Ba ngày trôi qua thật mau…
Hồ Nguyên Trừng ngồi xếp bằng trên giường, nửa thân trên để trần lộ ra đôi vai gầy yếu và hai cánh tay khẳng khiu chẳng cường tráng gì. Lão Bộc ngồi sau lưng Nguyên Trừng, hai tay ấn vào lưng chàng mà vận công. Ở huyệt bách hội nơi đỉnh đầu Nguyên Trừng từ từ bốc lên một lớp khói đen nhàn nhạt. Ấy chính là kịch độc ẩn náu trong cơ thể chàng, hành hạ vị tướng tài ấy suốt mấy ngày qua.
Lão Bộc thu công. Nhìn những đường gân đen đúa mấy ngày trước còn nổi lên đầy cổ, bò kín cả lưng Nguyên Trừng nay đã mờ đi nhiều, đôi mắt mờ đục của lão khi ấy thoáng sáng lên niềm vui. Nhưng cảm xúc chỉ trong một phần tư cái hô hấp đã biến mất.
“ Lão Bộc, quân ta đánh đến đâu rồi? ”
Xuống giường, Hồ Nguyên Trừng với lấy chiếc áo ngoài treo ở góc màn và khoác lên mình. Mấy ngày nay, để tránh động nộ chàng đã nỗ lực hết mình để không phải nghĩ đến chiến sự.
Song nay kịch độc đã bị Lão Bộc bức ra gần hết, Hồ Nguyên Trừng thực tình không thể nhịn nổi nữa. Chàng muốn biết với những gì mình đã trù tính, quân Minh sẽ đại bại ra sao.
“ Chúng ta đang ở… Muộn Hải. ”
“ Sao??? Lão mới nói… cửa biển Muộn Hải??? Không thể nào… không thể nào… quân ta sao có thể bại trận mà lui kia chứ? Chẳng phải ta đã nói không được để soái thuyền đi trước hay sao? ”
Hồ Nguyên Trừng không dám tin vào đôi tai mình. Tin quân Đại Ngu thất bại đối với chàng mà nói chẳng khác nào tiếng sét ngang tai.
“ Không thể. Bại thế của địch đã chắc như ván đóng thuyền, đinh đóng cột thì làm sao có thể… Tay Trương Phụ này lật ngược tình thế bằng cách nào??? ”
Chàng lắc mạnh đầu, thẫn thờ ngồi lại xuống giường, hổn hển thở. Mỗi lần nghĩ đến công sức của tướng sĩ trên dưới đã đổ hết xuống sông xuống biển, ngực Nguyên Trừng lại nhói lên tưởng như muốn vỡ toác ra vậy.
“ Bẩm tướng quốc, khi đó chiến thuyền phe ta đột nhiên cứ lần lượt chìm mà không rõ nguyên nhân. Lão nghĩ có người đục thuyền, giết lính. ”
Nghe lão Bộc nói, mà Hồ Nguyên Trừng nghe cổ họng mình ngòn ngọt. Chàng vội ngồi xuống giường, dùng tay vuốt ngực mấy cái liền để khí huyết đỡ cuộn trào. Mất một lúc lâu, sắc mặt Nguyên Trừng mới khá hơn một chút.
“ Thế còn Mộc Thạnh, có giết được y không?? Cánh quân mai phục của ta ra sao? ”
Chàng nghĩ mặc dù trận này thua, nhưng nếu quân Hồ giết được Mộc Thạnh, thì vẫn chưa phải là mất hết. Trong hàng ngũ quân Minh, Trương Phụ và Mộc Thạnh giống như linh hồn của đội ngũ. Nếu một trong hay người này chết trận, sĩ khí của quân Minh sẽ bị thương tổn nặng nề.
“ Mộc Thạnh thật là một hãn tướng của nhà Minh, đã thoát khỏi thiên la địa võng của tướng quốc. Quân mai phục của ta trong rừng… đã chết sạch. ”
Phụt!!!
Nghe đến đó, thì Hồ Nguyên Trừng không nén được ngụm máu ở cổ nữa. Gối chăn, góc mùng vạt áo đều bị vấy đỏ lòm.
“ Tướng quốc hãy bình tĩnh. ”
“ Lão bảo sao ta bình tĩnh nổi? Mộc Thạnh đâu phải Phạm Ngũ Lão, hay Dã Tượng mà có khả năng một mình địch lại cả ngàn quân như thế kia chứ? Chưa kể còn Hồ Đỗ và một trăm quân kị. Ta đã đặc biệt cẩn thận dặn Hồ Xạ dẫn quân tiếp ứng ngay khi xử hết tàn binh của Thạnh rồi kia mà? Đáng lẽ không thể có kẽ hở. Trừ phi… hai tên ngu ngốc này!! ”
Hồ Nguyên Trừng tức đến nỗi có lẽ dù không trúng độc chàng cũng sẽ phun máu. Lửa giận bốc cao khiến máu lưu thông càng nhanh, khiến những chất độc còn thừa lại nhân cơ hội theo máu lan dần tới trái tim. Nguyên Trừng thấy trong tim như có lửa, ngực tức như bị chuỳ giáng bèn phun ra ngụm máu thứ hai.
Trong lúc thần trí mơ mơ hồ hồ, chàng bất giác nhớ lại một sự kiện xảy ra trên đường hành quân.
“ Tại… sao??? ”
Hồ Nguyên Trừng ngã sấp xuống, miệng và cổ be bét máu. Chàng đưa tay chới với ra phía trước, về hướng cửa khoang thuyền, thều thào hỏi mảnh trăng treo cao trên bầu trời. Ánh sáng bàng bạc rọi xuống một lời an ủi dịu êm.
Tạng Cẩu tận mắt thấy hơn một ngàn tù binh người Việt bị quân Minh tóm được trong trận chiến ba ngày trước. Mộc Thạnh và Trương Phụ lệnh cho quân sĩ lôi những người này ra chém đầu ngay bên dòng sông. Trong số họ quá nửa là thường dân vận chuyển lương thảo, hoả dược. Những người này kẻ trẻ nhất mới mười bốn, người già cả thì đã năm mươi. Song họ đều có điểm chung là bị Hồ Hán Thương ép phải tòng quân.
Tạng Cẩu không nỡ nhìn đồng bào bị giết. Những thường dân ấy khiến nó nhớ về các cô, các bác ở thôn quê đã cháy rụi của mình. Cẩu lại nghĩ: [ Người bị mình giết là tướng quân nhà Hồ, nếu dưới suối vàng y biết cái chết của y có thể đổi lấy mạng sống cho đồng bạn thì chắc sẽ được nhắm mắt xuôi tay. ]
Nó bèn cầu tình với Phụ.
“ Trương nguyên soái… con còn chưa được thưởng lần trước, có thể dùng công lao này đổi lấy sinh mạng cho họ không? Chỉ những người già, trẻ con thôi cũng được. Nếu không thì một trăm người thôi… ”
Song Phụ chỉ cười khẩy, nói: " Trẻ con vẫn là chưa đủ nhẫn tâm. Nhóc chẳng cần phí công lao hãn mã khó lắm mới lập được ấy cho đám An Nam mọi rợ này đâu, thôi ý ta quyết rồi, đi chỗ khác chơi. ”
Y nghĩ bụng Tạng Cẩu còn nhỏ, từ tấm bé lại phải chứng kiến cảnh thây chất đầy đồng trong cuộc xâm lược lần thứ nhất nên bị ám ảnh cũng là lẽ thường chứ không thực sự đồng tình với người Nam nên có thể bỏ qua.
Cậu bé sợ sệt quay ngoắt đi, nghĩ thầm: [ Nguy hiểm quá, thì ra hai ông có râu đều ác hơn quỷ. Trước khi mình học được bản lĩnh để trả thù thì không thể để họ biết mình là người Đại Ngu được. ]
Tạng Cẩu nén đau buồn và sợ hãi để ở lại.
Cậu bé biết mình chỉ là một đứa ăn xin tám tuổi, không những mồ côi, nơi để mà về cũng chẳng có. Trong khi kẻ thù lại là đại tướng quân nhà Hồ oai danh hiển hách, trong tay nắm mấy trăm binh lính. Hai bên chênh lệch vô cùng, tựa như con đom đóm muốn tranh sáng với vầng trăng.
Ở lại doanh trại quân Minh, Tạng Cẩu còn học được chút ít công phu quyền cước kiếm thương. Nếu như hiện giờ trốn đi, không cẩn thận lại trở về nếp sinh hoạt bình đạm thường nhật của một nông phu, hoặc tệ hơn là chết mất xác trong thời loạn lạc.
Từ sau khi Liễu Thăng dạy nó Tuyết Trai kiếm pháp, Tạng Cẩu đã bỏ hẳn ý lặng lẽ rời khỏi doanh trại quân Minh của mình.
