

“ Tức là chú với anh Hổ đang ăn chùa uống không của kẻ thù hả? ”

“ Cũng có thể nói thế. ”

Phạm Ngũ Thư mới nói dứt lời, thì Tạng Cẩu đã nhoài lên bốc lấy bốc để đồ ăn nhai ngấu nghiến. Thằng bé từ nhỏ đã lang thang đầu đường xó chợ, thìa đũa gì nó cũng không biết dùng. Thành thử tướng ăn của nó xấu thấy sợ. Phạm Ngũ Thư với Lê Hổ nhìn lên ông thầy, lại nhìn xuống đứa học trò, chỉ biết lắc đầu cười với nhau.

Ăn ngấu ăn nghiến như thế, thành ra chỉ được một chốc là Cẩu đã nghẹn. Tay nó cứ đập mãi xuống phản, miệng ú ú ớ ớ. Người ngoài nhìn vào, trông vừa thấy bực mà lại vừa thấy buồn cười.

Lê Hổ ngồi cạnh thấy nó nghẹn, bèn tìm vội một chén nước trắng đưa sang cho Cẩu. Nào có biết ấy là chén rượu. Tạng Cẩu uống phải rượu nếp thơm, chỉ thấy cổ họng nó vừa cay lại nóng bừng lên. Máu trong người cứ như sôi sục, rất khó chịu. Mâm cỗ lại được mẻ cười to, còn Lê Hổ thì áy náy gãi đầu.

Ngũ Thư thấy nó như vậy, bèn nghĩ ra một cách. Y tháo luôn sợi dây buộc eo Tạng Cẩu ra. Được tự do, thằng bé nhảy ngay xuống đất, bắt đầu dùng khinh công chạy thật nhanh cho quên cơn khó chịu. Có thêm men cay, từng bước chạy của nó lại thêm một phần tuý ý, chút tiêu sái phóng đạt. Quả thực đã có một chút phong phạm của vua trộm.

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện