Tháng mười Trà châu mưa liên miên, lúc buông rèm ngồi, có thể nghe tiếng mưa ngoài cửa sổ táp vào khóm chuối. La Mục không mặc quan phục, mà mặc đạo bào ngồi bên dưới. Ông nhìn quanh, thấy bên trong lầu trà người đã chật ních, khách đến từ năm sông bốn biển, chân giẫm giày xỏ, người mặc áo tơi nhiều không đếm xuể.
Qua trưa, hương cạnh cửa sổ đã đốt hết. La Mục nghe tiếng động, đứng dậy ngó ra ngoài cửa. Chỉ thấy chiếc ô giấy dầu khẽ động, bên dưới hiện ra vạt áo dài (*) màu xanh thẫm. Tay áo uốn quanh đầu gối, bên trong ấy có con mèo đang nằm, xương cổ tay thanh tú lộ ra làm nổi bật lên năm ngón tay thon dài mạnh mẽ.
Diêu Ôn Ngọc cúi mình trên xe lăn, nói thành khẩn: “Chư vị tiền bối chờ lâu rồi.”
Bánh xe nhẹ nghiến qua sàn gỗ, Kiều Thiên Nhai đẩy Diêu Ôn Ngọc vào trong. Tiếng bàn tán xì xào ngay tức thì rộ lên trong quán trà, ai ban nãy chưa cởi nón đều nhất loạt cởi xuống, vô số ánh mắt chú mục vào Diêu Ôn Ngọc.
Diêu Ôn Ngọc dừng lại trước ô cửa sổ tròn.
“Hôm nay chúng ta tụ hội ở đây, tất cả là vì đến dự lời mời thanh đàm của tiểu hữu Nguyên Trác.” Mai lão ở Cầm châu dập tẩu thuốc, nhìn Diêu Ôn Ngọc, “Một năm không gặp, phong thái của tiểu hữu đã vượt xa lúc trước rồi.”
Trà nước đã đâu vào đấy, hương lại đốt thêm.
Cái gọi là thanh đàm, chính là đàm đạo. Chủ khách ngồi đối diện nhau, tuyệt đối không đề cập đến quan trường việc dân, chỉ bàn về những thứ uyên thâm huyền diệu, cho nên hôm nay La Mục mới không mặc quan phục. Bọn họ muốn lúc nói chuyện phải ngươi một câu ta một câu, ấy không chỉ đòi hỏi người tham dự thanh đàm phải học rộng biết nhiều, mà còn cần bọn họ phải nói năng tinh tế dễ nghe.
Diêu Ôn Ngọc du ngoạn năm trời bốn bể rành việc này vô cùng, bởi vậy mới có thể nhất hô bá ứng, mở tọa đàm ở Trà châu. Phong cách nói lúc trước của y mới lạ độc đáo, bởi vì xuất thân từ danh môn mà lại không nhập sĩ, cho nên lại càng được lòng những ẩn sĩ hơn cả Hải Lương Nghi.
Mai lão đã ngồi đợi nửa canh giờ, sau khi hàn huyên mấy câu thì không lãng phí thời gian nữa, nói thẳng: “Ta thấy tiểu hữu đã thay đổi rồi.”
Diêu Ôn Ngọc nói: “Thân này không phải thân ta, đổi này không phải ta đổi.”
Mai lão không hút thuốc nữa, nói: “Chính mắt ta chứng kiến, nếu ngươi không thay đổi, sao lại không đứng dậy?”
Diêu Ôn Ngọc đặt cây phất trần vừa mới cầm trong tay xuống, nói: “Một năm trước ta nhã đàm cùng tiên sinh ở Cầm châu, là đứng có phải không?”
Mai lão nói: “Dĩ nhiên là đứng rồi.”
Diêu Ôn Ngọc đáp ngay: “Vậy bây giờ ta vẫn là đứng.”
La Mục đã từng tham dự thanh đàm lúc đi học ở Đăng châu, nhưng khi đó toàn là ngồi đàm đạo giữa chúng bạn đồng môn ở thư viện, Khổng Lĩnh cũng ngụy biện giỏi cực kỳ. Nhưng ông không biết vì sao, hôm nay Khổng Lĩnh lại chưa đến. Cuộc đàm đạo tiếp tục, mưa bụi ngoài lầu rơi không ngớt, người tham dự không khỏi tĩnh khí ngưng thần.
Kiều Thiên Nhai tựa lưng vào cửa, nhìn hạt mưa bắn tóe ngoài hiên, nhuộm núi xa trong ảo mộng xám trắng. Tiếng Diêu Ôn Ngọc thanh thoát, lúc giải thích không nóng không vội, như thể y đang thả cờ trong viện, từng con từng con một, tách vào trong mưa.
***
Lý Kiếm Đình ngồi vào chỗ, hỏi Tiết Tu Trác: “Nếu thanh đàm có thể triệu tập chúng hiền tài, tiên sinh, sao Thái học lại không mở thanh đàm?”
Tiết Tu Trác đóng sách, hỏi ngược lại: “Ai có thể tham gia thanh đàm?”
Lý Kiếm Đình đáp: “Chi sĩ có học trong thiên hạ.”
“Sai rồi,” Tiết Tu Trác nhìn thẳng vào Lý Kiếm Đình, “là những hạng ăn không ngồi rồi vô lo nghĩ của thiên hạ.”
Tiết Tu Trác đã từng tham dự thanh đàm rồi, nhưng số lần chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Cái gọi là thanh đàm, trong mắt hắn và những triều thần như Giang Thanh Sơn chính là không đàm, những con người này không nghị việc nước, cũng chẳng nghị việc dân. Thanh đàm thịnh hành nhất ở mười ba thành Quyết Tây, sau đó là tám thành Khuất đô, sở dĩ đám con cháu thế gia như Phan Lận đặc biệt tôn sùng Diêu Ôn Ngọc, chính là bởi Diêu Ôn Ngọc hồi trước rất ít dây dưa vào chính sự, đây là một loại bất tục. Nhưng cái loại bất tục ấy nhất định phải dựa trên một tiền đề, đó là không phải lo cơm áo gạo tiền, sau năm Hàm Đức thanh đàm ở Trung Bác đã hoàn toàn biến mất, chẳng lẽ là bởi Trung Bác không có chi sĩ có học sao? Nguyên nhân chính là bởi Trung Bác không còn những hạng ăn không ngồi rồi vô lo nghĩ nữa.
Lý Kiếm Đình ngẫm nghĩ một lát, rồi nói: “Nếu thế, hôm nay Diêu Ôn Ngọc mời những người ăn không ngồi rồi vô lo nghĩ trong thiên hạ thì có ích lợi gì chứ?”
Tiết Tu Trác im lặng phút chốc, liếc mắt nhìn khóm chuối đong đưa trước cửa sổ, mưa rơi đến xiết, như cái ngày hắn đánh cờ cùng Diêu Ôn Ngọc ấy.
***
Bên ngoài trà lâu sắc trời đã tối, thanh đàm vẫn chưa kết thúc. Mai lão tuổi cao, giờ ngồi nhiều đã mệt. Ông tranh luận với Diêu Ôn Ngọc về “đổi và không đổi,” uống mấy chén trà để nhuận họng.
Mai lão hắng giọng, nói: “Ta bảo đổi, ý là thân thể bây giờ thay đổi. Không chỉ có vậy, ngươi đã thay đổi, thời gian thay đổi, thế gian cũng thay đổi, ngươi đã sớm không còn là ngươi vừa nãy, ngươi càng không còn là ngươi một năm trước.”
Mọi ánh mắt đều dồn về phía Diêu Ôn Ngọc, chờ lời đáp của y. Nhưng Diêu Ôn Ngọc chậm rãi buông tay áo xuống, ngồi trong xe lăn hành lễ với Mai lão, nói: “Tiên sinh nói không sai.”
Câu này vừa ra, bốn bề rộn lên. Chủ đề luận đàm này rõ ràng vẫn chưa kết thúc. Bọn họ vượt ngàn dặm xa xôi đến đây, chính là muốn nghe một màn đấu thế, nào ngờ Diêu Ôn Ngọc lại dừng ngay ở đó mà tự mình nhận thua.
“Thời kỳ Vĩnh Nghi hưng thịnh cũng đã không còn, Đại Chu đã là mặt trời sắp lặn. Nay Đông Bắc giặc ngoài xâm phạm, Tây Nam quan thương cấu kết, nơi có thể đàm đạo về vũ trụ huyền diệu còn được mấy đây?”
Quần chúng nghe đến đây tức thì nhao nhao lên, Mai lão ném “coong” chiếc tẩu thuốc xuống đất, lấy tay áo che mũi lại, phẫn nộ thốt lên: “Thối! Thối! Thối! Thối không ngửi nổi, tục không chịu nổi! Sao Diêu Nguyên Trác lại biến thành Hải Nhân Thời rồi!”
Bàn trà xê lộn, đã có người đứng dậy. La Mục bèn vội vàng đứng dậy theo, toan can lại, nhưng lại nghe thấy Diêu Ôn Ngọc cười lên trước cửa sổ. Y càng cười càng lớn giọng: “Tình trạng tham ô ruộng dân của tám thành nghiêm trọng xiết bao, gặp người chết đói dọc đường từ lâu đã chẳng còn là lời suông trong mộng —— ta đã thay đổi, thế gian cũng đã thay đổi, tiên sinh thân ở trong ấy, còn có thể duy trì được bao lâu mà không thay đổi đây?”
Mai lão vốn đã định rời bàn, nghe vậy lại không kiềm chế được, nói: “Vạn vật không sinh dưỡng
ắt sẽ diệt, đổi hay không đổi đều có an bài. Ngươi thay đổi nguyên đạo, rơi vào lưới trần, cũng muốn học Tề Huệ Liên, Hải Lương Nghi kia làm quân tử hay sao!”
Diêu Ôn Ngọc nói: “Hôm nay ép ta thay đổi không phải ai khác, chính là tiên sinh, chính là thế gian.”
Mai lão hít một hơi không thốt nổi nên lời, tì vào bàn trà, nói: “Vô vi mà trị*, đạo pháp tự nhiên! Tề Huệ Liên thay đổi cái gì? Hải Lương Nghi thay đổi cái gì? Ngươi bước vào quá khứ của bọn họ, Nguyên Trác, Nguyên Trác à! Đây là việc vô dụng!”
(*(Cai) trị bằng cách thuận theo tự nhiên.)Nét mặt Diêu Ôn Ngọc hơi dịu đi, nói: “Nếu đạo pháp tự nhiên, vậy thì trời này phải đổi tức đổi, thế này đang loạn tức loạn. Tiên sinh có thể tiếp tục khoanh tay đứng nhìn, ta đã từ bỏ nguyên đạo rồi, muốn nhập vào thế loạn này.”
Mai lão cồn ruột giạm chân bình bịch, gào lên như một đứa trẻ: “Không được, ngươi quay về! Ngươi quay về ngay!”
Tiết Tu Trác cho rằng thiên hạ có đạo, lấy đạo tuẫn người; thiên hạ không đạo, lấy người tuẫn đạo [1]. Lẽ ấy Tề thái phó thờ phụng, Hải các lão cũng thờ phụng, trong bọn họ chỉ có Diêu Ôn Ngọc là không. Nhưng hành động ngày hôm nay của Diêu Ôn Ngọc, rõ ràng là chính miệng mình đã đập tan những chuỗi ngày thuận theo tự nhiên, tỏ rõ từ nay về sau y vứt bỏ thân cũ, trở thành người trong thế.
Mưa rơi mưa táp, lao xuống trước mắt Kiều Thiên Nhai, nhỏ vào trong vũng nước, nước khẽ tóe ra, gợn sóng lan tỏa. Một con cá nhỏ nhảy vọt ra từ giữa gợn nước, bị Khổng Lĩnh ở ngay cạnh ao bắt được, thả trở về.
Phí Thịnh che ô, Khổng Lĩnh và Thẩm Trạch Xuyên đội nón lá, thả câu bên ao.
Khổng Lĩnh lại quăng dây câu ra, nói: “Sau hôm nay, chi sĩ có chí đều sẽ quần tụ về Từ châu.”
Thẩm Trạch Xuyên cầm cần câu, đáp lời: “Nếu chi sĩ có chí đều tốt như vậy, ta với tiên sinh cớ gì phải đến nỗi trời xui đất khiến.”
Khổng Lĩnh bật cười, tránh đáp, chỉ cảm khái: “Hành động này của Nguyên Trác là ‘đổi đạo’, cũng là ‘thừa đạo’, là để nói rõ cho thiên hạ di chí của Hải các lão vẫn còn tồn tại ở Từ châu, y không còn là y trước kia nữa.”
“Giấy mực Thần Uy đã viết đâu vào đấy rồi,” Thẩm Trạch Xuyên nói, “uy tín của Nguyên Trác trong lòng học sinh thiên hạ có thể cứu vãn được hay không thì phải xem bài tự tình của hắn.”
Ban đầu Diêu Ôn Ngọc bị học sinh công kích trong biến cố Thái học, chính là bởi y xuất thế, nhưng nay y đã mỗi người một ngả với đám Mai lão, lại mượn cả bút lực khuếch trương cực độc của Cao Trọng Hùng, đôi chân gãy kia có thể biến thành tỏ rõ ý chí. Không chỉ vậy, nghi vấn theo sau chắc chắn sẽ bao gồm tại sao y phải đến Từ châu? Nếu như y là người mang tội, vậy thì tại sao triều đình lại mãi không phái ai đến bắt? Suy luận thêm theo vấn đề ấy một chút, là có thể thấy Trung Bác đã tách ra.
“Bởi vì Thiên Sâm đế qua đời nên kỳ thi Hương năm nay hủy bỏ, sau đó Hải các lão tử gián, Thái học tấn công quan viên hàn môn, không ít người trong đó từ chức bỏ việc. Khuất đô mùa đông này còn phải duy trì ổn định ba phương,” Thẩm Trạch Xuyên rung cần câu xuống, “Tiết Tu Trác chỉ dựa vào trữ quân đã đặt được nửa chân vào nội các, bởi vậy Thái hậu ắt sẽ chèn ép phái thực tiễn do hắn cầm đầu, không thể để hắn trở thành quyền thần nhiếp chính thực sự, nếu vậy thì lời hứa của hắn với học sinh đến bao giờ mới thực hiện được đây? Hắn và Nguyên Trác lại là bạn cũ đồng môn, nay Nguyên Trác đến đầu nhập vào dưới trướng ta, trong này ắt có ẩn tình. Vả chăng Lý thị thất đức ai ai cũng đều đã biết từ lâu, Dực vương Phàn châu mãi không bị tiêu diệt, những kẻ bắt chước nhiều vô số kể. Giờ Tiết Tu Trác có muốn đánh trả cũng không phân thân nổi, mùa đông này dù nhìn từ phương diện nào đi chăng nữa, hắn cũng chỉ có thể chịu đánh thôi.”
“Sai lầm mà thế gia gây nên quá lớn,” Khổng Lĩnh nắm cần câu, lắc đầu, “Thái hậu không chịu buông quyền, nội các mất triệt nhân tâm, Tiết Tu Trác phe cánh chưa đủ, ba phương giằng co không đổi, tám thành tham ô ruộng dân không giải quyết được. Cứ thế kéo dài càng lâu, sẽ càng có lợi cho phủ quân.”
Đúng như bọn họ đàm luận ở đây, mấy ngày sau, bài văn của Cao Trọng Hùng được phát tán. Ảnh hưởng mà Hải Lương Nghi để lại không hề biến mất, chỉ cần ngôn từ khẩn thiết là có thể dấy nên một tràng ngùi thương. Nội dung buổi thanh đàm của Diêu Ôn Ngọc ở Trà châu đã sớm không còn quan trọng nữa, điều quan trọng chính là, dù có là đám học sinh không phân biệt nổi gạo ra kê, cũng đều phải nhìn thẳng vào một chuyện.
Đó chính là trong nửa năm ngắn ngủi, Khuất đô đã hoàn toàn mất đi khả năng duy trì ổn định thiên hạ. Người mà Diêu Ôn Ngọc nương nhờ vào tên là Thẩm Trạch Xuyên, mà nửa năm trước Thẩm Trạch Xuyên còn là tội thần cùng bỏ trốn khỏi đô với Tiêu Trì Dã, thế mà bọn họ chẳng những không bị xử tử, trái lại còn đang quật khởi.
Thái hậu không sai được quân phòng vệ Khải Đông, Hàn Thừa lại lần nữa xuất sơn, cầu tám đại doanh xuất binh tiêu diệt Thẩm Trạch Xuyên ở Từ châu xa xôi. Nhưng bộ Binh lại lấy cớ Khuất đô không có tướng để từ chối. Hội nghị chín người mười ý, cuối năm càng cận kề, quan hệ ba phương càng căng thẳng.
Tuyết vừa rơi, dân tị nạn đến nương nhờ hai châu Từ, Trà tăng vọt. Khi Đàm Đài Hổ đang chiêu binh cho quân phòng vệ ở Đôn châu, Cẩm y vệ cũng đang tuyển người mới, Thẩm Trạch Xuyên để Hải Nhật Cổ vào cùng với Cẩm y vệ. Đến lúc Thẩm Trạch Xuyên tỉnh giấc đã là tháng Mười Hai, ngay lúc y chuẩn bị quà Tết, Ly Bắc đón một trận tuyết lớn lịch sử.