Tối ấy Tạng Cẩu len lén mang bát hương, chén nước dùng hồi kết bái với Liễu Thăng ra chỗ bờ sông. Máu tươi như khiến dòng sông thêm đỏ nước, âm vang tiếng khóc vọng mãi ra xa. Cẩu đặt bát hương xuống, cắm ba nhánh cỏ vào rồi mồi lửa đốt. Khói đen thui bốc lên cao, như lời an ủi của chú chó mất nhà đến những người hùng vong mạng. Tạng Cẩu trộm lấy một ít rượu đổ ra đầy hai chén, rót xuống sông. Nó không hay chữ, nên chẳng biết khấn gì ngoài:
" Những người đã chết hôm nay ơi, các ngài đi rồi thì coi như thù oán đã bị nước sông rửa sạch. Trên đường xuống suối vàng đừng có gây gổ nhau, kẻo lũ đầu trâu mặt ngựa lại đánh đập cho thì phải tội. Chớcó ở lại dương gian mà thành quỷ, làm hại người còn sống. ”
Xong xuôi, Tạng Cẩu mới thu dọn đồ đạc rồi rón rén về trướng bồng của Liễu Thăng.
Ít lâu sau đấy, nó lại kể chuyện mình có thù với quân Hồ cho Liễu Thăng nghe. Tất nhiên không nói rõ chi tiết, chỉ kể rằng “ người thân ” của mình bị quân nhà Hồ thảm sát mà thôi.
Sau khi Tử Tiêm biết chuyện ấy thì giận đỏ cả mặt. Nhưng cậu đâu thể đập bàn phá ghế, quăng chén quật đũa, miệng quát oang oang như kẻ tầm thường khác được. Với ánh mắt ác liệt và sắc như lưỡi chớp trên trời, Liễu Thăng vỗ vai Tạng Cẩu, nói rất bình thản:
“ Đệ yên tâm, sau này cứ gặp một tướng nhà Ngu nào trên chiến trường, người làm đại ca này ắt sẽ chọc y mấy chục thương, biến y thành tổ ong luôn để nghĩa phụ, nghĩa mẫu trên trời được hả dạ. ”
Ngữ khí Tử Tiêm đanh thép như chém đinh chặt sắt, lại tràn đầy lửa giận. Người ngoài không biết, có lẽ còn tưởng người chết là cha mẹ thân sinh của cậu.
Tạng Cẩu cảm động lắm, thầm thấy xẩu hổ vì đã có ý dối gạt Liễu Thăng. Nó lại nghĩ: [ mình cứ giả ngốc thế này, anh Thăng chắc cũng đâm chán. Có khi muốn dạy mình vài độc chiêu, nhưng nghĩ lại rồi cũng đành phải ngao ngán thở dài. ]
Từ đó, cậu không giả ngu lúc học võ nữa.
Liễu Thăng thấy tốc độ học tập của Tạng Cẩu đột nhiên tăng mạnh, không khỏi lấy làm mừng rỡ. Dù cậu ăn mày đọc không thông nói không thạo tiếng Hoa, không thể tu luyện nội công nhưng Liễu Thăng cảm thấy không cần vội.
[ Trước cứ dạy đệ ấy chiêu thức ngoại công. Lúc nào về bắc, Tạng Cẩu học sõi tiếng Hán rồi thì để đệ ấy theo lão sư học nội công là được. ]
Nghĩ thế, Liễu Thăng bèn dạy cho Tạng Cẩu Nhạc gia thương pháp. Bộ thương pháp này có tất thảy ba mươi sáu chiêu, bảy mươi hai đường biến hoá. Lúc phát ra để tấn công thì uy lực mãnh liệt như giao long, lúc thu về đặng phòng thủ thì nhẹ nhàng như thảo xà.
Một khi dùng nhuần nhuyễn rồi, có thể cương nhu kiêm tề, một thương đánh ra vừa uy mãnh như rồng mà lại không mất cái uyển chuyển tinh tế của loài rắn.
Tạng Cẩu quả thực là có trí nhớ hơn người. Dù chiêu thức phức tạp đến đâu cậu cũng có thể nhìn qua là nhớ, học rồi không quên. Mất ba ngày, cậu đã có thể dùng Nhạc gia thương pháp để so chiêu với Liễu Thăng.
Hai người dùng côn thay thương giao thủ, Tử Tiêm ngầm đặt ra quy tắc bản thân không được dùng nội lực ăn hiếp nghĩa đệ. Nào ngờ mới qua một tuần, Tạng Cẩu đã có thể đánh với cậu đến hơn năm mươi chiêu vẫn ngang tài. Liễu Thăng nếu như muốn thắng trước chiêu thứ năm mươi thì phải dùng đến nội lực.
Liễu Thăng thấy Tạng Cẩu học nhanh như thế cũng kinh sợ lắm. Phải biết, người Tàu có câu: “ Nguyệt Côn, Niên Đao, Nhất bối tử Thương ”. Dịch ra là luyện côn tính tháng, luyện đao tính năm nhưng luyện thương thì cả đời. Thế mà Tạng Cẩu chỉ dùng vỏn vẹn ba ngày để học thuộc lòng cách đánh 108 chiêu của Nhạc gia thương pháp, lại mất đúng một tuần để thuần thục.
Hơn nữa, mặc dù lúc đầu sử dụng ra còn hơi trúc trắc, nhưng đã có thể giao thủ cùng người đã đắm chìm trong bộ Nhạc gia thương pháp này mấy năm ròng là Liễu Thăng. Các biến hoá chiêu thức, thứ tự ra chiêu
cơ hồ đều bị nhìn thấu khiến cậu chỉ có thể ỷ vào nội lực hùng hậu mới thắng được Tạng Cẩu.
[ Lẽ nào Tạng Cẩu là bậc kì tài luyện võ? ]
Hai người vừa hành quân, vừa lấy việc luyện tập làm vui. Một người cứ dạy, kẻ kia cứ học, lúc rảnh rỗi lại ngồi nói mấy chuyện trên trời dưới biển.
Tạng Cẩu còn trẻ con, rất thích nghe kể chuyện. Lúc rảnh Liễu Thăng thường nhớ lại những chuyện xưa tích cũ kể cho nó nghe. Tử Tiêm là con nhà võ tướng, truyện mà cậu ta được nghe được đọc đều kể về các bậc tướng tài, võ dũng năm xưa.
Có đứa trẻ nào không từng mơ mình là anh hùng cứu nhân độ thế? Tạng Cẩu cũng vậy.
Nó ngồi nghe mà nhớ đến những lần ông trưởng thôn ngồi dưới gốc đa, một tay phẩy quạt mo cau, tay kia bưng bát nước chè tươi nấu đặc. Xung quanh ông ngồi la liệt một đám trẻ con, Tạng Cẩu cũng ngồi một mình một góc say sưa với từng câu chữ.
Trưởng thôn vừa uống chè, vừa gãi chân sồn sột mà kể chuyện xưa tích cũ cho bọn trẻ con. Nào là ông Bụt, nào là cô Tấm, nào chàng Thạch Sanh (*). Câu kể quyện hương trầu và mùi lá chè thơm dung dị mà huyền ảo, phảng vào cơn mơ những giây phút nao lòng, những bài ca oanh liệt…
Mỗi lần nghe, Tạng Cẩu đều hồi tưởng lại những ký ức long lanh ánh lửa ấm lòng khi ấy. Hễ cứ nghĩ đến việc sau này không còn gốc đa, không còn ánh lửa, không còn hương chè mùi cau thơm thơm đưa câu kể nữa là nó không kìm được nước mắt.
Liễu Thăng kể rất nhiều, từ Bạch Khởi thời nhà Tần, đến Quan Vân Trường thời Tam Quốc, Hàn Tín đời Hán rồi cả Nhạc Phi thời Tống…
Cẩu càng nghe càng thấy thích tai, lại giả như thuận miệng hỏi Liễu Thăng về các bậc anh hùng danh tướng người Nam. Thăng thấy vậy cười khẩy, nói:
“ Phía nam đất chật người thưa, là vùng sinh sống của người man di thì làm gì có nhân tài? Đợi lúc quân ta khải hoàn hồi kinh, đại ca sẽ dẫn đệ đi thăm thú quê cũ, gặp gỡ anh hùng hảo hán chân chính. ”
Tạng Cẩu dĩ nhiên không phục, nhưng cậu là cô nhi không được học hành. Trước giờ nó nghe toàn là cổ tích, nói ra cũng bị họ Liễu cười xoà không để ý đến, thành ra Cẩu không biết phản bác làm sao, chỉ đành ngậm tăm. Dẫu vậy, trong lòng vẫn ấm ức lắm.
Cánh quân do Mộc Thạnh dẫn đầu thừa thắng tiến công. Lúc ấy quân Minh sĩ khí đang thịnh, hai tướng Hồ Xạ và Hồ Đỗ gắng hết lực cũng không giữ được Bình Than. Đành mang tàn quân qua cửa Thái Bình đến Muộn Hải hợp binh với Hồ Nguyên Trừng. Các tướng cùng đắp luỹ, đúc súng, huy động nhân lực ra mặt trận.
Sáng hôm ấy, Trương Phụ và Mộc Thạnh đem quân đuổi tới Muộn Hải. Hai tướng hạ lệnh ba quân cắm trại dựng lều, nghỉ ngơi tại chỗ. Đúng giờ ngọ sẽ khai chiến với quân Ngu, tái chiến với Hồ Nguyên Trừng.
Liễu Thăng là bách phu trưởng, nên chắc chắn sẽ tham chiến. Hiện tại cậu đang bận bịu chuẩn bị khí xuất hành, thắng lại yên cương cho chiến mã. Tạng Cẩu thì giúp đánh bóng giáp trụ và mài lại mũi thương cho Liễu Thăng. Cậu bé sẽ không ra trận hôm nay, điều đó làm Tạng Cẩu thấy nhẹ nhõm.
Nó không muốn phải đánh nhau với đồng bào, kể cả khi nó hận quân Ngu thấu xương tận tuỷ đi nữa. Tạng Cẩu còn muốn sống nữa, bởi đó là điều kiện tiên quyết để có thể trả thù kẻ đã tàn sát hết người trong thôn.
Nó không hề biết Mạc Thuý và bè lũ dưới trướng hắn đã quy hàng Mộc Thạnh và Trương Phụ, chỉ biết đó là tướng của nhà Ngu mà thôi. Ấy là do Mộc Thạnh, Trương Phụ tận dụng hàng tướng nhà Ngu để mị dân rất giỏi.
Một mặt, hai người này để Mạc Thuý, Đặng Nguyên, Nguyễn Huân…v.v… dẫn quân Đại Ngu, treo cao cờ Đại Ngu càn quét qua các thôn làng dọc sông Phú Lương. Mặt khác lại để quân Minh nhân danh “ phù Trần diệt Hồ ” để mà “ cứu trợ ” những người này.
Ai khoẻ mạnh thì nhận vào quân tải lương, còn già yếu bệnh tật thì cho lương đưa áo rồi thả họ về phương nam.
Dân ta dù có nhiều ưu điểm như cần cù chịu khó, nhưng cũng có đôi ba nét xấu. Một trong số ấy là hay đưa chuyện, nói quá sự thật. Vậy nên các cụ xưa mới có câu: “ Chỉ đâu mà buộc ngang trờ i? / Tay đâu mà bụm miệng người thế gian? ”.
Nhờ những tin đồn, hình ảnh vua quan nhà Hồ càng lúc càng bị bôi tro trát trấu, trong khi quân Minh được một bộ phận lớn nhân dân coi là hiện thân của chính nghĩa. Vì thế, Tạng Cẩu cũng hi vọng quân Minh thắng trận để nhà Trần được phục hưng.
Hồ Quý Li không được lòng dân, lại thêm việc Hồ Hán Thương nặng nề chuyện thuế khoá, bắt lính để chuẩn bị chiến tranh. Những chính sách ấy khiến cuộc sống thường dân trong thiên hạ đã đói càng thêm khổ. Người sống trong thôn Điếu Ngư ghét cay ghét đắng nhà Hồ. Chín phần mười thôn dân không ưa gì Giản Định Đế và quan lại dưới quyền, già trẻ gái trai đều không ngoại lệ.
Nó thực sự có ảnh hưởng lớn đến Cẩu.
Chính ngọ…
Trương Phụ cho quân nổi trống trận. Những tiếng “ thùng, thùng ” trầm và vang, lướt qua cửa sông Thái Bình để vọng ra mãi ngoài biển. Theo tiếng trống, những lá cờ đuôi nheo của quân Minh được giương cao, tung bay phần phật trong gió. Sĩ khí quân Minh leo thang theo từng tiếng trống dõng dạc.
Mặt kia sông, Hồ Nguyên Trừng mang theo đại binh sắp sẵn trận thế đón chờ. Bên bờ, từng lớp từng lớp luỹ đất cao cao ẩn hiện, xen kẽ nhau giữa màu xanh của thảm cỏ và rừng thưa.
Hồ Nguyên Trừng bước từng bước lên thành cao. Chiến giáp bằng sắt xô vào nhau tạo thành những tiếng vang nặng nề. Đã biến mất rồi bóng ma chán nản, uể oải nơi đáy mắt của nửa tháng trước. Phản chiếu trong đôi con ngươi của chàng hiện giờ là ngọn lửa quyết tâm cháy rừng rực. Nguyên Trừng nhìn về phía đội binh thuyền của quân Minh bên kia sông, trên gương mặt chỉ có vẻ thản nhiên.
Người Nam ta khác với dân tộc phương Bắc luôn có dã tâm bành trướng xâm lược kẻ khác, ỷ mạnh hiếu yếu, ngạo mạn tự cho mình là bá chủ duy nhã độc tôn. Dân Nam chân chất, khiêm tốn như cục đất, song đồng thời cũng gan lì như mảnh đất hình rồng này. Chẳng cần những binh thánh, không có các chiến thần cũng chẳng phải có võ vương võ hoàng gì như người ta. Song hùng mạnh như thiết kị Mông Cổ nam tiến cũng bị người nông dân chân lấm tay bùn đánh ba lần ngã ngựa, đông đảo như thuỷ binh nhà Tống mà dám sang vẫn phải bị những ngọn chông dân chài cho vùi thây nơi lòng sông Bạch Đằng.
Đau thương thật đấy, nhưng có hề chi?? Mất mạng hôm nay, thì có xá gì? Để giếng nước gốc đa mãi lấp ló sau những luỹ tre, để miếng cau lá trầu vĩnh viễn thơm cay trên bàn thờ tiên tổ, để câu ca dao và tiếng sáo của trẻ chăn trâu tiếp tục vang vọng khắp làng trên xóm dưới… Đôi chân vạm vỡ của người anh hùng dân dã ấy sẽ không bao giờ cong, sống lưng người sẽ còn mãi thẳng.
Thất bại khi trước, dù vẫn xót thương cho những chiến sĩ kiên cường đã anh dũng hy sinh vệ quốc, song Hồ Nguyên Trừng vẫn đứng lên lần nữa. Trong trái tim chỉ có quyết tâm, trong đôi mắt chẳng còn gì ngoài chiến ý, chàng chậm rãi bước lên trước ba quân. Trận chiến hôm nay không chỉ là một cơ hội để bẻ gãy thế tấn công như thác đổ của quân Minh, mà còn là để chứng minh thực lực của binh tướng trời Nam và trả thù cho những người đã bất hạnh ngã xuống. Nhìn xuống ba quân đang dàn trận, Nguyên Trừng hít sâu một tiếng, quát mà tiếng nghe khàn đặc cả lại.
“ Ba quân nghe lệnh!! ”
Trống trận bắt đầu nổi lên, dồn dập và mạnh mẽ hoà cùng với tiếng nói của Nguyên Trừng. Binh tốt Đại Ngu nhanh nhẹn ổn định hàng ngũ, nghiêm trang " dạ " ran một tiếng.
“ Giặc Minh đang ở bên kia sông! Chính chúng đã giết hại anh em, bè bạn, người thân của chúng ta. Chúng đốt làng xóm, huỷ ruộng nương ta. Chúng bắt vợ con chúng ta để thoả tính súc sinh, giết cha mẹ chúng ta để mãn lòng dã thú. Mọi người nói chúng ta có nên lấy máu Trương Phụ nhuộm cờ, dùng xương Mộc Thạnh làm cán hay không? ”
“ Giết giặc Minh, lấy máu tế cờ!!! ”
“ Tiến Lên! Tái chiến một trận thật oanh liệt, cho đám giặc cướp nước biết nước Nam anh hùng ta có chủ! ”
“ GIẾT! ”
Tiếng hô vang của quân sĩ nhà Hồ khuấy động nước sông, hoà trong âm thanh mạnh mẽ của trống trận. Sông Hồng như cũng cuộn trào lên, trợ uy cho những người con xứ sở.
Trên lâu thuyền, Trương Phụ đang giám sát tam quân cũng phải giật mình một cái, vội quay đầu nhìn về hướng quân Nam.
Dù không thấy được mặt nhau, nhưng vị thống lĩnh thiện chiến của nhà Minh đã ngay lập tức nhận ra mình đã tái ngộ đối thủ khó nhằn lần trước. Y nắm chặt hai tay trong một nỗ lực nhằm che giấu những giọt mồ hôi lạnh đang ứa dần ra.
“ Xuất chiến!!! ”
(*) chú thích: Truyện Thạch Sanh là một truyện thơ xuất hiện vào thế kỷ 16. Trước ấy đã có những bản tiền thân lưu truyền trong dân gian, thậm chí ở cả Cam Pu Chia và Lào cũng có những dị bản riêng.